Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 39 - Tháng cô hồn và mùa Vu lan báo hiếu

Từ trước đây, tháng bẩy được gọi là tháng có sự kiện “xá tội vong nhân”. Theo cách kiểu dân gian, thì trần sao âm vậy. Những người có tội lỗi ở trên trần gian, khi chết xuống âm phủ bị đày vào các tầng địa ngục, kiểu như nhà tù ở trên trần. Tùy theo tội to hay nhỏ, mà vong hồn người chết, tức vong nhân, được giam giữ ở tầng thấp hay tầng cao, thời gian dài hay ngắn. Trọng tội thì bị giam ở chín tầng địa ngục và thời gian khá dài. Những người sống, khó mà biết ông bà, cụ kị của mình có bị giam tù hay được lên cõi niết bàn, được tự do sinh sống, làm ăn, rồi đầu thai kiếp khác theo thuyết luân hồi. Những người thỉnh thoảng có nằm mơ thấy ông bà, cha mẹ thỉnh thoảng về thăm con cháu, thì biết rằng các cụ vẫn ở đâu đây. Nhiều người, sau khi chết, không bao giờ con cháu còn gặp nữa, người ta nghi các cụ bị đi đày ở các tầng địa ngục.
          Hàng năm, tháng Bẩy là tháng “xá tội vong nhân”, tức là ở dưới âm phủ có đợt xét giảm tội lỗi hoặc tha bổng cho những vong nhân cải tạo tốt hoặc giảm án cho những vong nhân có con cháu thường xuyên cúng bái, có “quan hệ tốt” với thần linh. Đợt xá tội vong nhân này giống như trên trần, hàng năm vào dịp Quốc khánh, chủ tịch nước xét ân xá cho những tù nhân cải tạo tốt vậy.
          Thế là nhiều vong nhân, sau nhiều năm bị giam cầm ở địa ngục, nay được thả ra. Những vong này có thể không có con cháu, chẳng còn ai thờ cúng, nên đành đi lang thang, vật vờ kiếm ăn, giống những người ra tù mà chưa có việc làm. Những vong nhân đó, có cả vong trẻ em. Thế là ngoài đường đông đặc các vong không nơi nương tựa, được gọi là “cô hồn”, tức những vong hồn cô quạnh. Người ta kiêng làm những công to, việc lớn, tiệc tùng, bởi sợ có những cô hồn này phá đám, cướp đồ ăn, làm cho công việc không thuận buồm xuôi gió. Những người tử tế thì cúng chúng sinh, tức làm phúc, cúng cháo loãng đổ ra những chiếc bồ đài làm bằng lá mít, những gói bỏng ngô, bỏng gạo, tiền lẻ, khoai luộc, để “làm từ thiện” cho các cô hồn, vừa là giúp họ có cái ăn, vừa là để họ khỏi quấy nhiễu mình.
          Việc cúng cấp vào ngày rằm tháng bẩy có hai ý nghĩa. Một là cúng ông bà, bố mẹ, nếu bị “đi tù” thì được trở về, có cái ăn, cái mặc, được con cháu chăm sóc, khỏi trở thành “cô hồn” lang thang. Hai là cúng các quan thần linh, vừa để “cảm ơn” họ đã quan tâm đến vong hồn ông bà, cha mẹ mình trong những năm tháng “ở tù”, vừa là tạ ơn họ vì đã quan tâm, chiếu cố mà giảm án, cho các vong nhà mình được ra khỏi ngục sớm. Những nhà khác cúng, vì nghĩ các cụ nhà mình chưa được thả, nên cúng để “chạy chọt” cho các cụ được đưa vào danh sách xét xá tội năm sau.
Nhiều người lẫn lộn giữa sự kiện “xá tội vong nhân” với “vua lan báo hiếu”. Lễ Vu Lan là một phong tục tập quán tốt đẹp trong văn hóa Phật giáo. Lễ Vu Lan xuất phát từ điển tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ. Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật, có mẹ là bà Thanh Đề. Chuyện kể rằng, sinh thời, mẹ của bồ tát Mục Kiền Liên làm nhiều điều ác, xúc phạm chư Tăng nên khi chết bị đày xuống địa ngục làm con ma đói. Bồ tát Mục Kiền Liên tìm cách cứu mẹ không được. Ông được đức Phật chỉ cách phải cúng chư Tăng vào dịp Rằm tháng bảy và nhờ phước lực của đông đảo mười phương chư Tăng mới cứu được mẹ mình thoát khỏi đau khổ, hành hạ ở địa ngục. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên theo cách này. Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời. Theo đó, vào dịp tháng bảy hằng năm, tín đồ Phật giáo tổ chức cúng, dâng phẩm vật lên Tam Bảo để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ được siêu thoát. Đó là một hình thức để báo hiếu cho những người thân đã mất trong gia đình.
Ngày nay, lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các Phật tử, đó còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ đã sinh thành và dưỡng dục mình. Ngoài ra, đây còn là dịp mọi người tìm về cội nguồn.

Không ai có thể kết luận hay khẳng định tính xác thực của những sự kiện, điển tích kể trên. Tuy nhiên, việc kiêng cữ, việc cúng cấp, báo đáp cha mẹ theo truyền thuyết được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nhưng có thể thấy, tất cả đều do người sống nghĩ ra theo phương pháp “suy bụng ta ra bụng người” hay quan niệm “trần sao âm vậy”. Tuy nhiên, ít nhiều việc báo đáp công cha nghĩa mẹ cũng có tính giáo dục nhất định. Nhưng hiện nay, nhiều người chẳng cần hiểu ý nghĩa, lai lịch của “tháng cô hồn” hay ngày “xá tội vong nhân”, hay “vu lan báo hiếu”, lao vào sắm sửa vàng mã, chuẩn bị những khóa lễ linh đình, mà thật ra chẳng vì báo hiếu hay lo cho cha mẹ, mà vì mình, mong được các thần linh phù hộ để làm ăn phát tài, phát lộc…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét