Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

TÌNH DỤC: CÓ HỌC MỚI BIẾT....

        Nhiều người nghĩ rằng “chuyện ấy” là bản năng. Người ta cho rằng đã là “bản năng” thì tự nhiên nó có, không cần dậy bảo. Nhưng thật ra “chuyện ấy” là vấn đề văn hoá, là vấn đề phải học. Đúng là chưa có những trường lớp để dạy con người ta phải làm gì trong chuyện ấy. Song học tập đâu có phải cứ đến trường, đến lớp mới là học. Con người là một sinh vật xã hội, sống trong cộng đồng. Con người học được chuyện đó một cách từ từ, từ những người xung quanh, từ sách vở, từ những câu chuyện “rỉ tai” nhau. Nói cách khác, con người học chuyện ấy theo phương thức “tập nhiễm”.
          Để nói kĩ hơn về chuyện này, tôi muốn nói đến chuyện của những “người rừng”. Người rừng, hay người “hoang dã” là những người từ bé đã bị cách ly KHỎI loài người, sống với các con thú trong rừng. Tính đến cuối thế kỉ 20, người ta đã phát hiện ra 53 trường hợp người rừng và đưa họ trở lại với cuộc sống loài người. Tại Ấn Độ có 11 trường hợp người sói. Victor là đứa trẻ hoang dã ở Pháp được phát hiện năm 1799, lúc đó nó đã 11 tuổi. Bác sĩ Jacques Itard đã dạy dỗ nó trong suốt 6 năm. Có những người hoang dã không bị thú bắt và nuôi, nhưng bị loài người gạt bỏ như trường hợp của Anna, vùng Pensylvania, Mĩ, được phát hiện năm 1938 do bị nhốt trên tầng 2 của một kho thóc. Elith Riley vùng Chio được phát hiện năm 1940 lúc em 12 tuổi, do dì ghẻ nhốt trong một kho chứa đồ. Gần đây nhất một người sói được phát hiện là Manuto Kossiwi, ở châu Phi được phát hiện năm 1983.
          Qua quan sát và nghiên cứu những người sói, người hoang dã, người ta đã thấy họ không biết đi bằng 2 chân, không biết nói, không hiểu lời, tư duy trì trệ, không biết khóc, không biết cười. Đặc biệt là họ không phát triển về hoạt động tình dục. Peter sống đến 68 tuổi mà cũng không có đời sống tình dục. Manuto Kossiwi, đứa trẻ da đen đến năm 17 – 18 tuổi vẫn không hề có dấu hiệu phát triển tính dục.
          Như vậy, tình dục đâu có phải là “tự nhiên mà có”, không phải là bản năng. Nó là hành vi học được ở người khác, thông qua giao tiếp với người khác. Càng sống khép kín, sống xa cách loài người, ít thông tin… càng “mông muội” về “chuyện ấy”.
          Tôi nhớ mãi một kỉ niệm trong đời làm tư vấn của tôi là đã phải dạy một thanh niên “làm gì” vào đêm tân hôn ngay trước hôm anh ta cưới vợ. Việc dạy này được gia đình mời hẳn hoi, dạy trực tiếp tại nhà và theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”.
          Đó là trường hợp của một thanh niên Hà Nội. Anh bị mù từ nhỏ, chỉ sống trong phòng của mình. Cha mẹ anh là người rất quan tâm đến con, đã nhờ mối lái tác thành cho anh một cô vợ, một cô gái nông thôn nghèo khó. Trước ngày cưới hàng tuần, ông bố vào ngủ cùng cậu con trai và tâm sự xa xôi rằng “là vợ, là chồng thì phải có chuyện chung đụng, để sinh con đẻ cái”. Nhưng ông cảm thấy nói xa xôi quá, cậu con trai không hiểu bố nói chuyện gì, mà nói “toạc móng heo” thì người bố không làm được. Ông đã gọi điện lên trung tâm tư vấn của chúng tôi yêu cầu một chuyên viên tư vấn nam giúp đỡ. Hoá ra cậu bị mù bẩm sinh, chưa hình dung một người phụ nữ ra sao, cậu tưởng họ cũng giống như cậu và đúng là cậu không biết … phải làm gì. Vậy là trong khi ở nhà ngoài mọi người đang chuẩn bị phông, màn, cỗ cưới, thì tôi đã phải làm “ông thầy bất đắc dĩ” ở trong phòng riêng của cậu. May thay cậu là người thông minh, nên cũng hiểu được mọi chuyện. Hiện nay cậu đã là bố của một đứa con kháu khỉnh.
(Còn nữa)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét