Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

TÂM SỰ ĐỜI NGƯỜI: NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI

Cha mẹ nuôi con bằng trời, bằng bể             
                             Con nuôi cha mẹ, con kể tháng ngày!
(Ca dao Việt Nam)
                            
Khi còn nhỏ ta sống nương nhờ vào cha mẹ. Suốt cả tuổi thanh xuân và tuổi trung niên, ta làm lụng vất vả lại chỉ để cho con cái, đôi lúc nhãng quên cha mẹ già. Nước mắt chảy xuôi là quy luật muôn đời. Sinh con, nuôi con là lẽ sống, là niềm vui của kiếp người, chứ không hẳn trông chờ con báo đáp công ơn. Ai trông chờ báo đáp là thất vọng…
Cha mẹ yêu con vô hạn, con yêu cha mẹ có chừng. Mẹ gánh đôi quang, hai bên là hai đứa con để đi tản cư, chạy loạn. Người cha thức trắng đêm trong bệnh viện để theo dõi nhiệt độ của con, chỉ sợ nó lên cao quá lại thành "sốt cao co giật" thì khổ. Nhưng người con mới phục vụ mẹ già nằm viện năm ngày đã thấy bở hơi tai, ngồi đâu cũng kêu ca là mệt. Đến ngày thứ sáu, người con đã rước về một cô trong đội quân "chăm sóc người bệnh" đứng ngồi la liệt ở cửa bệnh viện nhờ cô chăm sóc cha mẹ. Buổi trưa người con "đảo qua" bệnh viện, mang cho mẹ bát cháo, cho cô giúp việc hộp cơm, hỏi qua loa vài câu rồi đi. Buổi tối, nếu có vào viện thì cũng là bảo cô giúp việc trông coi cha hoặc mẹ mình, còn bản thân người con tìm một chỗ nào đó để ngủ, với lý do "mai còn đi làm".
         
          Ngày còn bé, mỗi khi cần tiêu việc gì, con cái cứ về hỏi bố mẹ là bố mẹ lo cho hết. Bố mẹ có thể ăn khoai, ăn mì, nhưng còn vẫn được ăn cơm gạo quê. Mẹ có thể mặc áo vá vai hay bố mặc quần của cậu con trai thải ra mà không phàn nàn một lời, nhưng không thể chịu được nếu con mình "thua chị kém em". Chẳng ai ghi sổ, tính toán xem từ nhỏ đến lớn đã chi tiêu cho đứa con là bao nhiêu. Vậy mà tiền của con cái ít khi là tiền của cha mẹ. Không ít ông già, bà già, khi con cái đi xa về gần, biếu cho vài trăm đã cảm động rưng rưng, không dám lặng im mà cầm tiền, vẫn phải cất lên ba tiếng "bố xin con" hay "mẹ xin con" một cách thành khẩn. Có những ông bố được con cái cho tiền mà không dám tiêu pha, bảo đó là mồ hôi nước mắt của chúng, đành gói ghém cất đi, đợi khi nào "hữu sự" thì có một món, thêm vào với con, kẻo chúng phải chi quá nhiều. Những người con đã cảm thấy yên tâm về trách nhiệm báo đáp của mình khi mỗi tháng biếu bố mẹ già một khoản tiền nào đó. Khá nhiều bố mẹ già gặp khó khăn, biết con mình khá giả, nhưng cũng không dám "ngửa tay" xin con tiền, nếu chúng không tự giác biếu, bởi họ biết rằng tiền của cha mẹ là tiền của con, nhưng tiền của con cái không phải là tiền của cha mẹ.
         
          Có nhiều cha mẹ già vẫn kiên quyết ở lại ngôi nhà cũ kỹ xưa kia, kiên quyết không chịu đến ở cùng con cái, dù chúng đã có nhà cao cửa rộng. Có người mẹ, dù sống một mình ở quê nhà, vẫn không rời bỏ làng quê để lên thành phố cùng con cái. Chẳng phải họ không thương con, nhớ cháu, mà đơn giản là họ thấu hiểu chân lý "nhà của cha mẹ là nhà của con, nhưng nhà của con không phải là nhà của cha mẹ".
         
          Tiền bạc rồi sẽ là của con cái, địa vị chỉ là tạm thời, vẻ vang rồi sẽ là quá khứ, sức khoẻ mới chính là của mình. Cha mẹ yêu con là vô hạn, con yêu cha mẹ là có chừng. Con ốm cha mẹ buồn lo, cha mẹ ốm con đến thăm, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ. Nhà của cha mẹ mãi mãi là nhà con, nhưng nhà của con cái không phải nhà cha mẹ. Khác nhau một trời một vực là thế. Hãy  coi việc lo liệu cho con cái là nghĩa vụ, là cái "nợ đồng lần", là niềm vui, chứ  không mong báo đáp. Ai chăm lo cho con, hy vọng mai sau chúng báo đáp là tự làm khổ mình.

          Qúa nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu, nên dành cho mình, quan tâm bản thân sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm, thích làm thì làm, ai nói sao mặc kệ, vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích. Nên sống thật với mình. Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già. Tuổi không già mà tâm già, thế là không già mà già.
          Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng, không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu chấm hết thật tròn.
Đinh Đoàn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét