Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

LẠC LONG QUÂN, ÂU CƠ VỚI CHUYỆN TÌNH YÊU, HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH

Chắc ai trong chúng ta cũng còn nhớ chuyện "Lạc Long Quân và Âu Cơ, đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng"? Chúng ta luôn tự hào là "con Lạc cháu Hồng", "con cháu Rồng Tiên"...

Ngoài ý nghĩa giải thích về nguồn gốc anh em của các dân tộc chung sống trên ảnh đất Chữ S này, chuyện về Lạc Long Quân - Âu Cơ còn mang nhiều ý nghĩa ở tầng sâu khác.

1/ Không có tình yêu, không hợp nhau, gặp nhau một thời gian ngắn đã kết hôn, đã ăn nằm với nhau, đẻ ra một đống con.. là một THẢM HỌA.

Lạc Long Quân là "giai vùng sông nước", có cái khỏe mạnh, rắn rỏi của một anh trai miền biển. Âu Cơ là "gái rừng", quen sống trên vùng đồi núi cao. Sinh ra, lớn lên ở hai môi trường khác nhau, vừa gặp nhau đã nảy sinh "tiếng sét ái tình", đúng là vội vã quá. Chắc cả hai còn trẻ, suy nghĩ nông cạn, hiểu biết hạn chế, chỉ có dòng máu hừng hực trong huyết quản và những khát khao được "thăng hoa", chẳng khác gì đám thanh niên mới lớn hiện nay, họ "chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì!". Lao vào nhau, have sex với nhau, rồi mọi sự cũng trở nên nhàm chán khi "con ong đã tỏ đường đi lối về", Lạc Long Quân (trai biển) tự nhiên thông minh đột xuất, mới thú thật với vợ là Âu Cơ rằng:
- Anh là giống Rồng, nàng là giống Tiên, vốn chẳng hợp nhau...
Quá muộn khi hai anh chị đã có 100 đứa con mới nhận ra "hôn nhân không hòa hợp". Thế đấy, trước chuyện yêu đương, ái tình, nhục dục, "các cụ tổ" nhà ta vẫn "dại như thường". Hãy thông cảm với bọn trẻ bây giờ nhé.

2/ Cuộc hôn nhân giữa Long Quân và Âu Cơ là cuộc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, hôn nhân một vợ một chồng. 

Trong chuyện, chúng ta không gặp cảnh Long Quân về xin phép bố mẹ đôi bên để "tìm hiểu nhau". Gia đình nhà gái không chê Long Quân ở xa, không sợ Âu Cơ lấy chồng miền biển sẽ bỏ quê hương núi rừng, như vậy là mất con. Không ai ép ai, không dùng quà cáp, tiền bạc để mua chuộc, không có cảnh Long Quân khoe cơ thể mình vạm vỡ hay Âu Cơ khoe nhà mình là ĐẠI GIA miền núi. Gặp nhau, thấy yêu, thấy thích là "tiến hành". Quá hay.

Vậy mà đến bao nhiêu nghìn năm sau, con cháu họ vẫn lẩn quẩn trong cái vòng "gia đình ngăn cản", "có yếu tố vụ lợi", "gái bị gả bán", "trai bị đưa vào bẫy". Thua xa các cụ Tổ nhỉ!

3/ Ngày xưa không có khái niệm KẺNG, nên cũng không có chuyện ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG. Trai gái yêu nhau, họ tự cầm kẻng, thích là tự đánh kẻng, chẳng cần đợi ai đánh kẻng mới "ĐƯỢC CHÉN". Hay phết!

4/ Tuy hôn nhân không có tình yêu, hai người không hòa hợp, nhưng không có BẠO LỰC GIA ĐÌNH. Mọi sự đều rõ ràng, hết yêu thì tuyên bố thẳng là LY HÔN. Bên kia cũng tử tế, nhất trí hoàn toàn, không có chuyện đánh ghen, níu kéo, ăn vạ hay trả thù. Lại hay nữa!

5/ Cuộc ly hôn mang tính "Tự đến, tự giải tán", không có tòa án, nhưng khi chia con cũng theo nguyên tắc 50/50, rất công bằng, hợp lý, đúng như Luật HNGĐ mới của chúng ta bây giờ (Nếu vợ chồng có 2 con, một đứa ở với mẹ, một đứa theo bố). Không thấy tranh giành, đùn đẩy. Chắc mấy người làm Luật HNGĐ cũng có tham khảo cuộc ly hôn đầu tiên trong lịch sử dân tộc này!

6/ Tình hết, nhưng nghĩa vẫn còn. Sau ly hôn, mỗi người về sống một nơi, mang theo 50 đứa con, nhưng anh lạc Long Quân vẫn rất ga lăng, dặn vợ: Mỗi khi mẹ con em có chuyện gì, cứ cho một đứa lên đỉnh núi (Chắc là Ba Vì) hú to, báo cho bố con anh biết, 51 bố con sẽ kéo lên hỗ trợ, giúp đỡ.

Đấy, tình yêu có thể hết, nhưng cái nghĩa vẫn đầy đặn thế cơ chứ. Chẳng gì cũng ăn nằm với nhau có 100 mặt con cơ mà.

7/ Đám con ở với bố Lạc Long Quân chính là dân miền xuôi, thành thị, miền biển, nên lớn lên cũng có tí mạnh mẽ, khôn ngoan, nhanh nhạy, khỏe mạnh của "đấng nam nhi", kèm theo tí bạo dạn của dân sông nước. Đám con theo mẹ Âu Cơ lên núi, ngày nay vẫn giữ được nét đẹp của sự thật thà, trong sáng, có chút ngây thơ của đàn bà và mang sắc màu "người rừng". Thế mới biết con cái cùng cha mẹ đẻ ra, nhưng mang dấu ấn của người chăm sóc, giáo dục từ nhỏ, tính cách cũng khác nhau chút ít. Ngày nay, nếu đám con theo cha Long Quân có khá giả hơn đám anh chị em theo mẹ Âu Cơ, có thỉnh thoảng hỗ trợ một chút cũng đừng la toáng lên rằng "LẤY CỦA THẰNG MIỀN XUÔI NUÔI THẰNG MIỀN NGƯỢC", anh em cả thôi mà.

Tuy còn có điều chưa thật sự mỹ mãn, nhưng cuộc hôn nhân và cuộc ly tán của Lạc Long Quân và Âu Cơ đầy chất tử tế, đến nay con cháu của họ có học mãi vẫn chưa sánh kịp. Đấy, bố mẹ tử tế vẫn có thể sinh ra những đứa con hư hỏng....

Đ. Đ

DÒNG MÁU LẠC HỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét