Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 49: KIÊNG KỊ GÌ THÁNG CÔ HỒN?

Điển tích về ngày “xá tội vong nhân” hay “vu lan báo hiếu” đều liên quan chuyện của nước ngoài, được truyền miệng từ đời này qua đời khác, chẳng có sơ sở khoa học để tin. Chúng ta cần gạn dục khơi trong, cóp nhặt từ trong những chuyện xưa những yếu tố tích cực để phát huy, gạn bỏ những gì mang tính dị đoan, mê tín, để cuộc sống trở nên lành mạnh hơn.
          Việc báo hiếu cha mẹ là yếu tố tích cực, cần giữ lại, nhưng phải làm mới nó bằng cách quan tâm, chăm sóc cho cha mẹ đang còn sống, chứ không sa đà vào đốt mã, cúng bái linh đình hay chỉ vào chùa cúng Dường, cúng Tăng.
          Còn vấn đề kiêng cữ thì không nên quá đà rồi tự an ủi mình bằng câu cửa miệng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Việc sợ ma quỷ ám mà không dám ra đường, không dám khai trương, khởi nghiệp, kiêng ăn đồ cúng, phụ nữ và trẻ em kiêng phơi đồ ở ngoài vì sợ ma quỷ mặc thử, kiêng chụp ảnh ban đêm sợ ma quỷ ghé vào chụp ké… đều là những kiêng kị thiếu cơ sở khoa học.
          Tuy nhiên, có một vài điều kiêng kị cũng có cơ sở khoa học, có thể kiêng hoặc nếu không kiêng cũng cần lưu ý. Tháng bẩy là tháng ngâu, tháng chuyển mùa từ hè sang thu, không khí ẩm ướt, các đồ ăn thức uống dễ ôi thiu, áo quần phơi bên ngoài có khi bị nước mưa bám vào, lâu khô, nên kiêng. Tháng bẩy mưa gió, bão bùng, việc cưới xin không thuận tiện (ngày xưa), chẳng may đang cưới mà ào một trận mưa, khách khứa chạy tán loạn… cũng không hay, nên nếu hoãn lùi lại được sang tháng sau cũng không sao. Không ăn đồ cúng chúng sinh không phải vì đã bị “ma vầy”, mà vì đồ cúng chủ yếu là cháo loãng, khoai luộc, bỏng ngô, bánh kẹo rẻ tiền. Khi cúng thường phải rải ra trên tấm chiếu hay những tờ báo trên diện rộng, để có thể nhiều “cô hồn” vào ăn cùng lúc được, nghĩa là thức ăn bị phơi ra bụi bặm, mưa gió trong một thời gian dài, ăn vào dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột!

          Xã hội phát triển, khoa học kỹ thuật tiến lên như vũ bão, con người đã lên đến sao hỏa, sao kim, sống cách xa nhau cả nửa vòng trái đất mà vẫn nói chuyện với nhau nheo nhẻo, bệnh hiểm nghèo đã bị đẩy lùi, lục phủ ngũ tạng hỏng đã có thể thay thế, con người có thể tao ra rô bốt thay mình làm việc, có thể ngồi một chỗ mà điều khiển nút bấm tự động… thì đừng chìm đắm quá đà vào những chuyện xưa tích cũ. Có như thế chúng ta mới xây dựng được nền văn hóa “tiên tiến” và “đậm đà bản sắc dân tộc”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét