Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

TRÒ CHUYỆN CÙNG "ANH TÂM GIAO" GỠ RỐI TÂM TÌNH

Chuyên gia gỡ rối Tâm Giao vốn rất quen thuộc với bạn đọc của Báo Phụ nữ Thủ đô trên các mục tư vấn, giải đáp, gỡ rối tâm tình. Điều bất ngờ là "chị Tâm Giao" lâu nay độc giả vẫn thường yêu mến, tin tưởng thổ lộ mọi nỗi niềm ấy lại là một đấng nam nhi - chuyên gia tư vấn tâm lý tình cảm, hôn nhân gia đình, Ths tâm lý học Đinh Đoàn. Nhân dịp xuân Đinh Dậu, "anh Tâm Giao" lộ diện với những câu chuyện "bếp núc" của công việc gỡ rối quanh năm của mình.

* Tại sao anh lại làm nghề tư vấn tâm lý hôn nhân, gia đình? Nghề này hình như với phụ nữ hợp hơn?
** Tại sao tôi lại không làm được nghề này, luật không cấm mà. Tôi thấy đàn ông làm được mọi việc, kể cả cắt tóc, gội đầu, làm đẹp cho phụ nữ. Ở bệnh viện phụ sản, nhiều bác sĩ nam lắm, mà toàn người giỏi, ai mà sinh con qua tay bác ấy thì rất yên tâm. Thế thì chuyện tôi làm người “gỡ rối” cũng là việc bình thường mà!
* Công việc gỡ rối của anh luôn phải đối diện với muôn vàn vấn đề rối ren, phức tạp, thậm chí là bế tắc trong cuộc sống của mọi người, nhưng lúc nào cũng phải thắp lên niềm lạc quan trở lại cho họ. Để làm được điều đó, bí quyết của anh là gì?
** Đinh Đoàn: Trước tiên mình là người sống lạc quan, nhìn mọi vấn đề của cuộc sống theo hướng tích cực, từ đó “truyền lửa” cho mọi người. Nhiều trường hợp khó tháo gỡ, ví dụ chồng đã ngoại tình, có con riêng; con nghiện ma túy, bỏ nhà theo bạn xấu; bản thân người phụ nữ trót yêu một người đàn ông có vợ mà anh ta không hứa hẹn gì; chuyện con trót dại, yêu kẻ xấu, nay đã có thai; chồng yếu sinh lý tới mức “chẳng làm ăn gì được”; tư nhiên phát hiện con trai là người đồng tính; vợ cặp bồ với bạn gái… Tôi cứ đùa những trường hợp như thế là “bác sĩ bó tay”. Không ai có thể thay đổi gì được ở những tình huống nêu trên. Khi ta không thay đổi được hiện thực, ta phải thay đổi cách nhìn về vấn đề đó.
         Câu tôi hay nói với mọi người trong những hoàn cảnh họ đang bế tắc, lúng túng, khổ đau là “thế thì đã sao nào”. Ví dụ, một cô gái bị người yêu bỏ trong khi cái thai sắp đến ngày sinh, cô ân hận, căm thù người con trai bội bạc, định uống thuốc sâu tự tử để “cho nó biết mặt”. Tôi nói với cô bé: “tự mang thai, tự đẻ con thì đã sao nào”. Cô bé nói, như thế bố mẹ cháu sẽ vất vả phải cưu mang mẹ con cháu. Tôi nói “ông bà ngoại nuôi cháu thì đã sao nào, bao nhiêu nhà ông bà ngoại tranh nuôi cháu mà gia đình nội họ còn không chi kia kìa”. Cô bé lại cãi rằng nếu không chồng mà sinh con, bố mẹ sẽ buồn, sẽ xấu hổ với mọi người. Tôi bồi thêm câu nữa: “thế cháu tự tử để cả mẹ lẫn con cùng chết thì bố mẹ cháu vui, tự hào à?”. Cô bé gượng cười bảo: “chú vui tính thật, nói chuyện với chú cháu thấy mọi chuyện đều bình thường nhỉ”. Tôi chốt lại một câu: “cuộc đời vốn rất bình thường, chỉ có con người làm cho nó phức tạp lên mà thôi”, thế nào, bây giờ cháu có định tự tử không để chú lấy xe máy đưa đi ra ra cầu Nhật Tân cho đỡ mỏi chân? Cô bé cảm ơn, bảo rằng cháu tự về, không đi chết nữa…
* Có một điều rất đặc biệt ở Văn phòng Tâm Giao là công việc gỡ rối vào những ngày năm hết tết đến lại trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Rất nhiều trường hợp nhờ sự gỡ rối của Tâm Giao mà thoát cảnh "mất tết". Kỷ niệm khiến anh nhớ nhất trong những lần tư vấn gỡ rối ngày tết là....?
** Văn phòng Tâm Giao như “cái bệnh viện tâm lý”, ngày tết có khách của ngày tết, ngày thường có chuyện của ngày thường. Vợ chồng cãi nhau vì biếu bên ngoại ít hơn bên nội, vì chồng không chịu đưa tiền cho vợ sắm tết, vì không quyết định được có về quê hay không, về nội hay về ngoại, không thống nhất được “phương thức ăn tết”, ở thành phố ăn, ngủ, đi dạo, chụp ảnh hay đi phượt, đi du lịch nước trong, nước ngoài. Những người đang yêu thì lo không biết có nên đến nhà người yêu vào dịp tết không, đến có mừng tuổi bà nội cô ấy và bọn trẻ con không, mừng bao nhiêu là vừa? Cô gái thì băn khoăn không biết có nên “mừng tuổi” anh ấy bằng cách qua đêm với nhau trước khi chia tay về quê ăn tết không. Người mẹ thì phát điên vì cậu con trai suốt mấy ngày tết chỉ sống trong quán net, bố mẹ bảo đi đâu cùng cũng không đi, dọa đánh thì nó trốn nhà…
         Tuy nhiên, câu chuyện đáng nhớ là vào một đêm giao thừa, một cô bé 11 tuổi gọi điện bảo sắp đến giao thừa rồi mà bố mẹ cô đi đòi nợ vẫn chưa về. Cô sợ ở một mình, cô lo bố mẹ “bị làm sao”, cô không muốn gọi điện cho bà nội, ông ngoại ở quê, sợ họ lo lắng. Thế là tôi đành hướng dẫn cháu bé qua điện thoại cách bỏ bánh chưng, giò, xôi lên bàn thờ, thắp hương khấn vái tổ tiên, mong tổ tiên phù hộ cho bố mẹ cháu an toàn. Cô bé bảo không biết khấn, tôi nhắc không cần khấn, chỉ cần đứng chắp tay trước ngực, nhắm mắt và định nói gì, xin gì cứ nghĩ trong đầu. Tiếng chuông điểm giao thừa, pháo hoa bắt đầu lục bục, tôi nói với cháu tôi phải ngắt điện thoại để làm một vài việc cho nhà mình. Sau giao thừa 15 phút, cuộc điện thoại mở hàng và “xông máy” là của bố mẹ cháu. Họ rối rít chúc tết và cảm ơn, nói may quá, sao con bé lại khôn thế, biết nghĩ cách gọi cho chú. Cũng may họ về kịp và an toàn…
* Có ý kiến cho rằng thời hiện đại đang khiến cho chuyện tình cảm, tình yêu của giới trẻ ngày nay cũng đang bị "mì ăn liền hóa" bởi cuộc sống công nghiệp cũng như sự ảnh hưởng quá mạnh mẽ của văn hóa phương tây. Do đó, nó khiến cho vấn đề tình yêu hôn nhân trở nên thiếu độ bền hơn. Qua thực tiễn công tác tư vấn, anh thấy điều này có đúng không?
** Đừng đổ tiếng xấu cho Tây. Cuộc sống hôn nhân, gia đình của người phương “Tây sịn” cũng đầm ấm, nề nếp và vững bền lắm. Mong manh, dễ vỡ chỉ là hôn nhân của một số đối tượng “sao lớn” thôi.
          Đúng là bây giờ là thời đại của “mì ăn liền”, của “cà phê pha sẵn”, của “thức ăn nhanh – fast food”, nên nhiều bạn trẻ quen nhanh, yêu nhanh, cưới nhanh, có con nhanh và … chia tay cũng nhanh. Cái gì cũng có hai mặt, được và mất. Ngày nay hôn nhân tự nguyện hơn, bình đẳng hơn, không ai ép buộc ai, mọi người biết sống vì mình hơn, không khổ sở ngó trước nhìn sau, cứ nghiến răng chịu khổ để được mang tiếng “trong ấm ngoài êm” hay “hôn nhân bền vững”.
          Cuộc đời quan trọng không phải là sống bao nhiêu năm, mà sống như thế nào. Dặt dẹo mà kéo dài đã chắc gì tốt hơn ngắn thôi mà toại nguyện, mà thỏa mãn, mà hạnh phúc. Hôn nhân, gia đình cũng vậy…
                                                                                           
* Người ta nói công việc rỡ rối cũng giống như "làm dâu trăm họ", những kỷ niệm hay bài học nào mà anh nhớ nhất trong quá trình "làm dâu trăm họ" của mình?
** Một lần đi dự hội thảo về phụ nữ và gia đình thời nay, khi tôi được giới thiệu là Tâm Giao, mọi người cười ồ lên. Họ hỏi tôi trăm thứ bà rằn, nào là có những thư gửi có nội dung vớ vẩn thế mà chú cũng mất công trả lời. Nào là sao chú là đàn ông mà hiểu chúng tôi thế, có lúc nghe cũng “đanh đá, chua ngoa” ra phết. Nhiều chị cứ liếc nhìn tôi, bảo: “chắc chú tâm lý thế, vợ chú cười suốt ngày”, tôi bảo nếu vợ tôi mà suốt ngày cười thì chỉ có đi bệnh viên Trâu Quỳ…
* Ở CLB Tâm Giao, không chỉ có "tình trẻ" đến nhờ gỡ rối mà còn có rất nhiều "tình già" cũng cậy nhờ chuyên gia Tâm Giao tháo gỡ các vấn đề của mình. Với anh, gỡ rối cho "tình trẻ" có dễ hơn gỡ rối cho "tình già"?
** Tình nào gỡ cũng khó. Trẻ thì nông nổi, nhưng đầy nhiệt huyết, yêu là đòi yêu bằng được, ai khuyên cũng không nghe, ai can cũng bảo “cháu dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Già thì cũng vội vội vàng vàng, vì nghĩ thời gian chẳng còn bao lâu, không yêu nhanh, mấy năm nữa già yếu, có cho cũng chịu chết, nên vừa gặp nhau là đã đòi đi ngủ thử, đòi đi mua giường cưới, đòi bán nhà về ở chung. Cũng có người già những “quên mình là ai”, tóc bạc, da mồi, tay cầm ba tong chống gậy, mà cứ đòi phải yêu và lấy gái trẻ, khỏe, có tiền, biết nấu ăn ngon, biết pha cà phê, biết nói chuyện ngày xưa, biết nhảy đầm và cũng vẫn còn “ham hố món kia!”. Thật khổ và khó!
* Có câu "Bụt chùa nhà không thiêng", làm chuyên gia tháo gỡ mọi vấn đề cho mọi người, có bao giờ anh rơi vào tình cảnh "không thiêng" đối với các vấn đề của bản thân và gia đình mình?
** Có chứ! Tôi làm nghề tư vấn tâm lý hôn nhân cũng giống như các bác sĩ. Họ chữa bệnh cho hàng trăm, hàng nghìn người, nhưng họ cũng phải ốm, phải đau. Tôi cũng chưa thấy bác sĩ nào tự mổ bụng mình cả. Tôi cũng có lúc bối rối nhè nhẹ, nhưng mải làm, mải ăn, quên nó đi, rồi cũng qua khỏi, nhưng cũng có lúc lại nhờ đồng nghiệp “cho ý kiến”.
* Tết gia đình thời hiện đại đã và đang diễn ra nhiều xu hướng làm nảy sinh những mâu thuẫn gia đình ngày tết. Theo anh đó là những vấn đề gì và làm cách nào để khắc phục?
** Tết suy cho cùng là những ngày nghỉ chuyển giao từ năm này sang năm khác. Ăn thế nào, uống ra sao, chơi đâu trong mấy ngày tết là chuyện của mỗi gia đình, nếu thống nhất được thì mọi chuyện OK. Có điều, khi xã hội thay đổi, một số người vẫn không chịu chấp nhận sự đổi thay, vẫn muốn giữ mãi nếp xưa. Ngược lại, một số người lại chạy nhanh trước thời đại, nên vấp phải sự chống đối của những thành viên bảo thủ. Thế là mâu thuẫn, là cãi nhau, mất vui, mất tết..
          Để khắc phục, có lẽ chúng ta chấp nhận dung hòa. Người bảo thủ, hoài cổ thì cố mà tiến bộ. Trẻ nó chơi facebook, zalo, lướt web lành mạnh thì kệ nó, đừng bắt nó ngồi quây quần nghe ông bà kể chuyện cổ tích. Con dâu không mua lá, nấu bánh chưng thì mua cũng tốt chứ sao, có khi còn ngon hơn nấu, việc gì phải hành nhau thức khuya, dậy sớm, làm mâm cao cỗ đầy rồi bỏ đấy? Người trẻ cấp tiến, cũng đừng quá đà. Nhà mình có bố mẹ già, đang yếu đau, kinh tế chưa khá giả, không ai bắt phải đưa nhau vào Phú Quốc hay sang Thái Lan đón tết. Yếu sức, sợ gió thì đừng cố lên đỉnh Phan – Xi – Păng hay trèo lên cột cờ Lũng Cú mà “chụp ảnh tự sướng”…
* Sang năm mới, anh mong muốn điều gì nhất trong hành trình tư vấn, gỡ rối xua đi nỗi buồn mang niềm vui đến cho mọi người mà mình đang thực hiện?
** Chỉ mong mọi người khỏe mạnh, làm ăn lương thiện, sống vui vẻ. Đặc biệt, đừng quên rằng cuối đời, người còn ở bên bạn, lo cho bạn chính là vợ chồng, con cái, an hem ruột thịt. Đừng quên rằng dù bạn có nhiều tiền, không ai chứa bạn suốt những ngày tết đâu, trừ gia đình. Hãy trân trọng, nâng niu những gì là “tài sản” của cuộc đời mỗi chúng ta!
* Xin cảm ơn và chúc anh một năm mới an khang, hạnh phúc!


Hạ Thi (PV báo PNTĐ) thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét