Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Đinh Đoàn kể chuyện 12: RA ĐƯỜNG HỎI GIÀ...

Người xưa dạy "ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ'. Tôi đã đạp xe lòng vòng quanh các phố phường Hà Nội vào buổi sáng mùa hè để mong gặp được những người già dậy sớm tập thể dục. Gặp một cụ già khoẻ mạnh, nét mặt thanh thản đang ngồi nhìn mây bay.
- Tôi: Chào cụ, sao cụ dậy sớm thế này?
- Cụ già: Mỗi con người có một "tài khoản thời gian hữu hạn". Còn trẻ, sống sao chẳng được. Người già đã đứng trên sân của nhà ga cuối cùng của hành trình đời người, nên thời gian còn rất ít, nên quý. Tôi không nỡ lãng phí thời gian còn lại vào việc ngủ, uống trà, uống rượu khề khà, mà để tận hưởng niềm vui của cuộc đời.
- Tôi: Cụ sống một mình à? Con cái cụ đâu?
- CG: Sao lại một mình?  Tôi cũng có vợ, có con. Các con, cháu tôi đều trưởng thành, là công dân tốt. Đứa nào cũng có việc của mình, có nhà cửa đàng hoàng. Tôi không sống với con cháu, tôi sống ở nhà tôi.
- Tôi: Cụ có thấy đời vui không?
- CG: Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng. Nghĩ là vui, đời sẽ vui. Cho rằng buồn, đời sẽ buồn.
- Tôi: Người ta nói chỉ có tiền đời mới vui được. Cụ có thấy vậy không?
- CG: Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Tiền là thứ khi sinh ra ta chưa có, khi chết ta chẳng mang đi được. Nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.
- Tôi: Người ta nói con cái là của để dành của cha mẹ. Cha mẹ sinh con, nuôi con là mong cuối đời được con báo đáp. Cụ không cho là vậy sao?
- CG: Sinh con, nuôi con là cái nợ đồng lần, đến loài vật còn làm được. Nhưng không có loài vật nào mong khi già có con cái nuôi nấng. Niềm vui của cha mẹ chính là thấy con trưởng thành, bay cao, bay xa. Con chim mẹ cũng vui sướng khi thấy chim con bay đi không quay trở lại nữa. Nó cảm thấy chưa hoàn thành sứ mạng của một "kiếp chim" nếu thấy chim con cứ quẩn quanh bên mẹ.
- Tôi: Vậy theo cụ, người già trông cậy vào ai?
- CG: Khi trẻ, người ta chăm sóc, nuôi nấng con mình, nhưng khi về già thường trông cậy vào con người khác.
- Tôi: Con người khác ư? Là ai vậy?
- CG: Đó là người bạn đời, là vợ, là chồng mình. Vợ hay chồng là "con người khác" chứ đâu phải con mình, vậy mà lại nhờ nhau được nhiều hơn con mình đấy. Tuy nhiên, nếu vợ hay chồng cũng già cả, khó khăn, yếu ốm như mình thì đâu có nhờ được, khi ấy lại phải trông nhờ vào một thứ "con người khác" nữa, đó là "dịch vụ".
- Tôi: Nhưng nhờ vào dịch vụ, hay nhờ người giúp việc thì phải có tiền.
- CG: Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy là an toàn nhất. Mới nghe có vẻ "bạc bẽo", nhưng sự thật lại thường là như vậy.
- Tôi: Xin hỏi cụ, cụ có hạnh phúc không?
- CG: Lẽ thường ở đời, người ta ít quý trọng những thứ người ta có, cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thật ra, sự sung sướng và hạnh phúc vào cuộc đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
- Tôi: Cụ đã thưởng thức niềm vui cuộc đời ra sao?
- CG: Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống. Tập suy nghĩ lạc quan rằng "trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình". Ai biết đủ thì lúc nào cũng vui.
- Tôi: Người già có cần bạn bè không?
- CG: Có một, hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc. Con người ta chịu đựng, hoá giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thày thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào.
- Tôi: Một số người già thường hoài cổ, nghĩ nhiều về những sai lầm quá khứ, quá dằn vặt lương tâm, sống không thanh thản. Cụ nghĩ sao về họ?
- CG: Đến lúc già mà chưa giàu thì đừng mong giàu. Tuổi cao mà chưa có chức tước, địa vị thì cũng đừng chờ trông. Nếu đã có sai lầm thì cố gắng mà khắc phục. Nếu bạn đã cố hết sức làm cũng không thay đổi tình trạng, không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng điều gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt là thế.
- Tôi: Cụ nghĩ sao về cái chết? Có đáng sợ không?
- CG: (Cười) Trời gọi ai người ấy "dạ", có ai bất tử đâu!!!
Đinh Đoàn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét