Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

CON GÁI MUỘN CHỒNG VÌ CÓ BỐ QUÁ ... CHUẨN

Cô gái tên Phương đã 32 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Pháp về, đang làm trưởng phòng của một ngân hàng lớn, lương tháng gần 20 triệu, nói tiếng Anh, Pháp đều giỏi, giao tiếp với người nước ngoài thành thạo, đồng nghiệp yêu mến, thủ trưởng tin tưởng. Vậy mà bố mẹ cô, nhất là bà mẹ, đêm ngày lo lắng, bởi cô chưa có người bạn trai nào lọt vào vòng trong, để hy vọng ông bà sớm có con rể.
          Hồi đầu, bố mẹ Phương cho rằng cô ham học, ham làm, ham đi du lịch, nên chưa muốn yêu và lấy chồng, sợ có chồng rồi sẽ mất tự do, không còn thời gian để sống với những niềm đam mê cá nhân. Nhưng sau này, thấy con gái cũng có nhiều chàng trai theo đuổi, bố mẹ cô cũng mừng, hồi hộp chờ đợi. Tiếc thay, anh nào đến tìm hiểu một thời gian ngắn, rồi cũng rút dần. Những chàng trai đến với Phương cũng “không phải là dạng vừa đâu”, cũng đều có học hành, kẻ nước ngoài, người trong nước, có anh nhà con một, chưa vợ mà đã nhà riêng to đùng, đầy đủ tiện nghi, ô tô con, vậy mà không anh nào bén duyên với Phương. Mẹ Phương bắt đầu lo lắng. Bà nghĩ Phương cao số vì tuổi dần, đi xem bói, các thầy bảo “quý cô tuổi dần” là muộn chồng lắm, bà lại càng lo. Bà nói xa nói gần, bảo con gái “phiên phiến thôi, đừng kỹ tính quá”, nhưng cô con gái vẫn bình chân như vại, bảo với bố mẹ rằng: “con có kiêu căng gì đâu, nhưng chẳng anh nào làm cho con rung động”.
          Rồi đến lượt bố Phương vào cuộc, cũng là do tác động, thúc bách của người mẹ. Ông bắt đầu “chiến dịch” kén rể. Những anh chàng nào kha khá, là nhân viên, cấp dưới của ông, ông đều tạo lý do để đi lại nhà ông, xem con gái có ưng anh nào không. Sau ông chuyển sang kết nối với những người bạn, đồng nghiệp có con trai ngang ngang hay hơn tuổi con gái ông, rồi đôi bên bàn bạc, hy vọng sẽ làm thông gia với nhau, nhưng kế hoạch nào cũng thất bại. Sau ông bố cũng bắt đầu chán nản, nói với vợ: “thôi, kệ nó, bây giờ con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy, lo cũng chẳng được, quan trọng là nó”.
          Người bố nản chí, nhưng người mẹ thì không. Bà nói chuyện với nhiều người, mỗi người một ý kiến, khiến bà lo lắng. Người thì bảo hay là “nó đồng tính, đi học nước ngoài dễ lây nhiễm cái bệnh này lắm”. Người thì cho rằng Phương có “người âm theo”, phải làm lễ cắt tiền duyên. Người thì nhắc phải đưa “nó” đi gặp tư vấn tâm lý xem có khúc mắc gì trong tâm tư, tình cảm không, chứ con gái 32 mà cứ dửng dưng với giai là “có vấn đề”.
          Cắt tiền duyên thì bà mẹ tự làm, giấu kín con gái, sợ “nó biết, nó làm ầm lên”. Chuyện có đồng tính không thì không ai biết, nhưng bà mẹ tin rằng con mình vẫn nữ tính lắm, nhiều bạn trai, không thấy thân với cô bạn gái nào. May quá, là cô gái Tây học, hiện đại, nên khi mẹ chắc chuyện gặp tư vấn tâm lý, cô con gái nói ngay: “OK, để con tự đi, không cần mẹ chỉ dẫn, con hiểu chuyện này mà”.
          Tâm sự với chuyên viên tư vấn, cô gái tên Phương thú nhận: “Em không biết có sao không, nhưng thú thật, em thấy đàn ông bây giờ nhạt nhẽo lắm. Kẻ thì khoe của, người thì chỉ giỏi chém gió, người thì tự mãn, tự kiêu, có người thì quá thực dụng, vừa quen vài ngày đã nghĩ đến đi nhà nghỉ xem có hợp không. Anh nào cao to, khỏe mạnh thì lại thô vụng quá. Anh nhỏ nhắn, thư sinh thì yếu đuối hơn cả con gái, chẳng có chính kiến, lập trường gì cả. Em thú thật, từ nhỏ em đã ngưỡng mộ bố em. Bố em là mẫu người hoàn hảo, không có gì có thể chê trách được. Mẹ em thật là hạnh phúc khi lấy được người chồng như bố em. Khi em học lớp 12, em cũng đã có bạn trai, nhưng em hay để ý đến những anh bạn nào có nét giống bố em, em mới chơi. Em ao ước lấy được người chồng chỉ được bằng nửa bố em là đã tốt lắm rồi, nhưng càng tìm hiểu sâu, càng thất vọng”. Cô tâm sự tiếp: “Có lẽ cũng một phần vì em sinh ra, lớn lên trong một gia đình tràn ngập yêu thương, hạnh phúc. Mẹ em cũng là người phụ nữ tuyệt vời. Năm nay mẹ em cũng về hưu, nhưng em vẫn nhìn thấy nét trẻ trung, hiện đại của mẹ, không hề thấy dấu hiệu của “cụ về hưu”. Em cứ nghĩ một mai lấy chồng, rời vòng tay bố mẹ, đến với một gia đình khác, họ không giống bố mẹ em, em không thể nào chịu được. Tại sao em sống yên ổn, hạnh phúc với bố mẹ, em tự chủ, tự tin, lại cứ phải rời xa họ để tìm hạnh phúc ở đâu đâu…? Không biết em có nghĩ sai không, nhưng nếu gặp được người giốn như bố em thì em lấy, còn không, em cứ sống ở nhà em, em không thấy đó là bất hạnh”.
          Cách suy nghĩ của cô gái rất đúng về mặt lý thuyết, nhưng nó vẫn “sao sao đó” về mặt thực tế, cần phải điều chỉnh, tuy nhiên không thể mau chóng hay gượng ép. Sau buổi nói chuyện, chuyên viên tư vấn chỉ nói: “Có lẽ chị em mình còn gặp nhau nữa”. Cô gái rất vui vẻ nhận lời, hứa sẽ gặp nhau vào những ngày cuối tuần, vì cả tuần cô đều bận với công việc ở cơ quan…

Thanh Huy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét