Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

ĐỪNG AI PHỈ BÁNG ĐỒNG TIỀN...

Tôi cực ghét những người ra vẻ đạo đức giả, trong giọng nói toát lên sự phỉ báng, coi thường đồng tiền, cứ làm như người đó chỉ cần “uống nước lã, hít không khí cũng sống” không bằng. Thấy ai bảo phải cố gắng đi làm để kiếm tiền, người đó dạy cho một bài học rằng: “tiền là cái quái gì, đồng tiền là đồng bạc, nó bạc bẽo lắm, nó làm khổ người ta, quan trọng là cái tình!”. Thấy ai xót xa vì mất tiền, người đó dở giọng an ủi kiểu: “chẳng sao, mất tiền là không mất gì, mất tình yêu là mất nhiều, mất niềm tin là mất tất cả!”. Nói cho vui tai, “nói lấy được” thì còn chấp nhận, chứ nói nghiêm túc kiểu ấy thì không ổn, nghe cứu giả tạo, điêu điêu thế nào ấy.

Người ta bảo, cuộc sống hôn nhân luôn đi kèm với “cơm, áo, gạo, tiền”, mà cơm, áo hay gạo cũng cứ có tiền là có hết. Suy cho cùng, cuộc sống gia đình gắn liền với mỗi một chữ “tiền”. Không có tiền, ra chợ ngửa tay xin cọng hành, đã chắc gì ai cho. Không nộp tiền điện một hai tháng mà xem, bên chi nhánh gửi thông báo cắt điện ngay. Cứ yêu nhau thắm thiết, nhưng nhìn nhau được bao lâu rồi lại thấy đói bụng, lại phải đứng dậy đi “kiếm cái gì bỏ bụng”. Lúc ấy mà không còn đồ ăn, túi lại không tiền, có ai còn yêu thương nhau nữa không hay lại nhìn nhau với “đôi mắt hình viên đạn?”.

Tòan xã hội phấn đấu cũng chỉ vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề xuất khẩu hiệu xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại với 8 chữ vàng là “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Không phải ngẫu nhiên mà bốn chữ “dân giàu, nước mạnh” được đặt lên hàng đầu trong mục tiêu phát triển đất nước. Cũng phải suy nghĩ, cân nhắc lắm người ta mới cho hai chữ “ấm no” lên hàng đầu trong 8 chữ vàng. Dân nghèo khổ, đói rét, đất nước có mạnh được không? Một gia đình nghèo túng, cơm chẳng đủ ăn, áo không đủ mặc, chỗ “chui ra chui vào” lụp xụp, có được gọi là gia đình hạnh phúc không?

Ở các nước phương Tây, hạnh phúc không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là một phạm trù có thể cân đong, đo đếm được. Để gọi là có cuộc sống hạnh phúc, người ta đã quy ra số ki lô oát giờ điện một người được tiêu thụ trong một tháng, thu nhập đầu người trong một năm, số ki lô mét đường, số bác sĩ, giáo viên, số mét vuông cây xanh công viên, số mét khối nước sạch trên đầu dân. Như vậy, hạnh phúc có thể “quy ra tiền”.

Trong cuốn sách “sống theo phương thức 80/20”, tác giả Richard Koch dành nhiều thời gian, tâm huyết luận bàn về mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc. Trả lời câu hỏi: “tiền có làm bạn hạnh phúc không?”, tác giả trả lời ngay “có, nếu bạn đang nghèo”. Chuyên gia Woody Allen từng nói: “Nếu chỉ nói về lý do tài chính, có tiền đương nhiên tốt hơn nghèo đói”. Nếu chúng ta đang chết đói hoặc vô gia cư, tiền có thể đem lại cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, các tác giả cũng cảnh báo khi bạn đã giàu có, thì có thêm tiền là một cạm bẫy, là gánh nặng, là lo sợ, là bất hạnh. Người giàu quá mà không biết sử dụng đồng tiền đúng cách, cũng có thể trở thành người hợm của, lúc nào cũng lo sợ mất trộm, sợ người khác chơi với mình là vì lợi dụng tiền bạc của mình. Người giàu quá cũng sợ ăn nhiều thì béo phì, mỡ máu, nảy sinh nhiều bệnh tật, chết sớm. Nói chung, “người giàu cũng khóc”.



Rất may, đa số chúng hiện nay chưa giàu, chưa nói đến đều thèm tiền, khát tiền để phục vụ cuộc sống tối thiểu, nên đừng sợ tiền. Tiền vẫn là công cụ giúp chúng ta có cuộc sống ấm no, bền vững, hạnh phúc, dễ chịu hơn. Đàn ông cảm thấy thiếu tự tin, khổ sở, mặc cảm, nhục nhã khi không làm ra tiền. Phụ nữ nhiều người chấp nhận không quản lý chồng quá chặt, chỉ cần anh ấy “lương đưa đủ, tối ngủ nhà” là tốt rồi. Như vậy, phụ nữ cần “nắm chặt đồng tiền”, còn đàn ông cố mà “làm ra tiền” để gia đình hạnh phúc hơn.

          Tiền không mang lại hạnh phúc, nhưng muốn hạnh phúc thì cần có tiền. Đó là “chân lý”, xin đừng ai coi thường, xúc phạm, phỉ báng đồng tiền!
Đinh Đoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét