Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Đinh Đoàn kể chuyện 7: VẠN SỰ TÙY DUYÊN...

         Một cô gái trẻ, đẹp, quyết tâm lấy một ông già tỉ phú thì người đời rất dễ giải thích, rằng "chúng nó yêu đương gì", con trẻ thì ham của, thằng già thì hám sắc.
          Một anh chàng cao ráo, đẹp trai, học hành tử tế, nhưng cuối cùng kết hôn với cô gái hình thức trung bình, học hành dang dở, tính nết cáu cẳn, nhưng nhà lại ở thành phố, nhà vợ nằm trong diện giải tỏa, được đền bù tiền tỉ và nhà gái hứa sẽ cho vợ chồng cô con gái mảnh đất và vài tỉ làm vốn ban đầu. Ai cũng hiểu, cuộc hôn nhân này vì tiền, vì đất.
          Một cô gái còn trẻ, lấy một ông người Đài Loan, Hàn Quốc già ngang tuổi ông nội mình, nhưng nhà gái được bên nhà trai "hỗ trợ" một số tiền sửa nhà, mua sắm đồ đạc, đồng thời cưới xong, cô gái sẽ "theo chồng về bên đó", hy vọng có cuộc sống đổi đời. Điều này ai cũng hiểu, bởi lý do rất rõ ràng...
          Tuy nhiên, trong thực tế đời thường, có những trường hợp "không thể nào giải thích nổi". Một người đàn ông mù mà lấy đến 4 – 5 người vợ cùng một lúc, các bà vợ lại rất đoàn kết, yêu thương nhau, cùng nhau đi làm để nuôi chồng chung. Một người đàn ông ở Hải Phòng, được gọi là "anh chàng một mẩu", bởi anh chỉ cao hơn một mét. Nhà nghèo, kinh tế khó khăn, chẳng tài cán gì, vậy mà trong một thời gian ngắn, anh đã có tới 3 đời vợ, sau đó còn rất nhiều người phụ nữ muốn dược "kết tóc xe tơ" với anh, mặc dù các chị ấy đều khỏe mạnh, bình thường, cao ráo, sáng sủa, làm ăn khéo léo, chẳng phải thuộc dạng "gái ế" gì.
          Một cô gái trẻ, xinh, học thạc sĩ, bao nhiêu chàng trai là dân thành phố, có người học ở nước ngoài về, có người làm ngân hàng, lương tháng bốn, năm chục triệu, có nhà cửa, có xe riêng... đều bị cô từ chối tình yêu. Rồi cô đem lòng thương yêu một người đàn ông đen nhẻm như than Quảng Ninh, ăn nói vụng về, lương ba cọc ba đồng, quê thì ở xa, nhà còn một đống em nhỏ đang đi học, nói chung là "nặng nợ". Bố mẹ cô bảo "đúng là ngu", bạn bè thì bảo "tao chẳng hiểu mày ăn phải bùa mê thuốc lú gì của nó mà lấy cái thằng ấy", còn những người rỗi việc, xấu miệng thì nghi cô tham thằng ấy vì "của nó to, người nó khỏe". Riêng cô chỉ cười, bảo rằng "em cũng chẳng biết tại sao em lại yêu anh ấy".
          Khi con người đứng trước những hiện tượng lạ, khó giải thích bằng lý lẽ thông thường, thì đành giải thích bằng hai chữ "duyên số".
          Chuyện kể rằng có một anh chồng tốt nết, thương vợ, yêu con. Cuộc sống đang êm ả, đùng một cái người vợ vốn rất hiền lành, đảm đang, tốt nết đi chợ xa, rồi gặp một người đàn ông bán thịt lợn ở chợ. Họ đem lòng yêu thương nhau. Chị vợ về làm đơn bỏ chồng, để đi theo anh chàng bán thịt lợn ấy. Anh tưởng vợ bị lừa, ra sức khuyên nhủ, nhưng vợ vẫn quyết tâm dứt áo ra đi. Anh chồng đến gặp người đàn ông bán thịt, xem anh ta "có cái gì" khiến vợ mình mê muội, đánh đổi tất cả để theo, anh bán thịt nói chuyện rất đàng hoàng, rằng tôi chẳng có gì cả, cô ấy cứ bảo thương yêu tôi, tôi cũng cảm động vì tình cảm của cô ấy, còn cô ấy quyết định thế nào là việc của cô ấy, tôi tôn trọng, không dám phá đám, xen ngang vào cuộc sống gia đình anh.
          Thấy khó hiểu, anh chồng đi tìm thầy sư trong nhà chùa để hỏi cho rõ ngọn ngành. Thầy chùa giải thích rằng: "Kiếp trước, cô ấy bị tai nạn, nằm bên đường. Anh đi qua, đã đắp cho cô ấy cái manh chiếu, cô ấy mang nợ anh. Nhưng sau đó, người đàn ông kia đến, đã mang cô ấy đi chôn cất, đắp điếm mồ mả tử tế, nên cái nợ còn nhiều hơn anh. Kiếp này, cô ấy làm vợ anh mấy năm, coi như đã trả xong nợ kiếp trước. Giờ cô ấy đi tìm người cô ấy nặng nợ hơn để tiếp tục cuộc tình duyên này, để được trả món nợ lớn hơn với anh kia". Có thể lời giải thích chỉ là cách an ủi, động viên người chồng đang đau khổ, nhưng dù sao cũng khiến anh yên lòng phần nào, rằng "duyên nợ đôi mình có thế thôi", để không mang cái hận trong lòng đến tận cuối đời.
          Phật cũng dạy, vợ chồng đến với nhau là cái "duyên", ở với nhau là do có "nợ", ở một thời gian chia tay nhau là vì "nợ chỉ có thế, đã trả xong". Có đôi hết duyên, chia tay năm lần, bẩy lượt, tưởng rằng "đứt hẳn", vậy mà đùng một cái lại nối lại tình cảm và làm đám cưới, đó là "còn nợ", nên dù xa nhau thế nào cũng phải gặp nhau để trả.

          Tin hay không chuyện duyên nợ là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, cuộc sống luôn luôn có những điều kỳ diệu, thậm chí bất thường xảy ra, khiến con người ta phải nghĩ đến chuyện có duyên, có nợ. Khi gặp những khổ đau, bất trắc, đừng nghĩ tới những gì tiêu cực, đừng mang trong lòng oán trách, hằn thù, đừng ghen tuông mù quáng để có những hành động không hay. Hãy nghĩ đến chuyện hết duyên, hết nợ để lòng ta thanh thản. Ai cũng chỉ có một cuộc đời, hết duyên với người này, rất có thể lại gặp một duyên mới. Không còn nợ với người này, rất có thể ai đó, ở đâu đó đang đợi ta để "đòi nợ" đời. Cứ nghĩ thế cho thanh thản bạn nhé!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét