Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

BÁO HIẾU: AI KHIẾN ÔNG BÀ SINH RA CHÚNG TÔI?

Đang chăm chú đọc tài liệu chuẩn bị cho hội nghị  khách hàng của cơ quan, tôi giật mình khi nghe phía nhà bên cậu con trai quát bố mẹ: “Thì ai khiến ông bà đẻ ra chúng tôi? Chúng tôi là con cái hay là con nợ của ông bà, để ngày nào ông bà cũng ca bài ca “con cái bất hiếu”? Ông bà tưởng chúng tôi giàu có, sung sướng lắm hay sao? Mua được cái xe cho con đi học cũng phải vay nợ gần một nửa đấy. Ông bà thì sao? Hết góp tiền để ông bà mang về quê xây nhà thờ tổ để lấy tiếng, lại xây lại nhà, sắm ti vi mới, sa lông mới, giờ còn đòi đi du lịch Thái Lan. Nói thật, đến tôi đây, đi làm cả năm, chưa biết du lịch là gì, chưa biết Thái lan nó nằm ở đâu đây này…:”.
          Hóa ra lại chuyện con cái phải báo hiếu bố mẹ.
          Là người làm công tác xã hội, được đi đây đi đó nhiều, tôi thấy người  Việt Nam mình rất kỳ lạ. Phụ nữ lấy chồng, sinh con thì bảo: “Lấy chồng mất cả tuổi xuân, được lãi mỗi đứa con”. Đến một phụ nữ khó lấy chồng, cũng cố xin ai đó giúp cho mình “có một đứa con” để cho vui, sau này nhờ vả, nương tựa lúc tuổi già. Bố mẹ thì suốt ngày nói rằng: “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, khổ mấy cũng cố gắng cho con ăn học, không hẳn chỉ mong con sau này thành đạt, hạnh phúc, mà còn có ý sau này chúng nó công thành, danh toại, giàu có, sẽ hỗ trợ bố mẹ. Có đứa con vừa tốt nghiệp đại học, vừa hết hơi mới xin được vào làm ở một cơ quan, lương lậu chẳng bao nhiêu, vợ con chưa có, còn ở nhà thuê, thế mà đã được bố mẹ “giao nhiệm vụ”. Nào là: “bây giờ con phải có trách nhiệm với hai đứa em, hỗ trợ cho chúng nó ăn học, sau này con kéo chúng nó lên thành phố, làm việc cùng con. Bố mẹ vất vả cả đời, bây giờ phải đến lúc mở mày mở mặt với thiên hạ. Mọi việc bố mẹ trông cậy ở con”. Cậu con trai méo mặt, nhưng đành vâng vâng, dạ dạ cho bố mẹ yên lòng. Nhiều người vì gánh nặng gia đình, cố lo cho gia đình để được mang tiếng là “có hiếu” đã không dám lấy vợ, lấy chồng, bởi làm được bao nhiêu, tích cóp bao nhiêu cũng chưa đủ để bố mẹ “nghĩ ra việc” để tiêu hộ…
          Người xưa dạy, trong trăm cái đức, chữ hiếu đứng hàng đầu. Bên cạnh “trung quân, ái quốc”, thì “hiếu nghĩa” được đề cao. Biết bao câu chuyện cổ kể về những việc làm hiếu nghĩa của con cái dành cho bố mẹ. Nào là cô con dâu nghèo róc thịt đùi mình nấu cháo cho bố mẹ chồng ăn cho có chất bổ, khỏe mạnh. Nào là cậu con trai lao xuống vưc sâu, nước xoáy cứu cha mẹ, để cuối cùng chết tất cả. Để răn dạy các con cái phải để bố mẹ lên hàng đầu, người ta đã bày ra câu đố rất phi nhân tính, rằng: “nếu mẹ và vợ đều ngã xuống ao, có nguy cơ chết đuối, con chỉ cứu được một người, thì con sẽ cứu ai?”. Tất nhiên, nếu ai dám nói rằng sẽ cứu vợ, sẽ bị người đời lên tiếng rằng “con bất hiếu, đội vợ lên đầu”. Những bài dạy về chữ hiếu từ năm này qua năm khác đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ, nên mới có chuyện các anh chồng trẻ không ngại ngần nói thẳng vào mặt vợ rằng: “bố mẹ chỉ có một, vợ thì bỏ đứa này, lấy đứa khác, thiếu gì”. Thế là người vợ đầu gối tay ấp, chưa báo hiếu bố mẹ mình một ngày, đã lên xe hoa về nhà chồng, để rồi bị coi là “nữ nhân ngoại tộc”, là “công dân loại hai”, đứng sau bố mẹ chồng.
         
Tôi cũng cho rằng con cái cần báo hiếu cho cha mẹ, song phải tùy cảnh, tùy lòng tự nguyện của các con. Nếu con cái có điều kiện, các con tự nguyện hỗ trợ, lo  lắng cho cha mẹ thì đó là “cái phúc” của gia đình. Ngược lại, con cái cũng còn nhiều khó khăn, cha mẹ không nên đẩy gánh nặng lên vai họ. Suy cho cùng, sinh con, nuôi dưỡng, giáo dục cho con cái trưởng thành cũng là “cái nợ đồng lần”, chúng ta nợ cha mẹ mình và có trách nhiệm trả lại vào việc đầu tư cho con cái. Khi chúng ta là con, chúng ta đã nghĩ đến việc báo hiếu cho cha mẹ hay chưa, vậy mà khi làm cha mẹ, chúng ta đòi hỏi con cái phải báo hiếu cho mình? Đã không ít người con khi bị bố mẹ nhắc nhở đến viêc phải báo đáp côn lao nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, đã hỏi lại: “Thế bố mẹ đã lo cho ông bà nội, ngoại được cái gì mà lúc nào cũng đòi hỏi các con phải báo hiếu cho mình?”. Không ít ông bố,bà mẹ đã ngẩn người ra, im lặng, không biết nói thế nào khi bị con cái hỏi lại như vậy.
          Tôi cực lực phản đối những ông bố bà mẹ lúc nào cũng lấy quyền là cha, làm mẹ, kể công với con, gây sức ép tâm lý cho con cái, đòi hỏi con cái báo đáp bằng việc cung cấp tiền bạc, hay mua sắm tiện nghi, góp tiền cho bố mẹ chi tiêu và những việc lãng phí, không cần thiết, trong khi không hề biết con cái làm ăn đươc bao nhiêu, họ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” như thế nào mới kiếm được đồng tiền chính đáng. Sự báo hiếu lớn nhất của con cái đối với cha mẹ chính là sự trưởng thành, tự lập, tự lo làm ăn, sinh con đẻ cái, không là điều gì tổn hại đến thanh danh, uy tín của bố mẹ, không làm ăn phi pháp để liên lụy đến cha mẹ, không để người ngoài “réo tên bố mẹ ra chửi rủa”. Cao hơn nữa, con cái trưởng thành, làm nhiều điều tốt, khiến cha mẹ mở mày, mở mày, mở mặt với thiên hạ, thế là có hiếu lắm rồi.
          Người xưa dạy: “Chim trời ai dễ đếm lông/ Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày”. Dù chúng ta sinh ra con, vất vả để nuôi con ăn học, song đó là nghĩa vụ, trách nhiệm, cũng là niềm vui của chúng ta. Tại sao chúng ta lôi công lao ra để kể với các con, rồi yêu cầu các con “báo hiếu”?
          Trở lại câu chuyện của người hàng xóm nhà tôi đã kể ở trên. Thật ra, tôi không ủng hộ chuyện con cái ăn nói thiếu lễ độ với cha mẹ, song cũng phải nhìn nhận lại lý do tại sao con cái lại ứng xử như thế với cha mẹ mình? Phải chăng cha mẹ đã không phải khi đòi hỏi con cái báo hiếu quá mức cần thiết, quá khả năng cho phép của con, đẩy chúng vào cảnh khó xử, nên họ mới có những lời nói “vô lễ” với cha mẹ như vậy?
          Sinh con, nuôi con, giáo dục con là nghĩa vụ, trách nhiệm làm người, không phải là sự đầu tư cho tương lai. Đừng người cha, người mẹ nào suy nghĩ rằng “con cái là của để dành” của mình, để rồi sau này già cả, cứ ngồi đó mà hạch sách, yêu cầu, như nhà đầu tư đến lúc ngồi một chỗ thu hồi vốn và lãi!

Đinh Lăng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét