Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 53: YÊU CON VÀ DẠY CON

Sinh con, nuôi con, dạy dỗ và giáo dục con cái là nghĩa vụ, trách nhiệm, đồng thời cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của cha mẹ. Tuy nhiên, công việc này không hề đơn giản. Giáo dục con cái sống tương thiện, tử tế, có phẩm giá, có đạo đức vừa là một môn khoa học, vừa là một "loại hình nghệ thuật". Xin giới thiệu với các bạn 10 bài học cha mẹ cần ghi nhớ, thực hiện để làm tốt vai trò "phụ huynh" của mình:
1. Hãy làm gương: 
Con cái chúng ta hàng ngày học hỏi được nhiều điều bằng việc quan sát cách chúng ta đối xử với chúng, đối xử với nhau và với những người khác. Chúng cũng lắng nghe các câu chuyện chúng ta nói với nhau, những việc chúng ta làm hàng ngày, trong mọi hoàn cảnh. Nếu bạn muốn con bạn là người trung thực, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, hiếu thảo, bản thân các bạn, những người làm cha mẹ phải là những người ấy trước. Chỉ dạy trẻ, còn mình lại sống ngược lại, chúng sẽ không nghe theo, mà còn khinh bỉ, coi thường chúng ta đấy!
2. Hãy xin lỗi con khi chúng ta có sai lầm:
Ai cũng có lúc mắc phải sai lầm này, sơ xuất nọ, con cái chúng ta biêst hết. Khi chúng ta mắc sai lầm, nhất là sai lầm với con, hãy dũng cảm nói lời xin lỗi. Tại sao bạn không dám nói: "Mẹ xin lỗi con vì hôm qua mắng oan con, bỏ qua cho mẹ nhé". Ông bố cũng có thể gọi cậu con trai vào ngồi cùng và nói: "Bố xin lỗi đã trót đánh con, chỉ vì thiếu kiềm chế. Đừng giận bố nhé!".
3. Tranh thủ mọi cơ hội có thể trò chuyện với con.
Rủ con đi dạo, vừa đi vừa nói chuyện. Khi hai mẹ con nấu ăn, trao đổi với con về những suy nghĩ, tình cảm của mình. Trong lúc ăn cơm, nhắc con ăn uống tử tế, quan tâm chăm sóc con và cũng nhờ con chăm sóc mình. Quan trọng nhất là cha mẹ và con cái được “giao tiếp” với nhau, chứ không phải cha mẹ uốn nắn, nhắc nhở, lên lớp, thuyết giảng đạo đức. Một việc làm tốt cho nhau còn hơn nghìn lần nói lải nhải mà không làm gì.
4. Cùng con đọc sách.
Sách vẫn là nguồn nguyên liệu cho giáo dục tốt nhất, cho dù mạng internet có phát triển đến đâu. Tùy theo lứa tuổi mà cha mẹ có cách “đọc sách cùng con” khác nhau.
Trẻ còn nhỏ, chưa biết đọc, hãy đọc cho con nghe, rồi cùng nhau thảo luận, kiểm tra xem con hiểu những gì bố hay mẹ đọc như thế nào, cảm nghĩ, cảm xúc của con ra sao.
Lớn lên một chút, có thể đọc riêng, nhưng cùng nhau thảo luận. Ví dụ, bố nói: “Quyển “Rừng mơ” bố mua, bố đọc rồi, hay ra phết. Bố để ở giá sách, trên bàn của con. Lúc nào không bận học hay trước lúc đi ngủ, tranh thủ đọc đi, bố tin con sẽ thích quyển sách này”.
5. Cởi mở, chia sẻ những tâm sự của riêng mình.
Giao klưu là trao đi, đổi lại. Muốn làm bạn cùng con, phải cho con thấy mình cũng giống như con, cũng có thời ngây thơ, trong sáng, dại dột, vấp ngã như con. Nay có nhắc nhở con là vì đã trải qua, nên hiểu hơn, rút được kinh nghiệm, chứ mình không phải là thần thánh.
Muốn con chia sẻ cuộc sống của nó, hãy chủ động nói về cuộc sống của mình, kiểu như: “Không biết dạo này các con ở lớp thế nào, chứ ngày xưa mẹ đi học, bọn con trai toàn trêu con gái, lại còn có trò gán ghép nữa chứ. Mẹ ngày xưa tức điên, vì mẹ thích bác Thắng vì bác ấy đẹp trai, học giỏi, làm lớp trưởng, nhưng bọn con gái cứ ghép mẹ với Chú Hùng, vừa đen, xừa xấu trai lại hay nói tục…”. Bạn cứ trao đi, bạn sẽ được nhận lại những gì bạn muốn.
6. Hỗ trợ con khắc phục sai lầm.
Sai lầm thì ai cũng có, trẻ em lại càng hay phạm sai lầm. Nhưng yêu con, thương con, không có nghĩa là mau chóng lao vào làm thay, sửa đỡ. Làm như vậy, trẻ không bao giờ học được điều gì từ sự sai lầm, vấp ngã ấy, mà còn tạo cho con tính ỉ lại, trông chờ vào người khác.
Hãy gợi ý để con suy nghĩ, xác định mình sai điều gì, tại sao lại sai và nếu bây giờ cho phép được làm lại thì làm những gì, làm như thế nào. Việc sửa sai phải do chính trẻ thực hiện.
7. Không để con bỏ cuộc sớm.
Trong cuộc sống có những việc làm dễ dàng, nhưng cũng có những việc làm thật khó khăn, có khi phải làm đi làm lại nhiều lần mới thành công. Khi thấy khó khăn, trẻ có thể nản chí, muốn bỏ cuộc, cha mẹ hãy động viên con, chỉ cho con cách thức thực hiện từng bước nhỏ, dần dần hoàn thành công việc lớn. Kiên quyết không để con rơi vào cảnh “dễ làm, khó bỏ”.
8. Khuyến khích con cái quan tâm, giúp đỡ người khác.
Khi còn nhỏ, hãy chỉ cho con nhận ra sự cần thiết phải qaun sát, để ý đến người khác bằng những câu hỏi: “Con thấy cụ già kia có mệt không khi phải một mình xách hai cái túi nặng?”, “Bố nghĩ là mẹ rất mệt vì cả ngày đi làm, con có thấy thế không?”. Lớn lên một chút, gợi ý cho con làm một điều gì đó cho người mà mình nhận ra đang cần trợ giúp. Chẳng hạn, nhắc con: “Bố con mình ra hỏi xem bà cụ có nặng không, nếu nặng thì mình xách hộ bà tí con nhé”.
9. Hạn chế xem ti vi hay lướt web, chơi với điện thoại smartphone.
Tất cả những thứ nêu trên chỉ khuyến khích người ta “giải trí bằng mắt”, không khuyến khích người ta suy nghĩ và giao tiếp, trao đổi. Lạm dụng xem ti vi, luót web, chơi điện thoại thông minh sẽ cản trở khả năng giao tiếp bằng lời, hạn chế phát triển tư duy, atọ ra tính chây ì, dẫn đến béo phì, có hại cho sức khỏe.
10. Khen ngợi những hành vi tích cực.
Con người ta ai cũng muốn khen, muốn được khẳng định mình, nhưng nếu có làm tốt bao nhiêu cũng chẳng ai nhận ra, chẳng ai khuyến khích thì làm mãi cũng chán. Một lời khen, động viên, thừa nhận của cha mẹ khi trẻ có hành vi tích cực, sẽ là động lực để trẻ tiếp tục lặp lại những hành vi tốt, tích cực.
Đinh Đoàn


Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 52: CHÓ NO KHÔNG XỦA...

- P.V: Có một thực tế đang diễn ra, đó là cha mẹ đang nghĩ rằng tạo lập cho con cuộc sống đầy đủ về vật chất là đã mang lại cho con cuộc sống hạnh phúc. Do vậy, họ không chỉ lo cho con sống sung sướng ngay từ nhỏ mà còn cố gắng tích cóp của để dành lo cho con đến trọn đời. Theo ông, điều đó có thật sự mang lại cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa cho con cái?
- Đinh Đoàn: Người xưa dạy: "Tích tử thiên kim, bất như tích tử nhất thư", tức là cho con ngàn lạng vàng không bằng cho con "một cái chữ". Cái chữ ở đây phải hiểu nghĩa rộng, tức là sự khôn ngoan, sự hiểu biết, khả năng ứng phó với những thay đổi của cuộc sống. Ngày nay người ta cũng nói đến chuyện "cho cái cần câu và dạy cách câu hơn là cho con cá". Có con cá, ăn hết là nhịn, hoặc chưa chắc đã giữ được cá mà ăn. Số người thành đạt từ số vốn liếng, của cải của bố mẹ để lại không nhiều, nhưng số người trở thành "phá gia chi tử", trắng tay, thậm chí vào tù, ra tội vì "no cơm dửng mỡ" thì đếm không xuể. 
- P.V: Có ý kiến cho rằng chính tình yêu thương, bao bọc con của các cha mẹ thời hiện đại đang vô tình biến chúng lớn lên trở thành người chả biết làm gì, sống ích kỷ chủ nghĩa cá nhân, không biết có lòng biết ơn kể cả đối với cha mẹ mình. Theo ông, điều này đúng hay sai?
- Đinh Đoàn: Con mèo no sẽ không bắt chuột, nằm cuộn tròn ở xó bếp. Con chó no cũng tìm gầm cầu thang nằm lim dim, đến xủa chẳng buồn xủa. Con người sinh ra đã có "núi tiền" bố mẹ để lại, khỏi cần suy nghĩ, chẳng cần làm việc, có nghĩ cũng chỉ nghĩ cách ăn chơi cho khác người, cho "xứng danh đại gia". Những người này thấy bố mẹ sao nhiều tiền thế, sướng thế, vậy thì lo lắng, thương cho họ làm gì. Cứ tiêu đi, hết lại vòi, không có cho nữa thì oán trách. Khi con người chỉ biết nhận, không cần nghĩ đến phải "cho", không cần biết ở đâu mà có, rất dễ trở thành những người ích kỷ. Đã có những đứa con, bố mẹ cho tiền tỉ, ăn tiêu hết thì dí dao kề cổ bố mẹ, yêu cầu đưa nốt những gì bố mẹ còn. Khi bố mẹ không đưa nữa thì ăn nói tục tĩu rằng: "Ông bà chết đến nơi, không đưa tiền bạc, của cải đây thì khi chết cũng có mang đi được đâu!". Bố mẹ già mà rắn quá, không tiếp tục cung cấp, sẽ bị con cái ... bỏ mặc, sống trong cô đơn, hối hận.
          Trong thực tế, những người "nghèo vượt khó", trở thành giàu có, thành đạt khá nhiều. Những tỉ phú làm nên từ hai bàn tay trắng và khối óc nhanh nhạy, trái tim ấm nóng... lại khá nhiều.
        Tuy nhiên, người xưa cũng dạy: "có bột mới gột nên hồ". Có chút tài sản hỗ trợ con ban đầu, để nó khởi công, lập nghiệp cũng tốt, nhưng phải là tạo cơ hội để con biết sử dụng đồng tiền của cha mẹ một cách hữu hiệu, tức là "dạy cách câu", làm sao để "tiền lại đẻ ra tiền". Bố mẹ nghèo quá, con cũng gặp khó khăn trong chặng đường đầu tiên lập thân, lập nghiệp.
- PV: Thực tế cho thấy rằng nhiều đứa trẻ lớn lên trong cuộc sống nhung lụa, sung sướng nhưng lại không thấy hạnh phúc trong cuộc sống. Phải chăng tiêu chí về cuộc sống hạnh phúc dành cho con cái của cha mẹ đã có sự nhầm lẫn? Theo ông, tạo lập cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa cho con là như thế nào?
- Đinh Đoàn: Đúng là quan niệm về hạnh phúc mỗi thời mỗi khác. Bố mẹ cho rằng có nhiều tiền, ăn cả đời không hết là hạnh phúc, nhưng con cái lại nghĩ rằng hạnh phúc là được thử thách, được thể hiện bản thân. Bố mẹ cho rằng con có cuộc sống yên ổn là tốt, nhưng con cái lại muốn dấn thân. Bố mẹ cho rằng cứ ngồi một chỗ mà ăn cho sướng, thì con cái lại khát khao cuộc sống được đi đây đi đó với những trải nghiệm trên rừng sâu, núi thẳm. Chính vì thế, đã có những gia đình bố mẹ đầy tiền, bảo con đừng phải làm gì, vậy mà con xin ra sống riêng, ở nhà thuê, tự mở công ty cùng bạn bè để khẳng định bản thân, để được trải nghiệm. Nhiều bố mẹ già ngồi ôm đống tiền, ca thán rằng: "Có mỗi thằng con, bao nhiêu tiền bạc cũng tích cóp là vì nó, cho nó. Vậy mà nó lại... làm cha mẹ thất vọng". Có đứa lấy một cô vợ người dân tộc thiểu số, rồi ở lại trên núi để làm trang trại, nuôi cá hồi, ba ba. Có đứa ăn chay, đi tu.

       Tạo dựng cuộc sống cho người khác mà không biết người khác quan niệm thế nào là hạnh phúc thì đúng là "dở hơi". Nuôi con, dạy con, phải hiểu con, biết nó mong muốn điều gì, tính cách nó ra sao, nó thật sự mong muốn điều gì ở bố mẹ. Bố mẹ chỉ giúp con cái nó cần, nó muốn, nhưng "lực bất tòng tâm", còn cố làm những điều mà con không cần, thì đó là một sai lầm.


Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 51: ĐỒNG HÀNH CÙNG CON TRÊN ĐƯỜNG ĐỜI...

      Các bậc phụ huynh thân mến!
      Người ta gọi tôi là "chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn", "Anh Đinh Đoàn CSTY", thầy giáo Đinh Đoàn... Nhưng những gì tôi chia sẻ với các anh, chị với tư cách là một "người bạn của trẻ em" và một người cha.
      Trước tiên, tôi muốn nói tới điều cần thay đổi trong cách nhìn nhận về con cái và GD con cái mà từ trước đến giờ ai cũng coi đó như "đúng rồi".
1/ Đừng nghĩ rằng "con cái là của để dành của cha mẹ". Con là con người, không thể là "của cải", càng không thể "để dành". Nếu chúng ta coi con cái là "tài sản" của mình, chúng ta sẽ bảo vệ, giữ gìn, nhào nặn nó theo cách của mình. Đừng hy vọng đầu tư cho con là để "sau này nó thành đạt, nó báo hiếu, nó sẽ nuôi nấng mình hay cho mình tiền bạc". Nghĩ thế là sẽ vỡ mộng đấy. May mắn có đứa nào nó tử tế, thì đó là phúc phần được hưởng, còn lại, không đặt niềm tin, coi đó là canh bạc cuối cùng.
     Hãy nghĩ rằng, con cái là "duyên trời cho", nuôi dạy con là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mỗi người, là "cái nợ đồng lần", chúng ta "vay" của cha mẹ và "trả" vào đứa con. Đừng kỳ vọng quá lớn mà thất vọng!
2/ Cha mẹ không thể "dạy con" mà "đồng hành" như người bạn đường. Cha mẹ và con cái là hai thế hệ rất khác biệt, sống trong những hoàn cảnh xã hội khác nhau, nên "đã chắc gì" cha mẹ hơn con mà đòi "dạy". Giáo sư dạy ở trường đại học còn chẳng kèm nổi thằng con học lớp Ba, nói gì đến phụ huynh bình thường khác. Có người bố, người mẹ đi học thêm cái này, cái khác, bảo rằng để về còn có kiến thức mà "dạy con". Vô ích thôi! Hãy là người đi cùng con trên bước đường đời. Đừng đi trước "dắt" nó theo sau, nó sẽ mất đi sự chủ động. Đừng đi lẽo đẽo theo sau hối thúc, nó sẽ bị ức chế mà phá bĩnh. Hãy đi bên cạnh, khi nào thấy nó mệt mỏi, cần nhắc "cố lên, có bố mẹ bên cạnh", vậy thôi!
3/ Hãy tôn trọng sự khác biệt ở mỗi trẻ, đừng bao giờ so sánh con nhà mình với con nhà khác, kiểu: "con nhà người ta thì...". Mỗi em có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, bởi khái niệm "trí thông minh" rất đa dạng, không đồng nghĩa hoàn toàn với "học giỏi". Nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con nhận ra thế mạnh để tập trung phát triển, điểm yếu để khắc phục phần nào.
      Vấn đề thứ hai, tôi muốn nhắc các bố, các mẹ là ít nhất phải nắm chắc 3 điều sau: 
       Một là: Biết tâm tính con mình. Đừng quá tự tin khi nói rằng: "Nó là con tôi, nó thế nào mà tôi chẳng biết". Thực sự, điều các em thể hiện trước bố mẹ chưa chắc đã là con người thật của các em. Nhớ là biết tâm tính chứ không phải chỉ biết nó học tốt môn gì, kém môn gì. Tâm tính là hướng nội hay hướng ngoại, trầm tính hay cởi mở, ưa hoạt động ngoài trời hay ngồi "tụng kinh" góc nhà, ưa tự lập, hay cần có người kèm cặp, hối thúc, thật thà hay "láu cá ra phết", biết không phải để "vạch mặt chỉ tên", mà để định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ, điều chỉnh...
     Hai là: phải biết rõ những thông tin về trường, lớp, thầy cô giáo, môn học, chương trình học của con. Đặc biệt, ít nhất phải biết 3 bạn học của con và 3 phụ huynh trong lớp.
     Biết để không bị lừa. Có mẹ ngày nào cũng thấy con đi học 2 buổi/ ngày thì thương, nào ngờ con đã bị đình chỉ học tập cả tuần mà không biết, sáng nó vẫn ra đi, vẫn ăn phở, nhưng chui vào quán net, chiều lại về, cứ như đi học bình thường. Có bố đi họp PHHS cho con mà đứng giữa sân trường, không biết con học lớp nào, cô nào, chỉ biết con tên là "Tít", học lớp 10. Có bố thấy con xin tiền "học thêm tiếng Anh" là cho ngay, nhưng đâu có biết rằng trường không tổ chức học thêm tiếng Anh. Có mẹ thấy con "mất tích" mà không biết hỏi ai, số đt của cô, của bạn, của PHHS khác trong trường, trong lớp không có...
     Ba là: Biết những thói quen, sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, xu hướng ... của con. Con đâu biết đàn hát mà cố ép con theo lớp nhạc nâng cao, nó có thích võ thuật đâu mà đăng ký lớp võ thuật... Tốn tiền vô ích, cái cần thì không đầu tư, toàn đầu tư vớ vẩn, linh tinh!
      Thứ ba, tôi muốn nhắc các bác, các anh chị 3 điều cần làm thường xuyên với con:
1/ Bớt nhắc "học đi" hoặc lên lớp, giảng giải đạo đức, kể chuyện "hồi xưa". Tăng cường hỏi han con về chuyện trường, lớp, học hành, bạn bè và tâm trạng của con khi đi học.
2/ Thay vì ra lệnh, hãy nêu mong muốn của mình (thật ra mẹ chỉ mong muốn con tập trung vào hoàn thành bài vở ở trường ở lớp, sau đó dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể thao, giao lưu với các bạn để mở mang tầm nhìn, hiểu biết...)
3/ Đừng coi trẻ còn bé, không biết gì. Hãy coi chúng như người lớn trong gia đình, vì vậy mọi vấn đề to lớn của gia đình, cứ hỏi ý kiến, cứ bàn bạc hay cho các em dự. (Bố mẹ định ...., ý con thế nào?)
         Cuối cùng, đừng quên làm 3 điều giúp con định hướng tương lai.
+ Một: Quan trọng là sau này con có cuộc sống tự lập, tự chủ, thoải mái và hạnh phúc, làm gì, ở đâu không quan trọng. Một thợ may nổi tiếng, danh giá, kiếm tiền khá còn hơn một anh học xong đại học rồi thất nghiệp rồi chán đời, lang thang, bất mãn...
+ Hai: Thành công không chỉ từ "thông minh, học giỏi", mà còn từ sự khôn ngoan, khéo léo trong giao tiếp, ứng xử, khát vọng lớn và sự tự tin. Vì thế, cho con được đi đây đi đó, tham gia CLB nọ kia, học các lớp kỹ năng sống, tham gia hoạt động văn nghệ - thể thao của trường để trở thành người tự tin, có bản lính, khéo léo.
+ Ba: Hãy định hướng cho con học để "Tạo việc làm" chứ không "Xin việc". Gợi ý những lĩnh vực có thể khởi nghiệp...Định hướng làm việc trong môi trường đa quốc gia, quốc tế, liên doanh, cạnh tranh với nhiều đối tượng, chứ không chỉ nhằm vào "có công ăn việc làm ổn định!".


Đinh Đoàn trò chuyện 50: ĐỪNG NÓI ... NHÌN CON NGƯỜI TA MÀ THÈM!

      Trong một cuộc khảo sát trên 1000 em học sinh THPT về câu hỏi: "Khi có những khó khăn trong cuộc sống, nhất là những vấn đề tâm lý, tinh thần, các em thường tìm đến ai để chia sẻ?". Có 4 phương án trả lời: 1 - Cha mẹ  2 - Thầy cô  3 - Bạn bè  4 - Mạng xã hội.
       Kết quả như sau: Bạn bè: 70%; Mạng xã hội 14%; Thầy cô: 10%; Cha mẹ: 6%.
        Đau lắm chứ! Cha mẹ là những người sinh ra con, chăm lo cho con tới mức quên mình, vậy mà khi có vấn đề, cha mẹ lại là đối tượng được các em ít tin tưởng nhất. Cha mẹ có tốt không? Chắc chắn là tốt với con rồi. Vậy tại sao các em lại "né" cha mẹ như thế? Có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó chính là những câu nói "chết người", trong đó có câu "Trông con người ta mà thèm"!
       Các em tâm sự, sợ nhất cha mẹ nói những câu: "Đấy, cũng cơm cũng gạo ấy mà con người ta toàn là học sinh giỏi, con mình thì chỉ được mải chơi, đá bóng là giỏi"; "Ngày xưa anh mày luôn luôn làm bố mẹ mở mày mở mặt, đi họp phụ huynh toàn được khen, sướng cả tai, còn mày, lần nào đi họp cũng phải đeo mo vào mặt". Các em nói chúng muốn "là chính mình", không bị so sánh với "con nhà người ta", kể cả với anh, chị em ruột của mình. Sự so sánh không khiến con người tiến bộ lên, mà chỉ tạo ra sự ganh ghét, thù hằn.
      Thật ra con cái chúng ta, ai cũng giỏi cả. Từ trước đến nay, người ta gọi học sinh giỏi là những em học tốt các môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Tuy nhiên, chúng ta lại quên rằng có tới 8 loại trí thông minh, đó là:
1/ Trí thông minh không gian - thị giác.
Bé nổi trội trí thông minh không gian - thị giác thường tư duy bằng hình ảnh, có khả năng ghi nhớ và truy xuất thông tin rất tốt. Mẹ sẽ thấy bé thích tự mình sắp xếp vị trí các đồ vật quen thuộc, thuộc đường nhanh, mê ngắm nhìn đồ chơi nhiều màu sắc hoặc không gian ba chiều, các hình vẽ trong sách, lớn lên một chút thì muốn đọc bản đồ và bảng biểu... Bé sẽ hiểu hình ảnh một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn là ý nghĩa câu chữ.
2/ Trí thông minh logic - toán học.
Trí thông minh này liên quan đến năng lực tư duy bằng con số, khả năng lý luận, giải quyết vấn đề logic, nhìn thấy mối liên hệ khoa học giữa nguyên nhân và kết quả. Loại trí thông minh này rất quan trọng, được dùng để giải quyết hầu hết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày. Biểu hiện đầu tiên của trẻ là sự nhạy cảm với con số, biết so sánh các số lượng hơn kém với nhau. Khi lớn lên, bé bộc lộ khả năng lý luận, phát hiện ra quy luật nguyên nhân và kết quả, dự đoán các tình tiết sẽ xảy ra với các dữ kiện ban đầu.
3/ Trí thông minh ngôn ngữ.
Bé sở hữu năng lực này nhạy bén trong việc nhận ra ngữ nghĩa và vần điệu của âm từ, sử dụng câu cú trôi chảy trong giao tiếp và mượt mà trên văn bản. Trí thông minh ngôn ngữ nằm ở não trái. Thùy trán trái kiểm soát các khả năng nói, còn thùy thái dương trái điều khiển sự hiểu biết ngôn ngữ. Bé thường thích nghe người lớn nói chuyện hay đọc sách, lớn lên muốn tham gia trực tiếp vào cuộc đối thoại. Nhiều bé có thể kể lại câu chuyện cổ tích mẹ kể, thậm chí nhớ được mặt chữ và tự tìm tòi đọc cuốn sách khác.
4/ Trí thông minh tương tác - xã hội.
Mẹ sẽ thấy thật hạnh phúc khi bé biết thấu hiểu và tương tác với mọi người, có khả năng dung hòa các mối quan hệ. Bé rất giỏi đọc suy nghĩ, có khả năng khích lệ và nâng đỡ người khác, giải quyết tốt xung đột và có xu hướng trở thành lãnh đạo nhóm. Bé càng sở hữu nhiều trí thông minh này, càng dễ dàng đạt được những thành công tột bậc trong cuộc sống, nhất là khi kết hợp hài hòa với các loại trí thông minh còn lại.
5/ Trí thông minh âm nhạc - nhịp điệu - tiết tấu.
Trí thông minh này có trong tiềm thức của mọi trẻ, đặc biệt là những bé có khả năng nghe tốt, dành nhiều thời gian cho âm nhạc và thích ngân nga theo giai điệu. Mẹ sẽ thấy bé mê hát hò, gõ trống, thường xuyên nhún nhảy theo điệu nhạc và dễ dàng thuộc lời mọi ca khúc. Muốn trẻ tiếp thu tốt, mẹ hãy biến bài học thành giai điệu dễ thuộc, dễ nhớ.
6/ Trí thông minh vận động cơ thể.
Những bé khỏe mạnh và năng động thường sở hữu trí thông minh này. Bé biết điều khiển các hoạt động cơ thể một cách khéo léo, thích đóng kịch, khiêu vũ, chơi thể thao và thể hiện bản thân bằng các chuyển động uyển chuyển của cơ thể. Loại trí thông minh này có mối liên hệ mật thiết đến sự phát triển thể chất, sức khỏe và tầm vóc. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất và thực nghiệm lôi cuốn cùng gia đình.
7/ Trí thông minh nhận thức bản thân.
Các chuyên gia còn gọi đây là trí thông minh nội tâm. Bé sở hữu loại trí tuệ này dễ dàng hiểu rõ cảm xúc của bản thân, cá tính tự lập mạnh mẽ, thích làm việc một mình, biết yêu thương bản thân, muốn được tôn trọng, có không gian riêng và biết tự xác định mục tiêu cho riêng mình. Nếu thấy bé thường tách ra hoạt động một mình và không đi theo xu hướng của đám đông, mẹ đừng vội phản đối bởi bé có suy nghĩ và động lực của riêng mình.
8/ Trí thông minh tự nhiên.
Bé đặc biệt quan tâm đến động thực vật, tinh thông việc nhận dạng và phân loại vô số chủng loại cây cỏ. Bé sẽ vô cùng hào hứng khi được đưa đi dã ngoại, nghe mẹ lý giải các hiện tượng khoa học hay cùng bố làm thí nghiệm mởi mẻ.
       8 loại hình trí thông minh cũng là nội dung chính của bộ sách “Thuyết trí thông minh đa diện”, do Wyeth Nutrition và Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển Tài năng Con người (IPD) xuất bản.
        Không có ai có đủ 8 loại trí thông minh kể trên, có được 1 - 2 loại trí thông minh đã là rất tốt, số người đa tài, toàn diện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người giỏi Toán chưa chắc đã giao tiếp tốt, đã có khả năng âm nhạc, thể thao. Người kỹ sư xây dựng, kiến trúc, chế tạo máy có khi hát một bài karaoke không nổi vì không thuộc vần, thuộc điệu. 
     Con cái chúng ta không học giỏi Toán, Văn, có thể nói "giỏi" thứ khác. Cha mẹ hãy cho con nhiều cơ hội thể hiện, khám phá bản thân, trải nghiệm trong nhiều hoạt động khác nhau, thậm chí nhờ đến các nhà chuyên môn để xác định con mình có loại trí thông minh nào, để từ đó tìm cách phát triển thế mạnh, không lao đầu vào những thứ không phải là thế mạnh của con.
     Con quạ có mỏ dài, trở nên khôn ngoan (trong truyện "Con quạ khôn ngoan") vì nó có thể thò mỏ vào uống nước ở cái lọ có cổ cao, nhưng nó sẽ "chết tắc" nếu được chú cáo mời ăn cháo loãng được đổ ra cái đĩa rộng lòng. Lúc này cáo một mình một đĩa, lè lưỡi liếm vài nhát hết đĩa cháo. Đấy, kẻ mạnh cũng có điểm yếu, người thông minh ở mảng này, có thể rất "dở hơi" ở mảng khác. Đó là bình thường...
     Hãy đừng nhìn con nhà người ta, và đừng nói: "Nhìn con người ta mà thèm...". Có khi bên ấy đang ao ước có đứa con như con nhà mình đấy!



Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 49: KIÊNG KỊ GÌ THÁNG CÔ HỒN?

Điển tích về ngày “xá tội vong nhân” hay “vu lan báo hiếu” đều liên quan chuyện của nước ngoài, được truyền miệng từ đời này qua đời khác, chẳng có sơ sở khoa học để tin. Chúng ta cần gạn dục khơi trong, cóp nhặt từ trong những chuyện xưa những yếu tố tích cực để phát huy, gạn bỏ những gì mang tính dị đoan, mê tín, để cuộc sống trở nên lành mạnh hơn.
          Việc báo hiếu cha mẹ là yếu tố tích cực, cần giữ lại, nhưng phải làm mới nó bằng cách quan tâm, chăm sóc cho cha mẹ đang còn sống, chứ không sa đà vào đốt mã, cúng bái linh đình hay chỉ vào chùa cúng Dường, cúng Tăng.
          Còn vấn đề kiêng cữ thì không nên quá đà rồi tự an ủi mình bằng câu cửa miệng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Việc sợ ma quỷ ám mà không dám ra đường, không dám khai trương, khởi nghiệp, kiêng ăn đồ cúng, phụ nữ và trẻ em kiêng phơi đồ ở ngoài vì sợ ma quỷ mặc thử, kiêng chụp ảnh ban đêm sợ ma quỷ ghé vào chụp ké… đều là những kiêng kị thiếu cơ sở khoa học.
          Tuy nhiên, có một vài điều kiêng kị cũng có cơ sở khoa học, có thể kiêng hoặc nếu không kiêng cũng cần lưu ý. Tháng bẩy là tháng ngâu, tháng chuyển mùa từ hè sang thu, không khí ẩm ướt, các đồ ăn thức uống dễ ôi thiu, áo quần phơi bên ngoài có khi bị nước mưa bám vào, lâu khô, nên kiêng. Tháng bẩy mưa gió, bão bùng, việc cưới xin không thuận tiện (ngày xưa), chẳng may đang cưới mà ào một trận mưa, khách khứa chạy tán loạn… cũng không hay, nên nếu hoãn lùi lại được sang tháng sau cũng không sao. Không ăn đồ cúng chúng sinh không phải vì đã bị “ma vầy”, mà vì đồ cúng chủ yếu là cháo loãng, khoai luộc, bỏng ngô, bánh kẹo rẻ tiền. Khi cúng thường phải rải ra trên tấm chiếu hay những tờ báo trên diện rộng, để có thể nhiều “cô hồn” vào ăn cùng lúc được, nghĩa là thức ăn bị phơi ra bụi bặm, mưa gió trong một thời gian dài, ăn vào dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột!

          Xã hội phát triển, khoa học kỹ thuật tiến lên như vũ bão, con người đã lên đến sao hỏa, sao kim, sống cách xa nhau cả nửa vòng trái đất mà vẫn nói chuyện với nhau nheo nhẻo, bệnh hiểm nghèo đã bị đẩy lùi, lục phủ ngũ tạng hỏng đã có thể thay thế, con người có thể tao ra rô bốt thay mình làm việc, có thể ngồi một chỗ mà điều khiển nút bấm tự động… thì đừng chìm đắm quá đà vào những chuyện xưa tích cũ. Có như thế chúng ta mới xây dựng được nền văn hóa “tiên tiến” và “đậm đà bản sắc dân tộc”!

Đinh Đoàn kể chuyện 48: VU LAN BAO HIẾU TRÊN FACEBOOK

Vừa sang tháng bẩy âm lịch, mở mạng xã hội, facebook ra đã thấy tràn ngập “không khí báo hiếu”. Một bạn trẻ đăng ảnh mẹ già, với những dòng tâm sự “đẫm nước mắt” với những nhớ, thương mẹ già cô quạnh khi con cái đi làm ăn xa. Tiện thể, anh ta dặn dò người khác, những ai còn sống với mẹ “đừng để mẹ phải buồn, phải khóc”. Ngay sau đó, hàng loạt người vào bấm like, với những conmments bình luận cũng lâm li bi đát không kém. Người thì bảo cậu còn hạnh phúc vì ít ra còn mẹ, chứ tớ thì bố mẹ chết sạch rồi, hu hu. Người thì chép lại ở đâu đó câu thơ “đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”.
          Những bài thơ, những bài hát về cha mẹ, những câu nói về công ơn sinh thành, dưỡng dục của con cái đối với cha mẹ được trích dẫn, được đăng, được chia sẻ dầy đặc. Xuất phát từ điển tích Mục Kiền Liên cứu mẹ, mà ngày rằm tháng bẩy, những ai còn cha mẹ thì cài lên ngực bông hồng đỏ, ai mất cha mất mẹ, cái lên ngực bông hồng màu trắng. Thế là bài hát “Bông hồng cài áo”, hình ảnh những tấm avatar trên facebook cũng được khai thác tối đa.
          Tôi không dám chắc có bao nhiêu bạn đang gào lên “con yêu mẹ” trên facebook đã từng nói câu ấy với mẹ, khi ở bên mẹ thực sự? Trong lúc say sưa nghe bài hát về mẹ, có bao nhiêu bạn nghĩ rằng tốt nhất nhậc điện thoại gọi điện hỏi thăm sức khỏe, hoặc đơn giản là nói chuyện với mẹ vài phút? Có bao nhiêu bạn đang ăn nhậu, vui chơi đàn đúm, tiêu pha tốn kém nghĩ đến nỗi vất vả, khó khăn của cha mẹ đang ngày đêm kiếm tiền để gửi cho con ăn học nơi xa, để rồi cảm thấy mình có lỗi, rồi từ đó khoan ăn, bớt tiêu đi? Biết bao nhiêu người đang thờ ơ, bỏ rơi người cha, người mẹ đang còn sống, lao vào cúng bái tốn kém chỉ để “báo ân” cho người cha, người mẹ đã khuất? Bỏ bớt vàng mã đi, dùng tiền ấy mua cho người còn sống tấm áo, cái khăn, đưa bố già, mẹ già đi đây đi đó cho “biết mùi đời”, để sau này khỏi ân hận, khỏi phải bù đắp cho cha mẹ bằng “đồ giả”, đồ ảo.

          Hôm qua tôi bắt gặp trên facebook một bạn gái viết ba chữ “Con yêu mẹ” rất to, ngay dưới đó là dòng bình luận, có lẽ của một người lớn tuổi, rằng: “Mẹ mày đâu ở trên phây? Sao mày gào thét ở đây làm gì? Nếu gần thì hãy về đi/ Nếu xa gọi điện chỉ ba bốn lời…”.

Đinh Đoàn trò chuyện 45: CƯỚI VỢ THÁNG NGÂU

Tháng Bẩy không chỉ được coi là tháng cô hồn, tháng vu lan báo hiếu, mà tháng bẩy còn là tháng Ngâu, kiêng kị việc cưới hỏi.  Nhiều người vẫn nhớ câu ca dao cổ: “Ta với mình như vợ chồng ngâu/ Một năm mới thấy mặt nhau một lần”. Điển tích vợ chồng ngâu hay phải xa nhau, ly tán, gắn liền với câu chuyện về “Ngưu Lang, Chức Nữ”. Đây là truyện cổ Trung Hoa. Do giao lưu văn hóa, sau đó câu chuyện này được lưu truyền ở cả Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên.
          Chuyện kể rằng Ngưu Lang là thần chăn trâu trên trời, đem lòng yêu thương Chức Nữ, một người phụ trách công việc dệt vải trên thiên đình. Do yêu nhau, nên cả hai trễ nải công việc, khiến Ngọc Hoàng tức giận, cho hai người “chuyển công tác”, mỗi người ở một đầu sông (sông Ngân, hay còn gọi là Ngân Hà).  Sau đó, thương tình, Ngọc Hoàng ra lệnh cho phép mỗi năm họ được gặp nhau một tuần, bắt đầu từ mồng ba tháng bẩy. Dân giam gọi họ là Ông ngâu, Bà ngâu, tháng bẩy gọi là tháng ngâu, mưa tháng bẩy gọi là mưa ngâu. Vì thế, tháng bẩy được coi là tháng của chia ly, xa cách, các đôi vợ chồng không nên làm đám cưới vào tháng này.
          Vậy mà không ít đôi vợ chồng, nhiều lý do mà vẫn cưới nhau vào tháng bẩy, rồi sau đó họ sống với nhau vui vẻ, hạnh phúc. Cách đây 30 năm, vợ chồng anh bạn tôi cũng cưới nhau vào tháng bẩy. Lý do anh giải thích là: “Đã gọi là truyền thuyết dân gian, ai tin thì tin, không tin thì thôi. Tin thì cho rằng có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành. Không tin thì bảo mọi việc do con người, chẳng có ngày nào, tháng nào phải kiêng cả”. Anh còn nói, cưới tháng bẩy mua gì, thuê gì giá cũng rẻ, bởi nhiều người kiêng, hàng cau, hàng trầu, hàng bánh phu thê, dịch vụ phông bạt, cỗ cưới vớ được mình như vớ được vàng. Ba mươi năm qua đi, gia đình họ vẫn yên bình, cả hai giờ đã là tiến sĩ, phó tiến sĩ, con cái ngoan ngoãn, thành đạt, đều có gia đình riêng. Hôm nọ gặp anh, nhắc lại chuyện “ngang như cua” của anh, anh cười, bảo rằng nếu có kiếp sau vẫn lấy bà ấy và vẫn cưới tháng ngâu!

          Có một số trường hợp, vợ chồng công tác, lao động ở nước ngoài hay ở đảo xa, chỉ về phép được một tuần hay mười ngày mà đúng dịp tháng ngâu, họ vẫn tổ chức đám cưới vì đã quyết tâm rồi, không hoãn được. Có đôi cưới “chạy tang”, tức là muốn cưới nhau trước khi cha mẹ qua đời, để khỏi hoãn cưới quá lâu vì kiêng tang. Trong khi bố mẹ bị bệnh hiểm nghèo, có thể ra đi bất cứ lúc nào, họ cũng đành làm đám cưới ngay trong tháng ngâu. Lại có trường hợp “bác sĩ báo cưới”, đôi bên bố mẹ họp và quyết định cho đôi trẻ cưới nhau để “giấu cái bụng bầu” trong ngày cưới, khi nó còn nho nhỏ. Họ bảo “bác sĩ bảo là cưới” vì quá mừng, mới yêu nhau mà đã có “kết quả”, còn hơn nhiều đôi chọn ngày, chọn giờ, vậy mà cưới nhau mấy năm vẫn chưa có con, tốn kém bao nhiêu tiền bạc mà chạy chữa chưa được.

Đinh Đoàn trò chuyện 40 - ĐỐT MÃ THỜI NAY

Nếu đốt vàng là cách biếu tiền, thì đốt mã là cách biếu, tặng người âm những đồ dùng, vật dụng được mô hình hóa bằng hình thức đốt hết sau khi cúng cấp. Chẳng biết người âm có nhận được tiền bạc hay đồ đạc con cháu đốt cho không, nhưng việc đốt mã hoàn toàn là ý nghĩ chủ quan, suy diễn của người còn sống. Chính vì vậy, việc đốt vàng, mã cũng theo thời cuộc ở trên trần gian.
          Tôi đã được nghe một chị bán hàng mã “tư vấn” cho khách hàng rằng thời buổi này mà còn đốt quần áo làm gì, mình có biết ở dưới ấy các cụ ăn mặc theo “mốt” gì đâu, nên tốt nhất là đốt vải cho các cụ, các cụ muốn may kiểu gì thì tùy. Vải là những tấm giấy đủ màu sắc, được sắp thành tập, được gọi là “súc vải”. Lại một khách khác mua rất nhiều vàng mã, được một anh chủ cửa hàng gọi với theo, nói rằng: “đáng bao nhiêu mà tiết kiệm, em không lấy cho cụ cái thẻ ATM à? Đốt nhiều tiền mà không có thẻ thì cụ rút sao được tiền. Trần sao âm vậy, ở dưới ấy cũng có ngân hàng địa phủ, người ta cũng trả tiền qua thẻ y như trên mình đấy. Hôm nọ có cô hớt hơ hớt hải đến đòi mua ba cái thẻ, nói rằng hôn giỗ bố, đốt nhiều tiền, ngay đêm ấy bố về báo mộng, bảo tiền con gửi cho bố mà không có thẻ nên chẳng rút ra mà tiêu được, nên chịu nhịn đói. Có 5 chục nghìn một cái thẻ, sao lại tiếc các cụ hả? Tháng báo hiếu mà em, lấy đi, đừng tiếc gì khi nghĩ đến việc đền đáp!”.
          Một gia đình, có ba anh chị em đi xe sang đến cửa hàng đồ mã chọn mua số mã trị giá vài chục triệu về chuẩn bị đốt cho ông bà, cụ kị, bố mẹ vào dịp Rằm tháng bẩy này. Cô em bảo ông anh: “Cụ kị, ông bà nhà mình đều chết trước năm 45, bố mẹ mình chết hồi những năm 80, lúc đó đâu đã có xe máy, chỉ có bố là biết đi xe đạp Thống Nhất, vậy anh mua nhiều xe máy thì ai đi?”. Ông anh bệ vệ, có vẻ là nhà giàu, bảo cô em: “Bây giờ người ta có làm xe đạp nữa đâu, toàn xe máy và ô tô xịn. Với lại, biết đâu, ở dưới ấy các cụ cũng tiến bộ, cũng tập tành, nên biết đi xe máy, ô tô rồi cũng nên. Thôi, người ta làm sao, mình làm vậy, biết đâu chuyện ở dưới ấy”. Một đôi vợ chồng Việt Kiều ở nước ngoài về còn đốt cho bố mẹ cả cái biệt thự, mà anh chị ấy gọi là “nhà nghỉ cuối tuần”, hy vọng sau những ngày làm ăn vất vả, đến cuối tuần bố mẹ anh ta đưa nhau ra sống ở cái “nhà nghỉ” này, ở ngoại ô một “thành phố âm phủ” nào đó.
          Có lẽ “cười ra nước mắt” nhất là vụ người vợ góa đốt cho chồng một hình nhân, được gọi là “cô giúp việc”, trông có vẻ “mắt xanh mỏ đỏ”. Sợ chồng mình lại lăng nhăng với cô ấy như ngày ông ấy còn sống, nên trước khi đốt cô giúp việc, người vợ đã bí mật lấy ngón tay chọc mù mắt cô ta, với mục đích “làm xấu” cô ấy, may ra chồng bà mới không “chim chuột” với cô ấy. Bà quên hẳn mục đích là đốt cho chồng cô giúp việc, mong cô ấy chă sóc, cơm nước cho ông. Một cô gái mù thì còn chăm chồng làm sao được nữa, không khéo, cô ấy chỉ ngồi một chỗ để chồng bà phục vụ thì thật là tai hại. Cô mù thì đi lại khó khăn, sống phụ thuộc, ông chồng bà muốn làm gì cô ấy mà chẳng được, khác gì mỡ để miệng mèo. Mù thì mù, chứ cô ấy vẫn còn là phụ nữ lành lặn chỗ khác…

          Cạnh nhà tôi có cụ già, có 5 người con đều trưởng thành, đi làm ăn khắp tứ xứ, nhưng ít quan tâm tới mẹ, nên dù đã hơn 70 tuổi, cụ vẫn phải muối dưa, muối cà để bán, kiếm thêm đồng rau, đồng mắm. Nhưng đến gần rằm tháng bẩy, con cái kéo về đầy nhà, chúng bàn bạc, đóng góp tiền, phân công nhau mua bán, chuẩn bị cho khóa lễ đốt mã cho bố. Ngày rằm, họ bắc rạp, lấn ra cả lối đi chung, để làm lễ. Hai ông thầy nổi tiếng ở tỉnh xa được đón về bằng ô tô từ sáng sớm. Hoa quả, bánh kẹo, bia rượu, xôi gà, vàng mã, ngựa hia, xe máy, ô tô, tủ lạnh, ti vi, đầu đĩa, biệt thự làm bằng hàng mã được xếp cao như núi. Hai ông thầy ngồi vào chiếu trải giữa nhà, loa đài được bật lên, tiếng mõ, tiếng tụng kinh náo loạn cả một vùng. Lúc đầu con cháu và bà cụ ngồi phục sau lưng hai ông thầy, thỉnh thoảng họ lại vái vái mấy cái theo hiệu lệnh của thầy cúng. Được một lúc, các ông con trai, con dâu đều bị tê chân vì ai cũng bụng to, đùi mập, khó ngồi bệt, ngồi xổm, nên đứng dậy hết. Các con của họ cũng đứng lên theo, bỏ đi chơi với điện thoại và ipad. Mấy tiếng đồng hồ, chỉ còn mỗi cụ già ngồi phục lễ. Buổi lễ kết thúc bằng việc đưa cụ đi cấp cứu…

Đinh Đoàn trò chuyện 39 - Tháng cô hồn và mùa Vu lan báo hiếu

Từ trước đây, tháng bẩy được gọi là tháng có sự kiện “xá tội vong nhân”. Theo cách kiểu dân gian, thì trần sao âm vậy. Những người có tội lỗi ở trên trần gian, khi chết xuống âm phủ bị đày vào các tầng địa ngục, kiểu như nhà tù ở trên trần. Tùy theo tội to hay nhỏ, mà vong hồn người chết, tức vong nhân, được giam giữ ở tầng thấp hay tầng cao, thời gian dài hay ngắn. Trọng tội thì bị giam ở chín tầng địa ngục và thời gian khá dài. Những người sống, khó mà biết ông bà, cụ kị của mình có bị giam tù hay được lên cõi niết bàn, được tự do sinh sống, làm ăn, rồi đầu thai kiếp khác theo thuyết luân hồi. Những người thỉnh thoảng có nằm mơ thấy ông bà, cha mẹ thỉnh thoảng về thăm con cháu, thì biết rằng các cụ vẫn ở đâu đây. Nhiều người, sau khi chết, không bao giờ con cháu còn gặp nữa, người ta nghi các cụ bị đi đày ở các tầng địa ngục.
          Hàng năm, tháng Bẩy là tháng “xá tội vong nhân”, tức là ở dưới âm phủ có đợt xét giảm tội lỗi hoặc tha bổng cho những vong nhân cải tạo tốt hoặc giảm án cho những vong nhân có con cháu thường xuyên cúng bái, có “quan hệ tốt” với thần linh. Đợt xá tội vong nhân này giống như trên trần, hàng năm vào dịp Quốc khánh, chủ tịch nước xét ân xá cho những tù nhân cải tạo tốt vậy.
          Thế là nhiều vong nhân, sau nhiều năm bị giam cầm ở địa ngục, nay được thả ra. Những vong này có thể không có con cháu, chẳng còn ai thờ cúng, nên đành đi lang thang, vật vờ kiếm ăn, giống những người ra tù mà chưa có việc làm. Những vong nhân đó, có cả vong trẻ em. Thế là ngoài đường đông đặc các vong không nơi nương tựa, được gọi là “cô hồn”, tức những vong hồn cô quạnh. Người ta kiêng làm những công to, việc lớn, tiệc tùng, bởi sợ có những cô hồn này phá đám, cướp đồ ăn, làm cho công việc không thuận buồm xuôi gió. Những người tử tế thì cúng chúng sinh, tức làm phúc, cúng cháo loãng đổ ra những chiếc bồ đài làm bằng lá mít, những gói bỏng ngô, bỏng gạo, tiền lẻ, khoai luộc, để “làm từ thiện” cho các cô hồn, vừa là giúp họ có cái ăn, vừa là để họ khỏi quấy nhiễu mình.
          Việc cúng cấp vào ngày rằm tháng bẩy có hai ý nghĩa. Một là cúng ông bà, bố mẹ, nếu bị “đi tù” thì được trở về, có cái ăn, cái mặc, được con cháu chăm sóc, khỏi trở thành “cô hồn” lang thang. Hai là cúng các quan thần linh, vừa để “cảm ơn” họ đã quan tâm đến vong hồn ông bà, cha mẹ mình trong những năm tháng “ở tù”, vừa là tạ ơn họ vì đã quan tâm, chiếu cố mà giảm án, cho các vong nhà mình được ra khỏi ngục sớm. Những nhà khác cúng, vì nghĩ các cụ nhà mình chưa được thả, nên cúng để “chạy chọt” cho các cụ được đưa vào danh sách xét xá tội năm sau.
Nhiều người lẫn lộn giữa sự kiện “xá tội vong nhân” với “vua lan báo hiếu”. Lễ Vu Lan là một phong tục tập quán tốt đẹp trong văn hóa Phật giáo. Lễ Vu Lan xuất phát từ điển tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ. Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật, có mẹ là bà Thanh Đề. Chuyện kể rằng, sinh thời, mẹ của bồ tát Mục Kiền Liên làm nhiều điều ác, xúc phạm chư Tăng nên khi chết bị đày xuống địa ngục làm con ma đói. Bồ tát Mục Kiền Liên tìm cách cứu mẹ không được. Ông được đức Phật chỉ cách phải cúng chư Tăng vào dịp Rằm tháng bảy và nhờ phước lực của đông đảo mười phương chư Tăng mới cứu được mẹ mình thoát khỏi đau khổ, hành hạ ở địa ngục. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên theo cách này. Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời. Theo đó, vào dịp tháng bảy hằng năm, tín đồ Phật giáo tổ chức cúng, dâng phẩm vật lên Tam Bảo để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ được siêu thoát. Đó là một hình thức để báo hiếu cho những người thân đã mất trong gia đình.
Ngày nay, lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các Phật tử, đó còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ đã sinh thành và dưỡng dục mình. Ngoài ra, đây còn là dịp mọi người tìm về cội nguồn.

Không ai có thể kết luận hay khẳng định tính xác thực của những sự kiện, điển tích kể trên. Tuy nhiên, việc kiêng cữ, việc cúng cấp, báo đáp cha mẹ theo truyền thuyết được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nhưng có thể thấy, tất cả đều do người sống nghĩ ra theo phương pháp “suy bụng ta ra bụng người” hay quan niệm “trần sao âm vậy”. Tuy nhiên, ít nhiều việc báo đáp công cha nghĩa mẹ cũng có tính giáo dục nhất định. Nhưng hiện nay, nhiều người chẳng cần hiểu ý nghĩa, lai lịch của “tháng cô hồn” hay ngày “xá tội vong nhân”, hay “vu lan báo hiếu”, lao vào sắm sửa vàng mã, chuẩn bị những khóa lễ linh đình, mà thật ra chẳng vì báo hiếu hay lo cho cha mẹ, mà vì mình, mong được các thần linh phù hộ để làm ăn phát tài, phát lộc…