Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 53: YÊU CON VÀ DẠY CON

Sinh con, nuôi con, dạy dỗ và giáo dục con cái là nghĩa vụ, trách nhiệm, đồng thời cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của cha mẹ. Tuy nhiên, công việc này không hề đơn giản. Giáo dục con cái sống tương thiện, tử tế, có phẩm giá, có đạo đức vừa là một môn khoa học, vừa là một "loại hình nghệ thuật". Xin giới thiệu với các bạn 10 bài học cha mẹ cần ghi nhớ, thực hiện để làm tốt vai trò "phụ huynh" của mình:
1. Hãy làm gương: 
Con cái chúng ta hàng ngày học hỏi được nhiều điều bằng việc quan sát cách chúng ta đối xử với chúng, đối xử với nhau và với những người khác. Chúng cũng lắng nghe các câu chuyện chúng ta nói với nhau, những việc chúng ta làm hàng ngày, trong mọi hoàn cảnh. Nếu bạn muốn con bạn là người trung thực, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, hiếu thảo, bản thân các bạn, những người làm cha mẹ phải là những người ấy trước. Chỉ dạy trẻ, còn mình lại sống ngược lại, chúng sẽ không nghe theo, mà còn khinh bỉ, coi thường chúng ta đấy!
2. Hãy xin lỗi con khi chúng ta có sai lầm:
Ai cũng có lúc mắc phải sai lầm này, sơ xuất nọ, con cái chúng ta biêst hết. Khi chúng ta mắc sai lầm, nhất là sai lầm với con, hãy dũng cảm nói lời xin lỗi. Tại sao bạn không dám nói: "Mẹ xin lỗi con vì hôm qua mắng oan con, bỏ qua cho mẹ nhé". Ông bố cũng có thể gọi cậu con trai vào ngồi cùng và nói: "Bố xin lỗi đã trót đánh con, chỉ vì thiếu kiềm chế. Đừng giận bố nhé!".
3. Tranh thủ mọi cơ hội có thể trò chuyện với con.
Rủ con đi dạo, vừa đi vừa nói chuyện. Khi hai mẹ con nấu ăn, trao đổi với con về những suy nghĩ, tình cảm của mình. Trong lúc ăn cơm, nhắc con ăn uống tử tế, quan tâm chăm sóc con và cũng nhờ con chăm sóc mình. Quan trọng nhất là cha mẹ và con cái được “giao tiếp” với nhau, chứ không phải cha mẹ uốn nắn, nhắc nhở, lên lớp, thuyết giảng đạo đức. Một việc làm tốt cho nhau còn hơn nghìn lần nói lải nhải mà không làm gì.
4. Cùng con đọc sách.
Sách vẫn là nguồn nguyên liệu cho giáo dục tốt nhất, cho dù mạng internet có phát triển đến đâu. Tùy theo lứa tuổi mà cha mẹ có cách “đọc sách cùng con” khác nhau.
Trẻ còn nhỏ, chưa biết đọc, hãy đọc cho con nghe, rồi cùng nhau thảo luận, kiểm tra xem con hiểu những gì bố hay mẹ đọc như thế nào, cảm nghĩ, cảm xúc của con ra sao.
Lớn lên một chút, có thể đọc riêng, nhưng cùng nhau thảo luận. Ví dụ, bố nói: “Quyển “Rừng mơ” bố mua, bố đọc rồi, hay ra phết. Bố để ở giá sách, trên bàn của con. Lúc nào không bận học hay trước lúc đi ngủ, tranh thủ đọc đi, bố tin con sẽ thích quyển sách này”.
5. Cởi mở, chia sẻ những tâm sự của riêng mình.
Giao klưu là trao đi, đổi lại. Muốn làm bạn cùng con, phải cho con thấy mình cũng giống như con, cũng có thời ngây thơ, trong sáng, dại dột, vấp ngã như con. Nay có nhắc nhở con là vì đã trải qua, nên hiểu hơn, rút được kinh nghiệm, chứ mình không phải là thần thánh.
Muốn con chia sẻ cuộc sống của nó, hãy chủ động nói về cuộc sống của mình, kiểu như: “Không biết dạo này các con ở lớp thế nào, chứ ngày xưa mẹ đi học, bọn con trai toàn trêu con gái, lại còn có trò gán ghép nữa chứ. Mẹ ngày xưa tức điên, vì mẹ thích bác Thắng vì bác ấy đẹp trai, học giỏi, làm lớp trưởng, nhưng bọn con gái cứ ghép mẹ với Chú Hùng, vừa đen, xừa xấu trai lại hay nói tục…”. Bạn cứ trao đi, bạn sẽ được nhận lại những gì bạn muốn.
6. Hỗ trợ con khắc phục sai lầm.
Sai lầm thì ai cũng có, trẻ em lại càng hay phạm sai lầm. Nhưng yêu con, thương con, không có nghĩa là mau chóng lao vào làm thay, sửa đỡ. Làm như vậy, trẻ không bao giờ học được điều gì từ sự sai lầm, vấp ngã ấy, mà còn tạo cho con tính ỉ lại, trông chờ vào người khác.
Hãy gợi ý để con suy nghĩ, xác định mình sai điều gì, tại sao lại sai và nếu bây giờ cho phép được làm lại thì làm những gì, làm như thế nào. Việc sửa sai phải do chính trẻ thực hiện.
7. Không để con bỏ cuộc sớm.
Trong cuộc sống có những việc làm dễ dàng, nhưng cũng có những việc làm thật khó khăn, có khi phải làm đi làm lại nhiều lần mới thành công. Khi thấy khó khăn, trẻ có thể nản chí, muốn bỏ cuộc, cha mẹ hãy động viên con, chỉ cho con cách thức thực hiện từng bước nhỏ, dần dần hoàn thành công việc lớn. Kiên quyết không để con rơi vào cảnh “dễ làm, khó bỏ”.
8. Khuyến khích con cái quan tâm, giúp đỡ người khác.
Khi còn nhỏ, hãy chỉ cho con nhận ra sự cần thiết phải qaun sát, để ý đến người khác bằng những câu hỏi: “Con thấy cụ già kia có mệt không khi phải một mình xách hai cái túi nặng?”, “Bố nghĩ là mẹ rất mệt vì cả ngày đi làm, con có thấy thế không?”. Lớn lên một chút, gợi ý cho con làm một điều gì đó cho người mà mình nhận ra đang cần trợ giúp. Chẳng hạn, nhắc con: “Bố con mình ra hỏi xem bà cụ có nặng không, nếu nặng thì mình xách hộ bà tí con nhé”.
9. Hạn chế xem ti vi hay lướt web, chơi với điện thoại smartphone.
Tất cả những thứ nêu trên chỉ khuyến khích người ta “giải trí bằng mắt”, không khuyến khích người ta suy nghĩ và giao tiếp, trao đổi. Lạm dụng xem ti vi, luót web, chơi điện thoại thông minh sẽ cản trở khả năng giao tiếp bằng lời, hạn chế phát triển tư duy, atọ ra tính chây ì, dẫn đến béo phì, có hại cho sức khỏe.
10. Khen ngợi những hành vi tích cực.
Con người ta ai cũng muốn khen, muốn được khẳng định mình, nhưng nếu có làm tốt bao nhiêu cũng chẳng ai nhận ra, chẳng ai khuyến khích thì làm mãi cũng chán. Một lời khen, động viên, thừa nhận của cha mẹ khi trẻ có hành vi tích cực, sẽ là động lực để trẻ tiếp tục lặp lại những hành vi tốt, tích cực.
Đinh Đoàn


Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 52: CHÓ NO KHÔNG XỦA...

- P.V: Có một thực tế đang diễn ra, đó là cha mẹ đang nghĩ rằng tạo lập cho con cuộc sống đầy đủ về vật chất là đã mang lại cho con cuộc sống hạnh phúc. Do vậy, họ không chỉ lo cho con sống sung sướng ngay từ nhỏ mà còn cố gắng tích cóp của để dành lo cho con đến trọn đời. Theo ông, điều đó có thật sự mang lại cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa cho con cái?
- Đinh Đoàn: Người xưa dạy: "Tích tử thiên kim, bất như tích tử nhất thư", tức là cho con ngàn lạng vàng không bằng cho con "một cái chữ". Cái chữ ở đây phải hiểu nghĩa rộng, tức là sự khôn ngoan, sự hiểu biết, khả năng ứng phó với những thay đổi của cuộc sống. Ngày nay người ta cũng nói đến chuyện "cho cái cần câu và dạy cách câu hơn là cho con cá". Có con cá, ăn hết là nhịn, hoặc chưa chắc đã giữ được cá mà ăn. Số người thành đạt từ số vốn liếng, của cải của bố mẹ để lại không nhiều, nhưng số người trở thành "phá gia chi tử", trắng tay, thậm chí vào tù, ra tội vì "no cơm dửng mỡ" thì đếm không xuể. 
- P.V: Có ý kiến cho rằng chính tình yêu thương, bao bọc con của các cha mẹ thời hiện đại đang vô tình biến chúng lớn lên trở thành người chả biết làm gì, sống ích kỷ chủ nghĩa cá nhân, không biết có lòng biết ơn kể cả đối với cha mẹ mình. Theo ông, điều này đúng hay sai?
- Đinh Đoàn: Con mèo no sẽ không bắt chuột, nằm cuộn tròn ở xó bếp. Con chó no cũng tìm gầm cầu thang nằm lim dim, đến xủa chẳng buồn xủa. Con người sinh ra đã có "núi tiền" bố mẹ để lại, khỏi cần suy nghĩ, chẳng cần làm việc, có nghĩ cũng chỉ nghĩ cách ăn chơi cho khác người, cho "xứng danh đại gia". Những người này thấy bố mẹ sao nhiều tiền thế, sướng thế, vậy thì lo lắng, thương cho họ làm gì. Cứ tiêu đi, hết lại vòi, không có cho nữa thì oán trách. Khi con người chỉ biết nhận, không cần nghĩ đến phải "cho", không cần biết ở đâu mà có, rất dễ trở thành những người ích kỷ. Đã có những đứa con, bố mẹ cho tiền tỉ, ăn tiêu hết thì dí dao kề cổ bố mẹ, yêu cầu đưa nốt những gì bố mẹ còn. Khi bố mẹ không đưa nữa thì ăn nói tục tĩu rằng: "Ông bà chết đến nơi, không đưa tiền bạc, của cải đây thì khi chết cũng có mang đi được đâu!". Bố mẹ già mà rắn quá, không tiếp tục cung cấp, sẽ bị con cái ... bỏ mặc, sống trong cô đơn, hối hận.
          Trong thực tế, những người "nghèo vượt khó", trở thành giàu có, thành đạt khá nhiều. Những tỉ phú làm nên từ hai bàn tay trắng và khối óc nhanh nhạy, trái tim ấm nóng... lại khá nhiều.
        Tuy nhiên, người xưa cũng dạy: "có bột mới gột nên hồ". Có chút tài sản hỗ trợ con ban đầu, để nó khởi công, lập nghiệp cũng tốt, nhưng phải là tạo cơ hội để con biết sử dụng đồng tiền của cha mẹ một cách hữu hiệu, tức là "dạy cách câu", làm sao để "tiền lại đẻ ra tiền". Bố mẹ nghèo quá, con cũng gặp khó khăn trong chặng đường đầu tiên lập thân, lập nghiệp.
- PV: Thực tế cho thấy rằng nhiều đứa trẻ lớn lên trong cuộc sống nhung lụa, sung sướng nhưng lại không thấy hạnh phúc trong cuộc sống. Phải chăng tiêu chí về cuộc sống hạnh phúc dành cho con cái của cha mẹ đã có sự nhầm lẫn? Theo ông, tạo lập cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa cho con là như thế nào?
- Đinh Đoàn: Đúng là quan niệm về hạnh phúc mỗi thời mỗi khác. Bố mẹ cho rằng có nhiều tiền, ăn cả đời không hết là hạnh phúc, nhưng con cái lại nghĩ rằng hạnh phúc là được thử thách, được thể hiện bản thân. Bố mẹ cho rằng con có cuộc sống yên ổn là tốt, nhưng con cái lại muốn dấn thân. Bố mẹ cho rằng cứ ngồi một chỗ mà ăn cho sướng, thì con cái lại khát khao cuộc sống được đi đây đi đó với những trải nghiệm trên rừng sâu, núi thẳm. Chính vì thế, đã có những gia đình bố mẹ đầy tiền, bảo con đừng phải làm gì, vậy mà con xin ra sống riêng, ở nhà thuê, tự mở công ty cùng bạn bè để khẳng định bản thân, để được trải nghiệm. Nhiều bố mẹ già ngồi ôm đống tiền, ca thán rằng: "Có mỗi thằng con, bao nhiêu tiền bạc cũng tích cóp là vì nó, cho nó. Vậy mà nó lại... làm cha mẹ thất vọng". Có đứa lấy một cô vợ người dân tộc thiểu số, rồi ở lại trên núi để làm trang trại, nuôi cá hồi, ba ba. Có đứa ăn chay, đi tu.

       Tạo dựng cuộc sống cho người khác mà không biết người khác quan niệm thế nào là hạnh phúc thì đúng là "dở hơi". Nuôi con, dạy con, phải hiểu con, biết nó mong muốn điều gì, tính cách nó ra sao, nó thật sự mong muốn điều gì ở bố mẹ. Bố mẹ chỉ giúp con cái nó cần, nó muốn, nhưng "lực bất tòng tâm", còn cố làm những điều mà con không cần, thì đó là một sai lầm.


Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 51: ĐỒNG HÀNH CÙNG CON TRÊN ĐƯỜNG ĐỜI...

      Các bậc phụ huynh thân mến!
      Người ta gọi tôi là "chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn", "Anh Đinh Đoàn CSTY", thầy giáo Đinh Đoàn... Nhưng những gì tôi chia sẻ với các anh, chị với tư cách là một "người bạn của trẻ em" và một người cha.
      Trước tiên, tôi muốn nói tới điều cần thay đổi trong cách nhìn nhận về con cái và GD con cái mà từ trước đến giờ ai cũng coi đó như "đúng rồi".
1/ Đừng nghĩ rằng "con cái là của để dành của cha mẹ". Con là con người, không thể là "của cải", càng không thể "để dành". Nếu chúng ta coi con cái là "tài sản" của mình, chúng ta sẽ bảo vệ, giữ gìn, nhào nặn nó theo cách của mình. Đừng hy vọng đầu tư cho con là để "sau này nó thành đạt, nó báo hiếu, nó sẽ nuôi nấng mình hay cho mình tiền bạc". Nghĩ thế là sẽ vỡ mộng đấy. May mắn có đứa nào nó tử tế, thì đó là phúc phần được hưởng, còn lại, không đặt niềm tin, coi đó là canh bạc cuối cùng.
     Hãy nghĩ rằng, con cái là "duyên trời cho", nuôi dạy con là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mỗi người, là "cái nợ đồng lần", chúng ta "vay" của cha mẹ và "trả" vào đứa con. Đừng kỳ vọng quá lớn mà thất vọng!
2/ Cha mẹ không thể "dạy con" mà "đồng hành" như người bạn đường. Cha mẹ và con cái là hai thế hệ rất khác biệt, sống trong những hoàn cảnh xã hội khác nhau, nên "đã chắc gì" cha mẹ hơn con mà đòi "dạy". Giáo sư dạy ở trường đại học còn chẳng kèm nổi thằng con học lớp Ba, nói gì đến phụ huynh bình thường khác. Có người bố, người mẹ đi học thêm cái này, cái khác, bảo rằng để về còn có kiến thức mà "dạy con". Vô ích thôi! Hãy là người đi cùng con trên bước đường đời. Đừng đi trước "dắt" nó theo sau, nó sẽ mất đi sự chủ động. Đừng đi lẽo đẽo theo sau hối thúc, nó sẽ bị ức chế mà phá bĩnh. Hãy đi bên cạnh, khi nào thấy nó mệt mỏi, cần nhắc "cố lên, có bố mẹ bên cạnh", vậy thôi!
3/ Hãy tôn trọng sự khác biệt ở mỗi trẻ, đừng bao giờ so sánh con nhà mình với con nhà khác, kiểu: "con nhà người ta thì...". Mỗi em có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, bởi khái niệm "trí thông minh" rất đa dạng, không đồng nghĩa hoàn toàn với "học giỏi". Nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con nhận ra thế mạnh để tập trung phát triển, điểm yếu để khắc phục phần nào.
      Vấn đề thứ hai, tôi muốn nhắc các bố, các mẹ là ít nhất phải nắm chắc 3 điều sau: 
       Một là: Biết tâm tính con mình. Đừng quá tự tin khi nói rằng: "Nó là con tôi, nó thế nào mà tôi chẳng biết". Thực sự, điều các em thể hiện trước bố mẹ chưa chắc đã là con người thật của các em. Nhớ là biết tâm tính chứ không phải chỉ biết nó học tốt môn gì, kém môn gì. Tâm tính là hướng nội hay hướng ngoại, trầm tính hay cởi mở, ưa hoạt động ngoài trời hay ngồi "tụng kinh" góc nhà, ưa tự lập, hay cần có người kèm cặp, hối thúc, thật thà hay "láu cá ra phết", biết không phải để "vạch mặt chỉ tên", mà để định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ, điều chỉnh...
     Hai là: phải biết rõ những thông tin về trường, lớp, thầy cô giáo, môn học, chương trình học của con. Đặc biệt, ít nhất phải biết 3 bạn học của con và 3 phụ huynh trong lớp.
     Biết để không bị lừa. Có mẹ ngày nào cũng thấy con đi học 2 buổi/ ngày thì thương, nào ngờ con đã bị đình chỉ học tập cả tuần mà không biết, sáng nó vẫn ra đi, vẫn ăn phở, nhưng chui vào quán net, chiều lại về, cứ như đi học bình thường. Có bố đi họp PHHS cho con mà đứng giữa sân trường, không biết con học lớp nào, cô nào, chỉ biết con tên là "Tít", học lớp 10. Có bố thấy con xin tiền "học thêm tiếng Anh" là cho ngay, nhưng đâu có biết rằng trường không tổ chức học thêm tiếng Anh. Có mẹ thấy con "mất tích" mà không biết hỏi ai, số đt của cô, của bạn, của PHHS khác trong trường, trong lớp không có...
     Ba là: Biết những thói quen, sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, xu hướng ... của con. Con đâu biết đàn hát mà cố ép con theo lớp nhạc nâng cao, nó có thích võ thuật đâu mà đăng ký lớp võ thuật... Tốn tiền vô ích, cái cần thì không đầu tư, toàn đầu tư vớ vẩn, linh tinh!
      Thứ ba, tôi muốn nhắc các bác, các anh chị 3 điều cần làm thường xuyên với con:
1/ Bớt nhắc "học đi" hoặc lên lớp, giảng giải đạo đức, kể chuyện "hồi xưa". Tăng cường hỏi han con về chuyện trường, lớp, học hành, bạn bè và tâm trạng của con khi đi học.
2/ Thay vì ra lệnh, hãy nêu mong muốn của mình (thật ra mẹ chỉ mong muốn con tập trung vào hoàn thành bài vở ở trường ở lớp, sau đó dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể thao, giao lưu với các bạn để mở mang tầm nhìn, hiểu biết...)
3/ Đừng coi trẻ còn bé, không biết gì. Hãy coi chúng như người lớn trong gia đình, vì vậy mọi vấn đề to lớn của gia đình, cứ hỏi ý kiến, cứ bàn bạc hay cho các em dự. (Bố mẹ định ...., ý con thế nào?)
         Cuối cùng, đừng quên làm 3 điều giúp con định hướng tương lai.
+ Một: Quan trọng là sau này con có cuộc sống tự lập, tự chủ, thoải mái và hạnh phúc, làm gì, ở đâu không quan trọng. Một thợ may nổi tiếng, danh giá, kiếm tiền khá còn hơn một anh học xong đại học rồi thất nghiệp rồi chán đời, lang thang, bất mãn...
+ Hai: Thành công không chỉ từ "thông minh, học giỏi", mà còn từ sự khôn ngoan, khéo léo trong giao tiếp, ứng xử, khát vọng lớn và sự tự tin. Vì thế, cho con được đi đây đi đó, tham gia CLB nọ kia, học các lớp kỹ năng sống, tham gia hoạt động văn nghệ - thể thao của trường để trở thành người tự tin, có bản lính, khéo léo.
+ Ba: Hãy định hướng cho con học để "Tạo việc làm" chứ không "Xin việc". Gợi ý những lĩnh vực có thể khởi nghiệp...Định hướng làm việc trong môi trường đa quốc gia, quốc tế, liên doanh, cạnh tranh với nhiều đối tượng, chứ không chỉ nhằm vào "có công ăn việc làm ổn định!".


Đinh Đoàn trò chuyện 50: ĐỪNG NÓI ... NHÌN CON NGƯỜI TA MÀ THÈM!

      Trong một cuộc khảo sát trên 1000 em học sinh THPT về câu hỏi: "Khi có những khó khăn trong cuộc sống, nhất là những vấn đề tâm lý, tinh thần, các em thường tìm đến ai để chia sẻ?". Có 4 phương án trả lời: 1 - Cha mẹ  2 - Thầy cô  3 - Bạn bè  4 - Mạng xã hội.
       Kết quả như sau: Bạn bè: 70%; Mạng xã hội 14%; Thầy cô: 10%; Cha mẹ: 6%.
        Đau lắm chứ! Cha mẹ là những người sinh ra con, chăm lo cho con tới mức quên mình, vậy mà khi có vấn đề, cha mẹ lại là đối tượng được các em ít tin tưởng nhất. Cha mẹ có tốt không? Chắc chắn là tốt với con rồi. Vậy tại sao các em lại "né" cha mẹ như thế? Có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó chính là những câu nói "chết người", trong đó có câu "Trông con người ta mà thèm"!
       Các em tâm sự, sợ nhất cha mẹ nói những câu: "Đấy, cũng cơm cũng gạo ấy mà con người ta toàn là học sinh giỏi, con mình thì chỉ được mải chơi, đá bóng là giỏi"; "Ngày xưa anh mày luôn luôn làm bố mẹ mở mày mở mặt, đi họp phụ huynh toàn được khen, sướng cả tai, còn mày, lần nào đi họp cũng phải đeo mo vào mặt". Các em nói chúng muốn "là chính mình", không bị so sánh với "con nhà người ta", kể cả với anh, chị em ruột của mình. Sự so sánh không khiến con người tiến bộ lên, mà chỉ tạo ra sự ganh ghét, thù hằn.
      Thật ra con cái chúng ta, ai cũng giỏi cả. Từ trước đến nay, người ta gọi học sinh giỏi là những em học tốt các môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Tuy nhiên, chúng ta lại quên rằng có tới 8 loại trí thông minh, đó là:
1/ Trí thông minh không gian - thị giác.
Bé nổi trội trí thông minh không gian - thị giác thường tư duy bằng hình ảnh, có khả năng ghi nhớ và truy xuất thông tin rất tốt. Mẹ sẽ thấy bé thích tự mình sắp xếp vị trí các đồ vật quen thuộc, thuộc đường nhanh, mê ngắm nhìn đồ chơi nhiều màu sắc hoặc không gian ba chiều, các hình vẽ trong sách, lớn lên một chút thì muốn đọc bản đồ và bảng biểu... Bé sẽ hiểu hình ảnh một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn là ý nghĩa câu chữ.
2/ Trí thông minh logic - toán học.
Trí thông minh này liên quan đến năng lực tư duy bằng con số, khả năng lý luận, giải quyết vấn đề logic, nhìn thấy mối liên hệ khoa học giữa nguyên nhân và kết quả. Loại trí thông minh này rất quan trọng, được dùng để giải quyết hầu hết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày. Biểu hiện đầu tiên của trẻ là sự nhạy cảm với con số, biết so sánh các số lượng hơn kém với nhau. Khi lớn lên, bé bộc lộ khả năng lý luận, phát hiện ra quy luật nguyên nhân và kết quả, dự đoán các tình tiết sẽ xảy ra với các dữ kiện ban đầu.
3/ Trí thông minh ngôn ngữ.
Bé sở hữu năng lực này nhạy bén trong việc nhận ra ngữ nghĩa và vần điệu của âm từ, sử dụng câu cú trôi chảy trong giao tiếp và mượt mà trên văn bản. Trí thông minh ngôn ngữ nằm ở não trái. Thùy trán trái kiểm soát các khả năng nói, còn thùy thái dương trái điều khiển sự hiểu biết ngôn ngữ. Bé thường thích nghe người lớn nói chuyện hay đọc sách, lớn lên muốn tham gia trực tiếp vào cuộc đối thoại. Nhiều bé có thể kể lại câu chuyện cổ tích mẹ kể, thậm chí nhớ được mặt chữ và tự tìm tòi đọc cuốn sách khác.
4/ Trí thông minh tương tác - xã hội.
Mẹ sẽ thấy thật hạnh phúc khi bé biết thấu hiểu và tương tác với mọi người, có khả năng dung hòa các mối quan hệ. Bé rất giỏi đọc suy nghĩ, có khả năng khích lệ và nâng đỡ người khác, giải quyết tốt xung đột và có xu hướng trở thành lãnh đạo nhóm. Bé càng sở hữu nhiều trí thông minh này, càng dễ dàng đạt được những thành công tột bậc trong cuộc sống, nhất là khi kết hợp hài hòa với các loại trí thông minh còn lại.
5/ Trí thông minh âm nhạc - nhịp điệu - tiết tấu.
Trí thông minh này có trong tiềm thức của mọi trẻ, đặc biệt là những bé có khả năng nghe tốt, dành nhiều thời gian cho âm nhạc và thích ngân nga theo giai điệu. Mẹ sẽ thấy bé mê hát hò, gõ trống, thường xuyên nhún nhảy theo điệu nhạc và dễ dàng thuộc lời mọi ca khúc. Muốn trẻ tiếp thu tốt, mẹ hãy biến bài học thành giai điệu dễ thuộc, dễ nhớ.
6/ Trí thông minh vận động cơ thể.
Những bé khỏe mạnh và năng động thường sở hữu trí thông minh này. Bé biết điều khiển các hoạt động cơ thể một cách khéo léo, thích đóng kịch, khiêu vũ, chơi thể thao và thể hiện bản thân bằng các chuyển động uyển chuyển của cơ thể. Loại trí thông minh này có mối liên hệ mật thiết đến sự phát triển thể chất, sức khỏe và tầm vóc. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất và thực nghiệm lôi cuốn cùng gia đình.
7/ Trí thông minh nhận thức bản thân.
Các chuyên gia còn gọi đây là trí thông minh nội tâm. Bé sở hữu loại trí tuệ này dễ dàng hiểu rõ cảm xúc của bản thân, cá tính tự lập mạnh mẽ, thích làm việc một mình, biết yêu thương bản thân, muốn được tôn trọng, có không gian riêng và biết tự xác định mục tiêu cho riêng mình. Nếu thấy bé thường tách ra hoạt động một mình và không đi theo xu hướng của đám đông, mẹ đừng vội phản đối bởi bé có suy nghĩ và động lực của riêng mình.
8/ Trí thông minh tự nhiên.
Bé đặc biệt quan tâm đến động thực vật, tinh thông việc nhận dạng và phân loại vô số chủng loại cây cỏ. Bé sẽ vô cùng hào hứng khi được đưa đi dã ngoại, nghe mẹ lý giải các hiện tượng khoa học hay cùng bố làm thí nghiệm mởi mẻ.
       8 loại hình trí thông minh cũng là nội dung chính của bộ sách “Thuyết trí thông minh đa diện”, do Wyeth Nutrition và Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển Tài năng Con người (IPD) xuất bản.
        Không có ai có đủ 8 loại trí thông minh kể trên, có được 1 - 2 loại trí thông minh đã là rất tốt, số người đa tài, toàn diện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người giỏi Toán chưa chắc đã giao tiếp tốt, đã có khả năng âm nhạc, thể thao. Người kỹ sư xây dựng, kiến trúc, chế tạo máy có khi hát một bài karaoke không nổi vì không thuộc vần, thuộc điệu. 
     Con cái chúng ta không học giỏi Toán, Văn, có thể nói "giỏi" thứ khác. Cha mẹ hãy cho con nhiều cơ hội thể hiện, khám phá bản thân, trải nghiệm trong nhiều hoạt động khác nhau, thậm chí nhờ đến các nhà chuyên môn để xác định con mình có loại trí thông minh nào, để từ đó tìm cách phát triển thế mạnh, không lao đầu vào những thứ không phải là thế mạnh của con.
     Con quạ có mỏ dài, trở nên khôn ngoan (trong truyện "Con quạ khôn ngoan") vì nó có thể thò mỏ vào uống nước ở cái lọ có cổ cao, nhưng nó sẽ "chết tắc" nếu được chú cáo mời ăn cháo loãng được đổ ra cái đĩa rộng lòng. Lúc này cáo một mình một đĩa, lè lưỡi liếm vài nhát hết đĩa cháo. Đấy, kẻ mạnh cũng có điểm yếu, người thông minh ở mảng này, có thể rất "dở hơi" ở mảng khác. Đó là bình thường...
     Hãy đừng nhìn con nhà người ta, và đừng nói: "Nhìn con người ta mà thèm...". Có khi bên ấy đang ao ước có đứa con như con nhà mình đấy!



Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 49: KIÊNG KỊ GÌ THÁNG CÔ HỒN?

Điển tích về ngày “xá tội vong nhân” hay “vu lan báo hiếu” đều liên quan chuyện của nước ngoài, được truyền miệng từ đời này qua đời khác, chẳng có sơ sở khoa học để tin. Chúng ta cần gạn dục khơi trong, cóp nhặt từ trong những chuyện xưa những yếu tố tích cực để phát huy, gạn bỏ những gì mang tính dị đoan, mê tín, để cuộc sống trở nên lành mạnh hơn.
          Việc báo hiếu cha mẹ là yếu tố tích cực, cần giữ lại, nhưng phải làm mới nó bằng cách quan tâm, chăm sóc cho cha mẹ đang còn sống, chứ không sa đà vào đốt mã, cúng bái linh đình hay chỉ vào chùa cúng Dường, cúng Tăng.
          Còn vấn đề kiêng cữ thì không nên quá đà rồi tự an ủi mình bằng câu cửa miệng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Việc sợ ma quỷ ám mà không dám ra đường, không dám khai trương, khởi nghiệp, kiêng ăn đồ cúng, phụ nữ và trẻ em kiêng phơi đồ ở ngoài vì sợ ma quỷ mặc thử, kiêng chụp ảnh ban đêm sợ ma quỷ ghé vào chụp ké… đều là những kiêng kị thiếu cơ sở khoa học.
          Tuy nhiên, có một vài điều kiêng kị cũng có cơ sở khoa học, có thể kiêng hoặc nếu không kiêng cũng cần lưu ý. Tháng bẩy là tháng ngâu, tháng chuyển mùa từ hè sang thu, không khí ẩm ướt, các đồ ăn thức uống dễ ôi thiu, áo quần phơi bên ngoài có khi bị nước mưa bám vào, lâu khô, nên kiêng. Tháng bẩy mưa gió, bão bùng, việc cưới xin không thuận tiện (ngày xưa), chẳng may đang cưới mà ào một trận mưa, khách khứa chạy tán loạn… cũng không hay, nên nếu hoãn lùi lại được sang tháng sau cũng không sao. Không ăn đồ cúng chúng sinh không phải vì đã bị “ma vầy”, mà vì đồ cúng chủ yếu là cháo loãng, khoai luộc, bỏng ngô, bánh kẹo rẻ tiền. Khi cúng thường phải rải ra trên tấm chiếu hay những tờ báo trên diện rộng, để có thể nhiều “cô hồn” vào ăn cùng lúc được, nghĩa là thức ăn bị phơi ra bụi bặm, mưa gió trong một thời gian dài, ăn vào dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột!

          Xã hội phát triển, khoa học kỹ thuật tiến lên như vũ bão, con người đã lên đến sao hỏa, sao kim, sống cách xa nhau cả nửa vòng trái đất mà vẫn nói chuyện với nhau nheo nhẻo, bệnh hiểm nghèo đã bị đẩy lùi, lục phủ ngũ tạng hỏng đã có thể thay thế, con người có thể tao ra rô bốt thay mình làm việc, có thể ngồi một chỗ mà điều khiển nút bấm tự động… thì đừng chìm đắm quá đà vào những chuyện xưa tích cũ. Có như thế chúng ta mới xây dựng được nền văn hóa “tiên tiến” và “đậm đà bản sắc dân tộc”!

Đinh Đoàn kể chuyện 48: VU LAN BAO HIẾU TRÊN FACEBOOK

Vừa sang tháng bẩy âm lịch, mở mạng xã hội, facebook ra đã thấy tràn ngập “không khí báo hiếu”. Một bạn trẻ đăng ảnh mẹ già, với những dòng tâm sự “đẫm nước mắt” với những nhớ, thương mẹ già cô quạnh khi con cái đi làm ăn xa. Tiện thể, anh ta dặn dò người khác, những ai còn sống với mẹ “đừng để mẹ phải buồn, phải khóc”. Ngay sau đó, hàng loạt người vào bấm like, với những conmments bình luận cũng lâm li bi đát không kém. Người thì bảo cậu còn hạnh phúc vì ít ra còn mẹ, chứ tớ thì bố mẹ chết sạch rồi, hu hu. Người thì chép lại ở đâu đó câu thơ “đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”.
          Những bài thơ, những bài hát về cha mẹ, những câu nói về công ơn sinh thành, dưỡng dục của con cái đối với cha mẹ được trích dẫn, được đăng, được chia sẻ dầy đặc. Xuất phát từ điển tích Mục Kiền Liên cứu mẹ, mà ngày rằm tháng bẩy, những ai còn cha mẹ thì cài lên ngực bông hồng đỏ, ai mất cha mất mẹ, cái lên ngực bông hồng màu trắng. Thế là bài hát “Bông hồng cài áo”, hình ảnh những tấm avatar trên facebook cũng được khai thác tối đa.
          Tôi không dám chắc có bao nhiêu bạn đang gào lên “con yêu mẹ” trên facebook đã từng nói câu ấy với mẹ, khi ở bên mẹ thực sự? Trong lúc say sưa nghe bài hát về mẹ, có bao nhiêu bạn nghĩ rằng tốt nhất nhậc điện thoại gọi điện hỏi thăm sức khỏe, hoặc đơn giản là nói chuyện với mẹ vài phút? Có bao nhiêu bạn đang ăn nhậu, vui chơi đàn đúm, tiêu pha tốn kém nghĩ đến nỗi vất vả, khó khăn của cha mẹ đang ngày đêm kiếm tiền để gửi cho con ăn học nơi xa, để rồi cảm thấy mình có lỗi, rồi từ đó khoan ăn, bớt tiêu đi? Biết bao nhiêu người đang thờ ơ, bỏ rơi người cha, người mẹ đang còn sống, lao vào cúng bái tốn kém chỉ để “báo ân” cho người cha, người mẹ đã khuất? Bỏ bớt vàng mã đi, dùng tiền ấy mua cho người còn sống tấm áo, cái khăn, đưa bố già, mẹ già đi đây đi đó cho “biết mùi đời”, để sau này khỏi ân hận, khỏi phải bù đắp cho cha mẹ bằng “đồ giả”, đồ ảo.

          Hôm qua tôi bắt gặp trên facebook một bạn gái viết ba chữ “Con yêu mẹ” rất to, ngay dưới đó là dòng bình luận, có lẽ của một người lớn tuổi, rằng: “Mẹ mày đâu ở trên phây? Sao mày gào thét ở đây làm gì? Nếu gần thì hãy về đi/ Nếu xa gọi điện chỉ ba bốn lời…”.

Đinh Đoàn trò chuyện 45: CƯỚI VỢ THÁNG NGÂU

Tháng Bẩy không chỉ được coi là tháng cô hồn, tháng vu lan báo hiếu, mà tháng bẩy còn là tháng Ngâu, kiêng kị việc cưới hỏi.  Nhiều người vẫn nhớ câu ca dao cổ: “Ta với mình như vợ chồng ngâu/ Một năm mới thấy mặt nhau một lần”. Điển tích vợ chồng ngâu hay phải xa nhau, ly tán, gắn liền với câu chuyện về “Ngưu Lang, Chức Nữ”. Đây là truyện cổ Trung Hoa. Do giao lưu văn hóa, sau đó câu chuyện này được lưu truyền ở cả Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên.
          Chuyện kể rằng Ngưu Lang là thần chăn trâu trên trời, đem lòng yêu thương Chức Nữ, một người phụ trách công việc dệt vải trên thiên đình. Do yêu nhau, nên cả hai trễ nải công việc, khiến Ngọc Hoàng tức giận, cho hai người “chuyển công tác”, mỗi người ở một đầu sông (sông Ngân, hay còn gọi là Ngân Hà).  Sau đó, thương tình, Ngọc Hoàng ra lệnh cho phép mỗi năm họ được gặp nhau một tuần, bắt đầu từ mồng ba tháng bẩy. Dân giam gọi họ là Ông ngâu, Bà ngâu, tháng bẩy gọi là tháng ngâu, mưa tháng bẩy gọi là mưa ngâu. Vì thế, tháng bẩy được coi là tháng của chia ly, xa cách, các đôi vợ chồng không nên làm đám cưới vào tháng này.
          Vậy mà không ít đôi vợ chồng, nhiều lý do mà vẫn cưới nhau vào tháng bẩy, rồi sau đó họ sống với nhau vui vẻ, hạnh phúc. Cách đây 30 năm, vợ chồng anh bạn tôi cũng cưới nhau vào tháng bẩy. Lý do anh giải thích là: “Đã gọi là truyền thuyết dân gian, ai tin thì tin, không tin thì thôi. Tin thì cho rằng có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành. Không tin thì bảo mọi việc do con người, chẳng có ngày nào, tháng nào phải kiêng cả”. Anh còn nói, cưới tháng bẩy mua gì, thuê gì giá cũng rẻ, bởi nhiều người kiêng, hàng cau, hàng trầu, hàng bánh phu thê, dịch vụ phông bạt, cỗ cưới vớ được mình như vớ được vàng. Ba mươi năm qua đi, gia đình họ vẫn yên bình, cả hai giờ đã là tiến sĩ, phó tiến sĩ, con cái ngoan ngoãn, thành đạt, đều có gia đình riêng. Hôm nọ gặp anh, nhắc lại chuyện “ngang như cua” của anh, anh cười, bảo rằng nếu có kiếp sau vẫn lấy bà ấy và vẫn cưới tháng ngâu!

          Có một số trường hợp, vợ chồng công tác, lao động ở nước ngoài hay ở đảo xa, chỉ về phép được một tuần hay mười ngày mà đúng dịp tháng ngâu, họ vẫn tổ chức đám cưới vì đã quyết tâm rồi, không hoãn được. Có đôi cưới “chạy tang”, tức là muốn cưới nhau trước khi cha mẹ qua đời, để khỏi hoãn cưới quá lâu vì kiêng tang. Trong khi bố mẹ bị bệnh hiểm nghèo, có thể ra đi bất cứ lúc nào, họ cũng đành làm đám cưới ngay trong tháng ngâu. Lại có trường hợp “bác sĩ báo cưới”, đôi bên bố mẹ họp và quyết định cho đôi trẻ cưới nhau để “giấu cái bụng bầu” trong ngày cưới, khi nó còn nho nhỏ. Họ bảo “bác sĩ bảo là cưới” vì quá mừng, mới yêu nhau mà đã có “kết quả”, còn hơn nhiều đôi chọn ngày, chọn giờ, vậy mà cưới nhau mấy năm vẫn chưa có con, tốn kém bao nhiêu tiền bạc mà chạy chữa chưa được.

Đinh Đoàn trò chuyện 40 - ĐỐT MÃ THỜI NAY

Nếu đốt vàng là cách biếu tiền, thì đốt mã là cách biếu, tặng người âm những đồ dùng, vật dụng được mô hình hóa bằng hình thức đốt hết sau khi cúng cấp. Chẳng biết người âm có nhận được tiền bạc hay đồ đạc con cháu đốt cho không, nhưng việc đốt mã hoàn toàn là ý nghĩ chủ quan, suy diễn của người còn sống. Chính vì vậy, việc đốt vàng, mã cũng theo thời cuộc ở trên trần gian.
          Tôi đã được nghe một chị bán hàng mã “tư vấn” cho khách hàng rằng thời buổi này mà còn đốt quần áo làm gì, mình có biết ở dưới ấy các cụ ăn mặc theo “mốt” gì đâu, nên tốt nhất là đốt vải cho các cụ, các cụ muốn may kiểu gì thì tùy. Vải là những tấm giấy đủ màu sắc, được sắp thành tập, được gọi là “súc vải”. Lại một khách khác mua rất nhiều vàng mã, được một anh chủ cửa hàng gọi với theo, nói rằng: “đáng bao nhiêu mà tiết kiệm, em không lấy cho cụ cái thẻ ATM à? Đốt nhiều tiền mà không có thẻ thì cụ rút sao được tiền. Trần sao âm vậy, ở dưới ấy cũng có ngân hàng địa phủ, người ta cũng trả tiền qua thẻ y như trên mình đấy. Hôm nọ có cô hớt hơ hớt hải đến đòi mua ba cái thẻ, nói rằng hôn giỗ bố, đốt nhiều tiền, ngay đêm ấy bố về báo mộng, bảo tiền con gửi cho bố mà không có thẻ nên chẳng rút ra mà tiêu được, nên chịu nhịn đói. Có 5 chục nghìn một cái thẻ, sao lại tiếc các cụ hả? Tháng báo hiếu mà em, lấy đi, đừng tiếc gì khi nghĩ đến việc đền đáp!”.
          Một gia đình, có ba anh chị em đi xe sang đến cửa hàng đồ mã chọn mua số mã trị giá vài chục triệu về chuẩn bị đốt cho ông bà, cụ kị, bố mẹ vào dịp Rằm tháng bẩy này. Cô em bảo ông anh: “Cụ kị, ông bà nhà mình đều chết trước năm 45, bố mẹ mình chết hồi những năm 80, lúc đó đâu đã có xe máy, chỉ có bố là biết đi xe đạp Thống Nhất, vậy anh mua nhiều xe máy thì ai đi?”. Ông anh bệ vệ, có vẻ là nhà giàu, bảo cô em: “Bây giờ người ta có làm xe đạp nữa đâu, toàn xe máy và ô tô xịn. Với lại, biết đâu, ở dưới ấy các cụ cũng tiến bộ, cũng tập tành, nên biết đi xe máy, ô tô rồi cũng nên. Thôi, người ta làm sao, mình làm vậy, biết đâu chuyện ở dưới ấy”. Một đôi vợ chồng Việt Kiều ở nước ngoài về còn đốt cho bố mẹ cả cái biệt thự, mà anh chị ấy gọi là “nhà nghỉ cuối tuần”, hy vọng sau những ngày làm ăn vất vả, đến cuối tuần bố mẹ anh ta đưa nhau ra sống ở cái “nhà nghỉ” này, ở ngoại ô một “thành phố âm phủ” nào đó.
          Có lẽ “cười ra nước mắt” nhất là vụ người vợ góa đốt cho chồng một hình nhân, được gọi là “cô giúp việc”, trông có vẻ “mắt xanh mỏ đỏ”. Sợ chồng mình lại lăng nhăng với cô ấy như ngày ông ấy còn sống, nên trước khi đốt cô giúp việc, người vợ đã bí mật lấy ngón tay chọc mù mắt cô ta, với mục đích “làm xấu” cô ấy, may ra chồng bà mới không “chim chuột” với cô ấy. Bà quên hẳn mục đích là đốt cho chồng cô giúp việc, mong cô ấy chă sóc, cơm nước cho ông. Một cô gái mù thì còn chăm chồng làm sao được nữa, không khéo, cô ấy chỉ ngồi một chỗ để chồng bà phục vụ thì thật là tai hại. Cô mù thì đi lại khó khăn, sống phụ thuộc, ông chồng bà muốn làm gì cô ấy mà chẳng được, khác gì mỡ để miệng mèo. Mù thì mù, chứ cô ấy vẫn còn là phụ nữ lành lặn chỗ khác…

          Cạnh nhà tôi có cụ già, có 5 người con đều trưởng thành, đi làm ăn khắp tứ xứ, nhưng ít quan tâm tới mẹ, nên dù đã hơn 70 tuổi, cụ vẫn phải muối dưa, muối cà để bán, kiếm thêm đồng rau, đồng mắm. Nhưng đến gần rằm tháng bẩy, con cái kéo về đầy nhà, chúng bàn bạc, đóng góp tiền, phân công nhau mua bán, chuẩn bị cho khóa lễ đốt mã cho bố. Ngày rằm, họ bắc rạp, lấn ra cả lối đi chung, để làm lễ. Hai ông thầy nổi tiếng ở tỉnh xa được đón về bằng ô tô từ sáng sớm. Hoa quả, bánh kẹo, bia rượu, xôi gà, vàng mã, ngựa hia, xe máy, ô tô, tủ lạnh, ti vi, đầu đĩa, biệt thự làm bằng hàng mã được xếp cao như núi. Hai ông thầy ngồi vào chiếu trải giữa nhà, loa đài được bật lên, tiếng mõ, tiếng tụng kinh náo loạn cả một vùng. Lúc đầu con cháu và bà cụ ngồi phục sau lưng hai ông thầy, thỉnh thoảng họ lại vái vái mấy cái theo hiệu lệnh của thầy cúng. Được một lúc, các ông con trai, con dâu đều bị tê chân vì ai cũng bụng to, đùi mập, khó ngồi bệt, ngồi xổm, nên đứng dậy hết. Các con của họ cũng đứng lên theo, bỏ đi chơi với điện thoại và ipad. Mấy tiếng đồng hồ, chỉ còn mỗi cụ già ngồi phục lễ. Buổi lễ kết thúc bằng việc đưa cụ đi cấp cứu…

Đinh Đoàn trò chuyện 39 - Tháng cô hồn và mùa Vu lan báo hiếu

Từ trước đây, tháng bẩy được gọi là tháng có sự kiện “xá tội vong nhân”. Theo cách kiểu dân gian, thì trần sao âm vậy. Những người có tội lỗi ở trên trần gian, khi chết xuống âm phủ bị đày vào các tầng địa ngục, kiểu như nhà tù ở trên trần. Tùy theo tội to hay nhỏ, mà vong hồn người chết, tức vong nhân, được giam giữ ở tầng thấp hay tầng cao, thời gian dài hay ngắn. Trọng tội thì bị giam ở chín tầng địa ngục và thời gian khá dài. Những người sống, khó mà biết ông bà, cụ kị của mình có bị giam tù hay được lên cõi niết bàn, được tự do sinh sống, làm ăn, rồi đầu thai kiếp khác theo thuyết luân hồi. Những người thỉnh thoảng có nằm mơ thấy ông bà, cha mẹ thỉnh thoảng về thăm con cháu, thì biết rằng các cụ vẫn ở đâu đây. Nhiều người, sau khi chết, không bao giờ con cháu còn gặp nữa, người ta nghi các cụ bị đi đày ở các tầng địa ngục.
          Hàng năm, tháng Bẩy là tháng “xá tội vong nhân”, tức là ở dưới âm phủ có đợt xét giảm tội lỗi hoặc tha bổng cho những vong nhân cải tạo tốt hoặc giảm án cho những vong nhân có con cháu thường xuyên cúng bái, có “quan hệ tốt” với thần linh. Đợt xá tội vong nhân này giống như trên trần, hàng năm vào dịp Quốc khánh, chủ tịch nước xét ân xá cho những tù nhân cải tạo tốt vậy.
          Thế là nhiều vong nhân, sau nhiều năm bị giam cầm ở địa ngục, nay được thả ra. Những vong này có thể không có con cháu, chẳng còn ai thờ cúng, nên đành đi lang thang, vật vờ kiếm ăn, giống những người ra tù mà chưa có việc làm. Những vong nhân đó, có cả vong trẻ em. Thế là ngoài đường đông đặc các vong không nơi nương tựa, được gọi là “cô hồn”, tức những vong hồn cô quạnh. Người ta kiêng làm những công to, việc lớn, tiệc tùng, bởi sợ có những cô hồn này phá đám, cướp đồ ăn, làm cho công việc không thuận buồm xuôi gió. Những người tử tế thì cúng chúng sinh, tức làm phúc, cúng cháo loãng đổ ra những chiếc bồ đài làm bằng lá mít, những gói bỏng ngô, bỏng gạo, tiền lẻ, khoai luộc, để “làm từ thiện” cho các cô hồn, vừa là giúp họ có cái ăn, vừa là để họ khỏi quấy nhiễu mình.
          Việc cúng cấp vào ngày rằm tháng bẩy có hai ý nghĩa. Một là cúng ông bà, bố mẹ, nếu bị “đi tù” thì được trở về, có cái ăn, cái mặc, được con cháu chăm sóc, khỏi trở thành “cô hồn” lang thang. Hai là cúng các quan thần linh, vừa để “cảm ơn” họ đã quan tâm đến vong hồn ông bà, cha mẹ mình trong những năm tháng “ở tù”, vừa là tạ ơn họ vì đã quan tâm, chiếu cố mà giảm án, cho các vong nhà mình được ra khỏi ngục sớm. Những nhà khác cúng, vì nghĩ các cụ nhà mình chưa được thả, nên cúng để “chạy chọt” cho các cụ được đưa vào danh sách xét xá tội năm sau.
Nhiều người lẫn lộn giữa sự kiện “xá tội vong nhân” với “vua lan báo hiếu”. Lễ Vu Lan là một phong tục tập quán tốt đẹp trong văn hóa Phật giáo. Lễ Vu Lan xuất phát từ điển tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ. Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật, có mẹ là bà Thanh Đề. Chuyện kể rằng, sinh thời, mẹ của bồ tát Mục Kiền Liên làm nhiều điều ác, xúc phạm chư Tăng nên khi chết bị đày xuống địa ngục làm con ma đói. Bồ tát Mục Kiền Liên tìm cách cứu mẹ không được. Ông được đức Phật chỉ cách phải cúng chư Tăng vào dịp Rằm tháng bảy và nhờ phước lực của đông đảo mười phương chư Tăng mới cứu được mẹ mình thoát khỏi đau khổ, hành hạ ở địa ngục. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên theo cách này. Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời. Theo đó, vào dịp tháng bảy hằng năm, tín đồ Phật giáo tổ chức cúng, dâng phẩm vật lên Tam Bảo để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ được siêu thoát. Đó là một hình thức để báo hiếu cho những người thân đã mất trong gia đình.
Ngày nay, lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các Phật tử, đó còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ đã sinh thành và dưỡng dục mình. Ngoài ra, đây còn là dịp mọi người tìm về cội nguồn.

Không ai có thể kết luận hay khẳng định tính xác thực của những sự kiện, điển tích kể trên. Tuy nhiên, việc kiêng cữ, việc cúng cấp, báo đáp cha mẹ theo truyền thuyết được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nhưng có thể thấy, tất cả đều do người sống nghĩ ra theo phương pháp “suy bụng ta ra bụng người” hay quan niệm “trần sao âm vậy”. Tuy nhiên, ít nhiều việc báo đáp công cha nghĩa mẹ cũng có tính giáo dục nhất định. Nhưng hiện nay, nhiều người chẳng cần hiểu ý nghĩa, lai lịch của “tháng cô hồn” hay ngày “xá tội vong nhân”, hay “vu lan báo hiếu”, lao vào sắm sửa vàng mã, chuẩn bị những khóa lễ linh đình, mà thật ra chẳng vì báo hiếu hay lo cho cha mẹ, mà vì mình, mong được các thần linh phù hộ để làm ăn phát tài, phát lộc…

Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY & LIFE: Đinh Đoàn kể chuyện 44: DÙ CHÁN CHỒNG PHỤ NỮ CŨNG ...

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY & LIFE: Đinh Đoàn kể chuyện 44: DÙ CHÁN CHỒNG PHỤ NỮ CŨNG ...: Tôi không dám khuyên ngăn ai "đừng chán chồng", bởi thực tế có những anh chồng quá chán. Là con người, không lẽ lại dối lòng mình...

Đinh Đoàn kể chuyện 44: DÙ CHÁN CHỒNG PHỤ NỮ CŨNG ĐỪNG LÀM NHỮNG ĐIỀU NÀY

Tôi không dám khuyên ngăn ai "đừng chán chồng", bởi thực tế có những anh chồng quá chán. Là con người, không lẽ lại dối lòng mình, khi chán lại bảo là không. Tuy nhiên, khi chán chồng, chị em đừng làm 3 điều sau.
          Thứ nhất, đừng phàn nàn, ca thán trên mạng xã hội hay ngồi đâu cũng chỉ có mỗi "bài ca chán chồng". Không ai thông cảm với bạn đâu, họ có thể bấm nút like, nhưng trong lòng họ nghĩ "cái loại đàn bà lôi chuyện chán chồng lên đây mà nói thì cũng chẳng ra cái quái gì". Có người lại nghĩ "chắc vợ có làm sao chồng nó mới thế". Những anh đàn ông hay bênh nhau, khi đọc những lời ca cẩm của bạn, họ có thể bình luận rằng: "kêu mồm thế thôi, chứ chán thì bỏ đi, đố dám!". Không những không ai khen, không ai ủng hộ, mà chẳng may cái "anh chồng rất chán" của bạn đọc được, biết được, anh ta sẽ nổi cơn tự ái, nghĩ rằng mình xúc phạm anh ấy, chuyện nhỏ sẽ thành chuyện lớn. Nếu muốn giải tỏa, cứ lập nhóm phụ nữ chán chồng, nhưng để nhóm kín, chị em cùng cảnh chán chồng vào đấy mà chém gió, nói xấu chồng, không ai biết, mình thì được nói cho hả dạ.
          Thứ hai, đừng vì chán chồng mà nhòm ngó chồng người khác. Người ta bảo "ở trong chăn mới biết chăn có rận". Mình thường chỉ nhìn thấy mặt xấu của người nhà mình, nhưng lại nhìn thấy rất rõ những cái hay, cái đẹp của người nhà khác. Cái người đàn ông mà bạn đang ngưỡng mộ là ga lăng, lịch sự, ăn nói có duyên, hào phóng kia có khi cũng bị vợ anh ta "chán đến cổ" vì sự thô lỗ, cục cằn, ki bo, kẹt xỉ. Ngược lại, nhiều khi chồng mình mình muốn "thanh lý" lắm rồi, ấy vậy mà ra ngoài, khối người, kể cả những cô gái trẻ chưa chồng thèm khát, ước ao. Một số chị em dại dột, chán chồng vì tật xấu này, thói xấu kia, rồi ngưỡng mộ người đàn ông khác vì những thứ "thấy đỏ tưởng là chín", cuối cùng nhận ra rằng kẻ được mặt nọ, hỏng mặt kia, chẳng có ai hoàn mĩ, hoàn thiện. Không ít chị em phải kêu trời, đổ cho tại số mình đen đủi vì "bán bò đi tậu ễnh ương".

          Cuối cùng, người khôn ngoan là người biết gạn đục khơi trong, biết nhìn nhận những điểm tốt, điểm tích cực của người chồng để vui, đồng thời cũng ra sức sửa sang, điều chỉnh những thói hư, tật xấu của chồng. Chỉ khi hết sức rồi mà vẫn không thể chấp nhận thì mới chịu buông tay. Mua cái áo về, không may nó hơi chật cổ, hơi bó nách, người khôn biết tự mình hoặc mang ra thợ, nhờ người ta nới chỗ này, bó lại chỗ kia, đến mức nào thấy có thể chấp nhận được thì mặc, không ai dại đến mức vừa mua đã vứt nó đi ngay, hoặc cứ có khách đến chơi là lôi cái áo ra chê...

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY & LIFE: Đinh Đoàn kể chuyện 43: PHỤ NỮ CHÁN CHỒNG Ư? HÃY ...

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY & LIFE: Đinh Đoàn kể chuyện 43: PHỤ NỮ CHÁN CHỒNG Ư? HÃY ...: Công bằng mà nói, có nhiều anh chồng "chán thật". Tuy nhiên, không ít trường hợp, chị em phụ nữ kêu ca chán chồng chỉ vì kỳ vọng ...

Đinh Đoàn kể chuyện 43: PHỤ NỮ CHÁN CHỒNG Ư? HÃY SOI LẠI MÌNH!

Công bằng mà nói, có nhiều anh chồng "chán thật". Tuy nhiên, không ít trường hợp, chị em phụ nữ kêu ca chán chồng chỉ vì kỳ vọng quá mức hay không biết mình là ai.
          Có chị đi đâu cũng kêu chán chồng. Nào là chồng không thông minh, không có chí tiến thủ, bao năm đi làm vẫn chỉ là "nhân viên" hay "chuyên viên" quèn. Nào là sống nhạt, không biết văn thơ, hò vè, không biết vào mạng, chơi facebook, dù mới 50 tuổi. Nào là máu xấu, tóc bạc sớm, lại còn sĩ diện không chịu nhuộm hay uống tam thất, hà thủ ô cho tóc xanh, đi cạnh chồng người ta cứ tưởng hai chú cháu. Có chị chê chồng khô như ngói, không biết nói đùa một câu, đi đâu cũng mang cái mặt trịnh trọng, khó gần, khiến chị phải xấu hổ với bạn bè hay mọi người. Tuy nhiên, cái người vợ chê chồng ấy chẳng phải cành vàng, lá ngọc, chẳng phải bà vương, bà tướng gì. Mặt đã đầy vét chân chim, được to trát bằng một lớp phấn son rẻ tiền, đỏ choe đỏ choét, trông như người sắp hầu đồng. Chê chồng cù lần, không có chí tiến thủ, nhưng chị suýt nữa trở thành người "đứng đường", nếu không nhờ chồng xin cho vào làm một chân phục vụ trong cơ quan nhỏ. Chê chồng không cởi mở, thiếu tự tin, nhưng chị thì vô tư tới mức vô duyên. Gặp ai cũng cười cười, cợt cợt, nói đùa những câu vô duyên, tay lúc nào cũng kè kè cái điện thoại, hở ra là chụp ảnh, rồi hí húi "cho phây ăn". Có lần vào viện thăm người ốm, thấy giường bên có ông cụ bị tai biến, không mặc quần áo, chỉ đắp hờ bằng tấm chăn mỏng, không kín. Chị đã cười hí hí, chỉ vào cái chỗ hở của cụ mà con cụ vừa vạch ra cho cụ đi vệ sinh, rồi giơ máy ảnh chụp "tách" một nhát, đang định "cho phây ăn", chị bị con cụ giật điện thoại, bắt xóa ảnh đi kèm theo câu nói vỗ mặt "chị điên à, có cái gì hay mà chụp, mà đăng? chị có thích xem, tôi vạch ra cho em mà chụp". Anh chồng chị đi cùng tím mặt vì ngượng thay cho vợ...
          Có cô vợ trẻ, mới cưới nửa năm mà đi đâu cũng kêu "chán chồng lắm rồi, biết thế này thì chẳng lấy chồng nữa". Ngày còn yêu nhau, tuần nào anh người yêu, nay là chồng, cũng đến đưa cô đi ăn, đi chơi, đi xem và kèm theo bông hồng đỏ thắm. Vậy mà cưới xong, thói quen đó đã biến mất, chồng cô mua một lọ hoa hồng giả, nở toe nở toét, đặt trên bàn trang điểm trong phòng ngủ. Thế là cô chán. Trước ngày cưới, đi chơi cả tối với nhau, vậy mà cả hai còn thức nửa đêm để nhắn tin với những lời lẽ thấm đẫm yêu thương. Cô nói mệt, anh lo sốt vó, đòi đến ngay để xoa bóp cho cô. Cô kêu đói, anh bảo hay anh mua bánh bao, bánh khúc, chè thập cẩm mang đến, rồi gọi cửa, cô xuống nhà lấy lên mà ăn. Vậy mà nay, cưới nhau về, cô trở thành người phải "hầu hạ lão ấy". Cô kêu đói, chồng giả vờ không nghe thấy. Cô nói mệt, anh bảo ngủ đi một giấc, sáng mai dậy là khỏe. Những lời có cánh bay đi đâu hết, thay vào đó là những câu nói nhấm nhẳng. Ngay cả khi vợ chồng gần gũi, một nụ hôn cũng chẳng còn, anh chồng hì hục làm xong việc rồi lăn quay ra ngủ, khiến cô nằm thao thức, nước mắt trào ra, nhớ lại những tháng ngày ngọt ngào khi chưa thành vợ, thành chồng.
          Người viết bài này đã có dịp hỏi vài chục chị em phụ nữ về cảm tưởng sau kết hôn, gần như 100% mọi người đều nói chán, thất vọng, vì nó không còn được như trước nữa. Tuy nhiên, chị em phụ nữ không chịu học, không chịu đọc, nên mới khư khư giữ cái suy nghĩ "mình vẫn là nữ hoàng", mà không nhận ra tư thế, vị trí của mình đã khác, đã là vợ, đã ở chung một nhà, đã chẳng còn gì phải tìm hiểu, khám phá. các nhà tâm lý học khẳng định tâm lý của những đôi trước và sau hôn nhân khác nhau một trời, một vực, nhưng đấy lại là "quy luật của muôn đời", tất cả chúng ta phải chấp nhận. Còn nếu ai không chấp nhận sự thay đổi, vẫn mong muốn tình cảm của anh ấy dành cho mình như trước, thậm chí phải lãng mạn hơn, nồng nàn hơn, thì hãy hát bài hát "hãy mãi là tình nhân", đừng bắt anh ấy cưới nữa nhé!
          Một số chị em phụ nữ "chê biết chê thôi, chẳng làm gì". Muốn ăn củ khoai nướng, cũng còn phải hí húi vào bếp mà nướng. Muốn có cái nhà sạch, phải tự mình dọn dẹp. Ngồi kêu ca, phàn nàn, kêu chán mà không làm bất cứ một điều gì để cải thiện thì tình hình sẽ chẳng đổi thay gì, thậm chí còn trở nên chán hơn. Có những người phụ nữ chê chồng, chán chồng vì lý do mà trước đây, khi mới yêu, chị ấy đã chết mê chết mệt vì nó. Ngày còn yêu, sao mà thích cái tính hào phóng, mạnh bạo, dám ăn, dám tiêu đến đồng tiền cuối cùng trong túi của anh ấy, thế mà lấy nhau rồi, lại chê anh ấy hoang phí, vung tay quá trán, ăn tiêu vô độ. Có chị, khi còn yêu, đã ngất ngây theo anh ấy đi quán nhậu, uống rượu cả đêm với đám bạn "nghệ sĩ" của anh ấy, lim dim tận hưởng sung sướng khi nghe anh ấy say rượu, vừa đánh đàn, vừa nghêu ngao hát. Nhưng lấy nhau rồi, kêu ca khổ sở về tính vui đâu chầu đấy, tính đàn đúm , sĩ diện của người chồng "nghệ sĩ nửa mùa" của chồng. Thật ra các anh ấy vẫn vậy, người thay đổi chính là cách nhìn nhận, đánh giá của chị em...
          Đã có những câu nói vui, hóm hỉnh, hài hước về mối quan hệ vợ chồng như: "đằng sau người đàn ông thất bại là người phụ nữ ăn hại", "đằng sau người đàn ông bê tha là người phụ nữ lê la".

Hãy nhận lấy một phần trách nhiệm trong sự xuống cấp, bê tha, bất tài của người chồng, để rồi cùng nhau nghĩ cách cải thiện, chứ không phải chỉ biết kêu ca chán chồng.

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY & LIFE: Đinh Đoàn kể chuyện 42: CHÁN CHỒNG VÌ NHỮNG LÝ DO ...

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY & LIFE: Đinh Đoàn kể chuyện 42: CHÁN CHỒNG VÌ NHỮNG LÝ DO ...: Khi người chồng ích kỷ, gia trưởng, ngoại tình, ngược đãi vợ con, lười làm, ham chơi, vướng vào tệ nạn xã hội, thì những người vợ muốn &quo...

Đinh Đoàn kể chuyện 42: CHÁN CHỒNG VÌ NHỮNG LÝ DO NHƯ ĐÙA

Khi người chồng ích kỷ, gia trưởng, ngoại tình, ngược đãi vợ con, lười làm, ham chơi, vướng vào tệ nạn xã hội, thì những người vợ muốn "vứt đi cho rảnh nợ" là điều dễ hiểu và nhiều người nói, người viết rồi. Tuy nhiên, cuộc sống muôn màu, còn có cả nghìn lý do để phụ nữ chán chồng.
CHÁN CHỒNG – NHỮNG LÝ DO THẬT NHƯ ĐÙA
          Chị Nguyễn Thị Huyền Nga, chuyên viên tư vấn tâm lý cho biết, mới nghe, ai cũng nghĩ mấy chị vợ có bồ, bịa chuyện kiếm cớ để chán chồng. Nhưng khi được ngồi trực tiếp tâm sự với những khách hàng nữ hàng giờ, để hiểu hơn về chân dung những anh chồng mà họ đang chung sống, chúng tôi mới thấm thía câu noi: "có ở trong chăn mới biết chăn có rận".
          Một phụ nữ kết hôn hơn chục năm, có hai con rồi, nhưng đã cảm thấy phát ngán người chồng "quá lịch sự". Chị kể, chồng chị chưa bao giờ to tiếng với vợ con nửa lời, chị nói điều gì anh cũng nghe, kể cả nói sai. Có khách của anh đứng ở cửa rồi mà anh còn chưa mở cửa, còn quay vào nhà xin phép vợ để được mời bạn vào nhà, khiến chị đỏ mặt với khách vì họ nghĩ chị ghê gớm lắm. Khách về, chị nhắc thì anh bảo: "Anh nhớ câu kính vợ đắc thọ, cứ hỏi ý kiến em một câu cho lịch sự, có sao đâu". Chỉ năm đầu, khi chưa có con, vợ chồng còn ngủ với nhau. Nhưng từ khi chị sinh đứa con đầu lòng, anh ngủ riêng, với lý do "vì con". Con ba tuổi, anh vẫn duy trì nếp sinh hoạt ấy. Mỗi khi có ý định "yêu vợ", anh xin phép chị từ chiều, lần nào cũng vẫn mấy câu: "Nếu em không mệt, anh xin phép tối nay sang nằm với em một lúc, xong việc anh về phòng anh luôn". Chị điên tiết với cách "xin phép ngủ với vợ" của anh, không thèm nói, thì anh lại sợ, tối đó không dám sang. Thật ra, là phụ nữ, không quá ham hố chuyện tình dục, nhưng là vợ chồng thì "làm chuyện đó với nhau" là bình thường, là nhu cầu của cả hai. Thế là những lần sau, khi anh xin phép chị phải nói "vâng". Đã vậy, trong khi vợ chồng mặn nồng, chị đang cố gắng tập trung tư tưởng để hưởng thụ những phút giây ngọt ngào nhưng hiếm hoi của tình vợ chồng, anh còn xin phép chị vài lần nữa. Nào là "anh xin phép làm thế này...", "em có ngại không nếu anh làm thế kia". Chị bảo thật là khó chịu với cái kiểu "lịch sự" như vậy. Có hôm, chị muốn anh ngủ lại, chỉ là ôm chị cho chị cảm thấy ấm áp tình chồng vợ, nhưng anh nguây nguẩy nói: "Thôi, xong rồi, anh xin phép về bên phòng nghỉ, mai đi làm". Có hôm chị ứa nước mắt, quát chồng: "thôi, anh đi đi, không phải xin phép nữa". Khi chuyên viên tư vấn hỏi hay tại vì anh ấy không yêu vợ, chỉ duy trì quan hệ kiểu "túc tắc" như người trả bài cho qua chuyện, chị khẳng định không phải vậy, chị hiểu chồng chị rất yêu chị, nhưng vẫn yêu cái kiểu "dở hơi" ấy. Chị còn nói, nhiều lúc thèm có người vào ôm chầm lấy mình, ngấu nghiến yêu mình đến nghẹt thở mà không cần hỏi, hay nói câu gì...
          Rất nhiều phụ nữ ca cẩm về tính ở dơ, ở bẩn của chồng, thì chị Hoàng Nguyên lại chết khiếp vì cái tính sạch sẽ đến mức bệnh hoạn của chồng. Tám năm làm vợ, chị chưa phải giặt đồ cho chồng vì anh không tin tưởng ai. Anh ấy thích giặt đồ của anh ấy thì mặc, không sao cả. Nhưng cái tính kỹ lưỡng của anh ấy không khác của một bà già trái nết. Đi làm về, anh lấy tay sờ khắp mặt bàn kính, cánh cửa sổ, mặt bàn ghế sa lông. Thấy có chút bụi mờ là anh vội vàng lấy xô, lấy nước, lấy khăn hì hục lau chùi. Anh làm những việc ấy với niềm say mê vô bờ bến, nhưng không cằn nhằn, chẳng mắng chửi ai. Tuy nhiên, điều khó chịu là cả nhà ăn cơm cùng, riêng anh lấy cái bát của mình đi rửa lại và tráng nước sôi. Con đến gần, anh ấy đẩy ra, bảo phải vào rửa tay chân sạch sẽ, thơm tho mới cho lại gần. Anh không bao giờ ăn cơm, ăn đồ ăn ở ngoài đường, bởi anh nghĩ ra đủ các loại vi trùng, vi khuẩn, mặc dù anh không phải là bác sĩ. Sợ bị nhiễm mùi khó chịu, nên mỗi khi đi vệ sinh, anh trút hết quần áo để ở phòng ngủ, mặc mỗi cái quần nhỏ đi vào. Xong việc, anh dội ào ào, xịt nước ầm ầm, bật quạt tung tóe cho bay mùi, rồi cũng thay luôn cái quần nhỏ ấy mới ra. Chị nhắc nhở anh sống thoang thoáng một chút thì bị anh cho một bài giảng rằng: "Sức khỏe của con người là vốn quý, mình phải tự lo cho mình chứ đừng trông chờ ai. Bệnh tật là do không biết giữ gìn sạch sẽ trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày". Anh còn trích dẫn lời người xưa dạy rằng: "bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra", nên ăn uống, nói năng phải giữ gìn. Cơ quan liên hoan, bao giờ anh cũng giả vờ đau bụng, không ăn được, rồi xin phép về sớm. Ngay cả đến chuyện vợ chồng gần gũi, anh cũng chưa bao giờ đụng tay đến người chị. Có hôm chị cảm thấy nhục nhã khi anh bắt chị vào tắm lại vì cảm thấy có mùi mồ hôi chua chua, hay đầu khét vì có mùi khói bún chả. Chị nhận xét anh không xấu, không tệ bạc, nhưng kiểu sống của anh khiến chị ức chế, nhiều lúc phát điên, muốn phá tung, vỡ toang cho hả.
          Không ai ca ngợi cái sự bất hiếu, ăn nói thiếu lễ độ với cha mẹ, người thân, nhưng chị Hương Trà thì bảo chồng chị mắc bệnh "ngoan quá hóa nhu nhược". Gần 40 tuổi rồi mà anh chưa quyết định được điều gì, cái gì cũng "xem mẹ bảo thế nào đã". Bố mẹ chồng, vợ chồng anh chị với hai đứa con và cô em chồng là "mẹ đơn thân" ở chung căn hộ tập thể cũ, xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đùng một cái cô em đòi bán nhà để chia ra, mỗi người thêm một ít, mua chỗ khác ở rộng rãi hơn, độc lập hơn. Bố mẹ chồng đồng ý, tất nhiên chồng chị chẳng dám có ý kiến nào khác. Bán nhà, bố mẹ chia ba phần, cô em gái một phần, còn hai phần ông bà và vợ chồng anh chị lại ở chung trong một căn hộ mua ở chỗ khác. Cô em cầm phần tiền của mình, đi thuê nhà để ở chứ không mua. Ở nhà thuê được 5 tháng, một hôm cô ấy dọn về ở cùng ông bà và vợ chồng anh chị, với lý do thuê nhà "tốn tiền ra phết". Khi chị đi vắng, chắc ông bà bàn với anh, cho cô em gái vào ở căn phòng của anh chị vẫn nằm, còn chiếc giường của anh chị được lôi sang phòng khác, kê sát giường ông bà. Chị bảo: "Hãy tưởng tượng, căn phòng bé tí tẹo, hai chiếc giường đôi sáng hàng, buổi tối hai đôi vợ chồng nằm nhìn nhau à? Chỉ thương hai đứa con, mỗi đứa một tấm đệm, tối mới trải ra nền nhà, ngủ ngay dưới chân ông bà và bố mẹ". Chuyện nhà chật, khó khăn thì đành chấp nhận, nhưng chị nói rằng không phải vợ chồng anh chị không có tiền. Anh chị có tiền, nhưng chồng chị bảo sổ tiết kiệm gửi mẹ chồng cầm, mà mẹ anh thì không cho rút ra để mua nhà          . Mẹ chồng chị luôn luôn nói rằng: "Ăn hết lắm chứ ở hết bao nhiêu. Cứ ở chung với bố mẹ, sau này bố mẹ già, chết đi thì chúng mày tha hồ rộng rãi". Chị ngán ngẩm nói rằng, không lẽ lại mong ông mà mất sớm để rộng nhà, mà sống thế này cơ cực quá, đợi các cụ già thì mình cũng sắp hết đời. Chị kết luận, tất cả là do cái tính ngoan ngoãn quá tới mức nhu nhược của chồng chị, chị ao ước có người đàn ông dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, chứ chồng như thế này "có cũng như không"!

          Hiền lành quá, thật thà quá, cả tin quá, ngờ nghệch quá, nói khoác, nói nổ nhiều quá, chiều chuộng con quá, khỏe quá, yếu quá... cũng là những lý do khiến nhiều người phụ nữ muốn "thanh lý" chồng mình, nhưng không phải lúc nào cũng muốn là được. Hóa ra ở đời, được là người bình thường cũng rất hạnh phúc, mọi thứ "quá mức" đều là bất hạnh.


Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY & LIFE: Đinh Đoàn kể chuyện 41: ỨNG XỬ KHI CON BỖNG DƯNG ....

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY & LIFE: Đinh Đoàn kể chuyện 41: ỨNG XỬ KHI CON BỖNG DƯNG ....: LÀM GÌ KHI THẤY CON MẤT TÍCH           Là cha mẹ, chắc khó ai giữ được bình tĩnh khi con mình “bỗng dưng mất tích”. Tuy nhiên, hãy nhớ, m...

Đinh Đoàn kể chuyện 41: ỨNG XỬ KHI CON BỖNG DƯNG ... MẤT TÍCH

LÀM GÌ KHI THẤY CON MẤT TÍCH
          Là cha mẹ, chắc khó ai giữ được bình tĩnh khi con mình “bỗng dưng mất tích”. Tuy nhiên, hãy nhớ, mất tích chưa hẳn đã là bị bắt cóc. Hãy bàn bạc, nghiên cứu, tìm hiểu để xác định nguyên nhân chính xác hơn. Có phải con bạn bị mắng, bị phạt mà bỏ nhà ra đi? Có phải nó đòi hỏi điều gì đó mà không được đáp ứng, nên chủ động bỏ đi để dọa cha mẹ? Cháu có về quê nội, quê ngoại, đến nhà bạn chơi không? Hãy liên lạc bằng mọi phương tiện để kiểm tra thông tin này. Tìm xem cháu có để lại gì trên facebook cá nhân, có nhắn gì trong thư để lại trên bàn học, có nhắn gì cho thằng anh, con em không? Xác minh xem lúc cuối cùng, gần nhất bạn còn biết con ở đâu, làm gì, với ai? Nếu ở thành phố, kiểm tra xem có vụ tai nạn giao thông nào, hỏi một số phòng cấp cứu của bệnh viện lớn không? Ở nông thôn, miền núi, xác định xem con mình có đi bơi, đi tắm sông, suối, hồ bơi không…
          Khi đã loại trừ được những tình huống mất tích kể trên, tạm kết luận con bị bắt cóc. Tuy nhiên, đừng vội làm ầm ĩ lên, đăng tin tìm con búa xua trên mạng, chia sẻ nhiều thông tin, kẻ bàn ra, người tán vào, kẻ gian sẽ lung túng, sẽ sợ bị să đuổi, sẽ làm hại con mình. Nếu có thể được, chỉ nên báo cho các cơ quan công an. Họ có nghiệp vụ, họ bình tĩnh, họ sẽ vạch ra hướng điều tra. Kẻ bắt cóc, tống tiền, sớm muộn cũng sẽ liên hệ với bạn để đặt giá cả, phương thức trao tiền. Bọn bắt cóc thường im lặng, nghe ngóng một thời gian, thấy “tạm ổn” mới tiến hành tiếp các công việc sau.
          Phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, đừng sợ kẻ gian nhắn tin dọa nạt rằng sẽ thủ tiêu con nếu cha mẹ báo công an. Kẻ gian nhận tiền xong, con bạn chưa chắc đã an toàn, chúng sợ con bạn được thả ra, sẽ cung cấp thông tin về chúng, nên làm hại con. Có trường hợp con bị sát hại rồi mà chúng vẫn vòi tiền chuộc. Nếu chúng cho bạn nói chuyện với con, cứ nhắc con bình tĩnh, bố mẹ sẽ cứu con.
          Đừng ngại khai báo những nghi ngờ của mình với công an. Đôi khi sự linh cảm của bạn khá chính xác. Bạn có quyền nghi đối tượng này, đối tượng khác hại con bạn và cứ nói cho bộ phận điều tra biết, họ có kế hoạch theo dõi, điều tra giúp bạn. Đừng ngại nghi cho người thân, quen, người nhà, khi bạn là người trong cuộc, bạn hiểu mối quan hệ của gia đình bạn với đối tượng tình nghi. Có trường hợp, cô em dâu ghen ghét gia đình anh trai, chị dâu vì họ giàu có hơn mình, hạnh phúc hơn mình, nên muốn hại bạn, khiến bạn phải đau khổ để họ “hả dạ”. Có trường hợp đối thủ làm ăn, có mâu thuẫn, tranh giành khách của nhau, cũng làm hại nhau bằng cách bắt cóc con bạn, chứ không hẳn là họ cần tiền.
          Trong khi phối hợp chặt chẽ với lực lượng công tan truy tìm thủ phạm, bạn đừng quên nhắn gửi con mình, rằng mọi lỗi lầm của con sẽ được bố mẹ hiểu, thông cảm, biỏ qua. Hãy liên lạc với những người con bạn thân nhất, như cậu bạn học cùng, cô bé ngwòi yêu, để có thể tìm ra manh mối con bạn đang ở đâu. Nếu bạn phát hiện con mình trốn, rồi giả vờ bị bắt cóc, gọi điện cho bạn kêu cứu, yêu cầu bố mẹ phải nộp số tiền nào đó thì con bạn mới an toàn, nhưng qua giọng nói của con, bạn nhận ra con không phải trong trường hợp nguy hiểm, chỉ nhắc đến chuyện “chuyển tiền”, bạn cũng đừng “vạch trần bộ mặt thật” của con, cứ lặng lẽ báo cá công an và thực hiện những gì được yêu cầu. Bạn có quyền nói cho các anh công an biết linh cảm, nghi ngờ của bạn…
          Không ai muốn rơi vào tình cảnh có con bị bắt cóc, tống tiền, sát hại, nhưng trước hoàn cảnh như hiện nay, các bậc làm cha, làm mẹ hãy cố gắng hết sức mình bảo vệ con cái và bình tĩnh, khôn ngoan để truy tìm thủ phạm.

Đinh Đoàn   

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY & LIFE: Đinh Đoàn kể chuyện 40: BẢO VỆ CON TRƯỚC NẠN BẮT C...

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY & LIFE: Đinh Đoàn kể chuyện 40: BẢO VỆ CON TRƯỚC NẠN BẮT C...: TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP BẢO VỆ CON           Trong thời gian tới, tội phạm bắt cóc trẻ em có thể sẽ còn diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của tội...

Đinh Đoàn kể chuyện 40: BẢO VỆ CON TRƯỚC NẠN BẮT CÓC

TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP BẢO VỆ CON
          Trong thời gian tới, tội phạm bắt cóc trẻ em có thể sẽ còn diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của tội phạm cũng ngày càng tinh vi, manh động, táo tợn. Trong khi đợi các cơ quan chức năng có những biện pháp ngăn ngừa, đẩy lùi tội phạm này, các bậc làm cha, làm mẹ cần học cách bảo vệ con.
* Tăng cường theo dõi, giám sát con.
          Dù bận rộn đến đâu, cha mẹ cũng không để con chơi lang thang một mình hoặc không có người theo dõi. Khi đưa con đi đến các khu vui chơi, các trung tâm mua sắm, công viên, nhà văn hóa, hãy đừng buông tay con ra, nhất là với những trẻ còn nhỏ, 2 – 3 tuổi. Dù là có người ở nhà, cũng nên khóa cửa, cổng cẩn thận, không để con đứng chơi ngoài sân, ngoài hiên hay ở cổng. Khi đưa con đi khám bệnh, đợi xe, đợi tàu ở nhà ga, bến bãi, không gửi con cho người lạ trông. Trong trường hợp bất khả kháng, cha mẹ phải rời đi như đi vệ sinh, bưng bê hàng hóa, đồ dùng, thì hãy gửi con cho các nhân viên đang làm việc ở nhà ga. Họ là những người thường mặc đồng phục, có thẻ đeo hay biển tên đeo trước ngực. Đừng quên nhìn biển tên để biết người mình gửi con tên gì, là đối tượng cán bộ nào. Khi có người lạ mặt, nhưng đến gần làm quen, quan tâm, hỏi han, nhất là khen ngợi đứa bé xinh đẹp, kháu khỉnh, rồi chìa tay đòi bế bé, hãy nâng cao tinh thần cảnh giác. Đã có những vụ kẻ gian cướp con trên tay người mẹ.
* Đừng tiết lộ thông tin về con trên mạng.
          Kẻ gian thường theo dõi cháu bé trong một thời gian dài, lợi dụng thời cơ mới rat ay. Những em bé con gia đình khá giả, được gia đình chiều chuộng, “quý như vàng” cũng dễ rơi vào tầm ngắm của bọn bắt cóc tống tiền. Vì vậy, đừng đăng ảnh khoe mình có nhà to, có biệt thự chục tỉ, trăm tỉ, với những ô tô sang, tiện nghi đắt tiền. Đừng cập nhật thông tin về cháu bé hay cung cấp thông tin đi lại, ăn ở, lịch trình hoạt động của gia đình lên mạng xã hội như facebook, twitter. Đã có kẻ gian biết rằng thời điểm này ở nhà chỉ có cháu bé và bà giúp việc, nên đã tới gõ cửa, nói là ông bà chủ nhà gọi điện nhờ đến xem hộ đường nước, đường truyền internet, bình ga. Khi thấy người lạ nói đúng tên ông bà chủ, người giúp việc thật thà đã mở cửa cho kẻ gian vào, trong lúc người giúp việc mải đi lấy cái nọ, tìm cái kia theo yêu cầu của kẻ gian, cháu bé không được trông coi, kẻ gian đã bế cháu bé và thoát khỏi nhà.
* Dạy con kỹ năng tự bảo vệ
          Khi trẻ đã lớn, 4 – 5 tuổi trở lên, việc theo dõi, giám sát, đi cùng con ngày càng hạn chế, cha mẹ cần dạy con cách tự bảo vệ bản thân.
          Hãy dặn dò các cháu không mở cửa cho người lạ vào nhà, không nhận quà người lạ cho, tặng, không lên xe của người lạ, dù người đó có nói bố mẹ nhờ đón giúp vì họ đang bận làm. Hãy thống nhất với con rằng “chỉ có bố mẹ đón con, nếu có nhờ ai, bố mẹ sẽ nói trước”. Bố mẹ dạy con, khi có người lạ đến gần làm quen, hãy lặng lẽ bỏ đi, đến chỗ có người quen hay chỗ đông người khác. Đang đi trên đường, phát hiện có ai đó đang theo mình, hãy chạy vào một cửa hàng, cửa hiệu naò đó trên phố để trốn và nói cho nhân viên làm việc trong cửa hàng biết mình muốn tránh “kẻ gian” và yêu cầu được trợ giú như gọi điện cho bố mẹ đến đón.
          Bố mẹ cũng dạy con, nếu bị kẻ gian bắt, bế, ép lên xe máy, ô tô, đừng đánh trả kẻ gian, bởi sức mình không đánh lại chúng. Hãy biết kêu cứu khi đi ngang qua chỗ đông người. Chẳng hạn, đang ngồi trên xe ô tô, xe máy, đi đến chỗ có nhiều người, hãy hô hét thật lớn “cướp, cứu cháu với”. Trong những trường hợp kẻ gian sơ hở, các em đã lớn có thể thoát hiểm bằng cách tấn công kẻ gian vào ba vị trí “huyệt đạo” như dùng ngón tay chọc vào mắt, yết hầu và dùng tay, chân đấm, đạp mạnh vào “chỗ kín” của kẻ gian. Bị chọc mắt, chọc vào hầu hay đấm mạnh vào chỗ hiểm, kẻ gian sẽ bị đau đớn, đấy là thời cơ các em có thể chạy thoát thân.
* Thực hành với những tình huống giả định
          Dạy con mà chỉ giảng giải bằng lời nói, thì một là “lời nói gió bay”, hoặc là trẻ em vâng vâng, dạ dạ, nhưng khi có tình huống thực sự xảy ra, các em lại lung túng, không biết xử lý thế nào. Cho nên, cha mẹ hãy đưa ra những tình huống giả định, để trẻ được thực hành “đánh trận giả”. Hãy tập dượt cùng con những tình huống như bố mẹ đi vắng, có người bấm chuông cửa, gọi đúng tên mình, nói rằng hãy mở cửa để họ vào gửi cho bố mẹ gói quà, con nên làm gì. Tình huống bị bắt, đưa đến một nơi rất lạ, bị kẻ gian dọa rằng: “mày chạy hay kêu la, tao sẽ giết mày. Tốt nhất, hãy ngoan ngoãn nghe theo chúng tao, mày sẽ được sống về với bố mẹ”, con nên xử sự như thế nào. Đừng dạy những tình huống lên tục, dồn dập, trẻ sẽ quá lo lắng, sợ sệt, hoặc quá tải, nhưng dạy con mỗi ngày một tình huống là tốt nhất.
* Xóa bỏ định kiến về thủ phạm bắt cóc trẻ em.

          Đừng chỉ nghĩ rằng “mẹ mìn” là những người phụ nữ trông vẻ ngoài quê mùa, thô kệch, ăn mặc rách rưới, mắt nhìn ngó nghiêng. Kẻ gian thường nghi binh bằng vẻ ngoài tử tế, nhân hậu, vui tính, cởi mở, thân thiện, tốt bụng. Không ít kẻ bắt cóc trẻ em tống tiền là những người trẻ tuổi, đẹp trai, xinh gái, đeo kính trắng, xách cặp cán bộ. Đặc biệt, thủ phạm bắt cóc con bạn không hẳn chỉ là kẻ lạ mặt. Nhiều vụ chú bắt cóc cháu, chị gái bắt cóc em họ, cha dượng bắt cóc con riêng của vợ, đồng nghiệp hay người làm bắt cóc con của chủ nhà…
(Xem tiếp phần 4: Ứng xử khi con mất tích)

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY & LIFE: Đinh Đoàn kể chuyện 39 : BẮT CÓC TRẺ EM? ĐỪNG NGHE...

ĐINH ĐOÀN - PSYCHOLOGY & LIFE: Đinh Đoàn kể chuyện 39 : BẮT CÓC TRẺ EM? ĐỪNG NGHE...: CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG “TIN VỊT”           Mặc dù tội phạm bắt cóc trẻ em là có thật, song hiện nay trên mạng xã hội cũng như ngoài xã hội, ...

Đinh Đoàn kể chuyện 39 : BẮT CÓC TRẺ EM? ĐỪNG NGHE TIN VỊT...

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG “TIN VỊT”
          Mặc dù tội phạm bắt cóc trẻ em là có thật, song hiện nay trên mạng xã hội cũng như ngoài xã hội, tâm lý hoang mang, lo sợ thái quá, cảnh giác cao độ đang lan truyền quá mức cần thiết. Lợi dụng tâm lý “con cái là tài sản vô giá của cha mẹ”, những kẻ vô công, rỗi nghề, hoặc những người thích đưa tin giật gân, câu like, câu view đã đăng những tin không có thật, tạo ra tâm lý bất an trong xã hội và kéo theo những hậu quả xấu trong cộng đồng.
          Một kẻ xấu đã tung tin công an Cao Bằng đã bắt được 6 tên tội phạm bắt cóc trẻ em. Để tăng phần “hot” của tin này, chúng còn mô tả các em bị bắt cóc, đưa vào rừng, mổ bụng lấy nội tạng. Chúng gom góp, nhặt nhạnh những hình ảnh máu me ghê rợn để mô tả những hành vi tội ác này, khiến cho ai cũng lo lắng, sợ sệt. Dư luận hoang mang, khiến công an xã Quang Trung, huyện Hòa An, Cao Bằng đã phải có công văn báo cáo các cơ quan chức năng và thông báo với cộng đồng mạng rằng không có chuyện này.
          Do tâm lý hoang mang, lo sợ trong người dân trước tội phạm bắt cóc trẻ em, nên mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác cao độ, tới mức ra đường thấy ai đi lại lơ ngơ, mắt nhìn nghiêng ngó hay đến gần các em bé là bị nghi là tội phạm. Vừa mấy hôm trước, hai phụ nữ nghèo đi bán tăm đã bị một số người nghi là “mẹ mìn bắt cóc trẻ em” khi các chị đi từng nhà gõ cửa, mời mua tăm. Rồi các trị bị đám đông đằng đằng sát khí túm vào đánh hội đồng, dẫn tới thương tích nặng. Không ai dám tin rằng các chị có thể thoát nạn, nếu các chị không chạy vào nhà người dân bên đường kêu cứu. Tâm lý đám đông có sức mạnh phá hủy thật kinh khủng. Một người rất hiền lành, nhưng trong hoàn cảnh bị đám đông hò la, người đó cũng có thể trở thành kẻ hung hãn, đánh hôi kẻ bị tình nghi. Chúng ta đã nghe nhiều vụ cả làng kéo ra vây bắt, đánh chết và đốt tài sản của kẻ trộm chó (cẩu tặc) và cả những người bị nghi là cẩu tặc.

          Mấy em bé chung tiền, gọi taxi đi chơi, bị người nhà phát hiện, nghi lái xe là kẻ dụ dỗ, bắt cóc trẻ em đem đi bán, đã hô hào người dân “túm cổ” người lái xe bị nghi là tội phạm kia, khiến anh ta suýt chết oan. Những người làm nghề ve chai, đồng nát, bán hàng rong hiện nay cũng bị theo dõi, khi họ len lỏi khắp các thôn xóm, bản làng, hang cùng, ngõ hẻm để mưu sinh. Chỉ cần một em bé nghịch ngợm hay một kẻ xấu bụng hô một câu “bắt cóc trẻ em bà con ơi”, sức khỏe, tính mạng của những người nghèo khó kể trên khó lòng bảo đảm an toàn. Dù sau đó các cơ quan chức năng có điều tra, có minh oan cho họ, người đánh họ có xin lỗi vì “quá cảnh giác”, họ cũng đã bị bầm dập, trở thành nạn nhân của tâm lý hoang mang, bất an hiện nay. Những vụ đánh hội đồng rất khó điều tra và xử lý đúng mức.
(Còn tiếp phần 3: Tăng cường biện pháp bảo ệ con)