Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

PHONG TRÀO "ĐỦ LIKE LÀ LÀM" Ở GIỚI TRẺ...

Ths tâm lý học, chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn trả lời Phỏng vấn cho bài viết: “Trào lưu đủ like là làm: Hiểm họa thật từ những cuộc sống ảo”.
??? Phóng viên (PV): Giới trẻ dường như ngày càng táo bạo hơn trong việc thể hiện
mình. Thưa Ông, Ông nhìn nhận như thế nào về việc một số bạn trẻ đưa ra
những tuyên bố gây sốc như: đủ like là đôt mình nhảy cầu, hay đủ like
là đốt trường..., ở góc độ xã hội cũng như góc độ tâm lý ?
*** Đinh Đoàn: Trước tiên, tôi không muốn mọi người “vơ đũa cả nắm” khi nói chung về giới trẻ. Việc có vài bạn tuyên bố “đủ like là làm” chỉ là số ít, không trở thành trào lưu đâu. Chính những người đó cũng nhận ra mình dại dột và cũng là cảnh báo ngăn chặn cho những hành động dại dột của những bạn trẻ khác rồi.
          Một vài bạn đưa ra khẩu hiệu “đủ like là làm” là những bạn ban đầu chỉ vì mục đích “câu like gây sốc” thôi, chứ không có ý định làm thật. Những câu tuyên bố xanh rờn kiểu “đủ like đốt trường” hay “đủ like nhảy lầu” gây kích thích cộng động mạng, nên những người hùa theo, bấm like cho bạn đó với mục đích tò mò “để xem sao”. Nhưng mạng không ảo hoàn toàn. Những người bấm like thường là những người trong “friend list”, ít nhiều quen biết chủ nhân của những câu phát ngôn đó. Khi thấy đủ like mà chưa thấy chủ nhân “câu like” hành động, thì họ gây sức ép. Nhiều người dũng cảm xóa tài khoản facebook, hay tạm khóa để trốn tránh, không phải “làm thật”. Nhưng một số người không trốn được, bị đe dọa, cho là “nói láo”, “nói mà không làm”, như trường hợp bạn gái (đã bỏ học) ở một tỉnh miền Trung. Bạn này bị một nhóm người quây, ép phải đến trường để đốt trường trước sự chứng kiến của họ. Sợ quá, bạn này phải đến trường vào ngày nghỉ, tẩm xăng đốt cái trống trường để “thỏa lòng” những người đã bấm like cho bạn ấy. Bạn ấy trở thành nạn nhân của một trò chơi dại dột do mình khởi xướng, chứ không sung sướng gì.
          Lại nói về phong trào “khát like” tới mức phải “câu like bằng mọi trò”. Con người ta ai cũng có nhu cầu được khen ngợi, được đề cao, đánh giá, ghi nhận, đó là nhu cầu tự khẳng định – một nhu cầu cao nhất trong tháp nhu cầu Maslow. Nhưng những bạn “câu like” là những bạn thường là không biết khẳng dịnh bản thân mình bằng cách nào cho hay. Học không giỏi, hát không hay, đàn cũng dở, xinh đẹp không nổi trội, công việc làm chưa đâu vào đâu, lại rảnh rỗi, nên chưa được ai thích (like) bao giờ, nên thèm khát sự nổi tiếng. Nghĩ quẩn, đành thể hiện trên mạng ảo bằng cách khác nhau. Người thì đăng ảnh hở hang, người thì quay clip bạo lực, clip sex để tải lên, nhằm có nhiều người like. Cá biệt, một vài bạn câu like bằng cách tuyên bố “đủ like là làm” như đã nêu trên…
          Người có đủ giá trị thật không cần mấy cái like ảo.
??? PV: Theo Ông  là người cha, người mẹ của những người con này thì họ nên làm gì?
*** Đinh Đoàn: Thực tế, cha mẹ các bạn trẻ tham gia câu like bằng tuyên bố “đủ like là làm” không làm gì được nhiều. Nhiều cha mẹ còn mù mờ về mạng, nói đến facebook, zalo còn như “vịt nghe sấm”. Họ còn lo kiếm sống hoặc lo công việc của mình. Những điều con họ làm (trên mạng ảo), họ thường không biết, cho đến khi sự việc đáng tiếc xảy ra.
          Nhưng họ có thể làm là cho con cơ hội thể hiện mình là người có ích, có giá trị, để con cái có niềm vuui thực, không cần đến niềm vui ảo nữa. Ví dụ, cho con cơ hội khám phá xem con có thế mạnh về lĩnh vực gì thì đầu tư cho con để có thành tích hơn trong lĩnh vực đó. Nếu học kém hay vì lý do gì đó mà bỏ học, phải tìm cho con công ăn việc làm, vừa có thu nhập, vừa có niềm vui thật sự. Tuyệt đối không để bỏ mặc cho con lang thang, không có định hướng, không có ý nghĩa, giá trị gì, bởi “nhàn rỗi sinh nông nổi” mà.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét