Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

TÌNH DỤC: CHUYỆN DÀI NHIỀU TẬP 1

      Trong một lần tập huấn cho các cán bộ y tế của một tỉnh nọ về kỹ năng tư vấn chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tôi viết lên bảng một dãy số: 2, 5, 10, 4990, 5000 và yêu cầu mọi người suy nghĩ, tìm ra mối liên quan giữa các con số ấy. Sau 10 phút, có nhiều đáp án trả lời, nhưng mọi người cười ồ lên vui vẻ khi tôi đã đưa ra “đáp án chính thức”. Ai cũng bảo “hay nhỉ, thế mà từ trước đến nay mình đâu có nghĩ đến”
CHUYỆN LÀ THẾ NÀY
          Giả sử mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh hai con, mà theo tính toán của các bác sĩ, các nhà khoa học, thì chỉ cần 5 lần “đi lại” là có một lần người vợ có thể có em bé. Như vậy, để có đủ 2 con, mỗi cặp vợ chồng có sức khoẻ bình thường cần gặp nhau tối đa là 10 lần. Đây là con số đã tính “trừ hao” khá lớn, còn đối với những cặp vợ chồng “nhạy”, thì có khi chỉ cần 2 lần là có hai con ngay.
          Giả sử một cặp vợ chồng lấy nhau lúc 25 tuổi, họ có đời sống chăn gối đến lúc cả hai 55 tuổi, nghĩa là họ có đến 30 năm  để “làm chuyện ấy”. Tính trung bình, mỗi tuần một cặp vợ chồng gặp gỡ nhau 2 – 3 lần, thì trong 30 năm, họ đã gặp nhau đến  3000 lần.
Khi tôi hỏi các học viên, đều là các bác sĩ, cán bộ y tế, các cán bộ phường, xã rằng nếu lấy con số 3000 trừ đi 10 lần gặp gỡ với mục đích sinh con, còn lại đến 2990 lần vợ chồng gặp nhau để làm gì. Người thì bảo “vì tình yêu”, người cho rằng “cho vui vẻ”, nhiều người khẳng định là vì mục đích “vui chơi giải trí”.
           Khi mọi người đã bớt xôn xao về các con số, tôi đặt một câu hỏi: “Trong cuộc sống của chúng ta, có hoạt động “vui chơi giải trí” nào lại bền bỉ, lại hấp dẫn như “chuyện ấy”. Vậy tại sao chúng ta lại không đầu tư sáng tạo, không quan tâm đúng mức, hay không đánh giá hết tầm quan trọng của nó? Tại sao có lúc chúng ta đã cho nó là “chuyện bậy”, chuyện “không đáng nói”? Tại sao chúng ta lại bất công với “nó” thế?”. Mọi người im lặng.
          Khi tôi hỏi một câu hỏi nghe có vẻ ngớ ngẩn rằng: “Các anh các chị thường khám, chữa những bệnh gì?”. Mọi người đua nhau kể hàng trăm thứ bệnh. Nào là tim, gan, phổi, mật, dạ dày, da, xương, tócTuyệt nhiên không có ai kể những bệnh hay những trục trặc của “chuyện ấy”. Không lẽ “nó” là bộ phận vạn năng, vĩnh cửu hay sao mà không bao giờ hỏng hóc, trục trặc? Đa số bảo rằng nó cũng là một “cơ quan”, nó cũng giống như chân, tay, mắt, mũi, cũng bị bệnh, bị hỏng, nhưng đa số mọi người ngại đi khám bác sĩ, mà chủ yếu âm thầm chịu đựng, hy vọng nó tự khỏi hoặc tìm ông lang hay những bài thuốc dân gian để tự chữa. Lại một lần nữa chúng ta bất công với “nó” quá.
          Có ý kiến cho rằng chỉ có phương Tây mới chú trọng nghiên cứu và đề cao “chuyện ấy”, còn văn hoá phương Đông tế nhị, không cho rằng chuyện ấy là chuyện phải bàn. Nói như thế không thoả đáng. Cuốn “Kama Sutra” của Ấn Độ, những cuốn “Ngọc phòng bí quyết” , “Dưỡng sinh yếu luận”, “Phòng trung thuật” hay “Tố nữ kinh” của Trung Hoa đã đề cập đến những vấn đề này rất tỉ mỉ, dưới góc độ khoa học chứ không khai thác khía cạnh “tục” của chuyện ấy. Hiện nay các nhà tình dục học phương Tây đang phải nghiên cứu và học hỏi đấy thôi. Trong dân gian, có hàng trăm bài thuốc uống, rượu bổ, món ăn nhằm bồi dưỡng cho chuyện ấy. Những câu chuyện “tiếu lâm” cũ, những câu “đố tục giảng thanh” hay “đố thanh giảng tục” chẳng luôn là những câu chuyện được nhiều người chú ý sao? Thơ của bà Hồ Xuân Hương nếu không có cái ý “ỡm ờ”, chắc gì đã trở thành những bài thơ “để đời”?

          Lại nói chuyện hơn chục năm trước, khi nạn ốc bươu vàng ở các tỉnh Nam Bộ hoành hành, phá hoại hoa màu. Người ta phải dùng những biện pháp thủ công để bắt chúng để ăn, để bán, thậm chí để nuôi heo vì ốc quá nhiều, bán quá rẻ. Nghe đâu có một người “nhạy bén” trong làm ăn, đã tuyên truyền rằng ăn ốc bươu vàng có tác dụng “bổ dương, tráng khí”. Vậy là người ta đua nhau bắt ốc bươu vàng để bán cho các nhà hàng chế biến các món ăn trước là bình dân, mạt hạng, nay đã trở thành “bài thuốc”. Giá ốc bươu vàng tăng lên vòn vọt, và cũng nhờ thế mà những người cần cù bắt ốc cũng kiếm được chút ít tiền bạc, chuyện tiêu diệt ốc bươu vàng nhờ thế mà hiệu quả hơn. Ai dám bảo dân ta thờ ơ với “chuyện ấy”?
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét