Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

CẨN THẬN KHÔNG LẠI LẤY PHẢI ANH TÂM THẦN

Một người chồng đang đêm cắt cổ vợ vì nghĩ rằng vợ đang có âm mưu hãm hại mình. Một người vợ đẩy đứa con chưa đầy hai tuổi từ trên ô tô xuống đường và cười phe phé. Một cô vợ lấy dao cắt cổ chồng vì cứ nghĩ anh ấy là ‘con gà”, một anh chồng nhốt vợ vào buồng kín không cho đi đâu vì nghi vợ mình “có tình ý” với bố chồng… Còn biết bao chuyện đau lòng xảy ra hàng ngày, xuất phát từ việc không chấp hành nguyên tắc “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” mà các cụ truyền lại.
Nǎm 1996, các nghiên cứu dịch tễ về tỷ lệ 10 bệnh tâm thần thường gặp ở nhiều nước trên thế giới chiếm 10% dân số. Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Việt nam, tỉ lệ những người mắc một trong những chứng bệnh tâm thần lên tới 21%, nghĩa là cứ 5 người có một người “có vấn đề”. Theo Viện tâm thần trung ương, tỉ lệ người có rối loạn tâm thần ở Việt Nam chiếm 15 – 20% dân số. Thậm chí có tài liệu là 22 – 25% dân số. Theo đó cứ 5 người Việt sẽ có 1 người bị rối loạn tâm thần.
Stress, cuộc  sống công nghiệp hoá, sự bùng nổ thông tin, sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ, … nhịp sống ngày càng khẩn trương, căng thẳng, ngày càng nhiều thử thách có khi là những sức ép rất mạnh, những thay đổi về mặt xã hội, sự phân hoá xã hội,  nạn thất nghiệp, các tệ nạn xã hội, các bất cập của nền giáo dục, của nền y tế, sự thay đổi cơ cấu gia đình, mất đi các giá trị của gia đình truyền thống… là những nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều người mắc bệnh tâm thần ở dạng này hay dạng khác. Tuy nhiên, sự quan tâm của cộng đồng, nhất là khi lựa chọn người bạn đời, ít ai đặt vấn đề này. Vì vậy, những chuyện đau lòng vẫn xảy ra thường xuyên.
Luật hôn nhân và gia đình không cấm những người bị các bệnh thông thường trong đó có các bệnh tâm thần thể nhẹ kết hôn. Song thực tế cho thấy nhiều cuộc hôn nhân của người có liên quan đến bệnh tâm thần đã gây ra nhiều phiền toái, những hậu quả đáng tiếc. Vấn đề ở đây là trước khi cho người có yếu tố tâm thần kết hôn cần có sự suy nghĩ chín chắn và nhất thiết nên có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.
Xin nói thêm, không phải cứ “bị điên” mới được gọi là bệnh tâm thần. Có tới vài trăm bệnh tâm thần khác nhau. Hãy chú ý đến những biểu hiện “hơi khác thường” như luôn luôn đa nghi, cho rằng ý nghĩ của mình bị người khác biết, hoặc họ đọc được ý nghĩ của mình. Họ nghi ngờ có người điều khiển chi phối, kiểm tra; bị theo dõi, ám hại hay đầu độc mình, ghen tuông vô lý. Cũng đừng bỏ qua các dấu hiệu như một người cho rằng mình có khả nǎng đặc biệt, có quyền lực như siêu nhân có khả nǎng làm được những việc kỳ lạ, là người nhà trời, điều khiển được mưa gió. Họ cũng có thể nghi ngờ mình mắc bệnh nặng như ung thư, lao, HIV, giang mai, tim mạch, mà thực tế không bị bệnh gì. Cũng có người luôn luôn áy này vì mình đã có tội lớn, phải bị trừng phạt nặng nề. Hãy lưu ý khi một người có thể nghe, nhìn, ngửi hoặc cảm thấy những gì mà người khác không thấy, chẳng hạn lúc nào cũng thấy có tiếng chó xủa, mặc dù xung quanh rất yên tĩnh. Tất nhiên, những hành vi bất thường như kích động, đập phá, hò hét vô cớ, hành hung người thân hoặc hàng xóm, ít nói, hỏi gặng cũng không nói, không ăn, thu mình lại, tính tình khô lạnh không muốn tiếp xúc với người thân. Tính khí vui buồn, giận dữ thất thường.

Nếu tránh được từ trước khi kết hôn là tốt, tránh những hậu quả đáng tiếc về sau. Tuy nhiên, khi đã thành vợ chồng, nếu phát hiện vợ hay chồng của mình có những dấu hiệu lạ như nói trên, đừng ngại thuyết phục người đó đi kiểm tra sức khoẻ tinh thần. Hãy chăm lo chu đáo cho cuộc sống gia đình, giữ cho “cái đầu” được an toàn và luôn “để mắt” đến người đang có bệnh, đã đi chữa bệnh hay đã được coi là khỏi bệnh, bởi bệnh có thể âm ỉ, ngấm ngầm và bùng phát bất cứ lúc nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét