Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Đinh Đoàn kể chuyện 9: TÂM LÝ ĐÁM ĐÔNG - HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ HỌC KỲ THÚ

       Các nhà tâm lý học đã làm thí nghiệm như sau: Họ cho hai nhóm thanh niên, mỗi nhóm khoảng hai mươi người vào hai phòng tách biệt. Họ mang đến cho hai nhóm đó cùng một thứ nước uống tinh khiết. Nhóm thứ nhất, chỉ được mời nước, không được giải thích gì thêm. Nhóm thứ hai, trong số hai mươi người, có mười hai người được “cài cắm” sẵn, khi uống nước tinh khiết phải nói “nước có vị hơi ngọt”. Sau khi uống nước, hai nhóm thanh niên được hỏi “nước thế nào?”. Kết quả thật bất ngờ, 100% thanh niên ở nhóm thứ nhất khẳng định đây là nước tinh khiết, không mùi vị gì. Nhưng nhóm thứ hai, có tới mười sáu người khẳng định “nước có vị hơi ngọt”, như vậy, ngoài số người được chỉ định trước phải nói như kịch bản, có tới bốn người nữa cũng khẳng định “nước ngọt”. Có thể họ cũng nhận ra nước không có vị gì, song thấy người ta đua nhau nói ngọt, không lẽ mình lại “khác người”, thế là đành a dua, nói theo số đông để không bị coi là “lạc lõng”. Đó là hiệu ứng của tâm lý đám đông.
          Trong số hàng nghìn thanh niên chen lấn, xô đẩy để vào ăn một món nào đó, chắc gì tất cả đều thích món ăn đó, song thấy người ta “túm đen túm đỏ”, nghĩ là có điều gì đó thú vị, nên cũng ùa vào theo. Có hàng nghìn những lời bình luận (comments) trên mạng sau một bài viết nào đó hay một câu status trên facebook của một ai đó, chắc gì tất cả đã đọc bài viết hay hiểu ý nghĩa của câu status đó, song thấy người ta phê phán, chê bai hay khen ngợi, mình cũng phải “vào hùa” khen ngợi hay chê bai. Không ít người khen, chê dựa vào thái độ của những người trước đó. Có nhiều trường hợp xảy ra bút chiến giữa các nhóm thanh niên vì những lời nhận xét khác nhau, đi quá xa so với những gì bài viết đề cập.
         Trong thực tế, khi cần biểu quyết một vấn đề quan trọng nào đó, người ta ít dùng biện pháp “giơ tay”, bởi trong đám đông (hội trường, hội nghị,…), nhiều người giơ tay sau khi đã quan sát xem “đa số người ta làm gì thì mình làm thế …”, chứ thực ra không có chính kiến cá nhân. Hình thức bỏ phiếu kín vẫn đáng tin cậy hơn biểu quyết giơ tay, vì ít chịu tác động của tâm lý đám đông.

       Đứng trong đám đông reo hò, người vốn nhút nhát có thể mạnh dạn hò reo khản cổ. Đang đi đường, thấy một đám đông làm một việc gì đó, không ít người ban đầu dừng lại tò mò, sau bị tâm lý đám đông cuốn đi, nhập cuộc luôn, khiến đám đông trở nên đông hơn.             Đi trong biển người hô vang khẩu hiệu yêu nước, ta thấy lòng rạo rực, lâng lâng cảm xúc, rồi cùng sẽ góp thêm một tiếng hô. Đi  trong dòng người đưa tang đang nức nở, tự nhiên ta thấy sống mũi cay cay, nước mắt chỉ trực trào ra, dù thật lòng ta chẳng có quan hệ thân thiết gì với người đã khuất, thậm chí không biết đó là ai.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét