Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

TẬP HUẤN DỰ ÁN AEA TẠI HÒA BÌNH


Tổ chức AEA (Aide - et - Action) là tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động ở Việt Nam với chủ trương EDUCATION FOR ALL, đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa như ở các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình...

Trong tháng 5 vừa qua, anh Đinh Đoàn, chuyên gia tư vấn tâm lý và đào tạo của Công ty TNHH Tư vấn tâm lý - Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng đã thực hiện 2 khóa tập huấn cho giáo viên và học sinh của 3 xã (Vầy Nưa, Đoàn Kết, Tiền Phong) của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Đây là các xã nằm trong vùng dự án của tổ chức AEA phối hợp với Phòng GD Đà Bắc, Hòa Bình.

Khóa 1, dành cho học sinh tiểu học mang tên: "Đào tạo kỹ năng tổ chức, điều hành, quản lý các hoạt động của câu lạc bộ trẻ em". Khóa nhọc nhằm đào tạo ra những "thủ lĩnh trẻ em" (children leaders), làm nóng cốt cho các câu lạc bộ trẻ em của 3 xã và 3 trường tiểu học.

Khóa 2 là khóa "Đào tạo giáo viên dạy kỹ năng sống cho trẻ em" dành cho 30 thầy, cô giáo của 3 trường tiểu học. Mục tiêu của khóa học là giúp các thầy cô soạn giáo án, tổ chức hoạt động, lên lớp dạy kỹ năng sống cho học sinh, coi KNS như một môn học chính thức, chứ không chỉ lớt phớt kiểu "dạy lồng ghép" như Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo.

Dưới đây là một số hình ảnh của 2 lớp tập huấn:

Trường PT dân tộc nội trú Vầy Nưa,
nơi diễn ra khóa tập huấn cho học sinh

Học sinh trong giờ học "Kỹ năng làm lãnh đạo"

Lớp học rất vui với tràn ngập nụ cười trẻ thơ...



Lớp tập huấn dành cho giáo viên

Đinh Đoàn

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

LÀM TƯ VẤN TÂM LÝ TÌNH CẢM DỄ KIẾM ĂN RA PHẾT...

Hôm qua một đôi vợ chồng mới cưới dắt nhau đến VP tư vấn tâm lý - tình cảm của mình. Cô vợ khóc lóc, đòi chia tay. Anh chồng luôn miệng bảo vợ: "em dở hơi à? cứ hỏi BÁC ẤY xem anh có lỗi gì?".

Hai người quen nhau 3 tháng, yêu nhau hai tháng, cưới nhau được một tuần. Về làm dâu, cô vợ mới nói chuyện với mẹ chồng, em gái chồng, mới biết trước đây anh chồng có vài đời người yêu, có lần làm cho một cô có thai, nhưng gia đình không đồng ý cho lấy cô đó, nên họ đưa nhau đi phá thai.

Thế thôi, cô vợ mới cưới tru tréo méo dật, khóc dẫy đành đạch, nằm lì trong phòng không ăn uống gì suốt một ngày. Cô bảo chồng là loại lừa đảo, khốn nạn, mất tư cách, vô tình bạc nghĩa, thiếu trung thực và đòi xách va ly về nhà mẹ đẻ, rồi sẽ viết đơn ly hôn sau. Anh chồng dỗ dành vợ mãi chẳng được, tức mình cũng bảo "em điên à, có bé xé ra to, em thích ly hôn thì ly hôn, anh cũng mệt rồi...".

Tôi chỉ hỏi cô vợ vài câu hỏi, chứ chẳng khuyên răn điều gì.

Câu 1: Trước khi chưa quen, chưa yêu và lấy em, anh ấy yêu bao nhiêu người, ngủ với ai, làm ai có thai... có gọi là "lừa đảo" em không?

Cô ấy bảo "không lừa đảo, nhưng tức". Ừ thì thích tức thì tức, tức chán thì thôi, chứ anh ấy không lừa đảo vợ. Trước khi lấy vợ, lấy chồng, người ta trải qua vài ba mối tình, sơ sơ có, sâu đậm có, đó là  BÌNH THƯỜNG.

Câu 2: Chồng em yêu bao nhiêu người, nhưng rồi bỏ người ta, cuối cùng chọn em để cưới làm vợ. Tại sao lại thế?

Cô ấy lúng búng trả lời rằng chắc cô ấy ngoan, cô ấy xinh, cô ấy phù hợp, cô ấy được gia đình đồng ý, và chắc là ANH ẤY CŨNG YÊU EM THẬT.

Vậy là so với những người đã qua, cô vợ là người thắng lợi, được vào "chung kết" vì được chồng yêu. Vậy còn đòi hỏi gì nữa?

Câu 3: Khi lấy chồng, như em chẳng hạn, em cần một người đàn ông yêu mình, muốn chung sống với mình, cùng mình xây dựng hạnh phúc lâu dài, hay muốn chọn một anh trai CÒN TRINH TIẾT?

Cô ấy bật cười với chữ TRINH TIẾT của đàn ông. Cô ấy nói không cần trinh tiết, mà đàn ông thì làm gì có anh nào có trinh tiết đâu. 

Thế là đã rõ. Vậy không quan trọng trinh tiết của chồng thì quan tâm làm gì đến chuyện anh ấy làm cho ai có thai? Nếu anh ấy trót làm cho ai có thai, lại càng chứng tỏ anh ấy "có khả năng làm cha", khỏi lo anh ấy vô sinh, liệt dương, đưa nhau đi viện Phụ Sản hay Nam khoa chữa chạy tốn tiền tỉ, may thế còn gì.

Nói thêm tí nữa. Cô ấy vẫn cảm thấy thiệt vì khi lấy chồng, cô ấy còn trinh", mà chồng đã "mất".

Chốt câu cuối cùng, mình bảo cô ấy: "Đàn ông khi lấy vợ còn trinh, có khi là bị HẸP BAO QUY ĐẦU, phải đi rạch ra đấy. Với lại, hôm nọ thì em còn trinh, nay lấy nhau một tuần rồi, làm gì còn nữa. Lúc này là cả hai cùng mất rồi, HÒA nhé!

Anh chồng cười tủm tỉm, cô vợ cũng lườm chồng và bảo: Nói chuyện với BÁC hơi cùn, nhưng em thấy đỡ tức rồi.

Cùn cũng được, cô ấy đỡ tức là OK rồi. Thôi, về đi, còn nhiều việc phải làm lắm đấy, mọi thứ mới chỉ là những bước đi đầu tiên. 

Khi đứng lên ra về, anh chồng hỏi "Em hết bao nhiêu hả bác?" (Ý là hỏi phí dịch vụ tư vấn), mình bảo theo quy định thì có 300K/ tiếng, nhưng nếu em không có tiền thì cũng không sao. Cô vợ nhanh nhảu đưa 1 triệu, bảo: "Em gửi bác tiền uống nước, nếu có thừa, lần sau có gì em còn ... hỏi nữa". OK, không sao, cảm ơn!

Đinh Đoàn



Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

TƯ DUY TÍCH CỰC KHÔNG PHẢI LÀ ... TÍCH CỰC TƯ DUY

Hôm vừa rồi, trong một khóa đào tạo giáo viên dạy kỹ năng sống cho trẻ em, đến phần "Tư duy tích cực" (positive thinking), tôi hỏi các thầy, cô giáo: "Theo anh, chị, tư duy tích cực là gì?". Thật bất ngờ, 80% giáo viên trả lời "tư duy tích cực là tích cực tư duy, là không lười suy nghĩ, lúc nào cũng suy nghĩ...". Bỏ mẹ!

Thật ra tư duy tích cực là một kỹ năng sống, một lối sống, một cách nhìn đời. Tư duy tích cực được diễn đạt nôm na là trước bất cứ sự việc, hoàn cảnh, sự vụ, hiện tượng nào xảy ra trong cuộc sống, chúng ta phải nhìn nó (tập để có cách nhìn nó) theo hướng phát triển, đi lên, phải nhìn vào những điều tích cực, những thứ còn lại. Ngược lại với tư duy tích cực là tư duy tiêu cực, tức là chỉ nhìn được mặt trái, những điều đã mất, quá khứ qua rồi...

Lấy ví dụ, nếu tôi chẳng may làm đổ một nửa chai nước. Tôi sẽ phải nghĩ rằng "mình may quá, vẫn còn nửa chai nữa", "cũng may chai bằng nhựa chứ bằng thủy tinh thì đã vỡ tan rồi", "may mà nền nhà lát bằng gạch, đá, nên lau một tí là nó khô, chứ mà nền trải thảm thì ... còn nhục nữa"... Nhìn thấy mấy cái may mắn trong việc đổ nửa chai nước, tôi chẳng việc gì phải bực tức, cau có, chửi chó mắng mèo, không ảnh hưởng gì tới tâm trạng, công việc của tôi ngay sau đó. Người có tư duy tiêu cực thì càu nhàu, kêu rằng hôm nay không may, quay sang đổ lỗi cho mình, cho người đã mang cho mình chai nước... Anh ta có chửi trời cả ngày thùi nửa chai nước mất đi không lấy lại được nữa. Thêm vào đó, anh ta tự làm hỏng tâm trí mình, ảnh hưởng tới tâm lý, công việc, cuộc sống. 

Tất nhiên, tư duy tích cực không phải là kiểu tư duy AQ, tư duy cùn, tư duy buông xuôi. Cái gì cũng có giới hạn của nó. Ngã xe, hỏng xe, nhưng bản thân không bị thương thì có thể suy nghĩ tích cực rằng "của đi thay người", "vận hạn thế là còn nhẹ". Nhưng nếu khốn nạn tới mức bị đuổi việc mà dùng tư duy tích cực, tự an ủi rằng "may quá, khỏi phải đi làm"... thì hỏng rồi.

Tập huấn giáo viên huyện Đà Bắc, Hòa Bình
về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (5 - 2017)

Đinh Đoàn

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

CON GÁI - NGƯỜI TÌNH KIẾP TRƯỚC CỦA BỐ...

BỐ VÀ HAI NGƯỜI TÌNH KIẾP TRƯỚC...
CON GÁI YÊU BỐ SẼ CHỌN YÊU VÀ LẤY
 NGƯỜII CON TRAI CÓ DÁNG HÌNH CỦA BỐ MÌNH
BỐ LÀ NGƯỜI "BẠN TRAI ĐẦU TIÊN" CỦA CON GÁI!
NGƯỜI CHA NHÌN THẤY Ở NGƯỜI CON GÁI HÌNH HÀI
NGƯỜI VỢ, NÊN CÀNG YÊU VỢ, CÀNG YÊU CON GÁI.

LÀ NGƯỜI TÌNH KIẾP TRƯỚC NÊN THEO ĐẾN
 TẬN KIẾP NÀY ĐỂ TIẾP TỤC THƯƠNG YÊU NHAU
CON GÁI - NGƯỜI TÌNH KIẾP TRƯỚC CỦA BỐ





VỢ CHỒNG ĐỪNG QUÊN NHAU KHI CÓ ĐỨA CON RA ĐỜI...

          Sự ra đời của một sinh linh bé nhỏ, kết quả của tình yêu là một niềm vui lớn đối với một đôi vợ chồng trẻ, nhiều khi nó còn là một sự kiện trọng đại của một đại gia đình hay một dòng họ. Tuy nhiên nó cũng kéo theo bao nhiêu xáo động bất thường, làm đảo lộn cuộc sống thường nhật của vợ chồng. Khi ta muốn nghe nhạc trữ tình, êm dịu thì nó lại khóc oe oe, ta muốn căn phòng sạch sẽ thơm tho thì nay lúc nào cũng có một mùi khai nhè nhẹ, khi ta muốn vợ chồng cùng ăn uống vui vẻ thì ta phải ăn một mình, vì vợ ta còn bận bế nó hay cho nó ăn. Nếu được lúc vợ chồng đang hạnh phúc bên nhau, đang ăn uống vui vẻ , vậy mà nó khóc là vợ ta quăng bát đứng dậy... ta lại lủi thủi một mình. Bây giờ nó là trung tâm của vũ trụ, là mũi nhọn chú ý của gia đình. Vợ ta trước đây chăm chút, chải chuốt là thế mà bây giờ cũng ít quan tâm đến hình thức. Tự dưng chuyện tình cảm vợ chồng bị đẩy lùi sang một bên. Nhiều lúc người đàn ông thấy mình như người thừa, không ít người thấy cô đơn, có khi còn cảm thấy như "thằng nhỏ đã tước đoạt tình yêu của mình". Có người chồng trẻ, trước đây ít lang thang quán xá, ít tụ tập bạn bè, thế mà khi vợ đẻ, tưởng anh ta sẽ còn bận rộn hơn vì phải giành nhiều thời gian cho gia đình, nào ngờ ...Mọi người nhắc thì anh bảo " Về nhà bây giờ cũng chẳng biết làm gì. Bà vợ thì lúc nào cũng chỉ có thằng cu là nhất. Mình mó vào chuyện gì cô ấy cũng không vừa lòng. Hơn nữa việc chăm nom thằng cu đã có bà ngoại và người giúp việc. Có lúc mình thấy hình như vợ mình không cần mình hay sao ấy. Có lẽ cô ấy chỉ cần mình giúp để có đứa con". 
          Khi người đàn ông cảm thấy mình là người thừa, hay có tâm trạng bị bỏ rơi thường đi sớm về muộn, hay đàn đúm bạn bè trà lá. Đã có những trường hợp người chồng có nhân tình ngay trong thời gian vợ sinh con. Có một sự hiểu lầm đáng tiếc ở đây là mọi người và nhất là các bà vợ thường đổ lỗi cho sự không thoả mãn nhu cầu tình dục. Thật ra người đàn ông không tồi tệ đến mức không kiềm chế nổi ham muốn, phải tìm ngay người phụ nữ khác để thay thế vợ mình trong thời kì vợ kiêng cữ!  Thật ra người đàn ông cảm thấy hẫng hụt tâm lý, rơi vào trạng thái cô đơn, chống chếnh mà đi tìm người bạn tâm tình chứ không phải chỉ cần tình dục. Một người phụ nữ mới sinh con đã tâm sự: " Em hiểu đàn ông lắm, chỉ xa vợ vài hôm là họ không chịu được nên đi tìm kiếm những người phụ nữ ở ngoài để thoả mãn tình cảm. Nhưng em chiều anh ấy lắm. Đấy, em sinh con mà có bắt anh ấy làm gì đâu, mọi việc em cố gắng làm hết. Hơn nữa anh ấy tha hồ đi sớm về muộn em cũng chẳng nói năng gì chứ không như trước đây. Vậy mà anh ấy đã phản bội em, đã cặp bồ với một cô bạn gái cùng cơ quan...". Quả là một suy nghĩ sai lầm. Chính cái việc "không bắt anh ấy làm gì", "tha hồ đi sớm về muộn mà em không nói gì" ấy đã làm cho người đàn ông cảm thấy "Mình chẳng còn cần thiết cho ai nữa, mình là người thừa". Điều đó đã vô tình đẩy người đàn ông ra khỏi ngôi nhà của mình!
          Khi người phụ nữ còn non nớt, chông chênh trong vai trò "làm mẹ", chị ấy có sự hỗ trợ của người mẹ, người chị hoặc những người bạn lớn tuổi. Còn người đàn ông, không phải ai cũng nhập vai người bố nhanh chóng. Giá mà những lúc "thằng cu" đã ngủ, chị âu yếm nói với anh "Em biết dạo này em bận rộn với con nên không chu đáo được việc nhà, em ít chăm lo cho anh. Nhưng anh nhìn con kìa, anh có thấy vui không? Ai đến chơi cũng bảo thằng cu giống bố như đúc. Nhìn con ngủ kìa, cái miệng, cái mũi giống anh quá". Giá mà khi anh đi làm về chị đon đả nựng con "Cu ra chào bố đi! Thôi, em đã trông con cả ngày, bây giờ anh thay em trông con nhé, em đi nấu cơm. Để bà ngoại làm mãi không tiện". Hoặc khi anh về đến nhà, chị vội khoe "thành tích của con" cho anh nghe. Nào là "Hôm nay con biết nắm tay chim chim rồi đấy" hoặc " Anh ngồi đây mà xem, chỉ tí nữa là nó lẫy đấy. Trông yêu lắm cơ!". Nếu các chị muốn các anh tham gia việc gia đình, hãy giao việc cụ thể và nhắc các anh làm bằng lời nhờ "anh làm hộ em", bởi đàn ông không phải ai cũng biết phải làm gì khi vợ sinh con đâu. Hãy thử nói với anh khi anh đi làm rằng "Cu bảo bố cu chiều nay về sớm đưa cu đi tiêm chủng nhé!". Tôi tin rằng không mấy người đàn ông dám quên nhiệm vụ. Không những thế anh còn hăng hái làm thêm bao nhiêu việc khác vì anh biết "anh đang làm vì thằng cu!".
           Hạnh phúc gia đình là một cái cây non, lúc nào nó cũng cần sự chăm sóc chu đáo, cần sự khéo léo vun xới của cả đôi vợ chồng. Do đó các chị đừng vì niềm vui làm mẹ mà quên rằng mình còn có người chồng, có người cha của con.
ông và cháu


CON GÁI MUỘN CHỒNG VÌ CÓ BỐ QUÁ ... CHUẨN

Cô gái tên Phương đã 32 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Pháp về, đang làm trưởng phòng của một ngân hàng lớn, lương tháng gần 20 triệu, nói tiếng Anh, Pháp đều giỏi, giao tiếp với người nước ngoài thành thạo, đồng nghiệp yêu mến, thủ trưởng tin tưởng. Vậy mà bố mẹ cô, nhất là bà mẹ, đêm ngày lo lắng, bởi cô chưa có người bạn trai nào lọt vào vòng trong, để hy vọng ông bà sớm có con rể.
          Hồi đầu, bố mẹ Phương cho rằng cô ham học, ham làm, ham đi du lịch, nên chưa muốn yêu và lấy chồng, sợ có chồng rồi sẽ mất tự do, không còn thời gian để sống với những niềm đam mê cá nhân. Nhưng sau này, thấy con gái cũng có nhiều chàng trai theo đuổi, bố mẹ cô cũng mừng, hồi hộp chờ đợi. Tiếc thay, anh nào đến tìm hiểu một thời gian ngắn, rồi cũng rút dần. Những chàng trai đến với Phương cũng “không phải là dạng vừa đâu”, cũng đều có học hành, kẻ nước ngoài, người trong nước, có anh nhà con một, chưa vợ mà đã nhà riêng to đùng, đầy đủ tiện nghi, ô tô con, vậy mà không anh nào bén duyên với Phương. Mẹ Phương bắt đầu lo lắng. Bà nghĩ Phương cao số vì tuổi dần, đi xem bói, các thầy bảo “quý cô tuổi dần” là muộn chồng lắm, bà lại càng lo. Bà nói xa nói gần, bảo con gái “phiên phiến thôi, đừng kỹ tính quá”, nhưng cô con gái vẫn bình chân như vại, bảo với bố mẹ rằng: “con có kiêu căng gì đâu, nhưng chẳng anh nào làm cho con rung động”.
          Rồi đến lượt bố Phương vào cuộc, cũng là do tác động, thúc bách của người mẹ. Ông bắt đầu “chiến dịch” kén rể. Những anh chàng nào kha khá, là nhân viên, cấp dưới của ông, ông đều tạo lý do để đi lại nhà ông, xem con gái có ưng anh nào không. Sau ông chuyển sang kết nối với những người bạn, đồng nghiệp có con trai ngang ngang hay hơn tuổi con gái ông, rồi đôi bên bàn bạc, hy vọng sẽ làm thông gia với nhau, nhưng kế hoạch nào cũng thất bại. Sau ông bố cũng bắt đầu chán nản, nói với vợ: “thôi, kệ nó, bây giờ con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy, lo cũng chẳng được, quan trọng là nó”.
          Người bố nản chí, nhưng người mẹ thì không. Bà nói chuyện với nhiều người, mỗi người một ý kiến, khiến bà lo lắng. Người thì bảo hay là “nó đồng tính, đi học nước ngoài dễ lây nhiễm cái bệnh này lắm”. Người thì cho rằng Phương có “người âm theo”, phải làm lễ cắt tiền duyên. Người thì nhắc phải đưa “nó” đi gặp tư vấn tâm lý xem có khúc mắc gì trong tâm tư, tình cảm không, chứ con gái 32 mà cứ dửng dưng với giai là “có vấn đề”.
          Cắt tiền duyên thì bà mẹ tự làm, giấu kín con gái, sợ “nó biết, nó làm ầm lên”. Chuyện có đồng tính không thì không ai biết, nhưng bà mẹ tin rằng con mình vẫn nữ tính lắm, nhiều bạn trai, không thấy thân với cô bạn gái nào. May quá, là cô gái Tây học, hiện đại, nên khi mẹ chắc chuyện gặp tư vấn tâm lý, cô con gái nói ngay: “OK, để con tự đi, không cần mẹ chỉ dẫn, con hiểu chuyện này mà”.
          Tâm sự với chuyên viên tư vấn, cô gái tên Phương thú nhận: “Em không biết có sao không, nhưng thú thật, em thấy đàn ông bây giờ nhạt nhẽo lắm. Kẻ thì khoe của, người thì chỉ giỏi chém gió, người thì tự mãn, tự kiêu, có người thì quá thực dụng, vừa quen vài ngày đã nghĩ đến đi nhà nghỉ xem có hợp không. Anh nào cao to, khỏe mạnh thì lại thô vụng quá. Anh nhỏ nhắn, thư sinh thì yếu đuối hơn cả con gái, chẳng có chính kiến, lập trường gì cả. Em thú thật, từ nhỏ em đã ngưỡng mộ bố em. Bố em là mẫu người hoàn hảo, không có gì có thể chê trách được. Mẹ em thật là hạnh phúc khi lấy được người chồng như bố em. Khi em học lớp 12, em cũng đã có bạn trai, nhưng em hay để ý đến những anh bạn nào có nét giống bố em, em mới chơi. Em ao ước lấy được người chồng chỉ được bằng nửa bố em là đã tốt lắm rồi, nhưng càng tìm hiểu sâu, càng thất vọng”. Cô tâm sự tiếp: “Có lẽ cũng một phần vì em sinh ra, lớn lên trong một gia đình tràn ngập yêu thương, hạnh phúc. Mẹ em cũng là người phụ nữ tuyệt vời. Năm nay mẹ em cũng về hưu, nhưng em vẫn nhìn thấy nét trẻ trung, hiện đại của mẹ, không hề thấy dấu hiệu của “cụ về hưu”. Em cứ nghĩ một mai lấy chồng, rời vòng tay bố mẹ, đến với một gia đình khác, họ không giống bố mẹ em, em không thể nào chịu được. Tại sao em sống yên ổn, hạnh phúc với bố mẹ, em tự chủ, tự tin, lại cứ phải rời xa họ để tìm hạnh phúc ở đâu đâu…? Không biết em có nghĩ sai không, nhưng nếu gặp được người giốn như bố em thì em lấy, còn không, em cứ sống ở nhà em, em không thấy đó là bất hạnh”.
          Cách suy nghĩ của cô gái rất đúng về mặt lý thuyết, nhưng nó vẫn “sao sao đó” về mặt thực tế, cần phải điều chỉnh, tuy nhiên không thể mau chóng hay gượng ép. Sau buổi nói chuyện, chuyên viên tư vấn chỉ nói: “Có lẽ chị em mình còn gặp nhau nữa”. Cô gái rất vui vẻ nhận lời, hứa sẽ gặp nhau vào những ngày cuối tuần, vì cả tuần cô đều bận với công việc ở cơ quan…

Thanh Huy


Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

LẠC LONG QUÂN, ÂU CƠ VỚI CHUYỆN TÌNH YÊU, HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH

Chắc ai trong chúng ta cũng còn nhớ chuyện "Lạc Long Quân và Âu Cơ, đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng"? Chúng ta luôn tự hào là "con Lạc cháu Hồng", "con cháu Rồng Tiên"...

Ngoài ý nghĩa giải thích về nguồn gốc anh em của các dân tộc chung sống trên ảnh đất Chữ S này, chuyện về Lạc Long Quân - Âu Cơ còn mang nhiều ý nghĩa ở tầng sâu khác.

1/ Không có tình yêu, không hợp nhau, gặp nhau một thời gian ngắn đã kết hôn, đã ăn nằm với nhau, đẻ ra một đống con.. là một THẢM HỌA.

Lạc Long Quân là "giai vùng sông nước", có cái khỏe mạnh, rắn rỏi của một anh trai miền biển. Âu Cơ là "gái rừng", quen sống trên vùng đồi núi cao. Sinh ra, lớn lên ở hai môi trường khác nhau, vừa gặp nhau đã nảy sinh "tiếng sét ái tình", đúng là vội vã quá. Chắc cả hai còn trẻ, suy nghĩ nông cạn, hiểu biết hạn chế, chỉ có dòng máu hừng hực trong huyết quản và những khát khao được "thăng hoa", chẳng khác gì đám thanh niên mới lớn hiện nay, họ "chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì!". Lao vào nhau, have sex với nhau, rồi mọi sự cũng trở nên nhàm chán khi "con ong đã tỏ đường đi lối về", Lạc Long Quân (trai biển) tự nhiên thông minh đột xuất, mới thú thật với vợ là Âu Cơ rằng:
- Anh là giống Rồng, nàng là giống Tiên, vốn chẳng hợp nhau...
Quá muộn khi hai anh chị đã có 100 đứa con mới nhận ra "hôn nhân không hòa hợp". Thế đấy, trước chuyện yêu đương, ái tình, nhục dục, "các cụ tổ" nhà ta vẫn "dại như thường". Hãy thông cảm với bọn trẻ bây giờ nhé.

2/ Cuộc hôn nhân giữa Long Quân và Âu Cơ là cuộc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, hôn nhân một vợ một chồng. 

Trong chuyện, chúng ta không gặp cảnh Long Quân về xin phép bố mẹ đôi bên để "tìm hiểu nhau". Gia đình nhà gái không chê Long Quân ở xa, không sợ Âu Cơ lấy chồng miền biển sẽ bỏ quê hương núi rừng, như vậy là mất con. Không ai ép ai, không dùng quà cáp, tiền bạc để mua chuộc, không có cảnh Long Quân khoe cơ thể mình vạm vỡ hay Âu Cơ khoe nhà mình là ĐẠI GIA miền núi. Gặp nhau, thấy yêu, thấy thích là "tiến hành". Quá hay.

Vậy mà đến bao nhiêu nghìn năm sau, con cháu họ vẫn lẩn quẩn trong cái vòng "gia đình ngăn cản", "có yếu tố vụ lợi", "gái bị gả bán", "trai bị đưa vào bẫy". Thua xa các cụ Tổ nhỉ!

3/ Ngày xưa không có khái niệm KẺNG, nên cũng không có chuyện ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG. Trai gái yêu nhau, họ tự cầm kẻng, thích là tự đánh kẻng, chẳng cần đợi ai đánh kẻng mới "ĐƯỢC CHÉN". Hay phết!

4/ Tuy hôn nhân không có tình yêu, hai người không hòa hợp, nhưng không có BẠO LỰC GIA ĐÌNH. Mọi sự đều rõ ràng, hết yêu thì tuyên bố thẳng là LY HÔN. Bên kia cũng tử tế, nhất trí hoàn toàn, không có chuyện đánh ghen, níu kéo, ăn vạ hay trả thù. Lại hay nữa!

5/ Cuộc ly hôn mang tính "Tự đến, tự giải tán", không có tòa án, nhưng khi chia con cũng theo nguyên tắc 50/50, rất công bằng, hợp lý, đúng như Luật HNGĐ mới của chúng ta bây giờ (Nếu vợ chồng có 2 con, một đứa ở với mẹ, một đứa theo bố). Không thấy tranh giành, đùn đẩy. Chắc mấy người làm Luật HNGĐ cũng có tham khảo cuộc ly hôn đầu tiên trong lịch sử dân tộc này!

6/ Tình hết, nhưng nghĩa vẫn còn. Sau ly hôn, mỗi người về sống một nơi, mang theo 50 đứa con, nhưng anh lạc Long Quân vẫn rất ga lăng, dặn vợ: Mỗi khi mẹ con em có chuyện gì, cứ cho một đứa lên đỉnh núi (Chắc là Ba Vì) hú to, báo cho bố con anh biết, 51 bố con sẽ kéo lên hỗ trợ, giúp đỡ.

Đấy, tình yêu có thể hết, nhưng cái nghĩa vẫn đầy đặn thế cơ chứ. Chẳng gì cũng ăn nằm với nhau có 100 mặt con cơ mà.

7/ Đám con ở với bố Lạc Long Quân chính là dân miền xuôi, thành thị, miền biển, nên lớn lên cũng có tí mạnh mẽ, khôn ngoan, nhanh nhạy, khỏe mạnh của "đấng nam nhi", kèm theo tí bạo dạn của dân sông nước. Đám con theo mẹ Âu Cơ lên núi, ngày nay vẫn giữ được nét đẹp của sự thật thà, trong sáng, có chút ngây thơ của đàn bà và mang sắc màu "người rừng". Thế mới biết con cái cùng cha mẹ đẻ ra, nhưng mang dấu ấn của người chăm sóc, giáo dục từ nhỏ, tính cách cũng khác nhau chút ít. Ngày nay, nếu đám con theo cha Long Quân có khá giả hơn đám anh chị em theo mẹ Âu Cơ, có thỉnh thoảng hỗ trợ một chút cũng đừng la toáng lên rằng "LẤY CỦA THẰNG MIỀN XUÔI NUÔI THẰNG MIỀN NGƯỢC", anh em cả thôi mà.

Tuy còn có điều chưa thật sự mỹ mãn, nhưng cuộc hôn nhân và cuộc ly tán của Lạc Long Quân và Âu Cơ đầy chất tử tế, đến nay con cháu của họ có học mãi vẫn chưa sánh kịp. Đấy, bố mẹ tử tế vẫn có thể sinh ra những đứa con hư hỏng....

Đ. Đ

DÒNG MÁU LẠC HỒNG

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

HƠI ĐÀN BÀ CÓ TÁC DỤNG CHỮA BỆNH, TRỪ MA...

Từ trước đây các cụ nhà ta đã nhận ra ích lợi của việc có nam có nữ, nghĩa là sự hoà hợp âm dương sinh ra sự sống và bình yên. Các cụ dạy: “Có nam có nữ mới nên xuân, có xôi có thịt mới nên phần”.

Còn theo kinh Thánh thì Thượng đế ban đầu chỉ tạo ra có một mình Adam. Song do sống trơ trọi một mình buồn tẻ quá, nên chàng luôn ủ rũ u sầu, đầu óc uể oải, tay chân nhức mỏi, chẳng thiết làm gì nữa. Thương tình, Thượng đế đã sửa sai, sáng tạo thêm Eva. Chẳng bao lâu, mọi bệnh tật của Adam đã hết, tinh thần chàng phấn chấn hẳn lên, mọi việc chàng đều làm khá tốt. Chàng sống đến 100 tuổi. Nghe nói mùi từ cơ thể Eva toả ra có thể làm Adam “bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ”.

Trước đây các nhà du hành vũ trụ của Nga chỉ là nam giới. Trước khi bay, người ta đã lựa chọn hàng ngàn người đàn ông có sức khoẻ tốt mới chọn được một người để bay vào vũ trụ. Vậy mà chỉ sau chuyến bay, sức khoẻ các nhà du hành suy sụp kinh khủng. Quá nửa trong số họ xuất hiện chứng nhức đầu, buồn nôn, uể oải… Các bác sĩ không tìm ra bệnh gì cụ thể. Về sau một bác sĩ đã đề nghị đưa một số nữ du hành vào thành phần các chuyến bay. Quả nhiên, sau những chuyến bay có nam có nữ ấy, sức khoẻ của các phi hành gia không còn có những chứng bệnh “vũ trụ” như kể trên nữa. Phải chăng hơi đàn bà có tác dụng chữa bệnh tinh thần đến như vậy?

Tại một đơn vị bộ đội nọ, trước khi có cô y tá và cô cấp dưỡng về công tác, tinh thần của anh em cũng buồn tẻ lắm. Ngoài những giờ tập luyện, những giờ sinh hoạt tập thể, họ thường nằm dài hoặc nghêu ngao hát những bài bát buồn, có chàng thì cứ lang thang một mình quanh doanh trại. Vậy mà sau khi có hai cô gái đến đơn vị, mọi sự đã trở nên khác hẳn. Các chàng trai thì lúc nào cũng chỉnh tề quần áo. Có chàng khi xuống bếp ăn cơm cũng phải ngó qua gương, vuốt lại mái tóc. Buổi tối, họ thường tập trung tại phòng hai cô để tán gẫu, để hát, để làm thơ. Nhân ngày 8/3, cả đơn vị còn tổ chức một buổi dạ hội thật linh đình và ra một tập thơ do các chàng tự sáng tác.

Các nhà khoa học của Nga đã làm một thí nghiệm như sau: Họ bôi một chất có mùi giống với mùi đàn ông toả ra lúc hưng phấn nhất lên một hàng ghế chờ trong phòng chờ ở nhà ga. Quan sát cho thấy rất nhiều phụ nữ vào phòng đã chọn lựa chiếc ghế ấy để ngồi, mặc dù không phải nó ở phía ngoài cùng. Khi được hỏi vì sao chị hay cô chọn ngồi ghế ấy, họ bảo họ không biết. Qua thí nghiệm này và tình trạng của Adam cũng như của các du hành vũ trụ Nga, người ta khẳng định con người có hai loại khứu giác, một loại khứu giác thông thường và một loại ‘khứu giác giới tính”.

Có những người phụ nữ khá nhạy cảm với mùi cơ thể người. Khi chị đi làm về và vừa bước vào phòng đã phát hiện ra ngay trong phòng có mùi đàn bà lạ. Có người đàn ông cũng chỉ do khứu giác giới tính mạnh nên đoán ra người yêu hay vợ mình vừa gần gũi với một người đàn ông khác. Mùi người khác giới có tác dụng tăng cường sự hưng phấn, kích thích não bộ hoạt động ngay cả khi vắng mặt người ấy. Một người vợ xa chồng, đêm đêm chị vẫn lấy cái áo cũ của chồng ( Tất nhiên chưa giặt sạch sẽ) để đắp lên người để lấy hơi chồng cho dễ ngủ.

Không lạ gì chuyện người ta hay lấy vật nọ, vật kia của nhau để làm kỉ niệm khi chia xa. Người thì giữ nắm tóc, người thì ôm ấp chiếc khăn tay mùi soa, người thì giữ bất cứ cái gì của người yêu đã dùng. Người ta bảo như thế để thấy lúc nào họ cũng cảm thấy có nhau.

Các bạn có hình dung ra cảnh tượng, một ngày nào đó, sáng mở mắt ra ta thấy tất cả mọi người đều biến thành đàn ông hoặc đàn bà không? Khinh khủng quá phải không các bạn? Các cụ nhà ta tinh tường đã đúc rút kinh nghiệm rằng: “Đàn ông phải có đàn bà/ Điếu cày phải có lông gà mới thông!”.
Đinh Đoàn



ĐA DẠNG CÁC KIỂU LỆCH LẠC TÌNH DỤC

Bạn hỏi “người ta quan hệ tình dục với nhau để làm gì?”. Tưởng là khó trả lời, nhưng thực chất rất đơn giản, bởi mọi hành vi tình dục đều chỉ nhằm 2 mục đích: Sinh đẻ và “Vui vẻ”.
Tình dục sinh sản: 
- Mục đích: Sinh sản, (sinh con đẻ cái, nối dài giống nòi)
- Hình thức: Chỉ giao hợp dương vật – âm đạo và có xuất tinh (không tính đến chuyện thụ tinh nhân tạo, thụ thai ngoài ống nghiệm và các hình thức hỗ trợ sinh sản khác) 
- Kỹ thuật: Không đòi  hỏi kỹ thuật, không quan trọng dương vật to hay nhỏ, không đòi hỏi phải có khoái cảm (hiếp dâm cũng có thể thụ thai, sinh con), miễn là dương vật cương cứng được, đưa được vào âm đạo, xuất tinh đúng chỗ, không cần lâu, chẳng cần khỏe, chẳng cần tình yêu… 
- Đặc điểm: Là bản năng, không cần ai dạy, cứ lớn lên sẽ biết.
Tình dục khoái cảm (sex for fun, for love) 
- Mục đích: Tạo ra khoái cảm, vui vẻ, thỏa mãn ham muốn, giảm căng thẳng, giảm stress…và nhiều mục đích khác. 
- Hình thức: Đa dạng (dương vật – âm đạo, dương vật – hậu môn, dương vật – dương vật, âm hộ – âm hộ, dương vật – tay, dương vật – miệng, âm hộ – tay , âm  hộ - miệng và các hình thức kích thích tình dục khác…) 
- Kỹ thuật: Phải có kỹ năng, phụ thuộc vào nhận thức của từng người, vào văn hóa, tôn giáo, chính trị, môi trường sống… 
- Đặc điểm: Sáng tạo và đổi mới, khám phá.
LỆCH LẠC TÌNH DỤC:  Thật ra, khái niệm “lệch lạc tình dục” chưa thật chuẩn mực, bởi nếu hiểu tình dục không chỉ là chuyện giao hợp để sinh con, đẻ cái, thì mọi hành vi tình dục mang lại khoái cảm, vui vẻ, thích thú (nhưng không được vi phạm pháp luật và thuần phong mĩ tục, văn hóa dân tộc…) đều có thể chấp nhận được. Thuật ngữ “lệch lạc” ở đây được hiểu là không hợp với “chuẩn mực của đa số”, khó được cộng đồng chấp nhận.
Lệch lạc đối tượng
Ái nhi: Ham thích tình dục hướng tới đối tượng là trẻ em thay vì người trưởng thành. Cần phân biệt người ái nhi với hiếp dâm trẻ em, người phạm tội hiếp dâm trẻ em chưa chắc đã là người ái nhi. Bệnh thường kết hợp với một số rối loạn lệch lạc tình dục khác như phô dâm và thị dâm.
Ái lão: Ngược với ái nhi, ở những người này đối tượng tình dục mà họ hướng đến là người già. 
Ái vật: Thỏa mãn tình dục với các đồ vật vô tri vô giác như giày, găng tay thường gặp nhất là quần áo hoặc đồ nội y của phụ nữ. Vì thế đôi khi họ ăn cắp quần áo lót của phụ nữ. 
Ái tử thi: Thỏa mãn tình dục đối với các xác chết 
Loạn dục với súc vật: Hay còn gọi là ái thú, thỏa mãn tình dục bằng cách quan hệ với động vật.
Lệch lạc mục tiêu
Ác dâm: Thỏa mãn tình dục khi gây đau đớn về thể xác hay tinh thần cho người cùng hoạt động tình dục. Cách thức rất đa dạng có thể là cắn, cào hay chửi bới. 
Khổ dâm: Ngược với ác dâm, đối tượng chỉ thỏa mãn thực sự khi người khác hành hạ mình. Trong quan hệ thì một đối tượng ác dâm có thể dễ dàng chuyển qua khổ dâm và ngược lại. 
Phô dâm: Thích phô bày cơ quan sinh dục của mình cho người khác xem, thường là đối tượng khác giới. Đối tượng càng lúng túng người bệnh càng tỏ ra thích thú. 
Thị dâm: Thỏa mãn tình dục bằng cách nhìn trộm người khác trong các tình huống riêng tư như khi thay quần áo,tắmquan hệ tình dục 
Thính dâm: Thỏa mãn tình dục bằng cách nghe những âm thanh có khả năng kích dục điển hình là việc Làm tình qua điện thoại. 
Loạn dục cọ xát: Thỏa mãn tình dục bằng cách cọ xát bộ phận sinh dục của họ vào những người khác giới không quen biết hoặc sờ mó vào bộ phận sinh dục của những người ấy. Địa điểm xảy ra thường là chỗ đông người chật hẹp, chẳng hạn trên xe buýt hoặc tàu điện ngầm vào giờ cao điểm.
Loạn dục cải trang: Thỏa mãn tình dục bằng cách mặc quần áo của người khác giới. Nó giống với ái vật ở chỗ cả hai đều tìm kiếm sự thỏa mãn thông qua vật vô tri, nhưng khác là ở người ái vật họ thường không có ham muốn mặc quần áo người khác giới. 



Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

CHUYỆN TÌNH DỤC: ĐÊM TÂN HÔN NGƯỜI TA LÀM GÌ?

       Có thể khi đọc đến câu hỏi này, nhiều bạn đọc cho rằng đó là câu hỏi của một người "có vấn đề về trí tuệ", bởi chuyện rõ như ban ngày mà cũng phải hỏi. Tuy nhiên, cuộc sống muôn màu, không phải đôi vợ chồng nào cũng có đêm tân hôn như mọi người tưởng tượng.
Chị Loan, một người phụ nữ trẻ, cười bẽn lẽn khi chia sẻ với chị em trong câu lạc bộ "sức khoẻ sinh sản" về đêm tân hôn ba năm về trước. Chị kể: "Nói thì hơi xấu hổ, nhưng vợ chồng tôi không có đêm tân hôn. Lý do là chồng tôi vui quá, đến bàn nào cũng cụng ly và ực 100% hết cốc rượu. Khi đến bàn thứ 10 thì người nhà phải dìu anh ấy vào phòng ngủ. Đêm ấy tôi phải dọn chỗ anh ấy nôn ra, phải cởi tất, cởi giầy, cởi quần cho anh ấy mà anh ấy thì ngủ say không biết gì. Nhìn chồng ngủ ngẹo cổ sang một bên, phát ra tiếng ngáy khò khò, tôi tủi thân trào nước mắt. Tôi cởi quần áo, vào phòng tắm xịt nước toàn thân cho dịu cơn khao khát. Sáng ra anh ấy hỏi tôi: “Đêm qua mình có làm gì không em nhỉ?”. Tôi lắc đầu. Anh ấy ôm trầm lấy tôi xin lỗi rối rít. Chúng tôi có đêm tân hôn thật sự vào ngày hôm sau.
Khi thấy một vài người đã bớt ngại ngùng khi chia sẻ về "chuyện tế nhị" của mình, chị em trong câu lạc bộ bắt đầu hăng hái hơn. Chị Hương mạnh dạn kể về đêm tân hôn tạm ứng trước ngày cưới 3 năm. Chị bảo: "Dạo ấy chúng tôi yêu nhau, hay đi chơi với nhau ở bờ đê sông Hồng, đoạn gần chân cầu Thăng Long. Hôm đó gió mát trăng thanh, chúng tôi ngồi tâm sự với nhau và không kiềm chế được, chúng tôi đã có một đêm tân hôn lộ thiên ở đó. Giờ nghĩ lại, chẳng biết lúc ấy nó thế nào, chỉ biết rằng vừa làm vừa sợ có ai bắt được. Hơn nữa phải canh chừng hai chiếc xe đạp đang khoá vào với nhau bằng một cái khoá dây đang để trên đê. Sau đó chúng tôi chung sống như vợ chồng, thành ra đến lúc cưới là cưới cho bố mẹ, họ hàng, chứ chúng tôi … chẳng có cảm giác gì nữa. Buồn cười thật!"
Một vài chị em vẫn còn rụt rè, cứ ngồi tủm tỉm cười, người chủ toạ câu lạc bộ phải động viên mãi họ mới dám chia sẻ. Có người bảo: "Tôi  thấy buồn cười khi nghĩ lại đem tân hôn dại dột của mình. Đêm ấy chúng tôi cùng nhau ngồi đếm tiền mừng. Chồng tôi bóc từng phong bì, còn tôi kiểm tiền, ghi tên người mừng vào sổ để theo dõi. Vậy mà cũng hết đêm". Tưởng cũng giống như vợ chồng chị Hương, anh chị đã "tạm ứng đêm tân hôn" trước đó. Nhưng không phải. Chị bảo: "Chúng tôi cưới nhau đúng vào đợt tôi thấy tháng, vậy là phải nhịn. Nghĩ lại hồi trẻ dại dột, giá bây giờ được “tân hôn lại”, thế nào chúng tôi cũng có cách để ghi dấu ấn vợ chồng, chứ không chịu nhịn như hồi ấy nữa. Bọn trẻ bây giờ sướng thật, được giáo dục, dạy dỗ từ chuyện khó nói nhất".
Người phụ nữ có vẻ lớn tuổi nhất tham gia câu lạc bộ hôm ấy bùi ngùi nhớ lại những ngày đầu tiên chung sống vợ chồng của mình. Năm ấy chị mới 19 tuổi. Thấy có người lạ dắt theo một anh bộ đội  đến nhà, chị xấu hổ bỏ vào nhà trong ngồi. Trời nóng, không có quạt, chị vã cả mồ hôi, mà vẫn không dám cựa quậy. Chị ngồi lắng tai nghe bố mẹ và hai người khách lạ bàn việc cưới mình mà cứ sợ run cả người. Chị thật sự không hình dung rằng lấy chồng thì làm gì? Cứ nghĩ đến chuyện ba ngày nữa phải về nhà anh bộ đội lạ mặt ấy ở và ngủ cùng với anh ta là chị đã sợ. Chị quen ngủ với mấy đứa em rồi. Đám cưới diễn ra nhanh chóng để anh còn kịp trả phép. Đêm đầu tiên, chị sợ co dúm người lại khi thấy anh đụng đến mình. Anh thì vụng về, chị thì xấu hổ, thành ra họ cứ nằm im lặng bên nhau đến gần sáng thì anh ngồi dậy, chép vào sổ tay cho chị một bài thơ. Sáng hôm sau anh đi, để lại người vợ còn con gái. Ba năm sau họ mới có đêm tân hôn khi anh được về phép!
Người đàn ông duy nhất tham gia câu lạc bộ cuối cùng cũng phải lên tiếng. Anh kể rằng hôm ấy anh hấp tấp quá, lại thiếu kinh nghiệm, nên vừa ôm hôn vợ một cái là anh đã “xong rồi”. Anh xấu hổ về việc “chưa đến chợ đã hết tiền” của mình. Vợ  anh còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, nên thấy vậy thì nhạc nhiên lắm. Cô ấy tưởng anh bị ốm đau gì hay không yêu cô ấy, thế là ngồi dậy khóc. Nhưng anh không biết dỗ dành vợ thế nào, không lẽ lại bảo “em ơi, thông cảm cho anh, anh xong rồi!”. Mãi sau này cô ấy mới hiểu chuyện xảy ra. Vợ chồng anh thường kể lại chuyện cũ để cười vui với nhau.
Quan hệ tình dục là một vấn đề nhạy cảm và đêm tân hôn là mắt xích nhậy cảm nhất. Để đêm tân hôn thực sự trở thành một kỷ niệm đẹp, một dấu ấn của hạnh phúc lứa đôi, mỗi cặp vợ chồng cần có những kiến thức nhất định về chuyện vợ chồng. Đừng để mình trở thành người "mù chữ" trong chuyện này nhé!
Đinh Đoàn



CHUYỆN KHÓ NÓI: DƯƠNG VẬT KHÔNG PHẢI ĐỂ BẺ...

Dương vật của đàn ông được ví là “cái chân giữa”. Tuy nhiên, nó có chức năng của nó, chứ không phải để bạn nghịch ngợm. Nó cũng có thể bị gãy nếu như bạn vô tình nghịch dại hoặc hành sự không đúng cách đấy..
Nam là cán bộ quảng cáo cho một công ty tư vấn nọ đã phải một phen nhớ đời. Chẳng là Nam là dân tỉnh lẻ, lên Hà Nội kiếm việc làm, nên chàng ta cùng một số anh em thuê chung một căn nhà rộng rãi. Cùng trọ trong căn nhà ấy có 3 nam hai nữ. Đàn bà con gái được ưu tiên ở trên tầng hai, còn phe mày râu ở tầng dưới vừa để coi nhà, vừa để coi xe. Nói là phân biệt nhưng thật sự làm gì có ranh giới rõ ràng.
Mỗi khi các cô gái đi vệ sinh phải xuống tầng một, nơi các bạn nam nằm, ngồi, đứng ngổn ngang. Đang tuổi thanh niên sung sức, “thằng nhỏ” của Nam hay "chào cờ" bất thình lình. Thế là để đỡ bất tiện, Nam mặc bên trong hai chiếc quần sịp, bên ngoài cậu ta ních thêm chiếc soóc bò. Ai trông cũng bảo cậu là ấm đầu, mùa hè mà ăn mặc theo kiểu “đè đầu cưỡi cổ” con nhà người ta như thế thì chết chứ sống làm sao được.
Bữa nọ, Nam đem cái bí mật "cực kỳ kỳ cục" đó kể cho một người bạn tên là Hùng nghe. Nghe xong, Hùng cười ha hả rồi vỗ vai Nam cho lời khuyên: "Sao mày tồ vậy, khi ấy chỉ cần thò tay, bẻ cho nó một nhát, nó xìu đi ngay!”
Từ buổi được bạn trang bị cho kĩ thuật bẻ "của quý", Nam tự tin hẳn. Cậu ta cứ tự nhiên mặc quần đùi rộng đũng, rộng ống đi lại trong nhà vô tư mà không sợ bị ngượng đột ngột. Thỉnh thoảng mọi người lại thấy Nam vào toalet. Ai cũng nghĩ là cậu chàng đi giải quyết nhu cầu. Thỉnh thoảng có đứa nghe thấy tiếng lốc cốc, nhưng nghĩ Nam đang bẻ ngón tay.
Một hôm Nam xin nghỉ làm ở nhà một ngày, mặt mũi rầu rầu. Cả nhà tưởng Nam bị bệnh. Đến ngày thứ hai, vẫn thấy Nam ở nhà. Ngày thứ ba, Nam lôi một anh lớn tuổi, người đồng hương của Nam vào toilet. Chỉ ít phút, người anh này tức tốc chở Nam vào bệnh viện cấp cứu vì "thằng nhỏ" của Nam đã bầm tím, thâm xì như trái chuối sứ bị giập. Sau khi được các bác sĩ khâu vá, Nam trở về nhà với bí mật chỉ hai người biết. Ai có hỏi, Nam chỉ cười ngập ngừng, chỉ nói vùng đại tiện bị viêm nhiễm. Hoá ra trong một lần dùng kĩ thuật bẻ "thằng nhỏ", Nam quá tay làm cho cái "cần tăng dân số" của mình bị gẫy. Nói là gẫy, nhưng thực sự là bị bục như một khúc dồi bị vỡ khi đun quá lửa.
Theo thống kê tại một bệnh viện, mỗi năm có trung bình khoảng 20 ca phải nhập viện. Nguyên nhân phần lớn là bệnh nhân tự "gây thương tích" khi mình ở trọ nơi đông người hoặc sinh sống trong một gia đình đông đúc mà nhà cửa lại chật hẹp, mà "thằng nhỏ" cứ lăm le "chào cờ".
Bên cạnh đó, "những chiến binh" của người đàn ông còn bị băng bó bởi trong lúc "giao chiến", đối tác quá mạnh tay hoặc vô tình nghịch ngợm. Ngoài ra, nó còn bị gãy do giao hợp không đúng cách, sai tư thế.
Khi "thằng nhỏ" bị gãy, máu trào ra thoát qua chỗ rách của bao làm "cái đó" mềm đi, sưng to và tím rịm. Nếu anh nào lười hoặc xấu hổ không đến bác sỹ kịp thời lấy bỏ máu tụ và khâu và chỗ rách thì "cái đó" cũng có thể tự khỏi nhưng sau đó bị cong gập, gây khó khăn trong việc "yêu", hoặc thể hang bị xơ hóa, "chiến binh" bị liệt luôn. Bệnh nhân cũng có thể chịu một số hậu quả nghiêm trọng về đường tiết niệu.

Lời nhắn nhủ dành cho các bạn nam là tuy dương vật là của bạn, nhưng xin bạn đừng bẻ đầu bẻ cổ nó khiến nó khổ mà bạn cũng chẳng sung sướng gì. Hãy nhớ, là đàn ông, chúng ta còn nhiều việc để làm, chứ không phải có mỗi trò ... nghịch dại.
ĐINH ĐOÀN


Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

KIẾP ĐÀN ÔNG

      Anh Xuân đi xuất khẩu lao động 3 năm. Chưa được hai mùa đông, anh đã lơn tơn về nước. Lý do là nhớ cô vợ trẻ mới cưới vài tháng trước khi đi. Về bất ngờ mới thấy cô vợ trẻ đang mang bầu 7 tháng. Hỏi “tác giả” cô chỉ cười mỉm e thẹn. Cho rằng vợ đã quên chuyện nàng Tô Thị hoá đá chờ chồng ngày xưa, anh Xuân gửi đơn ra Toà án huyện xin ly hôn với lý do vợ ngoại tình, có thai với người khác!
          Toà không thụ lí vụ án với lí do chắc tựa bê tông xịn: Luật Hôn nhân và gia đình, điều 85, khoản 2 quy định “Trong trường hợp vợ có thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền xin li hôn”.
          Anh Xuân lủi thủi cầm đơn về, nhủ thầm ráng chờ cô ả sinh con, đợi đứa bé đủ tuổi luật định sẽ xin li hôn.Vợ đẻ ra sao anh chẳng quan tâm. Ba tháng trôi qua trong cảnh chiến tranh lạnh, anh ngạc nhiên đến ngất xỉu khi tình cờ khám phá trong giấy khai sinh của cháu bé, tên mẹ đương nhiên là tên vợ anh; nhưng phần tên cha rõ ràng là tên anh không sai một chữ. Thật quá đáng, anh Xuân tức tối ra UBND phường khiếu nại và được cô cán bộ tư pháp hướng dẫn làm đơn xin không thừa nhận con.
          Sau thời gian xem xét, toà cho biết trong điều 63 luật HNGĐ thì “Con sinh ra trong thời kì hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kì đó, là con chung của vợ chồng, trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Toà án xác định”. Việc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra phải theo phương pháp khoa học do chính phủ quy định, cụ thể là xác định gien. Như thế trong khi chờ đợi giám định, chờ đợi phán quyết của toà, đối với pháp luật anh vẫn là cha ruột đứa bé!
          Cô thẩm phán nhắc nhở trong khi chờ phát quyết của toà, anh Xuân vẫn buộc phải thực hiện mọi nghĩa vụ thương yêu chăm nuôi, bảo vệ vợ con theo luật định. Cô còn an ủi ra chiều thông cảm: “Cũng may chị ấy không sinh đôi!”. Anh đành chuẩn bị sẵn lá đơn li hôn chờ thằng “con ải con ai” tròn 12 tháng tuổi . Đơn chưa kịp nộp, sáng nọ anh tá hoả nghe tiếng nôn khan của nàng…
          Cái vòng luẩn quẩn lại bắt đầu, luật HNGĐ điều 85, khoản 2 quy định như trong phần trước.
          Lại tiếp tục kiếp chồng hờ, cha ảo lê thê chờ nàng sinh đẻ, rồi lại chờ công dân nhóc tì em tròn 12 tháng tuổi! Nếu cô vợ đa tình, mắn đẻ không chịu dừng cái trò trêu ngươi oái oăm thì sao?

          Anh Xuân ấm ức canh thâu này sang canh thâu khác, không biết nhờ ai. Phụ nữ có nhiều hội, nhiều luật bảo vệ. Còn luật nào bảo vệ cánh đàn ông trong chuyện buồn của anh Xuân?  


SỨT MÔI LỒI RỐN CŨNG ĐƯỢC, MIỄN LÀ VẪN CÓ CÁI CẦN TĂNG DÂN SỐ...

Tôi vừa về đến nhà được một lúc mẹ tôi như chợt nhớ ra chuyện làng, liền hỏi tôi: “Con ở ngoài Hà Nội có gặp cái Nga con chú Thắng không? Nó mới lấy chồng ở ngoài ấy đấy. Thấy tôi ngạc nhiên, mẹ tôi khoe: Cô Tuyến con bà Luyện ra Hà Nội làm ô sin mấy năm nay. Mỗi lần về quê lại đưa một đứa con gái ra đó gả chồng. Cô ấy đã giúp mấy đám ở làng lấy chồng thành phố, chứ ở nhà thì chỉ có ế mà thôi, có đứa nào nó rước”.
          Cái Nga thì tôi còn lạ gì. Nó là đứa con gái khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Vì nhà nghèo, đông em nên nó không học đến nơi đến chốn  như chúng tôi, đành ở nhà làm ruộng từ lúc hết lớp mười hai. Nó bằng tuổi tôi, năm nay mới ngoài ba mươi, nhưng ở làng nó được xếp vào hạng "gái già".
Ra Hà Nội, tìm theo địa chỉ mọi người ở quê cho, tôi tìm đến nhà chồng Nga. Là bạn học cũ, nay gặp nhau ở ngay Hà Nội, tôi không tin vào mắt mình khi thấy nó thay đổi nhanh thế. Nga trắng ra, béo tốt, hồng hào. Tôi đùa: Đúng là gái có hơi trai như thài lài gặp...mưa". Nga giới thiệu tôi với mẹ chồng rồi hai đứa đưa nhau lên phòng nó  tâm sự.
          Tôi sửng sốt khi biết chồng nó là một người đàn ông ngoài bốn mươi, chưa một lần lấy vợ, chỉ vì anh ta mắc chứng... dở người. Gia đình khá giả, kinh tế đủ đầy, nhưng học đến gần chục năm anh ta mới biết đếm vẹt đến mười. Tuy trí khôn chỉ đủ để "mưa chạy vào nhà, nắng tìm chỗ trú", nhưng về sức khoẻ và hình thức bề ngoài không đến nỗi. Khác hẳn với cảm tưởng ban đầu khi mới gặp, Nga tâm sự buồn rầu: "Cậu còn lạ gì, làng mình bây giờ mười bẩy mười tám chúng nó đã lấy vợ lấy chồng hết cả. Mình trót quá lứa nhỡ thì. Trong làng, người khôn ngoan bỏ đi kiếm ăn xa hết cả, chẳng đứa nào chịu về lấy vợ quê. Trẻ con thì nó không lấy mình, người già thì có vợ hết cả rồi, thành ra mình hết cơ hội. Có mấy ông vợ chết hay bỏ vợ, gần bốn mươi rồi vẫn lấy được gái hai mươi, người ta cũng không thèm đến loại mình. Cực lắm cậu ạ. Biết là cũng chẳng sung sướng gì khi lấy anh ấy, nhưng "Méo mó có hơn không". Mình sợ cảnh nằm không một mình lắm rồi. Nằm sấp lạnh lưng, nằm ngửa lạnh bụng. Lại còn những lời ong tiếng ve eo xèo  nữa chứ". Nga nói mà nước mắt vòng quanh. Nga còn bảo:Cậu đi thoát ly không biết chứ làng mình còn khối người lỡ thì quá lứa. Hôm nọ mình về chơi, chúng nó bảo nhờ mình tìm cho anh nào ở thành phố, sứt môi, lồi rốn cũng được, miễn là có cái cần "tăng dân số". Lấy nhau cốt cho có đứa con để nuôi, chứ ở làng mình có xin cũng đố anh nào dám cho”.

          Chia tay nó, cả hai cùng khóc. Sao một mong ước nhỏ nhoi như vậy mà với nhiều người cũng gian truân đến thế. Bất giác tôi nghĩ đến những người phụ nữ đủ đầy, có chồng con, có gia đình hạnh phúc nhưng vẫn rũ bỏ tất cả để theo... tình nhân. Phải chăng chỉ khi nào người ta khó khăn mới có được cái gì đó, người ta mới biết trân trọng, nâng niu nó?

ĐƯỢC ANH TRAI CỦA CHỒNG YÊU, TÔI HẠNH PHÚC HAY BẤT HẠNH?

          Tôi là một cô gái tỉnh lẻ, ra Hà Nội học đại học, rồi lấy chồng người phố cổ. Gia đình anh khá giả, nền nếp, gia giáo, cha mẹ đều là cán bộ. Đặc biệt cả anh và bố mẹ anh đều rất yêu thương tôi. Họ hàng, cha mẹ, bạn bè ai cũng mừng vì tôi tốt số. Vậy mà mới cưới nhau chưa đầy một năm, khi tôi đang mang thai đứa co đầu lòng vào tháng thứ sáu thì chồng tôi qua đời vì tai nạn giao thông. Tôi đau khổ tưởng chừng như không gượng dậy được. Sau khi sinh đứa con trai mẹ tròn con vuông, tôi được bố mẹ chồng chăm sóc chu đáo, nên nỗi đau cũng nguôi ngoai phần nào.
          Khi lấy chồng tôi biết chồng tôi còn người anh trai đang du học nước ngoài. Ngày cưới chúng tôi anh cũng không về được chỉ gọi điện và gửi quà về mừng cho vợ chồng tôi. Ngày chồng tôi mất anh cũng không về được vì bận tham gia đoàn bác sĩ tình nguyện đi làm từ thiện ở một nước châu Phi hay châu Mĩ gì đó. Khi anh hoàn thành luận án tiến sĩ và về nước, lúc con tôi đã gần hai tuổi.
          Những ngày đầu tôi rất bối rối vì chưa quen với việc có người con trai lạ trong nhà. Anh rất giống chồng tôi về bề ngoài nhưng tính nết khác hẳn. Tuy anh đã đi Tây, học cao hiểu rộng nhưng rất nhút nhát, ít giao tiếp và rất tình cảm, chu đáo với mọi người. Thú thật trái tim người phụ nữ hai tư tuổi như tôi đã nhiều lần thổn thức khi nhìn anh say mê bên bàn máy tính hoặc vui vẻ chơi với con tôi. Dần dần tôi cũng cảm nhận thấy ánh mắt anh nhìn tôi khang khác. Những lúc ấy tim tôi đập rộn ràng như lần đầu tiên nhận ra có một ánh mắt con trai dõi nhìn mình. Gia đình thúc giục anh lấy vợ, anh chỉ ậm ừ. Tôi giới thiệu cho anh mấy người bạn gái của mình nhưng trong lòng lại mong anh không đồng ý cô nào. Mẹ chồng tôi tinh ý nhận ra tình cảm anh dành cho tôi đã có lần nhắc nhở khéo anh phải giữ đúng tư cách người anh. Anh không cãi lại mẹ, nhưng ánh mắt anh thì buồn buồn. Về phần mình tôi thấy vừa vui vừa hổ thẹn khi mình nghĩ quá nhiều đến anh. Có đêm nằm trong phòng riêng, ôm con ngủ mà tôi thấy trống trải, cô đơn quá, mong muốn có ...anh bên cạnh.
          Bất ngờ, một hôm cả nhà đi vắng, anh đã nói với tôi rằng anh yêu tôi, muốn lấy tôi. Tai tôi ù đi trước sự bày tỏ tình cảm đột ngột kiểu Tây này. Tôi nói rằng anh nghĩ quẩn rồi, tôi và anh là anh em, không thể nào có thể yêu nhau được. Anh bảo tôi còn trẻ, chẳng lẽ lại chịu cảnh goá bụa như vậy suốt đời? Anh cũng bảo em trai anh, tức chồng tôi xấu số, nhưng chắc anh ấy không ích kỉ để giữ tôi ở mãi nhà này để thờ chồng. Anh lý luận: “Nếu em đi lấy người khác thì được, sao lại không thể với anh?”. Anh rủ tôi đi vào Sài Gòn công tác với anh, anh sẽ chăm sóc cho mẹ con tôi. Nhưng làm sao tôi có thể làm như vậy được. Tôi có phải sống ở đảo hoang đâu. Giá mà trên đời chỉ còn tôi và anh thì lại là chuyện khác. Thế là anh bảo anh sẽ chờ đợi đến khi nào tôi quyết định thì thôi.
          Mười năm trôi qua, anh chẳng lấy ai chỉ chăm chỉ làm việc và chăm lo cho gia đình. Tôi thật sự khổ tâm khi không dám làm cái điều mà lòng mình cũng mong muốn. Có lúc tôi muốn ào đến bên anh, nhưng giữa chúng tôi như có một sợi tơ mỏng manh chặn lại. Bố mẹ chồng tôi đã già hơn xưa và rất lo lắng chuyện vợ con của anh. Có người độc miệng bảo anh hâm, hay anh là pê đê, là đồng tính. Họ không hiểu anh, còn tôi, tôi biết anh đang sống vì tôi. Thực tình lòng tôi không muốn xa ngôi nhà này!

          Tôi không biết rằng mình đang bất hạnh hay hạnh phúc khi sống trong hoàn cảnh như thế này.