Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 45: CƯỚI VỢ THÁNG NGÂU

Tháng Bẩy không chỉ được coi là tháng cô hồn, tháng vu lan báo hiếu, mà tháng bẩy còn là tháng Ngâu, kiêng kị việc cưới hỏi.  Nhiều người vẫn nhớ câu ca dao cổ: “Ta với mình như vợ chồng ngâu/ Một năm mới thấy mặt nhau một lần”. Điển tích vợ chồng ngâu hay phải xa nhau, ly tán, gắn liền với câu chuyện về “Ngưu Lang, Chức Nữ”. Đây là truyện cổ Trung Hoa. Do giao lưu văn hóa, sau đó câu chuyện này được lưu truyền ở cả Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên.
          Chuyện kể rằng Ngưu Lang là thần chăn trâu trên trời, đem lòng yêu thương Chức Nữ, một người phụ trách công việc dệt vải trên thiên đình. Do yêu nhau, nên cả hai trễ nải công việc, khiến Ngọc Hoàng tức giận, cho hai người “chuyển công tác”, mỗi người ở một đầu sông (sông Ngân, hay còn gọi là Ngân Hà).  Sau đó, thương tình, Ngọc Hoàng ra lệnh cho phép mỗi năm họ được gặp nhau một tuần, bắt đầu từ mồng ba tháng bẩy. Dân giam gọi họ là Ông ngâu, Bà ngâu, tháng bẩy gọi là tháng ngâu, mưa tháng bẩy gọi là mưa ngâu. Vì thế, tháng bẩy được coi là tháng của chia ly, xa cách, các đôi vợ chồng không nên làm đám cưới vào tháng này.
          Vậy mà không ít đôi vợ chồng, nhiều lý do mà vẫn cưới nhau vào tháng bẩy, rồi sau đó họ sống với nhau vui vẻ, hạnh phúc. Cách đây 30 năm, vợ chồng anh bạn tôi cũng cưới nhau vào tháng bẩy. Lý do anh giải thích là: “Đã gọi là truyền thuyết dân gian, ai tin thì tin, không tin thì thôi. Tin thì cho rằng có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành. Không tin thì bảo mọi việc do con người, chẳng có ngày nào, tháng nào phải kiêng cả”. Anh còn nói, cưới tháng bẩy mua gì, thuê gì giá cũng rẻ, bởi nhiều người kiêng, hàng cau, hàng trầu, hàng bánh phu thê, dịch vụ phông bạt, cỗ cưới vớ được mình như vớ được vàng. Ba mươi năm qua đi, gia đình họ vẫn yên bình, cả hai giờ đã là tiến sĩ, phó tiến sĩ, con cái ngoan ngoãn, thành đạt, đều có gia đình riêng. Hôm nọ gặp anh, nhắc lại chuyện “ngang như cua” của anh, anh cười, bảo rằng nếu có kiếp sau vẫn lấy bà ấy và vẫn cưới tháng ngâu!

          Có một số trường hợp, vợ chồng công tác, lao động ở nước ngoài hay ở đảo xa, chỉ về phép được một tuần hay mười ngày mà đúng dịp tháng ngâu, họ vẫn tổ chức đám cưới vì đã quyết tâm rồi, không hoãn được. Có đôi cưới “chạy tang”, tức là muốn cưới nhau trước khi cha mẹ qua đời, để khỏi hoãn cưới quá lâu vì kiêng tang. Trong khi bố mẹ bị bệnh hiểm nghèo, có thể ra đi bất cứ lúc nào, họ cũng đành làm đám cưới ngay trong tháng ngâu. Lại có trường hợp “bác sĩ báo cưới”, đôi bên bố mẹ họp và quyết định cho đôi trẻ cưới nhau để “giấu cái bụng bầu” trong ngày cưới, khi nó còn nho nhỏ. Họ bảo “bác sĩ bảo là cưới” vì quá mừng, mới yêu nhau mà đã có “kết quả”, còn hơn nhiều đôi chọn ngày, chọn giờ, vậy mà cưới nhau mấy năm vẫn chưa có con, tốn kém bao nhiêu tiền bạc mà chạy chữa chưa được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét