Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

KỸ NĂNG CHUNG SỐNG VỚI ... CHỒNG DẠI

Các rối loạn tâm thần là một trong các nhóm bệnh không lây nhiễm. Trong những thập niên gần đây, những bệnh như trầm cảm, lệ thuộc rượu, lệ thuộc (nghiện) ma túy đã góp phần làm gia tăng tỉ lệ những người có các bệnh lý tâm thần. Không ai có quyền cấm chị em yêu và kết hôn với những người chồng "có vấn đề", nhưng để chung sống, bảo đảm an toàn cho mình, cho các con và người thân, chị em phụ nữ cần có những kiến thức hiểu biết và các kỹ năng chung sống như sau.
* Nâng cao hiểu biết.
          Bằng cách này hay cách khác, hãy nâng cao hiểu biết của mình về các rối loạn tâm lý, tâm trí, tâm thần. Biết để tránh không chọn nhầm người. Biết để phát hiện những bất thường về mọi khía cạnh tâm lý của người thân như trí giác, ngôn ngữ, tư duy, trí nhớ, tưởng tượng, xúc cảm tình cảm, hành vi, thói quen sinh hoạt hàng ngày. Bệnh tâm trí cũng như bệnh thực thể, phát hiện càng sớm, can thiệp điều trị càng sớm thì cơ hội hồi phục càng cao.
* Không mặc cảm, xấu hổ.
          "Cái đầu" của con người cũng như các bộ phận khác của cơ thể như tay, chân, răng, miệng, dạ dày... nó cũng có lúc bị bệnh. Có bệnh thì chữa, chẳng ai là người có lỗi, đáng xẩu hổ khi trong gia đình mình có người thân mắc các chứng rối nhiễu tâm trí, bị bệnh tâm thần. Phát hiện sớm, trao đổi với những người xung quanh để có thêm hiểu biết, động viên và đưa người thân đi khám ở các phòng khám tâm lý hay cách trung tâm, bệnh viện tâm thần càng sớm càng tốt. Che giấu bệnh tật, không tìm cách chạy chữa, vừa làm bệnh trầm trọng hơn, có khi còn rước họa vào thân nếu một ngày nào đó "cơn dại" của người bệnh bùng phát, khiến người đó có những hành vi phạm pháp.
* Xây dựng kế hoạch an toàn cho bản thân và gia đình.

          Luôn luôn theo dõi, giám sát để phát hiện những hành vi bất thường của người rối loạn tâm trí để có hành động kịp thời. Không bao giờ giao con nhỏ cho người đó trông coi, không để người đó ở nhà một mình, hạn chế tối đa việc người ấy đi lại sang nhà hàng xóm, trong khu dân cư.
          Bố trí cho người đang rối nhiễu tâm trí được ở phòng riêng, trong phòng không để những vật dụng có thể trở thành vũ khí tấn công như dao, kéo, chai lọ, gậy gộc. Biết bỏ chạy, kêu cứu khi bị người rối nhiễu tâm trí tấn công, kể cả vào ban đêm. Học một vài động tác tự vệ, khống chế người rối nhiễu khi anh ta/ chị ta lên cơn hung hãn, tấn công bản thân mình hay người trong gia đình.
* Thường xuyên đưa người đó đi tái khám, ngay cả khi đã được bác sĩ cho ra viện. Nhiều trường hợp, sau một thời gian điều trị, những dấu hiệu lâm sàng tạm thời hết hoặc hạn chế, tuy nhiên bệnh chưa khỏi hẳn. Nếu cảm thấy không an toàn khi chung sống với người rối nhiễu tâm trí, hãy đưa người đó tới bệnh viện kiểm tra và đề nghị bệnh viện cho người đó được điều trị nội trú. Ít nhiều, một người có bệnh được ở nội trú, sẽ có đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc, theo dõi bệnh tình cũng tốt hơn để anh ta ở nhà.
          Dù là người ta thương yêu nhất, thì hãy thể hiện tình yêu thương đó bằng cách chữa chạy cho người đó khỏi bệnh, chứ không phải để người đó sống chung với người thân trong gia đình. Đừng quên, sống với người rối nhiễu tâm trí, người có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt hay đang trong giai đoạn chữa trị là mạo hiểm như để bom xăng trong nhà, không biết nó sẽ phát nổ lúc nào.
          Khi vợ chồng có quan hệ tình dục, nếu phát hiện người chồng có những cử chỉ, hành động thái quá như cắn cấu vợ, ôm ghì, bóp cổ, bịt miệng, thì đừng cho rằng anh ấy vì quá yêu vợ mà "ngấu nghiến" như vậy. Những hành động quá mức nêu trên là dấu hiệu của cơn hung hãn, của hành động bạo lực của người không làm chủ bản thân. Hãy biết giải thoát cho bản thân, kẻo chết oan vì kém hiểu biết.
* Hãy có kiến thức về pháp luật
          Có không ít trường hợp khi vợ chồng lấy nhau thì đôi bên khỏe mạnh, nhưng một thời gian sau có một người phát bệnh tâm thần. Về mặt đạo lý, khi vợ hay chồng có bệnh thì ly hôn là chuyện không hay. Nhưng nếu cuộc hôn nhân trở thành bi kịch, cuộc sống của người còn khỏe và con cái mất an toàn, người khỏe mạnh có quyền viết đơn ly hôn đơn phương. Tuy nhiên, để khẳng định người chồng (hay vợ) bị bệnh tâm thần, mất khả năng làm chủ các hành vi của mình cũng như các nghĩa vụ dân sự, phải có giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền, cụ thể là bệnh viện tâm thần. Khi đó, người tâm thần phải có người thân đứng ra làm người giám hộ, thay mặt người bệnh thực hiện các giao dịch liên quan tới pháp lý.

          Những trường hợp ly hôn với người mắc bệnh tâm thần, mất tự chủ về các hành vi dân sự thì không có thủ tục tư vấn hòa giải như các vụ án ly hôn khác. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét