Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

LÀ GAY VẪN CƯỚI VỢ

Đã 35 tuổi, lại cao to, đẹp trai, có học thức, có công ăn việc làm đàng hoàng, nên anh Th liên tục bị cha mẹ thúc giục lấy vợ để các cụ sớm có cháu bế.
Chỉ có một mình anh hiểu khát khao của riêng mình, nhưng không thể nói điều này với ai. Từ khi còn trên giảng đường đại học, anh đã mơ ước được “lên xe hoa” với một người đàn ông cao to, vạm vỡ,, chứ không cần một cô vợ nhỏ bé, xinh xinh. Anh là người có học, biết rằng đồng tính không phải là một căn bệnh, yêu người cùng giới không phải là tội lỗi, nhưng anh không thể công khai điều bí mật ấy của mình với cha mẹ, với đồng nghiệp. Anh cũng không có ý định sống hai mặt như một số người đồng tính khác là cứ lấy vợ, làm khổ người ta, rồi sau ly hôn, hoặc lúc đó mới công khai với người vợ, đẩy người vợ vào cảnh “đi cũng dở, ở chẳng ra sao”. Trong cơ quan, trong nhóm bạn bè đã có người nói anh kiêu, anh kén chọn. Nhưng cũng có lời ra lời vào rằng anh là “pê đê”, là “gay”, khiến anh chạnh lòng.
          Người đàn ông trẻ này đem nỗi niềm của mình tâm sự với một ông anh kết nghĩa cực thân, được ông anh mách nước tìm đến với những dịch vụ đám cưới giả để yên lòng các cụ. Còn ngại ngần, không dám đến trực tiếp, anh bạn này đã gọi điện tới một “công ty tổ chức đám cưới giả” theo số điện thoại đã ghi trên trang website. Không ngờ anh chàng này lại nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt, chỉ giáo tận tình. Họ bảo anh có thể nhờ họ làm đám cưới với một cô gái mà họ cung cấp,  có cả gia đình nhà gái, có “ông bác” đại diện họ gái phát biểu, cảm ơn trong tiệc cưới. Khi anh bày tỏ băn khoăn rằng lỡ gia đình đòi “vợ chồng” anh về quê làm cỗ “báo hỉ”, bắt thỉnh thoảng vợ chồng về thăm gia đình, rồi sau này các cụ đòi có cháu thì sao. Một kế hoạch dài hơi được vạch ra. Chàng trai cứ đưa cô gái về quê, giới thiệu với gia đình, họ hàng. Sau đó nói vì trên Hà Nội có nhiều bạn bè, anh em đồng nghiệp giúp đỡ, nên đám cưới tổ chức tại Nhà hàng ở Hà Nội. Mỗi bên cử đại diện một ít người ra Hà Nội chứng kiến lễ thành hôn. Họ nói. Bố mẹ anh đang mong có con dâu, nên thấy anh nhiệt tình cưới vợ là họ thở phào rồi, không ép phải cưới ở quê đâu. Sau đám cưới, hai người “giả vờ” đi tuần trăng mật ở xa, nên không về quê được. Sau này, nếu anh muốn có dịp về quê, công ty sẽ lại tiếp tục cung cấp “vợ giả” cho anh đưa về, nhưng khoản này tính ngoài hợp đồng, hoặc sẽ có một hợp đồng độc lập. Chuyện sinh con, tính sau. Đám cưới chỉ lỗ chút ít, bởi số tiền mừng của mọi người cũng gần đủ trang trải hợp đồng.
          Đến nay, anh cưới vợ được nửa năm mà chưa dám “đưa vợ giả vờ” về ra mắt họ hàng. Trước anh phải nghĩ cách trì hoãn việc cưới vợ. Nay anh lại vắt óc nghĩ lý do chưa đưa vợ về quê. Tuy nhiên, việc đối phó với bố mẹ, họ hàng ở quê dễ hơn “che mắt thế gian”. Mọi người bắt đầu xì xèo về việc anh cưới xong là vợ mất tích. Họ không nghĩ đến chuyện anh cưới vợ giả, mà đồn thổi rằng “ngay đêm đầu tiên anh đã không làm được cái việc đàn ông cần làm, khiến cô vợ trẻ mới cưới bỏ của chạy lấy người”.

          Bây giờ anh lại tìm đến dịch vụ tư vấn tâm lý hôn nhân để hy vọng có cách “khắc phục sự cố” cưới vợ của mình. Nếu để lâu, cái tin vợ anh bỏ anh ngay đêm đầu tiên do anh “không phải là đàn ông” còn sợ hơn là cái tội “lười lấy vợ” trước đây.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét