Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

KHÔNG CHỈ TRẺ MỚI SỐNG ẢO...

         Được cơ quan “đề nghị” về hưu trước tuổi, chị Hòa bị sốc mất hai tháng, nằm lì ở nhà, không đi đâu. Trong thời gian này có một số bạn bè, người thân mời chị tham gia bán bảo hiểm, mở cửa hàng bán quần áo trẻ em, làm kế toán cho một nhà hàng… chị đều từ chối. Chồng vẫn đi làm, con thì đã lớn, đứa có chồng, đứa đang học đại học năm cuối, nên chị Hòa chẳng phải “phục vụ” ai, rảnh rỗi lắm. Chị lần mò “lên phây”, cái thứ mà khi còn đi làm cơ quan nhà nước, chị hay “chửi” bọn trẻ là đú đởn, là vớ vẩn, rách việc, mất thời gian. Thời gian đầu ít bạn, chị chỉ “pót ảnh”, sau quen dần, chị đăng thơ, những bài thơ giống như vè, kiểu như: “Tự nhiên lại thấy nhớ quê/ Nhưng mà không biết nên về hay không? Mọi người bận ở ngoài đồng/ Có ai chơi với hay không mà về…”. Kèm theo bài thơ ấy là tấm ảnh làng quê thanh bình có cây gạo nở hoa đỏ. Chỉ sau 3 ngày đăng thơ và ảnh, chị nhận được hơn 50 lượt “lai” (like), hàng chục bình luận na ná giống nhau kiểu: “thơ hay, ảnh đẹp”, “đep quá bạn ơi”, “hay quá”, “cảm ơn nhà thơ nói đúng tâm trạng mình…”.
          Rồi chị mê phây, mê thơ. Nhiều người mời chị tham gia các câu lạc bộ thơ như “Câu lạc bộ thơ duyên quê”, “Câu lạc bộ thơ Đường kiểu mới”, “Câu lạc phố Đông”. Chị lựa chọn chỉ tham gia có hai câu lạc bộ, đó là “Câu lạc bộ thơ trăm miền” và “Câu lạc bộ thơ Sông quê”. Thế thôi mà cũng đã bận túi bụi, bởi mỗi ngày chị phải sáng tác ít nhất 2 bài, đăng lên trang thơ của 2 câu lạc bộ. Rồi còn phải đọc, góp ý cho các bài thơ của các bạn khác, nên chị bận tối ngày.
          Sáng mở mắt ra, chị vào phây ngó xem đêm qua có bao nhiêu người đọc, người bấm “like” thơ chị, ai khen thì chị nhiệt tình cảm ơn, ai chê thì chị buồn và bực, có lúc nhắn lại rằng “có giỏi thì làm thơ hay hơn tôi đi, đừng có GATO” (GATO là viết tắt của bốn chữ ghen ăn tức ở, chị được nghe bọn trẻ cùn cơ quan cũ hay nói thế, giờ chị lôi ra dùng cho nó đúng là “người hiện đại”.
          Nửa năm sau, chị hí hửng khoa với chồng, con rằng chị đã có 1000 người bạn, trong đó có tới gần 500 anh em trong các câu lạc bộ thơ, chị sáng tác hơn hai trăm bài. Con gái chị cười không nói gì. Con trai bảo “mẹ hồi xuân”. Chồng chị khuyên: “Em bớt sống ảo đi, mất thời gian, mất sức khỏe, ăn không ngon, ngủ không yên, lắm bạn, nhiều thơ, nhưng em có ra chợ, người ta vẫn gọi em là bà, chẳng biết em là ai đâu mà”. Chị giận chồng con, cho rằng họ sống nhạt, sống thực dụng, chỉ cơm áo gạo tiền. Chị ngầm so sánh với người đàn ông có nick là “dân miệt vườn”, chủ nhiệm CLB thơ, với anh “em là tất cả”, ngày ngày đều có thơ đăng…
          Rồi nhân kỉ niệm 1 năm ngày ra đời trang “Thơ trăm miền”, người quản trị trang quyết định tổ chức gặp mặt những nhà thơ nổi tiếng và cho ra mắt tập thơ đầu tiên, với 100 bài đã được lựa chọn. Chị vinh dự có 2 bài được chọn, phải nộp 2 triệu cho bộ phận biên tập và lo thủ tục, thuê thiết kế bìa, tìm nhà in… Ngày hội ngộ các nhà thơ trăm miền được tổ chức ở một tỉnh xa, chị Hòa rút tiết kiệm 15 triệu, vừa mua vé máy bay, vừa lấy tiền chi tiêu cho chuyến đi. Chuyến đi quá vui, chị chụp được hơn 200 tấm ảnh đẹp. Khi về, chị đóng thùng cát tông chuyển ra Hà Nội 50 cuốn thơ trăm miền, trong đó có 2 bài của chị (theo quy định, các hội viên có thơ được đăng phải có trách nhiệm tiêu thụ thơ đã in, chị có 2 bài nên phải lấy nhiều hơn những người có 1 bài). Bán không được, cho lại ngại, chị đành mua một cái giá sách, trưng bày thơ đầu tay của mình lên đó, ngay đầu giường, trong phòng ngủ…
          Chị ốm năm ngày nằm bẹp, không ai thăm hỏi. Chồng con vẫn bận việc của họ. Mệt mà chị vẫn lọ mọ lên phây xin lỗi và thông báo rằng: “mình bị ốm, nên mấy hôm nay không đăng phây, mong gia đình phây thông cảm, khi nào khỏe mình lại sáng tác…”.

          Đi làm về, chồng chị thấy chị nằm thiêm thiếp, bát cháo nguội ngắt vẫn ở trên đầu giường, chiếc điện thoại rời ra khỏi bàn tay chị rơi xuống giường. Anh nhặt điện thoại lên, vẫn mở ở trang “thơ trăm miền”, với bài thơ vừa viết dang dở, chưa kịp post, có nội dung: “Hôm nay bị ốm mất rồi/ Không biết mọi người có biết cho không?/ Như cây lúa trĩu nặng bông/ Chắt chiu phân bón ngoài đồng ấm no…”. Anh nhìn chị thấy thương xót trong lòng, nhưng anh lắc đầu ngao ngán, tự nói với mình rằng “sống ảo quá”, rồi đi xuống bếp nấu cơm chiều..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét