Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

LẤY CHỒNG XEM... GIỐNG

Dù biết anh Khoa là người từng có thời gian đi lang thang, “tay nhặt lá, chân đá ống bơ”, nhưng do “quá lứa”, lại bị sức ép của gia đình, nên chị Liên vẫn chấp nhận lấy anh. Có người bảo “đàn ông chưa vợ hay có tính đơ đơ, cứ lấy vợ vào là… khỏi hết”. Chị Liên cũng hy vọng như thế. Nhưng đêm đầu tiên chị đã bị một phen hết hồn khiếp vía, bởi đang ngủ, chị bị chồng bóp cổ và kêu la: “Con này ở đâu đột nhập vào đây, định ăn cắp hả?”. Biết anh “có vấn đề”, nhưng vừa mới lấy chồng, chẳng lẽ lại bỏ, người đời dị nghị, nên chị Liên nghiến răng chịu đựng. Nhưng đến khi chị có chửa, chị mới thực sự lo lắng. Chị không dám ngủ cùng chồng, bởi chồng chị hay thức dậy vào ban đêm và đánh chị bằng bất cứ đồ vật gì có trong phòng. Anh bảo chị là “con yêu tinh”, định chui vào nhà hãm hại anh. Gần đến ngày sinh con, chị xin phép gia đình chồng về nhà ngoại ở để chờ sinh, chị chỉ sợ có chuyện gì xảy ra với chị, với con thì sẽ ân hận cả đời.
Sinh con xong, chị bế con về nhà chồng, nhưng lòng vẫn nơm nớp lo âu. Anh chồng tự nhiên nảy sinh tính ghen tuông, lúc nào cũng bảo đây không phải con mình. Anh thỉnh thoảng bế con lên, nhìn nó chằm chằm, lại trả con cho vợ, rồi kết luận vợ đã phản bội mình, ngủ với “thằng nào” để có con. Bi kịch xảy ra khi đứa con được bốn tháng tuổi. Trong khi chị đang chuẩn bị nước tắm cho con, bảo chồng trông con giúp mình một lúc, anh ta bế thằng bé lên, rồi “vứt toạch xuống đất”, khiến thằng bé chết lặng, khóc không thành tiếng. Chị hớt hải bế con lên, tưởng con đã chết, nhưng thấy nó còn ngọ ngoạy, chị bắt tắc xi đưa con đến viện cấp cứu. Thằng bé đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng các bác sĩ kết luận cháu bé bị chấn thương sọ não, chưa biết sau này ảnh hưởng tới trí tuệ đến mức nào..

Tâm lý chung của người Việt khi bản thân mắc một bệnh tật di truyền nào đó, có tiền sử bị tâm thần, hay là người kém khôn ngoan… là mặc cảm, tự ti và che giấu đặc biệt vào giai đoạn trước khi kết hôn, bởi họ và gia đình họ e ngại rằng vợ (chồng) tương lai khó có thể chấp nhận được. Tuy nhiên đó là những quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi việc nói ra tình trạng sức khỏe, tâm lý, trí tuệ… cho phép định hướng các biện pháp phòng và điều trị thích hợp để giảm thiểu sinh ra những trẻ mang khuyết tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ cho cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số và đáp ứng khát khao chính đáng của các bậc cha mẹ hay lường trước những rủi ro có thể xảy ra với chính người vợ hay người chồng của mình. Lời dạy “lấy chồng xem giống” của người xưa có ý nghĩa là như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét