Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

VỢ TÔI LỄ ÔNG... SƠN ƯỚT

Vợ chồng tôi hay đi lễ cùng nhau, nhất là vào những dịp sau Tết, nhưng mỗi người theo đuổi một mục đích khác nhau. Tôi thì đi chùa, đền, đình, miếu để được hưởng cái không khi đông vui, thời tiết mát mẻ, chụp ảnh phong cảnh đẹp và ... làm xe ôm cho vợ. Còn vợ tôi thì say mê cúng bái, kêu cầu. Chẳng sao, có niềm tin cũng tốt, có thờ có thiêng, có kiêng có lành, miễn sao không mê muội là được.
          Bà xã nhà tôi không có nhiều kiến thức về những nơi thờ tự, nên trước khi đến một ngôi chùa, ngôi đền, hay phủ nào đó, tôi dành ít phút "tập huấn chuyên môn" cho vợ. Tôi nhắc vợ, tất cả các chùa, dù to hay nhỏ, dù ở phố hay ở làng, dù đông hay vắng đều thờ phật. Chỉ cần đứng chắp tay thành kính và đọc câu "A di đà phật" là được, không cần hỏi "chùa này thờ ai", không mất công đi ngó mặt từng tượng phật, hỏi "phật này tên là gì". Phật là phật, vậy thôi. Rồi đền này thơ Đức thánh Trần, Phủ này thờ mẫu Liễu Hạnh, đền này thờ Quan Năm Tuần Tranh, đền kia thờ Hai Bà Trưng...
          Trong mỗi ngôi đền, ngoài nhân vật chính được thờ ở gian chính, thì các bàn thờ xung quanh, phía sau, bên phải, bên trái còn thờ thêm nhiều các "vị thân cận" của nhân vật chính. Dưới chân mỗi tượng thờ ấy thường đều có ghi tên, chức tước của người được thờ. Người đi lễ thường đến sát chân tượng, đọc rõ tên và chức tước của tượng người được thờ để khấn vái cho đúng, tránh trường hợp như ta vào phòng "phó giám đốc" lại cứ gọi tên "trưởng phòng", dễ mắc tội phạm thượng.
          Hôm ấy, để cho vợ vào lễ, tôi dạo quanh vườn nhà đền để chụp ảnh, bỏ chút tiền "giọt dầu" vào phòng công đức đặt ở cửa đền, rồi ra phía ngoài cổng ngồi uống chén trà nóng chờ vợ. Đợi lâu không thấy vợ ra, tôi thanh toán tiền và đi vào đền tìm, thấy vợ đang đứng trước một pho tượng mới. Cô ấy thì thầm khấn vái. Với vẻ mặt thành tâm, thành kính, nhắm tịt mắt vào, chắp tay trước ngực, xuỵt xuỵt ba cái, rồi vợ tôi lễ: Con lạy đức sơn ướt. Hôm nay là ngày đầu xuân mới, vợ chồng con là Phạm Thế Dương (tên tôi) và Nguyễn Thị Nhung đến thắp nén hương thơm, có chút lòng thành đã bỏ vào hòm công đức, xin ngài chứng giám tấm lòng của chúng con, vuốt ve che chở, phù hộ độ trì cho vợ chồng chúng con A, B, C... Tôi vỗ vai vợ hỏi: "em vừa lễ ai đấy?". Vợ tôi bảo "đức sơn ướt anh ạ, kia kìa, dưới chân tượng ghi hai chữ "sơn ướt" đấy là gì. Tôi phá lên cười, phá tan không khí trang nghiêm thành kính của nhà đền. Tôi kéo tay vợ lại gần pho tượng, bảo vợ rằng: "em lễ tinh tinh rồi, bức tượng này mới sơn, sơn còn ướt, nên nhà đền ghi hai chữ "sơn ướt" để cảnh báo mọi người đừng đến gần, đừng sờ tay vào đó, đề phòng sơn khỏi giây ra tay, chứ có phải đây là "đức sơn ướt" của em đâu. Nghe tôi giảng giải, mấy người đứng xung quanh cũng cười, bảo rằng "đúng rồi", đây là "quan đệ nhị", thế chị lễ ông "sơn ướt" à? Tức giận vì tôi không giải thích từ trước, lại còn vào bóc mẽ cô ấy trước mặt mọi người, cô ấy giận dỗi bỏ ra ngoài, tôi phải chạy theo sau mãi mới đuổi kịp...

          Rút kinh nghiệm vụ "sơn ướt", ngay phía ngoài cổng là "lầu cô" và "lầu cậu", vợ tôi hỏi tôi "đây là thờ ai". Tôi vừa nói "đây là lầu cậu", cô ấy đã nhanh nhảu xuỵt xoạt: Con lạy lầu cậu... Lần này tôi chẳng muốn giải thích nữa, bởi lầu cậu là nơi thờ "cậu" hay "cậu bé", chứ không phải thờ "đức lầu cậu", hay "ngài lầu cậu" nào. Không sao, cứ để vợ tôi lễ sao cũng được, miễn cô ấy thành tâm mong cho gia đình yên ấm, hạnh phúc, sức khỏe, bình an. Chắc các ngài cũng chẳng chấp người không biết, bởi sai mà không biết là sai thì không có tội!
          Ra bài, lấy xe máy xong, vợ tôi kéo tôi vào quán, bảo: "thôi, gần trưa rồi, vào làm bát bún ốc cho ấm bụng, rồi tiện thể đi nốt mấy nơi nữa cho mát mẻ". Trong khi ăn, cô ấy nhắc: Từ nay, em đi lễ, anh không được rời em nửa bước. Anh mắt minh, có trách nhiệm để ý xem đấy là ai, rồi bảo em để em lễ cho đúng, tránh sảy ra sơ xuất như vụ "ông sớn ướt" vừa rồi, nhớ chưa? Đang tắc nghẹn và toát mồ hôi vì bát bún ốc cay sè, tôi cũng cố đáp lại lời vợ dặn bằng hai chữ: Tuân lệnh!

          Vợ chồng không còn trẻ, ngày xuân được đi bên nhau, thành tâm cầu cúng các vị chư phật, chư thần, chư thánh phù hộ cho gia đình hạnh phúc, đất nước bình yên, mưa thuận gió hòa, đó mới là điều quan trọng nhất. Còn việc gọi đúng tên, chỉ đúng danh đức thánh, đức thần nào chẳng mấy quan trọng. Bài học hôm đi lễ "đức sơn ướt" của vợ tôi hôm đó đã cho tôi một bài học rất ý nghĩa...
ĐINH ĐOÀN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét