Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn kể chuyện 40: BẢO VỆ CON TRƯỚC NẠN BẮT CÓC

TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP BẢO VỆ CON
          Trong thời gian tới, tội phạm bắt cóc trẻ em có thể sẽ còn diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của tội phạm cũng ngày càng tinh vi, manh động, táo tợn. Trong khi đợi các cơ quan chức năng có những biện pháp ngăn ngừa, đẩy lùi tội phạm này, các bậc làm cha, làm mẹ cần học cách bảo vệ con.
* Tăng cường theo dõi, giám sát con.
          Dù bận rộn đến đâu, cha mẹ cũng không để con chơi lang thang một mình hoặc không có người theo dõi. Khi đưa con đi đến các khu vui chơi, các trung tâm mua sắm, công viên, nhà văn hóa, hãy đừng buông tay con ra, nhất là với những trẻ còn nhỏ, 2 – 3 tuổi. Dù là có người ở nhà, cũng nên khóa cửa, cổng cẩn thận, không để con đứng chơi ngoài sân, ngoài hiên hay ở cổng. Khi đưa con đi khám bệnh, đợi xe, đợi tàu ở nhà ga, bến bãi, không gửi con cho người lạ trông. Trong trường hợp bất khả kháng, cha mẹ phải rời đi như đi vệ sinh, bưng bê hàng hóa, đồ dùng, thì hãy gửi con cho các nhân viên đang làm việc ở nhà ga. Họ là những người thường mặc đồng phục, có thẻ đeo hay biển tên đeo trước ngực. Đừng quên nhìn biển tên để biết người mình gửi con tên gì, là đối tượng cán bộ nào. Khi có người lạ mặt, nhưng đến gần làm quen, quan tâm, hỏi han, nhất là khen ngợi đứa bé xinh đẹp, kháu khỉnh, rồi chìa tay đòi bế bé, hãy nâng cao tinh thần cảnh giác. Đã có những vụ kẻ gian cướp con trên tay người mẹ.
* Đừng tiết lộ thông tin về con trên mạng.
          Kẻ gian thường theo dõi cháu bé trong một thời gian dài, lợi dụng thời cơ mới rat ay. Những em bé con gia đình khá giả, được gia đình chiều chuộng, “quý như vàng” cũng dễ rơi vào tầm ngắm của bọn bắt cóc tống tiền. Vì vậy, đừng đăng ảnh khoe mình có nhà to, có biệt thự chục tỉ, trăm tỉ, với những ô tô sang, tiện nghi đắt tiền. Đừng cập nhật thông tin về cháu bé hay cung cấp thông tin đi lại, ăn ở, lịch trình hoạt động của gia đình lên mạng xã hội như facebook, twitter. Đã có kẻ gian biết rằng thời điểm này ở nhà chỉ có cháu bé và bà giúp việc, nên đã tới gõ cửa, nói là ông bà chủ nhà gọi điện nhờ đến xem hộ đường nước, đường truyền internet, bình ga. Khi thấy người lạ nói đúng tên ông bà chủ, người giúp việc thật thà đã mở cửa cho kẻ gian vào, trong lúc người giúp việc mải đi lấy cái nọ, tìm cái kia theo yêu cầu của kẻ gian, cháu bé không được trông coi, kẻ gian đã bế cháu bé và thoát khỏi nhà.
* Dạy con kỹ năng tự bảo vệ
          Khi trẻ đã lớn, 4 – 5 tuổi trở lên, việc theo dõi, giám sát, đi cùng con ngày càng hạn chế, cha mẹ cần dạy con cách tự bảo vệ bản thân.
          Hãy dặn dò các cháu không mở cửa cho người lạ vào nhà, không nhận quà người lạ cho, tặng, không lên xe của người lạ, dù người đó có nói bố mẹ nhờ đón giúp vì họ đang bận làm. Hãy thống nhất với con rằng “chỉ có bố mẹ đón con, nếu có nhờ ai, bố mẹ sẽ nói trước”. Bố mẹ dạy con, khi có người lạ đến gần làm quen, hãy lặng lẽ bỏ đi, đến chỗ có người quen hay chỗ đông người khác. Đang đi trên đường, phát hiện có ai đó đang theo mình, hãy chạy vào một cửa hàng, cửa hiệu naò đó trên phố để trốn và nói cho nhân viên làm việc trong cửa hàng biết mình muốn tránh “kẻ gian” và yêu cầu được trợ giú như gọi điện cho bố mẹ đến đón.
          Bố mẹ cũng dạy con, nếu bị kẻ gian bắt, bế, ép lên xe máy, ô tô, đừng đánh trả kẻ gian, bởi sức mình không đánh lại chúng. Hãy biết kêu cứu khi đi ngang qua chỗ đông người. Chẳng hạn, đang ngồi trên xe ô tô, xe máy, đi đến chỗ có nhiều người, hãy hô hét thật lớn “cướp, cứu cháu với”. Trong những trường hợp kẻ gian sơ hở, các em đã lớn có thể thoát hiểm bằng cách tấn công kẻ gian vào ba vị trí “huyệt đạo” như dùng ngón tay chọc vào mắt, yết hầu và dùng tay, chân đấm, đạp mạnh vào “chỗ kín” của kẻ gian. Bị chọc mắt, chọc vào hầu hay đấm mạnh vào chỗ hiểm, kẻ gian sẽ bị đau đớn, đấy là thời cơ các em có thể chạy thoát thân.
* Thực hành với những tình huống giả định
          Dạy con mà chỉ giảng giải bằng lời nói, thì một là “lời nói gió bay”, hoặc là trẻ em vâng vâng, dạ dạ, nhưng khi có tình huống thực sự xảy ra, các em lại lung túng, không biết xử lý thế nào. Cho nên, cha mẹ hãy đưa ra những tình huống giả định, để trẻ được thực hành “đánh trận giả”. Hãy tập dượt cùng con những tình huống như bố mẹ đi vắng, có người bấm chuông cửa, gọi đúng tên mình, nói rằng hãy mở cửa để họ vào gửi cho bố mẹ gói quà, con nên làm gì. Tình huống bị bắt, đưa đến một nơi rất lạ, bị kẻ gian dọa rằng: “mày chạy hay kêu la, tao sẽ giết mày. Tốt nhất, hãy ngoan ngoãn nghe theo chúng tao, mày sẽ được sống về với bố mẹ”, con nên xử sự như thế nào. Đừng dạy những tình huống lên tục, dồn dập, trẻ sẽ quá lo lắng, sợ sệt, hoặc quá tải, nhưng dạy con mỗi ngày một tình huống là tốt nhất.
* Xóa bỏ định kiến về thủ phạm bắt cóc trẻ em.

          Đừng chỉ nghĩ rằng “mẹ mìn” là những người phụ nữ trông vẻ ngoài quê mùa, thô kệch, ăn mặc rách rưới, mắt nhìn ngó nghiêng. Kẻ gian thường nghi binh bằng vẻ ngoài tử tế, nhân hậu, vui tính, cởi mở, thân thiện, tốt bụng. Không ít kẻ bắt cóc trẻ em tống tiền là những người trẻ tuổi, đẹp trai, xinh gái, đeo kính trắng, xách cặp cán bộ. Đặc biệt, thủ phạm bắt cóc con bạn không hẳn chỉ là kẻ lạ mặt. Nhiều vụ chú bắt cóc cháu, chị gái bắt cóc em họ, cha dượng bắt cóc con riêng của vợ, đồng nghiệp hay người làm bắt cóc con của chủ nhà…
(Xem tiếp phần 4: Ứng xử khi con mất tích)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét