Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

TƯ DUY TÍCH CỰC KHÔNG PHẢI LÀ ... TÍCH CỰC TƯ DUY

Hôm vừa rồi, trong một khóa đào tạo giáo viên dạy kỹ năng sống cho trẻ em, đến phần "Tư duy tích cực" (positive thinking), tôi hỏi các thầy, cô giáo: "Theo anh, chị, tư duy tích cực là gì?". Thật bất ngờ, 80% giáo viên trả lời "tư duy tích cực là tích cực tư duy, là không lười suy nghĩ, lúc nào cũng suy nghĩ...". Bỏ mẹ!

Thật ra tư duy tích cực là một kỹ năng sống, một lối sống, một cách nhìn đời. Tư duy tích cực được diễn đạt nôm na là trước bất cứ sự việc, hoàn cảnh, sự vụ, hiện tượng nào xảy ra trong cuộc sống, chúng ta phải nhìn nó (tập để có cách nhìn nó) theo hướng phát triển, đi lên, phải nhìn vào những điều tích cực, những thứ còn lại. Ngược lại với tư duy tích cực là tư duy tiêu cực, tức là chỉ nhìn được mặt trái, những điều đã mất, quá khứ qua rồi...

Lấy ví dụ, nếu tôi chẳng may làm đổ một nửa chai nước. Tôi sẽ phải nghĩ rằng "mình may quá, vẫn còn nửa chai nữa", "cũng may chai bằng nhựa chứ bằng thủy tinh thì đã vỡ tan rồi", "may mà nền nhà lát bằng gạch, đá, nên lau một tí là nó khô, chứ mà nền trải thảm thì ... còn nhục nữa"... Nhìn thấy mấy cái may mắn trong việc đổ nửa chai nước, tôi chẳng việc gì phải bực tức, cau có, chửi chó mắng mèo, không ảnh hưởng gì tới tâm trạng, công việc của tôi ngay sau đó. Người có tư duy tiêu cực thì càu nhàu, kêu rằng hôm nay không may, quay sang đổ lỗi cho mình, cho người đã mang cho mình chai nước... Anh ta có chửi trời cả ngày thùi nửa chai nước mất đi không lấy lại được nữa. Thêm vào đó, anh ta tự làm hỏng tâm trí mình, ảnh hưởng tới tâm lý, công việc, cuộc sống. 

Tất nhiên, tư duy tích cực không phải là kiểu tư duy AQ, tư duy cùn, tư duy buông xuôi. Cái gì cũng có giới hạn của nó. Ngã xe, hỏng xe, nhưng bản thân không bị thương thì có thể suy nghĩ tích cực rằng "của đi thay người", "vận hạn thế là còn nhẹ". Nhưng nếu khốn nạn tới mức bị đuổi việc mà dùng tư duy tích cực, tự an ủi rằng "may quá, khỏi phải đi làm"... thì hỏng rồi.

Tập huấn giáo viên huyện Đà Bắc, Hòa Bình
về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (5 - 2017)

Đinh Đoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét