Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

TRẺ CẬY CHA, GIÀ ... TỰ LẬP

Những chuyện buồn quanh nỗi vất vả, gian nan, cô quạnh của cha mẹ già không cậy nhờ con được không phải là hiếm. Chính vì vậy một số cụ già đã chua xót đọc câu thành ngữ “trẻ cậy cha già cậy con” thành “trẻ cậy cha, già tự lập!”.
           Có một cụ già gần bẩy mươi tuổi, sáng nào cũng ra đứng ở đầu phố với cái bơm xe đạp chờ đón những người đi học, đi làm sớm. Mỗi lần có khách, bàn tay run rẩy của cụ lập cập mãi không lắp nổi cái vòi bơm vào van xe, làm cho những khách khó tính bực mình. Một số khách tốt bụng đã lấy bơm của cụ để tự bơm, nhưng vẫn trả tiền bình thường. Có ai ái ngại hỏi về hoàn cảnh của cụ, cụ chỉ bảo "các cháu nó ở xa quá, nên không giúp gì được". Cụ nói vậy nhưng nước mắt ứa ra, bởi các con cụ cũng ở trong thành phố này cả, chỉ có điều chúng đùn đẩy nhau trách nhiệm, nên cụ phải "tự cứu lấy mình"!
          Chuyện của một cụ bà còn buồn hơn. Trước kia kinh tế gia đình cụ không khó khăn gì. Cụ có cơ ngơi khá to ở trong phố, mỗi tháng chỉ tiền cho thuê cũng đủ cho cụ sống sung túc, nhưng các con cụ xui cụ bán nhà chia cho mỗi người một ít, để họ mua riêng chỗ khác ở cho độc lập. Phần của cụ, cụ mua một gian nhà tập thể để ở một mình. Các con cụ cũng góp tiền thuê cho cụ một người chăm nom hàng ngày. Họ còn mắc điện thoại để tiện liên lạc, có vấn đề gì, cô giúp việc chỉ việc gọi điện báo cho họ là xong. Cả tháng các con cụ không lại thăm vì họ nghĩ đã có người giúp việc. Thỉnh thoảng nhớ các cháu, cụ bảo cô giúp việc gọi điện nói các cháu xuống chơi, nhưng bố mẹ chúng bảo để chúng còn học. Rồi một lần cụ lên cơn nhồi máu cơ tim, cô giúp việc gọi điện đến nhà thì các con cụ đi làm hết, gọi di động thì họ tắt máy hoặc ngoài vùng phủ sóng. Cuống cuồng, cô gọi xe ôm đưa cụ đi viện, nhưng không kịp cấp cứu. Lúc cụ mất, bên cạnh cụ chỉ có người giúp việc.
          Mấy năm trước, nghe đâu có cụ lúc còn trẻ cũng làm ăn khấm khá, lo hết cho con cái mỗi người một cơ ngơi, một công việc đàng hoàng. Khi chết, con cái gửi cụ vào nhà lạnh của bệnh vện mấy ngày để lo tang lễ. Hôm đám ma cụ có đến vài trăm vòng hoa, tiền viếng có đến vài chục triệu. Chỉ có điều người nằm trong quan tài lại không phải cụ. Các con của cụ thuê người khâm niệm trọn gói cho cụ, nhưng những người làm dịch vụ đã bất cẩn, lấy nhầm xác của bố...người khác. Hóa ra lúc người ta thay quần áo, trang điểm, làm vệ sinh cho cụ, các con của cụ còn nháo nhác lo đón khách chuẩn bị đến viếng. Đến lúc phát hiện ra cụ vẫn còn nằm trong nhà lạnh, con cái xấu hổ quá, làm ma vội vàng, qua quýt cho cụ. Những người chứng kiến cảnh đó cứ ứa nước mắt thương cụ già và căm giận lũ con bất hiếu kia.
          Thật may mắn cho những người già có lương hưu, dẫu có không nhiều thì cũng tằn tiện qua ngày, không phải nhờ vả đến con cái. Những người làm ăn buôn bán, ngay từ hồi còn trẻ đã có vốn liếng tích trữ thì chẳng bàn làm gì. Nhưng còn những người không có điều kiện như vậy sẽ phải lao đao vất vả hơn. Để lý giải vì sao lại có cảnh con cái thiếu quan tâm đến cha mẹ như vậy, một số người đổ lỗi cho xu hướng phát triển của thời đại, có người bảo do kinh tế khó khăn nên lực bất tòng tâm. Một số ít thì đưa ra lý do nhà chật chội, hay khoảng cách tâm lý xã hội giữa các thế hệ ngày càng lớn khiến con cái khó gần gũi cha mẹ già. Có người bảo đó là chuyện bình thường vì bên Tây người ta cũng vậy, con cái trưởng thành tự lo cho mình, còn cha mẹ già thì có nhà dưỡng lão hay trợ cấp xã hội. Nhưng chúng ta đâu phải ở bên Tây?
          Khi cái tâm không có thì người ta nghĩ ra đủ lý lẽ để biện minh. Khó khăn kinh tế ư? Khó khăn nào bằng những năm tháng trước đây ? Xu thế thời đại công nghiệp ư? Chẳng lẽ cứ công nghiệp hoá, đời sống vật chất khá lên thì vấn đề đạo lý lại phải lùi bước? Nhà ở chật hẹp ư? Nhiều người nhà không hẹp mà hẹp bụng thôi.
Chúng ta có nhiều luật bảo vệ : Bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ cây xanh, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đê điều... Sẽ khó lòng bảo vệ được cái gì nếu như ngay đến những người thân sinh ra mình, cho mình sự sống mà mình còn không chăm sóc bảo vệ được. Chúng ta hãy nhớ rằng không ai có thể trẻ mãi không già, và hôm nay ta đối xử với bố mẹ già thế nào, ngày mai con cái ta đối xử với chúng ta đúng như thế. Chúng ta cần sống làm sao để sau những năm tháng gian nan vất vả, đến đoạn cuối cùng của cuộc đời, những người già được vui vẻ, thanh thản. Hiện tại của cha mẹ già là tương lai gần của chính chúng ta!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét