Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Đinh Đoàn kể chuyện 16: TÔI ĐÃ LY DỊ NGƯỜI CHỒNG NHƯ THẾ.

“Con hâm” là cái tên mọi người trong gia đình đặt cho tôi khi tôi quyết định ly dị chồng. Tôi nói chuyện này với cô bạn thân, cô ấy cũng buột miệng nói luôn “con hâm”. Mấy chị trong cơ quan nghe tin này thì bình luận: “Đúng là sướng quá hóa rồ. Có người chồng như thế mà còn đòi ly dị thì không biết mày còn định lấy ai? Đúng là “con hâm”. Cái biệt danh “con hâm” của tôi có từ ngày đó. Tôi chấp nhận cái tên ấy mà không hề tự ái.      Tôi ly dị chồng đã hai năm, cho đến giờ tôi và anh ấy vẫn còn sống độc thân, thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm nhau, nhưng tôi không hề ân hận về cuộc chia tay này. Trước tòa tôi chỉ đưa ra một lý do là vợ chồng chúng tôi không hợp nhau, nên không có hạnh phúc. Nhưng cả gia đình, bạn bè, cơ quan không ai tin chúng tôi lại bất hạnh. Nhiều người thèm muốn cái hạnh phúc của chúng tôi: hai vợ chồng trẻ, chưa vướng bận con cái, cùng làm cơ quan nhà nước, đời sống kinh tế ổn định. Vợ chồng tôi không to tiếng với nhau bao giờ. Khi tôi một mực đòi ly hôn, có người ngờ rằng tôi “ăn phải bả thằng nào đó” hay chồng tôi lăng nhăng, bồ bịch, nhưng do tôi giữ thể diện cho chồng nên không nói ra. Họ nghĩ thế cũng phải, vì nhìn bề ngoài chúng tôi rất hạnh phúc.
          Chồng tôi không nghiện ngập thứ gì ngoài cơm tẻ và nước lọc. Hàng ngày đi làm về là anh lao vào lau nhà. Một buổi lau nhà của anh kéo dài dến hàng tiếng đồng hồ. Nhìn cảnh anh lau đi lau lại hai ba lần, mân mê chùi từng cái chân tủ, chấm từng hạt bụi nhỏ trên mặt bàn, tôi có cảm giác anh đang say mê sáng tạo với công việc này và nó là thú vui của anh. Khách đến nhà là anh đón ở cửa, chỉ cho họ chỗ để dép và hướng dẫn họ chùi chân vào thảm. Họ chẳng may sơ ý hút thuốc để tàn rơi xuống nhà, thì dù câu chuyện đang hồi gay cấn đến đâu, anh cũng bỏ đấy để đi lấy giẻ lau chỗ tàn thuốc vừa rơi xuống. Anh là người thích quản tiền trong gia đình, tôi cũng để cho anh được niềm vui ấy. Mỗi lần đi chợ về mua hết bao nhiêu, còn bao nhiêu, anh đều mở máy vi tính để vào “sổ thu chi”. Có lần tôi đi công tác, anh đưa cho tôi chiếc đồng hồ đeo tay. Khi tôi đã ngồi trên ô tô, anh còn dặn với theo “giữ cẩn thận cái đồng hồ đấy nhé, mua nó gần năm trăm ngàn đấy”. Rủi cho tôi lần ấy tôi lỡ làm mất chiếc đồng hồ và anh đã cằn nhằn với tôi cả tháng. Một lần hai vợ chồng đi ăn phở, tôi gọi phở bò, anh gọi phở gà. Một lúc sau chủ quán bưng ra hai bát phở bò, xin lỗi vì phở gà đã hết, và mong anh dùng tạm. Thế mà anh mắng mỏ chủ quán, kiên quyết không ăn, không trả tiền bát phở trên. Tôi đã không nuốt nổi bát phở đang ăn dở mặc dù tôi đang rất đói và lạnh. Tôi không tin người đàn ông ngồi đối diện với mình là anh. Sau đó đi trên đường, chúng tôi dừng lại mua một cân cam để thăm người ốm. Cầm túi cam, anh đi ngay sang cửa hàng đối diện bên đường nhờ một người bán hàng giúp cân lại. Thấy thiếu một lạng, anh quay lại, đòi người bán cam phải bù cho anh… một quả. Nhờ thế mà chúng tôi có thêm một quả cam, nhưng anh đâu có biết cô gái bán hàng nói gì về anh khi tôi đứng chờ anh đi kiểm tra lại túi cam đâu. Tôi không dám nói lại với anh những lời đó, tôi chỉ cảm thấy nóng ran người, muốn chỗ tôi đang đứng thụt xuống để tôi biến mất.
          Thật ra, vì yêu anh, tôi cố bào chữa cho những điều nói trên là do tính anh “căn cơ”, cẩn thận, càng tốt cho cuộc sống gia đình. Nhưng rồi mọi thứ trong tôi vỡ òa vào hôm chúng tôi ngồi trong một quá cà phê ven hồ. Thấy có nhiều đôi trai gái âu yếm nhau trong quán, anh cũng kéo tôi vào lòng. Tôi ngoan ngoãn làm theo. Đang ngất ngây trong vòng tay của anh, tôi vẫn đủ tỉnh táo để nghe thấy anh quát cậu bé bán kẹo cao su đang đứng bên cạnh mời anh mua giúp một phong kẹo. Cậu bé còn cố nài nỉ với giọng tội nghiệp thì bị anh co chân đạp một nhát khiến cậu bé ngã dúi dụi. Tôi vùng dậy, thoát ra khỏi vòng tay anh, chạy lại đỡ cậu bé dậy và dúi vào tay cậu ấy 10 nghìn đồng. Cậu bé cảm ơn tôi, nhưng không nhận tiền với lý do: “Cháu đi bán hàng chứ không phải ăn xin!”.
          Sau hôm đó tôi buồn, song lại cố thanh minh rằng “anh nóng tính, thằng bé lại kèo nhèo trong khi anh và tôi đang tình cảm, nên anh lỡ làm thế, chứ thật ra anh không đến nỗi nào”. Nhưng ngay ngày hôm sau tôi phát hiện trong máy tính của anh bản kê khai chi tiêu trong tháng. Đọc chi tiết, tôi thấy có đoạn như sau: “Ngày 25 tháng 5: Đưa bà ngoại đi chơi Hồ Tây, ăn bún ốc: 20.000đ (hơi đắt); Chụp ảnh cho bà ngoại 3 kiểu ở Lăng Bác, 1 kiểu ở Bờ Hồ: 60.000đ ( lãng phí); Gửi xe máy 2 lần: 15.000đ (quá đắt). Tổng cộng: 95.000đ”. Tôi không ngờ anh lại chi tiết đến thế. Tối đó tôi buồn, nhưng lại bào chữa rằng: “tại vì anh là con nhà nghèo, sinh ra ở vùng quê nghèo khó, từ nhỏ vất vả nên rèn luyện nên tính căn cơ”.
          Tôi không biết lý do chính xác tôi quyết định ly hôn anh là gì, nhưng có thể là tổng hòa những điều thất vọng của tôi về anh. Song như giọt nước làm tràn ly nước vốn đã đầy chính là hôm chúng tôi đi lễ ở Đền Gióng. Thấy lấy nhau gần một năm chưa có con, mẹ tôi nhắc nhở chúng tôi quan tâm tới vấn đề tâm linh, chịu khó đi lễ bái chùa chiền, đình miếu, kêu cầu các ngài phù hộ. Ngày Chủ nhật anh đưa tôi sang Đền Gióng. Trên đường tôi định dừng lại mua hoa quả, tiền vàng để thắp hương. Anh bảo: “không việc gì phải lãng phí vô ích, em cứ thắp hương và đóng tiền công đức để nhà đền chi tiêu vào những việc có ích hơn”. Tôi nghĩ cũng phải, nên nghe theo. Tới đền, anh móc túi tờ một trăm, đến bàn ghi công đức. Anh ngồi cạnh ông thủ nhang đọc cho ông ấy ghi rành rọt, đầy đủ thông tin về chúng tôi như tên, tuổi, số nhà, đường phố… Anh cầm tờ giấy ghi công đức và chìa tờ tiền một trăm về phía ông thủ nhang. Ông thủ nhang chỉ cái hòm đặt ở phía xa và nói: “anh cứ tự tay bỏ tiền vào thùng, chúng tôi không cầm tiền, tâm xuất phật chứng mà!”. Anh đi về phía hòm công đức, ngoái lại nhìn, thấy ông thủ nhang đang bận ghi công đức cho người khác, anh không bỏ tiền vào hòm, mà nhanh tay đút vào túi quần mình rồi đi thẳng. Đáng ra tôi phải chạy lại nhắc anh không được lừa dối thần thánh, nhưng chẳng hiểu sao lúc đó tôi không muốn làm công việc đó. Có lẽ tôi đã thật sự buông xuôi.
Thú thật, với tôi, anh rất tốt. Lúc nào anh ấy cũng nhẹ nhàng, tỏ vẻ quan tâm, có lúc hào phóng với tôi. Giá tôi là cô bé ngốc nghếch, hoặc còn non dại, tôi sẽ chỉ nhìn thấy cách anh ứng xử với tôi mà bỏ qua tất cả. Nhưng tôi lại tỉnh táo, tôi nhận ra thái độ anh đối xử với mọi người, với mẹ tôi, với cô bán phở, bán cam, với chú bé bán keọ cao su và với thần thánh mới là con người thật của anh. Không biết có phải tôi khắt khe quá không, nhưng tình cảm trong tôi cứ nguội dần. Có thể với nhiều người, anh là người tốt, nhưng tôi không thể nào chịu đựng được cái tốt, cái cẩn thận, chỉn chu, chi ly, ti tiện của anh  hơn được nữa. Đi với anh lúc nào tôi cũng chuẩn bị sẵn tinh thần để “ngượng mặt”. Tôi mất dần bạn bè và thấy sự khi ở gần anh. Thế là tôi quyết định chia tay anh khi chúng tôi chưa vướng bận con cái. Với tôi, đây cũng là sự tỉnh táo, còn với mọi người, tôi là một “con hâm”.
Anh mãi mãi không bao giờ biết lý do tại sao tôi ly hôn anh. Có thể  với anh, tôi cũng là một “con hâm”.
Đinh Thủy



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét