Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

NGƯỜI ÁC KHẨU LÀ NGƯỜI ĐÁNG THƯƠNG...

      Những người ăn nói thô thiển, tục tĩu, ngoa ngoắt, thậm chị nói bậy bạ, nói không suy nghĩ, cốt cho sướng miệng, gọi chung là những kẻ “ác khẩu”. Ai cũng lên án những người ác khẩu, cho rằng đó là những kẻ xấu, gieo gió thì có ngày gặp bão. Nhưng có ai hiểu rằng chính những kẻ ác khẩu là những người rất đáng thương?
          Không ai sinh ra đã trở thành “kẻ ác khẩu”.
          Người ác khẩu thường cũng sinh ra, lớn lên trong môi trường gia đình lộn xộn, thiếu tin tưởng, thương yêu nhau. Từ bé, những người đó đã thường xuyên nghe những lời cay đắng, độc địa từ cha mẹ mình. Họ bị hắt hủi, bị rủa xả, nghe mãi quen tai, nên khi nghe những lời cay độc, họ không nghĩ người khác lại tự ái, đau lòng, bởi họ thấy “bình thường”.
          Người ác khẩu cũng là người cô đơn, yếu thế, bị bỏ rơi, ngược đãi. Họ bất lực trước sự đối xử thô bạo, bị người đời ghét bỏ, xa lánh, nên càng bực tức, cáu giận, bất an. Không có quyền lực với ai, chẳng khống chế ai bằng quy định nọ, chế tài kia, nên chỉ còn mỗi món “chửi đổng” làm vũ khí tự an ủi. Người ác khẩu cũng là người thua chị kém em, bất mãn với thực tại, nên nảy sinh trong lòng chút ghen ghét, kèn cựa. Họ cũng hay nghĩ mình là người không có tiếng nói gì trong gia đình và xã hội, nên thỉnh thoảng “gào to” cho mọi người biết mình còn tồn tại. Con chó bị đánh thì thường sủa lớn, cắn càn là vậy.
          Cảm giác bị thua thiệt, coi thường, ngược đãi, bất công, bỏ rơi, cô đơn mà không làm gì được, nên chúng bị dồn nén vào bên trong lòng, tạo ra những ẩn ức, giống như qủa bom, quả lựu đạn, chỉ chờ dịp là phát nổ. Ăn nói thô tục, ác độc đôi khi cũng là hình thức tự giải tỏa, tự sướng của người trong cuộc. Nguyên tắc “giận cá chém thớt”, nói ra cho hả dạ… là cơ sở tâm lý của thói “ác khẩu”.
          Nói tóm lại, người ác khẩu là người “thiếu đủ thứ”, kể cả tình yêu thương, sự tôn trọng. Vậy ứng phó với người ác khẩu phải là cho họ những thứ họ thiếu, chứ không phải đánh đuổi đến bước đường cùng. Nếu lấy xa lánh, lên án làm biện pháp ứng phó, chỉ làm cho cơn ác khẩu của người ta bùng phát lên cao hơn mà thôi. Không ai lấy gậy đánh chó để muốn chó im sủa!

          Hãy yêu thương, thông cảm với người ác khẩu, hãy tạo cơ hội để họ được thể hiện, được đề cao. Khi bình tĩnh, chỉ giúp họ thấy việc họ ác khẩu đã hại người khác và hại chính bản thân họ ra sao, để họ tự nhận ra “họa từ miệng mà ra”, để tự thay đổi. Họ có nói với mình những lời độc địa, cũng không nên nói lại bằng những lời “đau hơn’, bởi làm như vậy, bạn đã lấy cái ác, trị cái ác, lấy bạo lực để trừng phạt bạo lực, khẩu ác chỉ leo thang hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét