Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 50: ĐỪNG NÓI ... NHÌN CON NGƯỜI TA MÀ THÈM!

      Trong một cuộc khảo sát trên 1000 em học sinh THPT về câu hỏi: "Khi có những khó khăn trong cuộc sống, nhất là những vấn đề tâm lý, tinh thần, các em thường tìm đến ai để chia sẻ?". Có 4 phương án trả lời: 1 - Cha mẹ  2 - Thầy cô  3 - Bạn bè  4 - Mạng xã hội.
       Kết quả như sau: Bạn bè: 70%; Mạng xã hội 14%; Thầy cô: 10%; Cha mẹ: 6%.
        Đau lắm chứ! Cha mẹ là những người sinh ra con, chăm lo cho con tới mức quên mình, vậy mà khi có vấn đề, cha mẹ lại là đối tượng được các em ít tin tưởng nhất. Cha mẹ có tốt không? Chắc chắn là tốt với con rồi. Vậy tại sao các em lại "né" cha mẹ như thế? Có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó chính là những câu nói "chết người", trong đó có câu "Trông con người ta mà thèm"!
       Các em tâm sự, sợ nhất cha mẹ nói những câu: "Đấy, cũng cơm cũng gạo ấy mà con người ta toàn là học sinh giỏi, con mình thì chỉ được mải chơi, đá bóng là giỏi"; "Ngày xưa anh mày luôn luôn làm bố mẹ mở mày mở mặt, đi họp phụ huynh toàn được khen, sướng cả tai, còn mày, lần nào đi họp cũng phải đeo mo vào mặt". Các em nói chúng muốn "là chính mình", không bị so sánh với "con nhà người ta", kể cả với anh, chị em ruột của mình. Sự so sánh không khiến con người tiến bộ lên, mà chỉ tạo ra sự ganh ghét, thù hằn.
      Thật ra con cái chúng ta, ai cũng giỏi cả. Từ trước đến nay, người ta gọi học sinh giỏi là những em học tốt các môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Tuy nhiên, chúng ta lại quên rằng có tới 8 loại trí thông minh, đó là:
1/ Trí thông minh không gian - thị giác.
Bé nổi trội trí thông minh không gian - thị giác thường tư duy bằng hình ảnh, có khả năng ghi nhớ và truy xuất thông tin rất tốt. Mẹ sẽ thấy bé thích tự mình sắp xếp vị trí các đồ vật quen thuộc, thuộc đường nhanh, mê ngắm nhìn đồ chơi nhiều màu sắc hoặc không gian ba chiều, các hình vẽ trong sách, lớn lên một chút thì muốn đọc bản đồ và bảng biểu... Bé sẽ hiểu hình ảnh một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn là ý nghĩa câu chữ.
2/ Trí thông minh logic - toán học.
Trí thông minh này liên quan đến năng lực tư duy bằng con số, khả năng lý luận, giải quyết vấn đề logic, nhìn thấy mối liên hệ khoa học giữa nguyên nhân và kết quả. Loại trí thông minh này rất quan trọng, được dùng để giải quyết hầu hết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày. Biểu hiện đầu tiên của trẻ là sự nhạy cảm với con số, biết so sánh các số lượng hơn kém với nhau. Khi lớn lên, bé bộc lộ khả năng lý luận, phát hiện ra quy luật nguyên nhân và kết quả, dự đoán các tình tiết sẽ xảy ra với các dữ kiện ban đầu.
3/ Trí thông minh ngôn ngữ.
Bé sở hữu năng lực này nhạy bén trong việc nhận ra ngữ nghĩa và vần điệu của âm từ, sử dụng câu cú trôi chảy trong giao tiếp và mượt mà trên văn bản. Trí thông minh ngôn ngữ nằm ở não trái. Thùy trán trái kiểm soát các khả năng nói, còn thùy thái dương trái điều khiển sự hiểu biết ngôn ngữ. Bé thường thích nghe người lớn nói chuyện hay đọc sách, lớn lên muốn tham gia trực tiếp vào cuộc đối thoại. Nhiều bé có thể kể lại câu chuyện cổ tích mẹ kể, thậm chí nhớ được mặt chữ và tự tìm tòi đọc cuốn sách khác.
4/ Trí thông minh tương tác - xã hội.
Mẹ sẽ thấy thật hạnh phúc khi bé biết thấu hiểu và tương tác với mọi người, có khả năng dung hòa các mối quan hệ. Bé rất giỏi đọc suy nghĩ, có khả năng khích lệ và nâng đỡ người khác, giải quyết tốt xung đột và có xu hướng trở thành lãnh đạo nhóm. Bé càng sở hữu nhiều trí thông minh này, càng dễ dàng đạt được những thành công tột bậc trong cuộc sống, nhất là khi kết hợp hài hòa với các loại trí thông minh còn lại.
5/ Trí thông minh âm nhạc - nhịp điệu - tiết tấu.
Trí thông minh này có trong tiềm thức của mọi trẻ, đặc biệt là những bé có khả năng nghe tốt, dành nhiều thời gian cho âm nhạc và thích ngân nga theo giai điệu. Mẹ sẽ thấy bé mê hát hò, gõ trống, thường xuyên nhún nhảy theo điệu nhạc và dễ dàng thuộc lời mọi ca khúc. Muốn trẻ tiếp thu tốt, mẹ hãy biến bài học thành giai điệu dễ thuộc, dễ nhớ.
6/ Trí thông minh vận động cơ thể.
Những bé khỏe mạnh và năng động thường sở hữu trí thông minh này. Bé biết điều khiển các hoạt động cơ thể một cách khéo léo, thích đóng kịch, khiêu vũ, chơi thể thao và thể hiện bản thân bằng các chuyển động uyển chuyển của cơ thể. Loại trí thông minh này có mối liên hệ mật thiết đến sự phát triển thể chất, sức khỏe và tầm vóc. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất và thực nghiệm lôi cuốn cùng gia đình.
7/ Trí thông minh nhận thức bản thân.
Các chuyên gia còn gọi đây là trí thông minh nội tâm. Bé sở hữu loại trí tuệ này dễ dàng hiểu rõ cảm xúc của bản thân, cá tính tự lập mạnh mẽ, thích làm việc một mình, biết yêu thương bản thân, muốn được tôn trọng, có không gian riêng và biết tự xác định mục tiêu cho riêng mình. Nếu thấy bé thường tách ra hoạt động một mình và không đi theo xu hướng của đám đông, mẹ đừng vội phản đối bởi bé có suy nghĩ và động lực của riêng mình.
8/ Trí thông minh tự nhiên.
Bé đặc biệt quan tâm đến động thực vật, tinh thông việc nhận dạng và phân loại vô số chủng loại cây cỏ. Bé sẽ vô cùng hào hứng khi được đưa đi dã ngoại, nghe mẹ lý giải các hiện tượng khoa học hay cùng bố làm thí nghiệm mởi mẻ.
       8 loại hình trí thông minh cũng là nội dung chính của bộ sách “Thuyết trí thông minh đa diện”, do Wyeth Nutrition và Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển Tài năng Con người (IPD) xuất bản.
        Không có ai có đủ 8 loại trí thông minh kể trên, có được 1 - 2 loại trí thông minh đã là rất tốt, số người đa tài, toàn diện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người giỏi Toán chưa chắc đã giao tiếp tốt, đã có khả năng âm nhạc, thể thao. Người kỹ sư xây dựng, kiến trúc, chế tạo máy có khi hát một bài karaoke không nổi vì không thuộc vần, thuộc điệu. 
     Con cái chúng ta không học giỏi Toán, Văn, có thể nói "giỏi" thứ khác. Cha mẹ hãy cho con nhiều cơ hội thể hiện, khám phá bản thân, trải nghiệm trong nhiều hoạt động khác nhau, thậm chí nhờ đến các nhà chuyên môn để xác định con mình có loại trí thông minh nào, để từ đó tìm cách phát triển thế mạnh, không lao đầu vào những thứ không phải là thế mạnh của con.
     Con quạ có mỏ dài, trở nên khôn ngoan (trong truyện "Con quạ khôn ngoan") vì nó có thể thò mỏ vào uống nước ở cái lọ có cổ cao, nhưng nó sẽ "chết tắc" nếu được chú cáo mời ăn cháo loãng được đổ ra cái đĩa rộng lòng. Lúc này cáo một mình một đĩa, lè lưỡi liếm vài nhát hết đĩa cháo. Đấy, kẻ mạnh cũng có điểm yếu, người thông minh ở mảng này, có thể rất "dở hơi" ở mảng khác. Đó là bình thường...
     Hãy đừng nhìn con nhà người ta, và đừng nói: "Nhìn con người ta mà thèm...". Có khi bên ấy đang ao ước có đứa con như con nhà mình đấy!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét