Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 52: CHÓ NO KHÔNG XỦA...

- P.V: Có một thực tế đang diễn ra, đó là cha mẹ đang nghĩ rằng tạo lập cho con cuộc sống đầy đủ về vật chất là đã mang lại cho con cuộc sống hạnh phúc. Do vậy, họ không chỉ lo cho con sống sung sướng ngay từ nhỏ mà còn cố gắng tích cóp của để dành lo cho con đến trọn đời. Theo ông, điều đó có thật sự mang lại cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa cho con cái?
- Đinh Đoàn: Người xưa dạy: "Tích tử thiên kim, bất như tích tử nhất thư", tức là cho con ngàn lạng vàng không bằng cho con "một cái chữ". Cái chữ ở đây phải hiểu nghĩa rộng, tức là sự khôn ngoan, sự hiểu biết, khả năng ứng phó với những thay đổi của cuộc sống. Ngày nay người ta cũng nói đến chuyện "cho cái cần câu và dạy cách câu hơn là cho con cá". Có con cá, ăn hết là nhịn, hoặc chưa chắc đã giữ được cá mà ăn. Số người thành đạt từ số vốn liếng, của cải của bố mẹ để lại không nhiều, nhưng số người trở thành "phá gia chi tử", trắng tay, thậm chí vào tù, ra tội vì "no cơm dửng mỡ" thì đếm không xuể. 
- P.V: Có ý kiến cho rằng chính tình yêu thương, bao bọc con của các cha mẹ thời hiện đại đang vô tình biến chúng lớn lên trở thành người chả biết làm gì, sống ích kỷ chủ nghĩa cá nhân, không biết có lòng biết ơn kể cả đối với cha mẹ mình. Theo ông, điều này đúng hay sai?
- Đinh Đoàn: Con mèo no sẽ không bắt chuột, nằm cuộn tròn ở xó bếp. Con chó no cũng tìm gầm cầu thang nằm lim dim, đến xủa chẳng buồn xủa. Con người sinh ra đã có "núi tiền" bố mẹ để lại, khỏi cần suy nghĩ, chẳng cần làm việc, có nghĩ cũng chỉ nghĩ cách ăn chơi cho khác người, cho "xứng danh đại gia". Những người này thấy bố mẹ sao nhiều tiền thế, sướng thế, vậy thì lo lắng, thương cho họ làm gì. Cứ tiêu đi, hết lại vòi, không có cho nữa thì oán trách. Khi con người chỉ biết nhận, không cần nghĩ đến phải "cho", không cần biết ở đâu mà có, rất dễ trở thành những người ích kỷ. Đã có những đứa con, bố mẹ cho tiền tỉ, ăn tiêu hết thì dí dao kề cổ bố mẹ, yêu cầu đưa nốt những gì bố mẹ còn. Khi bố mẹ không đưa nữa thì ăn nói tục tĩu rằng: "Ông bà chết đến nơi, không đưa tiền bạc, của cải đây thì khi chết cũng có mang đi được đâu!". Bố mẹ già mà rắn quá, không tiếp tục cung cấp, sẽ bị con cái ... bỏ mặc, sống trong cô đơn, hối hận.
          Trong thực tế, những người "nghèo vượt khó", trở thành giàu có, thành đạt khá nhiều. Những tỉ phú làm nên từ hai bàn tay trắng và khối óc nhanh nhạy, trái tim ấm nóng... lại khá nhiều.
        Tuy nhiên, người xưa cũng dạy: "có bột mới gột nên hồ". Có chút tài sản hỗ trợ con ban đầu, để nó khởi công, lập nghiệp cũng tốt, nhưng phải là tạo cơ hội để con biết sử dụng đồng tiền của cha mẹ một cách hữu hiệu, tức là "dạy cách câu", làm sao để "tiền lại đẻ ra tiền". Bố mẹ nghèo quá, con cũng gặp khó khăn trong chặng đường đầu tiên lập thân, lập nghiệp.
- PV: Thực tế cho thấy rằng nhiều đứa trẻ lớn lên trong cuộc sống nhung lụa, sung sướng nhưng lại không thấy hạnh phúc trong cuộc sống. Phải chăng tiêu chí về cuộc sống hạnh phúc dành cho con cái của cha mẹ đã có sự nhầm lẫn? Theo ông, tạo lập cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa cho con là như thế nào?
- Đinh Đoàn: Đúng là quan niệm về hạnh phúc mỗi thời mỗi khác. Bố mẹ cho rằng có nhiều tiền, ăn cả đời không hết là hạnh phúc, nhưng con cái lại nghĩ rằng hạnh phúc là được thử thách, được thể hiện bản thân. Bố mẹ cho rằng con có cuộc sống yên ổn là tốt, nhưng con cái lại muốn dấn thân. Bố mẹ cho rằng cứ ngồi một chỗ mà ăn cho sướng, thì con cái lại khát khao cuộc sống được đi đây đi đó với những trải nghiệm trên rừng sâu, núi thẳm. Chính vì thế, đã có những gia đình bố mẹ đầy tiền, bảo con đừng phải làm gì, vậy mà con xin ra sống riêng, ở nhà thuê, tự mở công ty cùng bạn bè để khẳng định bản thân, để được trải nghiệm. Nhiều bố mẹ già ngồi ôm đống tiền, ca thán rằng: "Có mỗi thằng con, bao nhiêu tiền bạc cũng tích cóp là vì nó, cho nó. Vậy mà nó lại... làm cha mẹ thất vọng". Có đứa lấy một cô vợ người dân tộc thiểu số, rồi ở lại trên núi để làm trang trại, nuôi cá hồi, ba ba. Có đứa ăn chay, đi tu.

       Tạo dựng cuộc sống cho người khác mà không biết người khác quan niệm thế nào là hạnh phúc thì đúng là "dở hơi". Nuôi con, dạy con, phải hiểu con, biết nó mong muốn điều gì, tính cách nó ra sao, nó thật sự mong muốn điều gì ở bố mẹ. Bố mẹ chỉ giúp con cái nó cần, nó muốn, nhưng "lực bất tòng tâm", còn cố làm những điều mà con không cần, thì đó là một sai lầm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét