Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

TÂM LÝ HỌC: ĐẠI KHÁI VỀ ... MÊ TÍN (KHÔNG PHẢI ĐẠI CƯƠNG)

          Mê tín, tín ngưỡng, tôn giáo có phần nào sự giống nhau, tuy nhiên, chúng không phải là một.
          Mê tín là tin vào điều gì đó một cách mê muội, thiếu sáng suốt, thiếu cơ sở hiểu biết khoa học. Ví dụ: ăn thịt chó nhiều đạm, dẫn đến khó tiêu hóa, đau bụng, đi ngoài… thì OK, là vấn đề có cơ sở khoa học. Nhưng tin rằng đầu tháng ăn thịt chó thì bị xui xẻo, gặp nhiều rủi ro… thì nếu hỏi “tại sao lại thế”, không ai trả lời được. Hiện tượng “ăn thịt chó đầu tháng” với việc “gặp xui xẻo” chẳng có sợi giây liên hệ nào. Đó là mê tín.
          Nguồn gốc của mê tín là sự “chưa biết”, sự sợ hãi trước những điều chưa lường trước được, là sự bất cập giữa mong muốn và thực tế. Cùng sinh một năm, cùng học giỏi như nhau, vậy mà mỗi người có một số phận khác nhau, không biết giải thích vì sao, người ta nghĩ đến “mỗi người một số”, thế là xong, khỏi đau đầu suy nghĩ. Có một số hiện tượng xảy ra, khoa học chưa thể giải thích được ngay vì nhận thức của con người có hạn, thế là người ta phải giải thích nó bằng sự “tin tưởng không trong sáng” (mê tín). Tại sao có gia đình chết liền mấy người trong một năm? Có thể là ngẫu nhiên, nhưng tại sao ngẫu nhiên lại rơi và đúng nhà mình chứ không phải nhà khác? Khi nào khó giải thích bằng lý lẽ khoa học thì mê tín xuất hiện. Người ta mong nhiều thứ, nhưng sức người có hạn, đành cầu xin ở những thế lực siêu nhiên nào đó hỗ trợ. Trong cuộc thi tranh tài, cuộc bầu bán, không ai dám chắc mình đỗ 100%, đành đi lễ, cầu xin chỗ nọ, chỗ kia, hy vọng có thêm sự trợ giúp để thắng lợi…
          Mê tín còn là thói quen, nếp nghĩ được truyền từ đời này qua đời khác. Trẻ con sinh ra không biết mê tín, mê tín là thứ đời dạy. Còn trẻ, khỏe, giỏi, tự tin, không mê tín. Những rồi vấp ngã vài lần chảy máu mồm, tự nhiên phải nghĩ đến việc “tin vu vơ”. Đời không bao giờ hết rủi ro, bất ngờ, nên mê tín không thể nào hết được. Đừng hy vọng khoa học càng phát triển, mê tín sẽ bị đẩy lùi.
          Mê tín có 4 dạng: Nghi thức, kiêng cữ, điềm báo và tôn thờ.
Nghi thức mê tín là những việc phải làm để mong được yên ổn mọi bề. Xin lộc đầu năm, đốt vàng mã, xem ngày cưới hỏi, làm ma, cất nhà, mở cửa hàng cửa hiệu, xin thẻ, xin âm dương, xem bói… là những nghi thức mê tín.
Kiêng cữ là những điều cố tránh để khỏi gặp rủi ro. Không ăn thịt chó đầu tháng, không quét nhà đầu năm, không ở nhà số 3, không chụp ảnh 3 người, không xuất hành ngày 5, 14, 23, không thăm bà đẻ đầu tháng, không khen trẻ con mới đẻ (có khen phải nói “trộm vía”), không nói đến “cái chết”, không vớt người chết đuối, không lật cá trong đĩa, ngồi không quay lưng, chổng mông về phía bàn thờ… là những kiêng cữ mang tính mê tín.
Điềm báo là những dấu hiệu dự báo về một điều tốt đẹp hoặc không may mắn do sự vật, hiện tượng được gán cho là “lành” hay “dữ”. Ví dụ, mơ gặp chó đuổi là điềm rủi ro. Mơ thấy người chết là may mắn sắp đến (sinh dữ, tử lành), mồng một Tết, “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”, vỡ ảnh cưới là điềm gở, báo hiệu sự trục trặc của đôi trai gái. Đây là một vài trong vô vàn các điềm báo mê tín.
Sự tôn sùng một vật gì đó vì “nghĩ là nó mang lại may mắn”. Xin được cái ấn ở đền Trần, giữ trong ví đồng 2 đô la, đeo ở cổ cái bùa, ký bằng một cái bút đặc biệt, mặc một cái áo, đi một cái xe, sở hữu một số điện thoại đẹp, cái biển số đẹp… được coi là may mắn. Đặt hòn đá ở chỗ này, trồng cái cây ở chỗ kia, che bớt cái này, tô vẽ cái kia (thường được gọi là phong thủy) cũng là sự sùng bái vật, được giải thích theo kiểu “rất phong thủy”, ai tin thì tin, chẳng tin cũng chẳng chết ai.
          Mê tín mang tính toán cầu, dân tộc nào, cộng đồng người nào cũng có, bất kể lạc hậu hay văn minh. Mê tín này lại đẻ ra mê tín khác. Nguồn gốc của mê tín là sự chưa hiểu biết (chứ không phải ngu dốt) và nỗi sợ. Cả hai thứ này mãi mãi vẫn tồn tại, biết được cái này lại xuất hiện “cá chưa biết” khác. Còn nỗi sợ thì .. thôi rồi.
          Một đặc điểm nữa của mê tín mang tính văn hóa vùng miền. Với vùng này, miền này, nền văn hóa này, ở cộng đồng này coi điều A là may mắn, điều B là rủi ro. Ngược lại, ở nơi khác lại giải thích khác…Ví dụ, con cú (mèo) bị ghét cay ghét đắng ở Việt Nam vì chuyên mang đến điềm gở, thì con cú lại được “kính nể” ở phương Tây vì nó tượng trưng cho sự thông thái, tinh nhanh…

(Còn nữa: Tín ngưỡng)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét