Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

TÂM LÝ HỌC: ĐẠI KHÁI VỀ ... MÊ TÍN (KHÔNG PHẢI ĐẠI CƯƠNG)

          Mê tín, tín ngưỡng, tôn giáo có phần nào sự giống nhau, tuy nhiên, chúng không phải là một.
          Mê tín là tin vào điều gì đó một cách mê muội, thiếu sáng suốt, thiếu cơ sở hiểu biết khoa học. Ví dụ: ăn thịt chó nhiều đạm, dẫn đến khó tiêu hóa, đau bụng, đi ngoài… thì OK, là vấn đề có cơ sở khoa học. Nhưng tin rằng đầu tháng ăn thịt chó thì bị xui xẻo, gặp nhiều rủi ro… thì nếu hỏi “tại sao lại thế”, không ai trả lời được. Hiện tượng “ăn thịt chó đầu tháng” với việc “gặp xui xẻo” chẳng có sợi giây liên hệ nào. Đó là mê tín.
          Nguồn gốc của mê tín là sự “chưa biết”, sự sợ hãi trước những điều chưa lường trước được, là sự bất cập giữa mong muốn và thực tế. Cùng sinh một năm, cùng học giỏi như nhau, vậy mà mỗi người có một số phận khác nhau, không biết giải thích vì sao, người ta nghĩ đến “mỗi người một số”, thế là xong, khỏi đau đầu suy nghĩ. Có một số hiện tượng xảy ra, khoa học chưa thể giải thích được ngay vì nhận thức của con người có hạn, thế là người ta phải giải thích nó bằng sự “tin tưởng không trong sáng” (mê tín). Tại sao có gia đình chết liền mấy người trong một năm? Có thể là ngẫu nhiên, nhưng tại sao ngẫu nhiên lại rơi và đúng nhà mình chứ không phải nhà khác? Khi nào khó giải thích bằng lý lẽ khoa học thì mê tín xuất hiện. Người ta mong nhiều thứ, nhưng sức người có hạn, đành cầu xin ở những thế lực siêu nhiên nào đó hỗ trợ. Trong cuộc thi tranh tài, cuộc bầu bán, không ai dám chắc mình đỗ 100%, đành đi lễ, cầu xin chỗ nọ, chỗ kia, hy vọng có thêm sự trợ giúp để thắng lợi…
          Mê tín còn là thói quen, nếp nghĩ được truyền từ đời này qua đời khác. Trẻ con sinh ra không biết mê tín, mê tín là thứ đời dạy. Còn trẻ, khỏe, giỏi, tự tin, không mê tín. Những rồi vấp ngã vài lần chảy máu mồm, tự nhiên phải nghĩ đến việc “tin vu vơ”. Đời không bao giờ hết rủi ro, bất ngờ, nên mê tín không thể nào hết được. Đừng hy vọng khoa học càng phát triển, mê tín sẽ bị đẩy lùi.
          Mê tín có 4 dạng: Nghi thức, kiêng cữ, điềm báo và tôn thờ.
Nghi thức mê tín là những việc phải làm để mong được yên ổn mọi bề. Xin lộc đầu năm, đốt vàng mã, xem ngày cưới hỏi, làm ma, cất nhà, mở cửa hàng cửa hiệu, xin thẻ, xin âm dương, xem bói… là những nghi thức mê tín.
Kiêng cữ là những điều cố tránh để khỏi gặp rủi ro. Không ăn thịt chó đầu tháng, không quét nhà đầu năm, không ở nhà số 3, không chụp ảnh 3 người, không xuất hành ngày 5, 14, 23, không thăm bà đẻ đầu tháng, không khen trẻ con mới đẻ (có khen phải nói “trộm vía”), không nói đến “cái chết”, không vớt người chết đuối, không lật cá trong đĩa, ngồi không quay lưng, chổng mông về phía bàn thờ… là những kiêng cữ mang tính mê tín.
Điềm báo là những dấu hiệu dự báo về một điều tốt đẹp hoặc không may mắn do sự vật, hiện tượng được gán cho là “lành” hay “dữ”. Ví dụ, mơ gặp chó đuổi là điềm rủi ro. Mơ thấy người chết là may mắn sắp đến (sinh dữ, tử lành), mồng một Tết, “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”, vỡ ảnh cưới là điềm gở, báo hiệu sự trục trặc của đôi trai gái. Đây là một vài trong vô vàn các điềm báo mê tín.
Sự tôn sùng một vật gì đó vì “nghĩ là nó mang lại may mắn”. Xin được cái ấn ở đền Trần, giữ trong ví đồng 2 đô la, đeo ở cổ cái bùa, ký bằng một cái bút đặc biệt, mặc một cái áo, đi một cái xe, sở hữu một số điện thoại đẹp, cái biển số đẹp… được coi là may mắn. Đặt hòn đá ở chỗ này, trồng cái cây ở chỗ kia, che bớt cái này, tô vẽ cái kia (thường được gọi là phong thủy) cũng là sự sùng bái vật, được giải thích theo kiểu “rất phong thủy”, ai tin thì tin, chẳng tin cũng chẳng chết ai.
          Mê tín mang tính toán cầu, dân tộc nào, cộng đồng người nào cũng có, bất kể lạc hậu hay văn minh. Mê tín này lại đẻ ra mê tín khác. Nguồn gốc của mê tín là sự chưa hiểu biết (chứ không phải ngu dốt) và nỗi sợ. Cả hai thứ này mãi mãi vẫn tồn tại, biết được cái này lại xuất hiện “cá chưa biết” khác. Còn nỗi sợ thì .. thôi rồi.
          Một đặc điểm nữa của mê tín mang tính văn hóa vùng miền. Với vùng này, miền này, nền văn hóa này, ở cộng đồng này coi điều A là may mắn, điều B là rủi ro. Ngược lại, ở nơi khác lại giải thích khác…Ví dụ, con cú (mèo) bị ghét cay ghét đắng ở Việt Nam vì chuyên mang đến điềm gở, thì con cú lại được “kính nể” ở phương Tây vì nó tượng trưng cho sự thông thái, tinh nhanh…

(Còn nữa: Tín ngưỡng)


Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

KHÔNG CHỈ TRẺ MỚI SỐNG ẢO...

         Được cơ quan “đề nghị” về hưu trước tuổi, chị Hòa bị sốc mất hai tháng, nằm lì ở nhà, không đi đâu. Trong thời gian này có một số bạn bè, người thân mời chị tham gia bán bảo hiểm, mở cửa hàng bán quần áo trẻ em, làm kế toán cho một nhà hàng… chị đều từ chối. Chồng vẫn đi làm, con thì đã lớn, đứa có chồng, đứa đang học đại học năm cuối, nên chị Hòa chẳng phải “phục vụ” ai, rảnh rỗi lắm. Chị lần mò “lên phây”, cái thứ mà khi còn đi làm cơ quan nhà nước, chị hay “chửi” bọn trẻ là đú đởn, là vớ vẩn, rách việc, mất thời gian. Thời gian đầu ít bạn, chị chỉ “pót ảnh”, sau quen dần, chị đăng thơ, những bài thơ giống như vè, kiểu như: “Tự nhiên lại thấy nhớ quê/ Nhưng mà không biết nên về hay không? Mọi người bận ở ngoài đồng/ Có ai chơi với hay không mà về…”. Kèm theo bài thơ ấy là tấm ảnh làng quê thanh bình có cây gạo nở hoa đỏ. Chỉ sau 3 ngày đăng thơ và ảnh, chị nhận được hơn 50 lượt “lai” (like), hàng chục bình luận na ná giống nhau kiểu: “thơ hay, ảnh đẹp”, “đep quá bạn ơi”, “hay quá”, “cảm ơn nhà thơ nói đúng tâm trạng mình…”.
          Rồi chị mê phây, mê thơ. Nhiều người mời chị tham gia các câu lạc bộ thơ như “Câu lạc bộ thơ duyên quê”, “Câu lạc bộ thơ Đường kiểu mới”, “Câu lạc phố Đông”. Chị lựa chọn chỉ tham gia có hai câu lạc bộ, đó là “Câu lạc bộ thơ trăm miền” và “Câu lạc bộ thơ Sông quê”. Thế thôi mà cũng đã bận túi bụi, bởi mỗi ngày chị phải sáng tác ít nhất 2 bài, đăng lên trang thơ của 2 câu lạc bộ. Rồi còn phải đọc, góp ý cho các bài thơ của các bạn khác, nên chị bận tối ngày.
          Sáng mở mắt ra, chị vào phây ngó xem đêm qua có bao nhiêu người đọc, người bấm “like” thơ chị, ai khen thì chị nhiệt tình cảm ơn, ai chê thì chị buồn và bực, có lúc nhắn lại rằng “có giỏi thì làm thơ hay hơn tôi đi, đừng có GATO” (GATO là viết tắt của bốn chữ ghen ăn tức ở, chị được nghe bọn trẻ cùn cơ quan cũ hay nói thế, giờ chị lôi ra dùng cho nó đúng là “người hiện đại”.
          Nửa năm sau, chị hí hửng khoa với chồng, con rằng chị đã có 1000 người bạn, trong đó có tới gần 500 anh em trong các câu lạc bộ thơ, chị sáng tác hơn hai trăm bài. Con gái chị cười không nói gì. Con trai bảo “mẹ hồi xuân”. Chồng chị khuyên: “Em bớt sống ảo đi, mất thời gian, mất sức khỏe, ăn không ngon, ngủ không yên, lắm bạn, nhiều thơ, nhưng em có ra chợ, người ta vẫn gọi em là bà, chẳng biết em là ai đâu mà”. Chị giận chồng con, cho rằng họ sống nhạt, sống thực dụng, chỉ cơm áo gạo tiền. Chị ngầm so sánh với người đàn ông có nick là “dân miệt vườn”, chủ nhiệm CLB thơ, với anh “em là tất cả”, ngày ngày đều có thơ đăng…
          Rồi nhân kỉ niệm 1 năm ngày ra đời trang “Thơ trăm miền”, người quản trị trang quyết định tổ chức gặp mặt những nhà thơ nổi tiếng và cho ra mắt tập thơ đầu tiên, với 100 bài đã được lựa chọn. Chị vinh dự có 2 bài được chọn, phải nộp 2 triệu cho bộ phận biên tập và lo thủ tục, thuê thiết kế bìa, tìm nhà in… Ngày hội ngộ các nhà thơ trăm miền được tổ chức ở một tỉnh xa, chị Hòa rút tiết kiệm 15 triệu, vừa mua vé máy bay, vừa lấy tiền chi tiêu cho chuyến đi. Chuyến đi quá vui, chị chụp được hơn 200 tấm ảnh đẹp. Khi về, chị đóng thùng cát tông chuyển ra Hà Nội 50 cuốn thơ trăm miền, trong đó có 2 bài của chị (theo quy định, các hội viên có thơ được đăng phải có trách nhiệm tiêu thụ thơ đã in, chị có 2 bài nên phải lấy nhiều hơn những người có 1 bài). Bán không được, cho lại ngại, chị đành mua một cái giá sách, trưng bày thơ đầu tay của mình lên đó, ngay đầu giường, trong phòng ngủ…
          Chị ốm năm ngày nằm bẹp, không ai thăm hỏi. Chồng con vẫn bận việc của họ. Mệt mà chị vẫn lọ mọ lên phây xin lỗi và thông báo rằng: “mình bị ốm, nên mấy hôm nay không đăng phây, mong gia đình phây thông cảm, khi nào khỏe mình lại sáng tác…”.

          Đi làm về, chồng chị thấy chị nằm thiêm thiếp, bát cháo nguội ngắt vẫn ở trên đầu giường, chiếc điện thoại rời ra khỏi bàn tay chị rơi xuống giường. Anh nhặt điện thoại lên, vẫn mở ở trang “thơ trăm miền”, với bài thơ vừa viết dang dở, chưa kịp post, có nội dung: “Hôm nay bị ốm mất rồi/ Không biết mọi người có biết cho không?/ Như cây lúa trĩu nặng bông/ Chắt chiu phân bón ngoài đồng ấm no…”. Anh nhìn chị thấy thương xót trong lòng, nhưng anh lắc đầu ngao ngán, tự nói với mình rằng “sống ảo quá”, rồi đi xuống bếp nấu cơm chiều..


Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

TÌNH DỤC: CÓ HỌC MỚI BIẾT....

        Nhiều người nghĩ rằng “chuyện ấy” là bản năng. Người ta cho rằng đã là “bản năng” thì tự nhiên nó có, không cần dậy bảo. Nhưng thật ra “chuyện ấy” là vấn đề văn hoá, là vấn đề phải học. Đúng là chưa có những trường lớp để dạy con người ta phải làm gì trong chuyện ấy. Song học tập đâu có phải cứ đến trường, đến lớp mới là học. Con người là một sinh vật xã hội, sống trong cộng đồng. Con người học được chuyện đó một cách từ từ, từ những người xung quanh, từ sách vở, từ những câu chuyện “rỉ tai” nhau. Nói cách khác, con người học chuyện ấy theo phương thức “tập nhiễm”.
          Để nói kĩ hơn về chuyện này, tôi muốn nói đến chuyện của những “người rừng”. Người rừng, hay người “hoang dã” là những người từ bé đã bị cách ly KHỎI loài người, sống với các con thú trong rừng. Tính đến cuối thế kỉ 20, người ta đã phát hiện ra 53 trường hợp người rừng và đưa họ trở lại với cuộc sống loài người. Tại Ấn Độ có 11 trường hợp người sói. Victor là đứa trẻ hoang dã ở Pháp được phát hiện năm 1799, lúc đó nó đã 11 tuổi. Bác sĩ Jacques Itard đã dạy dỗ nó trong suốt 6 năm. Có những người hoang dã không bị thú bắt và nuôi, nhưng bị loài người gạt bỏ như trường hợp của Anna, vùng Pensylvania, Mĩ, được phát hiện năm 1938 do bị nhốt trên tầng 2 của một kho thóc. Elith Riley vùng Chio được phát hiện năm 1940 lúc em 12 tuổi, do dì ghẻ nhốt trong một kho chứa đồ. Gần đây nhất một người sói được phát hiện là Manuto Kossiwi, ở châu Phi được phát hiện năm 1983.
          Qua quan sát và nghiên cứu những người sói, người hoang dã, người ta đã thấy họ không biết đi bằng 2 chân, không biết nói, không hiểu lời, tư duy trì trệ, không biết khóc, không biết cười. Đặc biệt là họ không phát triển về hoạt động tình dục. Peter sống đến 68 tuổi mà cũng không có đời sống tình dục. Manuto Kossiwi, đứa trẻ da đen đến năm 17 – 18 tuổi vẫn không hề có dấu hiệu phát triển tính dục.
          Như vậy, tình dục đâu có phải là “tự nhiên mà có”, không phải là bản năng. Nó là hành vi học được ở người khác, thông qua giao tiếp với người khác. Càng sống khép kín, sống xa cách loài người, ít thông tin… càng “mông muội” về “chuyện ấy”.
          Tôi nhớ mãi một kỉ niệm trong đời làm tư vấn của tôi là đã phải dạy một thanh niên “làm gì” vào đêm tân hôn ngay trước hôm anh ta cưới vợ. Việc dạy này được gia đình mời hẳn hoi, dạy trực tiếp tại nhà và theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”.
          Đó là trường hợp của một thanh niên Hà Nội. Anh bị mù từ nhỏ, chỉ sống trong phòng của mình. Cha mẹ anh là người rất quan tâm đến con, đã nhờ mối lái tác thành cho anh một cô vợ, một cô gái nông thôn nghèo khó. Trước ngày cưới hàng tuần, ông bố vào ngủ cùng cậu con trai và tâm sự xa xôi rằng “là vợ, là chồng thì phải có chuyện chung đụng, để sinh con đẻ cái”. Nhưng ông cảm thấy nói xa xôi quá, cậu con trai không hiểu bố nói chuyện gì, mà nói “toạc móng heo” thì người bố không làm được. Ông đã gọi điện lên trung tâm tư vấn của chúng tôi yêu cầu một chuyên viên tư vấn nam giúp đỡ. Hoá ra cậu bị mù bẩm sinh, chưa hình dung một người phụ nữ ra sao, cậu tưởng họ cũng giống như cậu và đúng là cậu không biết … phải làm gì. Vậy là trong khi ở nhà ngoài mọi người đang chuẩn bị phông, màn, cỗ cưới, thì tôi đã phải làm “ông thầy bất đắc dĩ” ở trong phòng riêng của cậu. May thay cậu là người thông minh, nên cũng hiểu được mọi chuyện. Hiện nay cậu đã là bố của một đứa con kháu khỉnh.
(Còn nữa)



TÌNH DỤC: CHUYỆN DÀI NHIỀU TẬP 1

      Trong một lần tập huấn cho các cán bộ y tế của một tỉnh nọ về kỹ năng tư vấn chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tôi viết lên bảng một dãy số: 2, 5, 10, 4990, 5000 và yêu cầu mọi người suy nghĩ, tìm ra mối liên quan giữa các con số ấy. Sau 10 phút, có nhiều đáp án trả lời, nhưng mọi người cười ồ lên vui vẻ khi tôi đã đưa ra “đáp án chính thức”. Ai cũng bảo “hay nhỉ, thế mà từ trước đến nay mình đâu có nghĩ đến”
CHUYỆN LÀ THẾ NÀY
          Giả sử mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh hai con, mà theo tính toán của các bác sĩ, các nhà khoa học, thì chỉ cần 5 lần “đi lại” là có một lần người vợ có thể có em bé. Như vậy, để có đủ 2 con, mỗi cặp vợ chồng có sức khoẻ bình thường cần gặp nhau tối đa là 10 lần. Đây là con số đã tính “trừ hao” khá lớn, còn đối với những cặp vợ chồng “nhạy”, thì có khi chỉ cần 2 lần là có hai con ngay.
          Giả sử một cặp vợ chồng lấy nhau lúc 25 tuổi, họ có đời sống chăn gối đến lúc cả hai 55 tuổi, nghĩa là họ có đến 30 năm  để “làm chuyện ấy”. Tính trung bình, mỗi tuần một cặp vợ chồng gặp gỡ nhau 2 – 3 lần, thì trong 30 năm, họ đã gặp nhau đến  3000 lần.
Khi tôi hỏi các học viên, đều là các bác sĩ, cán bộ y tế, các cán bộ phường, xã rằng nếu lấy con số 3000 trừ đi 10 lần gặp gỡ với mục đích sinh con, còn lại đến 2990 lần vợ chồng gặp nhau để làm gì. Người thì bảo “vì tình yêu”, người cho rằng “cho vui vẻ”, nhiều người khẳng định là vì mục đích “vui chơi giải trí”.
           Khi mọi người đã bớt xôn xao về các con số, tôi đặt một câu hỏi: “Trong cuộc sống của chúng ta, có hoạt động “vui chơi giải trí” nào lại bền bỉ, lại hấp dẫn như “chuyện ấy”. Vậy tại sao chúng ta lại không đầu tư sáng tạo, không quan tâm đúng mức, hay không đánh giá hết tầm quan trọng của nó? Tại sao có lúc chúng ta đã cho nó là “chuyện bậy”, chuyện “không đáng nói”? Tại sao chúng ta lại bất công với “nó” thế?”. Mọi người im lặng.
          Khi tôi hỏi một câu hỏi nghe có vẻ ngớ ngẩn rằng: “Các anh các chị thường khám, chữa những bệnh gì?”. Mọi người đua nhau kể hàng trăm thứ bệnh. Nào là tim, gan, phổi, mật, dạ dày, da, xương, tócTuyệt nhiên không có ai kể những bệnh hay những trục trặc của “chuyện ấy”. Không lẽ “nó” là bộ phận vạn năng, vĩnh cửu hay sao mà không bao giờ hỏng hóc, trục trặc? Đa số bảo rằng nó cũng là một “cơ quan”, nó cũng giống như chân, tay, mắt, mũi, cũng bị bệnh, bị hỏng, nhưng đa số mọi người ngại đi khám bác sĩ, mà chủ yếu âm thầm chịu đựng, hy vọng nó tự khỏi hoặc tìm ông lang hay những bài thuốc dân gian để tự chữa. Lại một lần nữa chúng ta bất công với “nó” quá.
          Có ý kiến cho rằng chỉ có phương Tây mới chú trọng nghiên cứu và đề cao “chuyện ấy”, còn văn hoá phương Đông tế nhị, không cho rằng chuyện ấy là chuyện phải bàn. Nói như thế không thoả đáng. Cuốn “Kama Sutra” của Ấn Độ, những cuốn “Ngọc phòng bí quyết” , “Dưỡng sinh yếu luận”, “Phòng trung thuật” hay “Tố nữ kinh” của Trung Hoa đã đề cập đến những vấn đề này rất tỉ mỉ, dưới góc độ khoa học chứ không khai thác khía cạnh “tục” của chuyện ấy. Hiện nay các nhà tình dục học phương Tây đang phải nghiên cứu và học hỏi đấy thôi. Trong dân gian, có hàng trăm bài thuốc uống, rượu bổ, món ăn nhằm bồi dưỡng cho chuyện ấy. Những câu chuyện “tiếu lâm” cũ, những câu “đố tục giảng thanh” hay “đố thanh giảng tục” chẳng luôn là những câu chuyện được nhiều người chú ý sao? Thơ của bà Hồ Xuân Hương nếu không có cái ý “ỡm ờ”, chắc gì đã trở thành những bài thơ “để đời”?

          Lại nói chuyện hơn chục năm trước, khi nạn ốc bươu vàng ở các tỉnh Nam Bộ hoành hành, phá hoại hoa màu. Người ta phải dùng những biện pháp thủ công để bắt chúng để ăn, để bán, thậm chí để nuôi heo vì ốc quá nhiều, bán quá rẻ. Nghe đâu có một người “nhạy bén” trong làm ăn, đã tuyên truyền rằng ăn ốc bươu vàng có tác dụng “bổ dương, tráng khí”. Vậy là người ta đua nhau bắt ốc bươu vàng để bán cho các nhà hàng chế biến các món ăn trước là bình dân, mạt hạng, nay đã trở thành “bài thuốc”. Giá ốc bươu vàng tăng lên vòn vọt, và cũng nhờ thế mà những người cần cù bắt ốc cũng kiếm được chút ít tiền bạc, chuyện tiêu diệt ốc bươu vàng nhờ thế mà hiệu quả hơn. Ai dám bảo dân ta thờ ơ với “chuyện ấy”?
(Còn nữa)

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY: Ngay cả khi người vợ có bắt quả tang anh chồng đang “giã gạo” với người phụ nữ khác, thì đàn ông vẫn bào chữa bằng lý do “anh bị đưa vào bẫ...

ĐÀN ÔNG NGOẠI TÌNH: 11 LÝ DO THỰC SỰ

Ngay cả khi người vợ có bắt quả tang anh chồng đang “giã gạo” với người phụ nữ khác, thì đàn ông vẫn bào chữa bằng lý do “anh bị đưa vào bẫy”, “anh vẫn chỉ có em là duy nhất, còn con này nó thích chết, anh cho nó chết!”, hoặc “nó cho anh uống rượu, rồi đưa anh lên giường, anh không kiểm soát đươc hành vi…”.
Nhưng câu hỏi đặt ra là “điều gì khiến đàn ông ngoại tình?”, điều gì khiến họ tái phạm ngay sau khi bị bắt quả tang, sau khi hứa hẹn đủ điều, ngay cả khi đối mặt với những hậu quả không mong muốn như ly dị, gia đình tan nát, con cái khổ sở, mất vị thế xã hội và những điều tương tự khác?
Dưới đây là các câu trả lời:
1 - Chưa trưởng thành: Có những người đàn ông chưa trưởng thành, dù anh ta đã nhiều tuổi. Sự trưởng thành không nằm ở chỗ anh ấy có thể quan hệ tình dục với những ai, được bao nhiêu lần một tuần, bao nhiêu phút mỗi hiệp, mà nó nằm ở sự phải hiểu rằng hôn nhân là sự cam kết chung sống, rằng hai chữ “tin tưởng” và “chung thủy” đươc đặt lên hàng đầu. Người đàn ông trưởng thành về mặt tâm lý, xã hội cần hiểu rằng mỗi hành động của anh ta chắc chắn sẽ có hậu quả, mang đến sự tổn thương cho đối tác, anh ta không coi những cuộc phiêu lưu tình dục là thú vui hay sự hưởng thụ.
2 – Có vấn đề: Rượu, ma túy, hạn chế nhận thức… ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của người đàn ông, dẫn đến các quyết định tình dục đáng tiếc. Hoặc có thể anh ta có một vấn đề như nghiện tình dục, có nghĩa là anh ta bắt buộc phải có những ảo tưởng và hành vi tình dục như một cách để thỏa mãn ảo tưởng đó.
3 - Che giấu sự bất an: Người đàn ông có thể “ăn vụng” khi trong lòng cảm thấy bất an. Đó có thể là cảm giác thấy như mình quá già hoặc quá trẻ, không đẹp trai, không đủ giàu, không đủ thông minh, vân vân ... Người đàn ông bất an muốn có nhiều trải nghiệm để “tự sướng”, tự an ủi bản thân rằng “già rồi mà vẫn có nhiều gái theo”, “trẻ như mình mà khối chị có chồng chết như ngả rạ”, “cần gì giàu có mà vẫn có thể có phụ nữ dâng hiến…”. Ngoại tình lúc này là liều thuốc an thần.
4 – Muốn ly hôn: Ngoại tình (nhất là ngoại tình công khai) là gửi thông điệp muốn “chấm dứt”. Người chồng đã “ngán đến cổ” cuộc hôn nhân này, nhưng anh ấy không nói thẳng với vợ rằng muốn chia tay, mà chọn việc ngoại tình công khai để gây sự, để tạo cớ … chia tay với vợ. Cũng có thể anh chồng muốn bỏ vợ, nhưng chưa kiếm được người phụ nữ “xứng đáng” để kết hôn, nên trong thời gian chờ đợi, lấy ngoại tình để “dùng tạm”.
5 – Hèn kém và cô đơn: Người đàn ông ít bạn, mối quan hệ xã hội hạn chế cũng là nguyên nhân khiến anh ta ngoại tình. Người đàn ông giỏi dang, có địa vị xã hội, có nhiều niềm vui thú bạn bè, sẽ tìm thấy “giá trị” của mình ở nhiều nơi, chứ không chỉ ở chỗ “lên giường với phụ nữ”. Đó là lý do tại sao một số phụ nữ bă khoăn rằng chồng chị ấy ít mồm ít miệng, chẳng có tài cán gì, dở ông dở thằng, bạn bè không có, vậy mà … vẫn gái mú đều đều.
6 – Nạn nhân của bạo ngược: Bị bạo hành từ nhỏ cũng là lý do khiến đàn ông hay ngoại tình. Hồi bé anh ta bị bỏ rơi, bị đánh đập, bị xâm hại…Anh ta sống trong gia đình bố mẹ không hòa thuận, bố ngoại tình, mẹ bồ bịch, chẳng hiểu nổi giá trị của hai tiếng “yêu thương”, chỉ lấy tình dục làm vui. Anh ta coi rượu, ma túy, gái mú… làm trò tiêu khiển vì chẳng nghĩ ra trò gì hơn.
7 - Tính ích kỷ: Mọi lo toan, tính toán của anh ta đều dành cho bản thân, coi viêc hưởng thụ tình dục là “đặc quyền, đặc lợi”. Anh ta có thể nói dối, có bồ và giữ bí mật mà không hối hận hoặc hối tiếc miễn là anh ta có được những gì anh ta muốn. Có thể anh ta không bao giờ có ý định một vợ một chồng, cho rằng nếu chỉ chung thủy với vợ là một sự hy sinh không cần thiết, một sự dại dột.
8 – Kiêu ngạo: Cho rằng mình là một người “độc đáo”. Có thể anh ấy cảm thấy mình khác biệt và xứng đáng hưởng điều đặc biệt mà những người đàn ông khác có thể không. Qúa đẹp trai, thành đạt, giàu có, hấp dẫn phụ nữ, có tiền, có quyền lực… là những thứ đàn ông cho là “thế mạnh độc đáo”, cần phải khai thác để hưởng thụ … cho sướng.
9 - Hoàn cảnh đưa đẩy: Người đàn ông chưa bao giờ ngoại tình cho đến một hôm do hoàn cảnh xô đẩy anh ta vào vòng tay người phụ nữ khác và chợt nhận ra “ăn vụng cũng dễ và ngon”. Sau đó, theo thói quen, lại đi tìm “món ngon” để … xơi tiếp.
10 - Kỳ vọng không thực tế: Có thể cảm thấy rằng bạn tình của mình phải đáp ứng được mọi mong muốn, tình dục và những điều khác 24/24 dù bạn cảm thấy như thế nào. Anh không hiểu rằng cô có một cuộc sống riêng của cô, với những suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu mà không phải lúc nào anh cũng liên quan đến anh. Khi mong đợi của ông không được đáp ứng, ông tìm kiếm sự hoàn thành bên ngoài.
11 - Giận dữ và trả thù: Đàn ông ngoại tình còn vì lý do tức giận vợ, muốn “cho cô ấy biết tay”. Sự trả thù cay độc nhất là ngoại tình và cố tình công khai để người kia phải đau đớn, tổn thương.
Đinh Đoàn


ĐÀN ÔNG NGOẠI TÌNH: 9 NGỤY BIỆN

Đa số những người đàn ông ngoại tình, lừa dối vợ, ăn vụng vợ… đều không muốn mất gia đình hoặc bỏ vợ. Chính vì thế họ mới sáng tác ra những “lý do” rất hợp lý, mang tính bào chữa, giảm nhẹ tội lỗi của mình. Còn anh nào không nói dối, mà nói trắng phớ giọng thách thức kiểu: “ừ thì tôi ngoại tình đấy, cô làm gì được tôi nào, kiểu gì tôi cũng chiều/ chấp nhận”, thế là bó tay chấm com rồi.
Dưới đây là một số “lý do hợp lý” mà đàn ông đưa ra để bênh vực cho chuyện “trót dại ăn vụng” của mình:
1/ Thằng đàn ông nào chẳng thích QHTD với những người PN khác. Khi cơ hội đến là đàn ông “chén thôi”.
2/ Về mặt sinh học, đàn ông cũng như các con giống đực khác, thích quan hệ với càng nhiều PN càng tốt để gieo rắc tinh trùng, tức là bộ gien của mình. Không lẽ tôi lại khác họ?
3/ Nếu tôi có được đời sống TD đầy đủ (tốt hơn) ở nhà, tôi đâu cần phải vụng trộm cơ chứ. Đây là cách “đổ lỗi” thường xuyên nhất, tự biến mình từ “tội phạm” thành “nạn nhân”, vì lý do “đói ăn vụng, túng làm liều”.
4/ Là đàn ông, thằng nào chẳng ăn vụng khi có điều kiện. Bọn bạn tôi, mười thằng thì đến chín thằng có bồ. Chúng nó khôn khéo nên không bị vợ phát hiện thôi. Không tin, đi mà hỏi chúng xem!
5/ Nếu vợ tôi không xuống cấp, xập xệ, già nua, xấu xí, đối xử với tôi tốt hơn, không lạnh nhạt với tôi… thì tôi đâu có thế.
6/ Giá công việc của tôi không khiến tôi bị áp lực quá, tôi đâu đến nỗi phải tìm kiếm sự giải tỏa căng thẳng ở bên ngoài.
7/ Ngoại tình ư, lừa dối ư, có gì đâu. Chẳng qua là đi hát hò, nhảy nhót, mát xa tí cho vui thôi mà, anh đàn ông nào chẳng thích như vậy.
8/ Gái mại dâm nhan nhản ra đấy, ai cấm được đâu. Nếu anh đàn ông nào cũng ngoan ngoãn, thật thà, chung thủy với vợ, các em cave chết đói à? Đây là dạng “lý sự cùn” nhất quả đất rồi, nhưng lại được bọc dưới cái vỏ bọc “thương người”!
9/ Đi mát xa, ôm ấp, sờ soạng một tí hoặc lên mạng chat chit, xem mấy em gái cởi đồ thì có gì gọi là ngoại tình, chỉ là trò chơi thôi!

Ngay cả khi người vợ có bắt quả tang anh chồng đang “giã gạo” với người phụ nữ khác, thì đàn ông vẫn bào chữa bằng lý do “anh bị đưa vào bẫy”, “anh vẫn chỉ có em là duy nhất, còn con này nó thích chết, anh cho nó chết!”, hoặc “nó cho anh uống rượu, rồi đưa ảnh lên giường, anh không kiểm soát được hành vi…”. 
Nguyên nhân thực sự là gì, xem bài sau sẽ rõ...

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

SUY NGHĨ TÍCH CỰC LÀM BẠN SỐNG HẠNH PHÚC HƠN

Các nhà tâm lý học có nói” You are what you think”, nghĩa là bạn nghĩ thế nào được thế đó, bạn cho rằng bạn hạnh phúc thì bạn sẽ hạnh phúc, còn bạn cố chứng minh bạn bất hạnh thì bạn sẽ bất hạnh. Cùng một vấn đề, nhiều người có cách nhìn nhận khác nhau, dẫn đến những hành động khác nhau. Điều này có nghĩa là bạn cần phải thay đổi cách thức mà tâm trí bạn hoạt động và hạn chế những suy nghĩ tiêu cực. Một suy nghĩ tích cực có thể mang lại nhiều thành công hơn cho bạn. Điều này có nghĩa là bạn cần bắt đầu thay đổi cách mà bạn nghĩ. Dưới đây là một vài gợi ý:
Lo lắng là một điều vớ vẩn. Điều quan trọng cần nhớ là hầu hết những điều mà chúng ta lo lắng thường không trở thành sự thật. Nhiều điều chúng ta lo lắng đến mất ăn mất ngủ, nhưng kết qưuả lại là rất OK. Chuyện đã xảy ra, có lo lắng cũng vậy mà thôi. Tại sao không dành thời gian cho những thứ tốt đẹp hơn bởi cuộc đời ngắn ngủi?
Chồng bạn đã làm ba cô gái có chửa trước khi lấy bạn, vợ bạn không còn trong trắng như bạn nghĩ, con bạn hôm qua bị một trẻ khác bắt nạt, bạn đã bị thủ trưởng ác cảm, một ảnh nóng của bạn đã bị kẻ xấu tung lên mạng, con bạn trót làm vỡ cái bình thủy tinh quý hóa mà bạn nhiều năm gìn giữ… chẳng thể trở lại như bạn mong muốn, dù bạn có làm cách nào chăng nữa. Vậy, cách tốt nhất là bỏ qua chúng, suy nghĩ theo hướng tích cực. Chồng bạn làm ba cô có chửa, vậy mà cuối cùng chọn bạn làm vợ, bạn phải vui chứ. Vợ bạn không còn trinh tiết, nhưng cô ấy không phải là người phụ nữ lười biếng, lãnh cảm hay là phụ nữ không thích đàn ông, bạn còn muốn gì nữa? Con bạn làm vỡ cái bình thủy tinh, nhưng may mà nó an toàn. Thủ trưởng ác cảm, còn nhiều cơ hội để bạn dành được sự thiện cảm của ông ấy, bà ấy, lo làm quái gì.
Không đào sâu những ý nghĩ tiêu cực. Những ý nghĩ tiêu cực có thể có hại vì chúng dẫn bạn đến những suy nghĩ tiêu cực khác. Điều này không tốt cho tâm lý của bạn và có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng và lo lắng. Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn yên bình và thư thái, bạn không cần “vẽ ma dọa mình”. Bạn cần tìm một cách để thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực mà bạn đang nghĩ, để chúng không làm bạn quá lo lắng.
Hãy nhìn mọi sự vật, hiện tượng như nó vốn có. Một con chim, con bướm bay vào nhà chỉ là “con bướm lạc”, đừng gán cho nó là ma tà, hay hồn thiêng ông bà ông vải bạn về báo mộng, báo mị. Con bạn được điểm kém, hãy nghĩ đây là điểm kém của một bài kiểm tra, nó không phản ánh việc con bạn là đứa ngu si, đần độn. Trong túi quần chồng bạn có cái bao cao su, chỉ là cái bao cao su, sao bạn tưởng tượng ra anh ấy ngủ với cave làm gì? Mất điện, thì nó chỉ là “không có điện”, chẳng liên quan gì đến hôm nay là ngày đen hay ngày đỏ, chẳng phải “bọn điện” nó khốn nạn hay có ai đó “âm mưu phá hoại”. Cái gì cũng có thể mất, điện mất cũng là … bình thường. Hôm nay trời nắng, thì trời chẳng nắng thì mưa, chửi ông trời nắng to làm bạn mệt, có ích gì, có khi bạn còn mệt hơn do mải chửi trời…



Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

GHEN THƯỜNG VÀ GHEN BỆNH HOẠN...

??? Xin chuyên gia cho biết, trong hôn nhân, ghen như thế nào bị coi là ghen tuông mù quáng?
*** Đinh Đoàn: Ghen có 2 dạng, “ghen hợp lý” và “ghen bệnh lý” - tức là ghen mù quáng. Ghen hợp lý là những trường hợp một người vợ/ chồng ghen với người bạn đời của mình, bởi người KIA có những dấu hiệu khả nghi, cảnh báo có sự không chung thủy. Ví dụ, vợ hay chồng đã từng có “tiền sử” ngoại tình, có những cuộc hẹn lạ, những thay đổi bất thường trong cuộc sống vợ chồng như nhạt nhẽo trong quan hệ vợ chồng, hay cáu gắt, lảng tránh, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với gia đình, hay lên mạng chat chit, hẹn hò với nhiều người… Còn ghen tuông mù quáng là loại ghen “tự nghĩ ra”, hoặc đưa ra những lý do không thể chấp nhận được. Ghen mù quáng cũng còn gọi là ghen tuông hoang tưởng!
2. Chuyên gia có thể kể một vài trường hợp cụ thể mà anh đã tư vấn?
*** Đinh Đoàn: Một anh chồng lúc nào trong đầu cũng có suy nghĩ rằng rời mình ra là vợ đi … ngủ với người khác. Vợ đi chợ hơi lâu, anh ấy nghĩ vợ tranh thủ vào đâu đó “làm một tí”. Vợ đi làm về vào tắm ngay, chồng kết tội rằng “vừa ngủ với đàn ông nên vào tắm rửa để xóa dấu vết ăn vụng”. Vợ làm đầu mới, chồng đánh vợ vì nghi “chắc thằng đó nó muốn cô để kiểu đầu này”. Đang quan hệ vợ chồng, anh ta dừng lại, tát vào mặt vợ, bảo rằng “cô ngủ với tôi mà nghĩ đến đứa nào, mặt cô sao cứ đần ra, sao không cười tươi vui vẻ?”. Anh ta đi công tác về, bấm chuông cửa, vợ lâu mới mở, anh ta nghi đang ngủ với ai nên mới lâu vậy, rồi lục lọi khắp các phòng, các ngõ ngách, nhà vệ sinh, gầm giường… xem có đứa nào trốn ở đó không. Kết quả, chị vợ phải đơn phương ly hôn để “bỏ của chạy lấy người”.
??? Tâm lý của vợ/chồng hay phải ghen đối phương biểu hiện như thế nào? Cuộc sống của họ bị đảo lộn ra sao?
*** Đinh Đoàn: Người mắc chứng ghen thái quá là người khổ tâm, bởi người đó luôn bị dày vò bởi những suy nghĩ hoang đường, tâm trạng bất an. Có người do bản thân mình mặc cảm thua kém bạn đời quá nhiều, nên ghen. Có người “suy bụng ta ra bụng người”, bởi chính anh ấy, hoặc cô ấy là người … lăng nhăng. Có người bị bệnh tâm lý (hoang tưởng). Đã bị bệnh thì dùng lý lẽ rất khó, có khi anh ta/ cô ta còn suy luân rằng “thanh minh là thú tội” hay “cả vú lấp miệng em”. Không ít trường hợp, ly hôn là biện pháp giải thoát duy nhất…
??? Lối thoát nào cho các cặp vợ chồng sống hay ghen thoát khỏi sự mệt mỏi, tránh dẫn đến đổ vỡ, thưa chuyên gia?
*** Đinh Đoàn:  Cố gắng không tạo cớ để người kia nghi ngờ. Luôn khẳng định bằng lời nói cũng như thái độ rằng “anh/ em là người duy nhất”. Mọi việc trong cuộc sống đều công khai, minh bạch cho bạn đời biết. Đây là phòng ngừa những trường hợp vợ hay chồng ghen tuông thái quá, nhưng chưa đến mức bệnh hoạn. Còn nếu nghi ngờ chồng/ vợ mắc chứng ghen hoang tưởng, thì khéo léo động viên để người đó đi khám và chữa bệnh. Sống với người ghen tuông bệnh hoạn như sống cạnh quả bom nổ chậm, nó phát nổ lúc nào không lường trước được. Có anh đã sát hại vợ chỉ vì nghi vợ… vừa đi ngủ với người khác!



GIỜ MẸ ĐÃ LÀ VỢ NGƯỜI TA...

THẬT RA TÌNH DỤC CHỈ LÀ MỘT ... SÂN CHƠI!

Cần phân biệt 2 loại tình dục (sex), tình dục sinh sản và tình dục khoái cảm.
Tình dục sinh sản là thứ tình dục nhằm mục đích sinh con đẻ cái. Thông thường, tình dục sinh sản đồng nghĩa với “giao hợp nam nữ”, tức là phải đưa dương vật và âm đạo, rồi xuất tinh đúng lúc, đúng chỗ. Loại tình dục này không cần nhiều lắm, chỉ khoảng 10 – 20 lần là cùng. Một đôi vợ chồng (bạn tình) khỏe mạnh, không dùng biện pháp tránh thai nào, thì cứ “vui vẻ” 10 lần, thế nào cũng có một lần “dính thai”. Như vậy, nếu cần có 2 đứa con, tối đa cần 20 lần “đi lại” với nhau.
Tuy nhiên, trong đời, trung bình người ta ấy nhau khoảng 3000 lần. Trừ đi 20 lần vì mục đích sinh sản, còn lại khoảng 2980 lần là để VUI VẺ. (sex for fun!).
Mà tình dục để vui vẻ thì nó phải là “cuộc chơi”, là “sân chơi” có 2 đấu thủ. Tình dục khoái cảm hay tình dục vui vẻ cần đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất, phải thoải mái và thuận tình hai bên. Nếu một bên lo sợ, từ chối mà bên kia vẫn “cố mà làm” thì còn gì là vui vẻ nữa. Khi đã thuận tình đôi bên, thì không được xếp vào dạng cưỡng dâm, hiếp dâm, xâm hại, sàm sỡ, đồi bại. Nó được gọi là “thông dâm”, tức hai bên thống nhất, thông đồng với nhau để cùng vui, chả ai bắt tội ai được.
Thứ hai, nó phải được liên tục đổi mới, sáng tạo, nghĩ ra các cách “vui vẻ” khác nhau để tránh nhàm chán. Miếng ngon ăn mãi cũng nhàm. Bài hát hay hát suốt ngày cũng điếc tai. Hoa hậu suốt ngày đứng đường cũng hết đẹp. Tình dục dù là hấp dẫn đến mấy nhưng lần nào cũng như lần nào, vẫn mỗi kiểu trai trên gái dưới, vẫn phải là “làm theo lịch”, vẫn phải hoạt động về đêm, ở trên giường, mở đầu bằng khúc dạo đầu, kết thúc bằng việc xuất tinh… thì chả mấy mà chán.
Hai người đã thống nhất với nhau thì dù là ban đêm hay ban ngày, trên giường hay dưới đất, trong nhà tắm hay trên ghế sa lông, trong nhà nghỉ hay trong bể bơi, xoay ngược hay xoay xuôi, làm lâu hay làm chóng, phải có giao hợp hay chỉ dùng tay mâm mó, dùng miệng thơm thơm, hít hít, nhấm nháp.. cũng chẳng sao. Đích cuối cùng của “sex for fun” là để vui vẻ, vậy cứ làm sao vui vẻ là được, miễn là không phiền tới ai, không vi phạm pháp luật (chớ làm nơi công công, đừng loạn luân…)
Thứ ba, đừng khoác lên nó những “ý nghĩa cao cả”. Tình dục chỉ là tình dục. Nó không phải “âm dương giao hòa”, chẳng phải “duyên trời xe”, không phải “sinh ra là để cho nhau”. Nó đơn giản hơn, nó là thể dục, nó là giải trí, xả stress, là thuốc giảm đau, thuốc ngủ. Vì vậy, chỉ có tình dục đạt khoái cảm hay tình dục nhạt, lờ vờ, chứ không có tình dục đạo đức, tình dục đẹp. Khi hai người làm chuyện đó, đừng ai xét né người kia về “tư cách đạo đức”.

Cuối cùng, đừng coi tình dục là cái gì đó bậy bạ. Yêu nhau ngút trời, lấy nhau đồng thuận, con cái đề huề, kinh tế khá giả, chỉ có mỗi món này không hòa hợp cũng không thể coi là cuộc hôn nhân hạnh phúc đâu!



ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN NGUỒN GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG

Những năm gần đây, người ta nói nhiều đến việc dạy kỹ năng sống (life skills) cho trẻ em. Nhiều trường học, nhiều trung tâm đào tạo đã xây dựng các chương trình giáo dục kỹ năng sống, tập huấn giáo viên và đưa kỹ năng sống vào trường học, đi đầu là các trường nằm trong vùng dự án của Tổ chức Tầm Nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision Vietnam).
Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Công ty TNHH Tư vấn tâm lý – Đào tạo phát triển Cá nhân và Cộng đồng cũng “dốc toàn lực” cho hoạt động này. Hàng chục khóa đào tạo giáo viên nguồn cũng như các lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ em được triển khai ở Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thanh Hóa, Hải Phòng…
Tuy nhiên, dạy kỹ năng sống mà không giáo dục giá trị sống đúng đắn không khác nào “dạy kẻ sát nhân cách giết người”. Giá trị sống (living values) mới là nền tảng, cơ sở hình thành động cơ, mục đích hành động. Một người có kỹ năng tinh thông, chưa chắc đã hành động, hoặc có khi sử dụng cái vốn “kỹ năng sống tinh xảo” của mình vào những việc làm … có hại cho cộng đồng, xã hội. Một người có kỹ năng giao tiếp tốt chưa chắc đã sử dụng kỹ năng ấy vào việc làm tốt, mà lại đi lừa gạt, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào những hoạt động xấu…
Nhiều người sử dụng internet, mạng xã hội cũng ít nhiều biết đến 12 giá trị sống cốt lõi mang tính toán nhân loại như giá trị hòa bình (bình yên), yêu thương, tôn trọng, hợp tác, đoàn kết, trung thực, giản dị… Tuy nhiên, giá trị sống không chỉ bó hẹp ở 12 giá trị ấy. Giá trị sống còn mang tính dân tộc, mang bản sắc văn hóa riêng, vì thế giá trị sống có thể là những giá trị văn hóa dân tộc (như cần cù, yêu lao động, yêu nước, tự lập tự chủ…). Giá trị sống gia đình bao gồm những giá trị như yêu thương, kính già yêu trẻ, hòa hiếu, tôn trọng gia phong. Giá trị sống cũng còn là những giá trị mang tính cá nhân…
Chương trình phát triển vùng Lang Chánh (Thanh Hóa) của tổ chức Tầm Nhìn Thế giới là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đưa giáo dục giá trị sống vào Nhà trường song song với dạy kỹ năng sống cho trẻ em. Vừa qua, Phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Quan Sơn, Lang Chánh, Chương trình phát triển vùng Lang Chánh (ADP Lang Chánh) đã tổ chức khó đào tạo giáo viên nguồn giáo dục giá trị sống cho học sinh. Anh Đinh Đoàn, chuyên gia tư vấn và đào tạo của Công ty TNHH Tư vấn tâm lý – Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng là người được mời thực hiện khóa đào tạo này.
Bên cạnh những vấn đề cơ bản liên quan đến lý luận giáo dục giá trị sống, 30 học viên của khóa đào tạo đã được hướng dẫn soạn giáo án, thực hiện các hoạt động giá trị sống tại trường THPT Lang Chánh.
Trong thời gian tới, các CLB trẻ em của các trường THCS huyện Lang Chánh và Quan Sơn và trường THPT Lang Chánh sẽ triển khai đại trà việc giáo dục 4 nhóm giá trị sống: Đoàn kết/ Hợp tác, Yêu thương/ Tôn trọng và đồng cảm/ Trung thực…





Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

ĐỪNG AI PHỈ BÁNG ĐỒNG TIỀN...

Tôi cực ghét những người ra vẻ đạo đức giả, trong giọng nói toát lên sự phỉ báng, coi thường đồng tiền, cứ làm như người đó chỉ cần “uống nước lã, hít không khí cũng sống” không bằng. Thấy ai bảo phải cố gắng đi làm để kiếm tiền, người đó dạy cho một bài học rằng: “tiền là cái quái gì, đồng tiền là đồng bạc, nó bạc bẽo lắm, nó làm khổ người ta, quan trọng là cái tình!”. Thấy ai xót xa vì mất tiền, người đó dở giọng an ủi kiểu: “chẳng sao, mất tiền là không mất gì, mất tình yêu là mất nhiều, mất niềm tin là mất tất cả!”. Nói cho vui tai, “nói lấy được” thì còn chấp nhận, chứ nói nghiêm túc kiểu ấy thì không ổn, nghe cứu giả tạo, điêu điêu thế nào ấy.

Người ta bảo, cuộc sống hôn nhân luôn đi kèm với “cơm, áo, gạo, tiền”, mà cơm, áo hay gạo cũng cứ có tiền là có hết. Suy cho cùng, cuộc sống gia đình gắn liền với mỗi một chữ “tiền”. Không có tiền, ra chợ ngửa tay xin cọng hành, đã chắc gì ai cho. Không nộp tiền điện một hai tháng mà xem, bên chi nhánh gửi thông báo cắt điện ngay. Cứ yêu nhau thắm thiết, nhưng nhìn nhau được bao lâu rồi lại thấy đói bụng, lại phải đứng dậy đi “kiếm cái gì bỏ bụng”. Lúc ấy mà không còn đồ ăn, túi lại không tiền, có ai còn yêu thương nhau nữa không hay lại nhìn nhau với “đôi mắt hình viên đạn?”.

Tòan xã hội phấn đấu cũng chỉ vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề xuất khẩu hiệu xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại với 8 chữ vàng là “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Không phải ngẫu nhiên mà bốn chữ “dân giàu, nước mạnh” được đặt lên hàng đầu trong mục tiêu phát triển đất nước. Cũng phải suy nghĩ, cân nhắc lắm người ta mới cho hai chữ “ấm no” lên hàng đầu trong 8 chữ vàng. Dân nghèo khổ, đói rét, đất nước có mạnh được không? Một gia đình nghèo túng, cơm chẳng đủ ăn, áo không đủ mặc, chỗ “chui ra chui vào” lụp xụp, có được gọi là gia đình hạnh phúc không?

Ở các nước phương Tây, hạnh phúc không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là một phạm trù có thể cân đong, đo đếm được. Để gọi là có cuộc sống hạnh phúc, người ta đã quy ra số ki lô oát giờ điện một người được tiêu thụ trong một tháng, thu nhập đầu người trong một năm, số ki lô mét đường, số bác sĩ, giáo viên, số mét vuông cây xanh công viên, số mét khối nước sạch trên đầu dân. Như vậy, hạnh phúc có thể “quy ra tiền”.

Trong cuốn sách “sống theo phương thức 80/20”, tác giả Richard Koch dành nhiều thời gian, tâm huyết luận bàn về mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc. Trả lời câu hỏi: “tiền có làm bạn hạnh phúc không?”, tác giả trả lời ngay “có, nếu bạn đang nghèo”. Chuyên gia Woody Allen từng nói: “Nếu chỉ nói về lý do tài chính, có tiền đương nhiên tốt hơn nghèo đói”. Nếu chúng ta đang chết đói hoặc vô gia cư, tiền có thể đem lại cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, các tác giả cũng cảnh báo khi bạn đã giàu có, thì có thêm tiền là một cạm bẫy, là gánh nặng, là lo sợ, là bất hạnh. Người giàu quá mà không biết sử dụng đồng tiền đúng cách, cũng có thể trở thành người hợm của, lúc nào cũng lo sợ mất trộm, sợ người khác chơi với mình là vì lợi dụng tiền bạc của mình. Người giàu quá cũng sợ ăn nhiều thì béo phì, mỡ máu, nảy sinh nhiều bệnh tật, chết sớm. Nói chung, “người giàu cũng khóc”.



Rất may, đa số chúng hiện nay chưa giàu, chưa nói đến đều thèm tiền, khát tiền để phục vụ cuộc sống tối thiểu, nên đừng sợ tiền. Tiền vẫn là công cụ giúp chúng ta có cuộc sống ấm no, bền vững, hạnh phúc, dễ chịu hơn. Đàn ông cảm thấy thiếu tự tin, khổ sở, mặc cảm, nhục nhã khi không làm ra tiền. Phụ nữ nhiều người chấp nhận không quản lý chồng quá chặt, chỉ cần anh ấy “lương đưa đủ, tối ngủ nhà” là tốt rồi. Như vậy, phụ nữ cần “nắm chặt đồng tiền”, còn đàn ông cố mà “làm ra tiền” để gia đình hạnh phúc hơn.

          Tiền không mang lại hạnh phúc, nhưng muốn hạnh phúc thì cần có tiền. Đó là “chân lý”, xin đừng ai coi thường, xúc phạm, phỉ báng đồng tiền!
Đinh Đoàn

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

VỢ CHỒNG CÀNG NGANG TUỔI, HÔN NHÂN CÀNG BỀN VỮNG

Có nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của một cuộc hôn nhân, chẳng hạn như khả năng tài chính, con cái, thời gian vợ chồng dành cho nhau trước và sau kết hôn. Nhưng một yếu tố quan trọng nữa là khoảng cách tuổi tác. Tuổi của đôi vợ chồng càng gần nhau, cơ hội tránh đổ vỡ càng lớn.

Đây là kết quả của một nghiên cứu thực hiện trên hơn 3000 cặp vợ chồng kết hôn và ly hôn tại Mỹ. Tác giả Olson chỉ ra rằng vợ chồng cứ chênh nhau một tuổi là nguy cơ đổ vỡ tăng lên 3% (so với những cặp đôi cùng tuổi). Chênh nhau 5 tuổi, nguy cơ này tăng lên 18%. Nếu khoảng cách tuổi tác của đôi vợ chồng chênh nhau 10 năm, nguy cơ tăng lên tới 39%. Khi sự chênh lệch lên tới 20 – 30 tuổi, tuổi thọ cuộc hôn nhân rất cao.

Kết luận của Olson không phải là không có cơ sở. Hôn nhân là mối quan hệ “đối tác” 50/50. Sự chênh lệch tuổi tác đồng nghĩa với sự chênh lệch về kinh nghiệm sống, về trải nghiệm văn hóa, về sự nhìn nhận xã hội. Khoảng cách thế hệ không phải là vô nghĩa. Bỏ qua những yếu tố khác của Tình yêu, nếu bạn muốn cuộc hôn nhân của bạn bền vững, có lẽ bạn nên tìm đến những “đối tác” ngang tuổi.

Có lẽ vì thế, người Việt có câu “bằng tuổi nằm duỗi mà ăn”. Nó không chỉ có “nghĩa đen”, mà còn có nghĩa bóng, rằng vợ chồng ngang tuổi dễ hiểu nhau, dễ hòa hợp với nhau hơn!



Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

TÂM LÝ HỌC PHỔ THÔNG: 15 ĐIỀU CHƯA CHẮC BẠN ĐÃ BIẾT...

1. Quan hệ càng thân thiết, càng thích đá đểu đối phương
Nói chuyện với họ, bạn luôn phải nghe những lời nói không hay. Tật xấu của bạn họ hiểu hơn cả. Gặp phải người yêu cũ của bạn, họ lớn tiếng gọi bạn mau đến xem kìa. Có những bí mật nhỏ, bạn chia sẻ với họ đầu tiên. Thực ra, người quan tâm bạn nhất, là người thích đá đểu bạn nhất.

2. Chuyện càng sợ xảy ra càng dễ xảy ra

Chiếc điện thoại vừa mua để trong túi, đứng trên xe bus chỉ sợ bị trộm, cứ một vài phút lại kiểm tra xem điện thoại còn hay mất. Hành động này đã gây sự chú ý của tên trộm, cuối cùng điện thoại bị trộm thật. Chính bởi vì sợ xảy ra, nên mới để tâm. Càng tập trung chú ý, càng dễ phạm sai lầm.

3. Phụ nữ nói nhiều

Nghiên cứu chỉ ra rằng: Một người đàn ông bình quân nói 2000 từ mỗi ngày (thói quen được hình thành từ thời cổ khi đàn ông đi săn bắn), một người phụ nữ bình quân nói 7000 từ mỗi ngày (thói quen được hình thành từ thời cổ khi phụ nữ đi hái rau hái quả). Tan làm về nhà, 2000 từ của chồng đã dùng hết ở công ty, về đến nhà chỉ muốn nghỉ ngơi. Vợ vẫn còn 5000 từ chưa dùng, về đến nhà là phải mang ra dùng hết mới có thể đi ngủ! Và rồi có rất nhiều bi kịch đã xảy ra!

4. Nước mắt khi con người ta đau buồn có chứa chất gây hại, nhẫn nhịn đồng nghĩa với tự sát.

Khi con người rơi nước mắt vì đau buồn, nước mắt sẽ có thành phần protein cao. Chất protein này là chất có hại do áp lực tinh thần tạo ra, kìm nén vật chất này trong cơ thể sẽ không có lợi cho sức khỏe. Nghiên cứu của các chuyên gia chỉ ra rằng, khóc có thể làm dịu áp lực của con người. Vậy nên hãy khóc đi, khóc không có tội!

5. Tốc độ trả lời tin nhắn

Mức độ thích bạn của người ta, tỷ lệ thuận với tốc độ người ta trả lời tin nhắn bạn. Nếu tốc độ trả lời tin nhắn của người ta càng ngày càng chậm, vậy thì về cơ bản tình cảm của người ta dành cho bạn ngày càng ít đi!

6. Tình yêu không phải là 1+1=2 , mà là 0.5+0.5=1

Hai người bớt đi một nửa cá tính và khuyết điểm của mình, sau đó ghép lại với nhau mới có thể trở nên hoàn chỉnh. Nếu không có nhường nhịn và bao dung lẫn nhau, hai người rất khó trở thành một thể.

7. Sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ

Hai người đàn ông theo đuổi một người phụ nữ, người nào không đủ sâu đậm sẽ bỏ cuộc trước. Hai người phụ nữ theo đuổi một người đàn ông, người nào yêu sâu đậm hơn sẽ bỏ cuộc trước.

8. Lợi dụng sức mạnh của tiềm thức

Mỗi ngày hãy dành ra 10 phút trước khi rời khỏi giường và 10 phút trước khi đi ngủ để tưởng tượng. Bởi 2 khoảng thời gian này là khoảng thời gian tốt nhất để nhập mọi thứ vào tiềm thức. Cho nên, nếu bạn mong mỏi thành công, tình yêu, hôn nhân,… hãy thỏa sức tưởng tượng vào hai khoảng thời gian này! Tiềm thức của bạn sẽ dần khiến bạn trở nên tự tin hơn thông qua quá trình tưởng tượng, từ đó dẫn dắt bạn đạt được thứ mà mình muốn.

9. Tâm lý của hai giới

Đàn ông chủ động hôn phụ nữ là hành động đột phát. Phụ nữ chủ động hôn đàn ông là hành động được dự tính từ trước.

10. Tính cách của chồng có thể thay đổi dung nhan của vợ

Nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng: Dung nhan của người vợ có liên quan mật thiết đến tính cách và thái độ của người chồng đối với người vợ. Có một người chồng hiểu biết, không dễ cáu giận sẽ khiến người vợ được hưởng tự do. Có một người chồng như thế này, người  vợ sẽ có làn da mịn màng, tươi sáng, không dễ nổi mụn, tàn nhang, và không già nhanh.

11. Ngủ không đủ, dễ béo phì

Người ngủ 5-6 tiếng mỗi ngày, bình quân nặng hơn người ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày khoảng 5-7 kg.

12. Chủ động ôm đối phương từ phía sau

Tâm lý học chỉ ra rằng, chủ động ôm đối phương từ phía sau là hành động thể hiện sự bảo vệ, rằng người ôm sẵn lòng dành tặng tình yêu và sự quan tâm của mình cho đối phương.

13. Rèn luyện khả năng ghi nhớ

Muốn chuyển biến ghi nhớ ngắn hạn thành ghi nhớ dài hạn, sự lặp đi lặp lại là vô cùng quan trọng. Sự lặp lại có ý thức sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Ví dụ, muốn ghi nhớ 10 công thức toán học, hiệu quả khi lặp lại mỗi công thức 5 lần, không cao bằng ghi nhớ 10 công thức một lần, sau đó lặp lại 10 công thức kia 5 lần.

14. Mất 8.2 giây để sa vào bể tình

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, lần đầu tiên gặp mặt giữa nam và nữ, thời gian quan sát nhau sẽ quyết định hai người có thể yêu nhau hay không. Nếu trong lần gặp mặt đầu tiên, thời gian quan sát người phụ nữ của đàn ông vượt quá 8.2 giây, như vậy anh ta không chỉ bị thu hút, mà rất có khả năng đã sa vào bể tình.

15. Tâm lý nam nữ

Nếu một người đàn ông chủ động xách túi giúp bạn, chủ động kéo ghế cho bạn ngồi, đừng vì hành động của anh ta mà cảm động. Điều này chỉ có thể chứng tỏ vô số bạn gái cũ của anh ta đã dạy cho anh ta điều này. Còn người phụ nữ khiến anh ta nhớ kỹ, chính là người phụ nữ đã thay đổi anh ta kia, chứ không phải là bạn. Cho nên, càng là người đàn ông hoàn mỹ về những hành động vụn vặt, càng là thách thức đối với phụ nữ.


Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

VỢ CHỒNG CÒN "ẤY NHAU" LÀ CÒN CƠ HỘI HÀN GẮN

Hơn 20 năm trong nghề tư vấn tâm lý, hôn nhân, gia đình, tôi nghiệm ra một điều rằng nếu một đôi vợ chồng còn có ham muốn "ấy nhau" thì dù họ mâu thuẫn thế nào, vẫn còn cơ hội hàn gắn...và sự hòa hợp tình dục vợ chồng là điều VÔ CÙNG QUAN TRỌNG.
1. Trong một hội nghị toàn phụ nữ, tôi đặt tình huống: "Nếu anh chị rất yêu nhau, cùng nhau vượt qua mọi sự cản trở của gia đình và những khó khăn từ bên ngoài tác động, để cuối cùng hai người tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, khi lấy nhau rồi, chị phát hiện anh ấy là người không có khả năng quan hệ tình dục. Bao nhiêu ngày anh chị sẽ bỏ nhau?".
- 25% nói rằng bỏ ngay lập tức, lấy làm gì loại đàn ông có cái dương vật chỉ để đi đái.
- 30% kiên nhẫn chờ đợi xem sao, nếu thực sự anh ấy không có khả năng làm chồng, thì cũng phải 1 năm sau mới nghĩ đến bỏ chồng, bởi vừa cưới xong, bỏ ngay ngại lắm.
- 27% kiên nhẫn cùng chồng chữa trị. Mọi việc tính sau.
- 11% nói rằng nếu anh ta yêu thương mình thực sự, là người tốt, kinh tế khá giả, thì không bỏ, nhưng tìm cách "cải thiện" với người khác.
- Chỉ có 7% là không bỏ, cho rằng "cái số mình nó thế", chấp nhận cuộc hôn nhân KHÔNG TÌNH DỤC. Tôi tin số này là những người rất xấu, khó có cơ hội lấy chồng lần nữa, hoặc là những người thuộc dạng asexuality (không tình dục).
       Như vậy, dù có tình yêu ngút trời mà không có tình dục, thì 93% phụ nữ sẽ rời bỏ người đàn ông không sớm thì muộn, hoặc có ở lại cũng chỉ là tìm chỗ nương tựa kinh tế mà thôi.
         Hóa ra, so với TÌNH DỤC, tình yêu CHẢ LÀ CÁI ĐẾCH GÌ!

Nhiều đôi vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng, đánh đậu nhau, chửi bới nhau, nhưng khi đến tư vấn, tôi chỉ hỏi: "Anh chị có còn ... ngủ với nhau không?". Nếu họ nói tuy mâu thuẫn, nhưng "chuyện ấy" vẫn duy trì đều đặn và cả hai phía còn thấy ham muốn. Tôi nói ngay: "còn có cơ hội hàn gắn, khắc phục".

Với những đôi đưa nhau đến tìm tư vấn mà nói rằng: "THực ra chúng em đã từ lâu không còn là vợ chồng. Chúng em ở cùng nhà, nhưng ngủ riêng, cả năm không ai còn muộn đụng đến người kia nữa. Sống bằng mặt cho con cái nó vui, cho đỡ mang tiếng với bạn bè, cơ quan...". Tôi nói ngay "khó đấy, một là cứ sống giả cho đến khi nào đó nó tự đứt, không cần cắt. Hai là dũng cảm mà chia tay. hàn gắn gì được nữa khi người ta ngay cả "chuyện ấy" cũng chẳng còn thèm muốn nhau nữa".




PHỤ NỮ KHÔNG CÓ QUỸ ĐEN THÌ BỊ ... ĐIÊN À?

Vâng, “không có quỹ đen thì điên à?” là câu trả lời của một người vợ khi tôi đặt câu hỏi “phụ nữ có quỹ đen không”. Tưởng chị ấy nói cho vui, hóa ra “quỹ đen” của phụ nữ còn phổ biến hơn ở đàn ông, bởi phụ nữ có tâm lý “phòng có chuyện gì xảy ra, mình không trắng tay…”. Đặc biệt, không phải những người làm “hái ra tiền” mới có quỹ đen, mà ngay cả những người vợ không đi làm, ở nhà nội trợ, mọi chi tiêu trong gia đình trông cậy vào thu nhập của người chồng, cũng có “quỹ đen”.
          Quỹ đen được hiểu là khỏan tiền bí mật, mà người này không cho người kia biết, dùng để cho các khoản chi tiêu cá nhân hoặc “bất đắc dĩ” mang ra chi tiêu cho cả gia đình.
          Chị Lan ở Kim Mã bảo rằng mình thuộc dạng “mèo bé bắt chuột con”. Việc kinh doanh rau củ quả ở chợ có thu nhập bấp bênh, nhưng dù ngày đắt hàng cũng như ngày vắng khách, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị có thói quen “bỏ ống” mỗi ngày 50 nghìn. Chị đặt kế hoạch mỗi tháng đạt doanh số 1 triệu rưỡi để lập quỹ đen. Khi đủ số tiền mua 1 chỉ vàng, hay thiếu một chút, chị cũng mua một chỉ để cất đi. Chị khoe, số “tài sản đen” này cũng ra tấm ra món, bởi việc “lập quỹ đen” của chị đã được triển khai cả chục năm nay. Số tài sản này không ai biết, ngoài chị. Khi được hỏi chị cất quỹ đen của mình ở đâu, chị hơ hớ cười, nói rằng phụ nữ có nhiều chỗ bí mật để cất giữ ngay trong nhà, mà đàn ông ít ai để ý, lục lọi, phát hiện được.
          Dù gọi là quỹ đen, nhưng thực ra cũng là quỹ tiết kiệm của mình, trích từ thu nhập hang ngày của mình, chỉ là không công khai thôi. Trường hợp một người vợ trẻ, không đi làm, nhưng lại lập quỹ đen bằng cách “rút ruột” từ túi người chồng. Tất nhiên, người chồng là người kiếm được tiền, nên chi tiêu xông xênh, không để ý đến những khoản nhỏ lẻ. Mỗi tháng chồng đưa tiền chi tiêu cho cả gia đình, người vợ trích ngay 20% để cất đi, dù có thiếu thốn, người vợ đều báo cáo, đề xuất chồng đưa them, chứ số tiền trích lập quỹ, không bao giờ được đụng đến. Khoản thu nhập thứ hai cho quỹ đen của người vợ này là báo giá cao các món đồ cần mua sắm cho gia đình để ăn chênh lệch. Chẳng hạn, một hộp sữa cho con giá triệu mốt, người vợ báo với chồng là triệu tư, nhưng người chồng “vung tay”, chi ngay triệu rưỡi, thế là mua một hộp sữa cho con, người vợ hưởng chênh lệch 4 trăm nghìn. Đóng học phí cho con, mua váy cho mình, mua đôi tất cho chồng, người vợ đều hưởng lợi. Ngoài ra, thỉnh thoảng cô vợ cũng có được món thu nhập đột xuất, chẳng hạn hôm Tết có mấy đối tác của chồng đến chúc mừng năm mới, ngoài chai rượu, lẵng hoa quả, họ thường kèm tấm thiếp chúc Tết, kèm chút tiền, tuy không nhiều, nhưng đám thì bỏ một triệu, đám ba bốn triệu. Người vợ đoán đây chỉ là khách nhỏ lẻ, mối quan hệ không thân lắm, bởi số tiền không nhiều, chứ nhiều hơn, họ sẽ biếu trực tiếp người chồng tại nơi làm việc. Toàn bộ số tiền này, người vợ cũng kiếm được món kha khá, bổ sung vào “quỹ cá nhân” của mình. Đợt chồng ốm vừa rồi, người vợ cũng nhập quỹ đen được vài chục triệu, bởi nhiều khách đến viện thăm chồng, ai cũng có “chút quà”, nhờ chị mua cho anh ấy cân đường, hộp sữa. Tất nhiên, họ đưa phong bì cho chị. Những phong bì thăm người ốm đều có một danh sách tên dài dằng dặc, viết kín phong bì, nên người vợ không dám biển thủ 100%, mà chỉ rút lõi. Chẳng hạn, chiếc phong bì của “Phòng kế hoạch tài chính”, ghi tên 6 người ở ngoài phong bì, bên trong có 3 triệu. Người vợ tinh ý, chỉ rút ra triệu hai cất đi, báo lại cho chồng là họ biếu triệu tám, nhẩm ra mỗi người góp 3 trăm, kể cũng hợp lý. Không mua vàng cất đi như chj Lan ở Kim Mã, người vợ trẻ này gom góp, khi được một khoản kha khá thì đem ra ngân hàng, mở cuốn sổ tiết kiệm. Cô vợ bảo rằng giữ một cuốn sổ tiết kiệm dễ hơn là cất giữ tiền mặt trong nhà, hơn nữa gửi tiết kiệm, ít nhiều còn có tí lãi hàng năm, nhập vào gốc, nên gốc càng lớn.
          Không phải những người vợ kiếm tiền kha khá, hay phụ thuộc chồng hoàn toàn mới có quỹ đen, mà những chị em là cán bộ, công chức, viên chức có lương ổn định hang tháng cũng lập quỹ này. Chị Hà là phóng viên một tờ báo ngành, nhưng hai vợ chồng ăn chung với bố mẹ chồng, nên hàng tháng anh chị phải đóng góp tiền ăn, tiền điện nước và các chi phí khác ch mẹ chồng. Chính vì thế, chị “công khai” với cả nhà chồng và chồng mức lương của mình. Chị bảo, lương chị là 3,66, mỗi tháng khoảng hơn 4 triệu. Chị nộp cho mẹ chồng 3 triệu, còn mọi khoản chi tiêu khác là chồng chị phải lo. Nhưng chị vẫn có những món thu nhập khác mà chồng chị không biết, chẳng hạn như tiền ăn trưa, tiền hỗ trợ xăng xe, tiền chia quỹ phúc lợi hàng tháng, tiền thưởng lao động tiên tiến, tiền quà những ngày lễ, Tết. Ngoài ra chị còn tranh thủ viết bài cho các báo khác, hưởng nhuận bút riêng. Tất cả những khoản thu ngoài lương, chị Hà đều cho vào “quỹ không công khai” của mình. Chị Hà hiện đại hơn những phụ nữ nói đến ở trên, bởi chị giữ quỹ đen ngay trong tài khoản của mình. Ngoài chị ra, không ai biết chị có 2 tài khoản ở hai ngân hang khác nhau. Cơ quan trả lương vào một tài khoản, còn tài khoản khác là nhập những khoản thu ngoài lương. Thỉnh thoảng chị Hà cũng bổ sung thêm bằng cách tự nộp tiền vào tài khoản của mình.
          Khác với đàn ông, lập quỹ đen là để lấy ra dùng cho dễ, còn phụ nữ lập quỹ đen là để tích lũy, tiết kiệm, phòng khi sa cơ hay bất đắc dĩ mới rút tiền, nên nhiều chị em có quỹ đen tới hàng trăm triệu đồng. Đó là chưa tính đến một số ít phụ nữ có quỹ đen lớn tới mức lấy ra để đầu tư. Người thì chung với cô bạn mua một mảnh đất ngoại thành, để chờ được giá thì bán kiếm lời. Người thì mua căn hộ chung cư giá rẻ, đứng tên một mình, rồi cho thuê, kiếm tiền mỗi tháng. Tuy nhiên, cũng có chị “mất cả chì lẫn chài” khi lấy quỹ đen của mình ra cho vay, rồi bị lừa, hoặc tham gia bán hàng đa cấp, cuối cũng cũng cụt cả vốn lẫn lãi…
          Ngày nay, đi làm không phải chỉ đủ tiền để ăn, mà đa số là có dư giả ít nhiều. Hơn nữa, nhu cầu mỗi người ngày một tăng, niềm tin vợ chồng cũng có đôi phần suy giảm, nên hiện tượng phụ nữ lập quỹ đen ngày càng phổ biến. Hiện tượng này được nhìn nhận với các ý kiến trái chiều…
Đinh Đoàn