Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

10 BÀI HỌC CHA MẸ CẦN BIẾT KHI DẠY CON NHỮNG GIÁ TRỊ SỐNG LÀM NGƯỜI

Sinh con, nuôi con, dạy dỗ và giáo dục con cái là nghĩa vụ, trách nhiệm, đồng thời cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của cha mẹ. Tuy nhiên, công việc này không hề đơn giản. Giáo dục con cái sống tương thiện, tử tế, có phẩm giá, có đạo đức vừa là một môn khoa học, vừa là một "loại hình nghệ thuật". Xin giới thiệu với các bạn 10 bài học cha mẹ cần ghi nhớ, thực hiện để làm tốt vai trò "phụ huynh" của mình:
1. Hãy làm gương: 
Con cái chúng ta hàng ngày học hỏi được nhiều điều bằng việc quan sát cách chúng ta đối xử với chúng, đối xử với nhau và với những người khác. Chúng cũng lắng nghe các câu chuyện chúng ta nói với nhau, những việc chúng ta làm hàng ngày, trong mọi hoàn cảnh. Nếu bạn muốn con bạn là người trung thực, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, hiếu thảo, bản thân các bạn, những người làm cha mẹ phải là những người ấy trước. Chỉ dạy trẻ, còn mình lại sống ngược lại, chúng sẽ không nghe theo, mà còn khinh bỉ, coi thường chúng ta đấy!

2. Hãy xin lỗi con khi chúng ta có sai lầm:
Ai cũng có lúc mắc phải sai lầm này, sơ xuất nọ, con cái chúng ta biêst hết. Khi chúng ta mắc sai lầm, nhất là sai lầm với con, hãy dũng cảm nói lời xin lỗi. Tại sao bạn không dám nói: "Mẹ xin lỗi con vì hôm qua mắng oan con, bỏ qua cho mẹ nhé". Ông bố cũng có thể gọi cậu con trai vào ngồi cùng và nói: "Bố xin lỗi đã trót đánh con, chỉ vì thiếu kiềm chế. Đừng giận bố nhé!".

3. Tranh thủ mọi cơ hội có thể trò chuyện với con.
Rủ con đi dạo, vừa đi vừa nói chuyện. Khi hai mẹ con nấu ăn, trao đổi với con về những suy nghĩ, tình cảm của mình. Trong lúc ăn cơm, nhắc con ăn uống tử tế, quan tâm chăm sóc con và cũng nhờ con chăm sóc mình. Quan trọng nhất là cha mẹ và con cái được “giao tiếp” với nhau, chứ không phải cha mẹ uốn nắn, nhắc nhở, lên lớp, thuyết giảng đạo đức. Một việc làm tốt cho nhau còn hơn nghìn lần nói lải nhải mà không làm gì.

4. Cùng con đọc sách.
Sách vẫn là nguồn nguyên liệu cho giáo dục tốt nhất, cho dù mạng internet có phát triển đến đâu. Tùy theo lứa tuổi mà cha mẹ có cách “đọc sách cùng con” khác nhau.
Trẻ còn nhỏ, chưa biết đọc, hãy đọc cho con nghe, rồi cùng nhau thảo luận, kiểm tra xem con hiểu những gì bố hay mẹ đọc như thế nào, cảm nghĩ, cảm xúc của con ra sao.
Lớn lên một chút, có thể đọc riêng, nhưng cùng nhau thảo luận. Ví dụ, bố nói: “Quyển “Rừng mơ” bố mua, bố đọc rồi, hay ra phết. Bố để ở giá sách, trên bàn của con. Lúc nào không bận học hay trước lúc đi ngủ, tranh thủ đọc đi, bố tin con sẽ thích quyển sách này”.

5. Cởi mở, chia sẻ những tâm sự của riêng mình.
Giao klưu là trao đi, đổi lại. Muốn làm bạn cùng con, phải cho con thấy mình cũng giống như con, cũng có thời ngây thơ, trong sáng, dại dột, vấp ngã như con. Nay có nhắc nhở con là vì đã trải qua, nên hiểu hơn, rút được kinh nghiệm, chứ mình không phải là thần thánh.
Muốn con chia sẻ cuộc sống của nó, hãy chủ động nói về cuộc sống của mình, kiểu như: “Không biết dạo này các con ở lớp thế nào, chứ ngày xưa mẹ đi học, bọn con trai toàn trêu con gái, lại còn có trò gán ghép nữa chứ. Mẹ ngày xưa tức điên, vì mẹ thích bác Thắng vì bác ấy đẹp trai, học giỏi, làm lớp trưởng, nhưng bọn con gái cứ ghép mẹ với Chú Hùng, vừa đen, xừa xấu trai lại hay nói tục…”. Bạn cứ trao đi, bạn sẽ được nhận lại những gì bạn muốn.

6. Hỗ trợ con khắc phục sai lầm.
Sai lầm thì ai cũng có, trẻ em lại càng hay phạm sai lầm. Nhưng yêu con, thương con, không có nghĩa là mau chóng lao vào làm thay, sửa đỡ. Làm như vậy, trẻ không bao giờ học được điều gì từ sự sai lầm, vấp ngã ấy, mà còn tạo cho con tính ỉ lại, trông chờ vào người khác.
Hãy gợi ý để con suy nghĩ, xác định mình sai điều gì, tại sao lại sai và nếu bây giờ cho phép được làm lại thì làm những gì, làm như thế nào. Việc sửa sai phải do chính trẻ thực hiện.


7. Không để con bỏ cuộc sớm.
Trong cuộc sống có những việc làm dễ dàng, nhưng cũng có những việc làm thật khó khăn, có khi phải làm đi làm lại nhiều lần mới thành công. Khi thấy khó khăn, trẻ có thể nản chí, muốn bỏ cuộc, cha mẹ hãy động viên con, chỉ cho con cách thức thực hiện từng bước nhỏ, dần dần hoàn thành công việc lớn. Kiên quyết không để con rơi vào cảnh “dễ làm, khó bỏ”.

8. Khuyến khích con cái quan tâm, giúp đỡ người khác.
Khi còn nhỏ, hãy chỉ cho con nhận ra sự cần thiết phải qaun sát, để ý đến người khác bằng những câu hỏi: “Con thấy cụ già kia có mệt không khi phải một mình xách hai cái túi nặng?”, “Bố nghĩ là mẹ rất mệt vì cả ngày đi làm, con có thấy thế không?”. Lớn lên một chút, gợi ý cho con làm một điều gì đó cho người mà mình nhận ra đang cần trợ giúp. Chẳng hạn, nhắc con: “Bố con mình ra hỏi xem bà cụ có nặng không, nếu nặng thì mình xách hộ bà tí con nhé”.

9. Hạn chế xem ti vi hay lướt web, chơi với điện thoại smartphone.
Tất cả những thứ nêu trên chỉ khuyến khích người ta “giải trí bằng mắt”, không khuyến khích người ta suy nghĩ và giao tiếp, trao đổi. Lạm dụng xem ti vi, luót web, chơi điện thoại thông minh sẽ cản trở khả năng giao tiếp bằng lời, hạn chế phát triển tư duy, atọ ra tính chây ì, dẫn đến béo phì, có hại cho sức khỏe.

10. Khen ngợi những hành vi tích cực.
Con người ta ai cũng muốn khen, muốn được khẳng định mình, nhưng nếu có làm tốt bao nhiêu cũng chẳng ai nhận ra, chẳng ai khuyến khích thì làm mãi cũng chán. Một lời khen, động viên, thừa nhận của cha mẹ khi trẻ có hành vi tích cực, sẽ là động lực để trẻ tiếp tục lặp lại những hành vi tốt, tích cực.
Đinh Đoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét