Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn trò chuyện 51: ĐỒNG HÀNH CÙNG CON TRÊN ĐƯỜNG ĐỜI...

      Các bậc phụ huynh thân mến!
      Người ta gọi tôi là "chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn", "Anh Đinh Đoàn CSTY", thầy giáo Đinh Đoàn... Nhưng những gì tôi chia sẻ với các anh, chị với tư cách là một "người bạn của trẻ em" và một người cha.
      Trước tiên, tôi muốn nói tới điều cần thay đổi trong cách nhìn nhận về con cái và GD con cái mà từ trước đến giờ ai cũng coi đó như "đúng rồi".
1/ Đừng nghĩ rằng "con cái là của để dành của cha mẹ". Con là con người, không thể là "của cải", càng không thể "để dành". Nếu chúng ta coi con cái là "tài sản" của mình, chúng ta sẽ bảo vệ, giữ gìn, nhào nặn nó theo cách của mình. Đừng hy vọng đầu tư cho con là để "sau này nó thành đạt, nó báo hiếu, nó sẽ nuôi nấng mình hay cho mình tiền bạc". Nghĩ thế là sẽ vỡ mộng đấy. May mắn có đứa nào nó tử tế, thì đó là phúc phần được hưởng, còn lại, không đặt niềm tin, coi đó là canh bạc cuối cùng.
     Hãy nghĩ rằng, con cái là "duyên trời cho", nuôi dạy con là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mỗi người, là "cái nợ đồng lần", chúng ta "vay" của cha mẹ và "trả" vào đứa con. Đừng kỳ vọng quá lớn mà thất vọng!
2/ Cha mẹ không thể "dạy con" mà "đồng hành" như người bạn đường. Cha mẹ và con cái là hai thế hệ rất khác biệt, sống trong những hoàn cảnh xã hội khác nhau, nên "đã chắc gì" cha mẹ hơn con mà đòi "dạy". Giáo sư dạy ở trường đại học còn chẳng kèm nổi thằng con học lớp Ba, nói gì đến phụ huynh bình thường khác. Có người bố, người mẹ đi học thêm cái này, cái khác, bảo rằng để về còn có kiến thức mà "dạy con". Vô ích thôi! Hãy là người đi cùng con trên bước đường đời. Đừng đi trước "dắt" nó theo sau, nó sẽ mất đi sự chủ động. Đừng đi lẽo đẽo theo sau hối thúc, nó sẽ bị ức chế mà phá bĩnh. Hãy đi bên cạnh, khi nào thấy nó mệt mỏi, cần nhắc "cố lên, có bố mẹ bên cạnh", vậy thôi!
3/ Hãy tôn trọng sự khác biệt ở mỗi trẻ, đừng bao giờ so sánh con nhà mình với con nhà khác, kiểu: "con nhà người ta thì...". Mỗi em có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, bởi khái niệm "trí thông minh" rất đa dạng, không đồng nghĩa hoàn toàn với "học giỏi". Nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con nhận ra thế mạnh để tập trung phát triển, điểm yếu để khắc phục phần nào.
      Vấn đề thứ hai, tôi muốn nhắc các bố, các mẹ là ít nhất phải nắm chắc 3 điều sau: 
       Một là: Biết tâm tính con mình. Đừng quá tự tin khi nói rằng: "Nó là con tôi, nó thế nào mà tôi chẳng biết". Thực sự, điều các em thể hiện trước bố mẹ chưa chắc đã là con người thật của các em. Nhớ là biết tâm tính chứ không phải chỉ biết nó học tốt môn gì, kém môn gì. Tâm tính là hướng nội hay hướng ngoại, trầm tính hay cởi mở, ưa hoạt động ngoài trời hay ngồi "tụng kinh" góc nhà, ưa tự lập, hay cần có người kèm cặp, hối thúc, thật thà hay "láu cá ra phết", biết không phải để "vạch mặt chỉ tên", mà để định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ, điều chỉnh...
     Hai là: phải biết rõ những thông tin về trường, lớp, thầy cô giáo, môn học, chương trình học của con. Đặc biệt, ít nhất phải biết 3 bạn học của con và 3 phụ huynh trong lớp.
     Biết để không bị lừa. Có mẹ ngày nào cũng thấy con đi học 2 buổi/ ngày thì thương, nào ngờ con đã bị đình chỉ học tập cả tuần mà không biết, sáng nó vẫn ra đi, vẫn ăn phở, nhưng chui vào quán net, chiều lại về, cứ như đi học bình thường. Có bố đi họp PHHS cho con mà đứng giữa sân trường, không biết con học lớp nào, cô nào, chỉ biết con tên là "Tít", học lớp 10. Có bố thấy con xin tiền "học thêm tiếng Anh" là cho ngay, nhưng đâu có biết rằng trường không tổ chức học thêm tiếng Anh. Có mẹ thấy con "mất tích" mà không biết hỏi ai, số đt của cô, của bạn, của PHHS khác trong trường, trong lớp không có...
     Ba là: Biết những thói quen, sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, xu hướng ... của con. Con đâu biết đàn hát mà cố ép con theo lớp nhạc nâng cao, nó có thích võ thuật đâu mà đăng ký lớp võ thuật... Tốn tiền vô ích, cái cần thì không đầu tư, toàn đầu tư vớ vẩn, linh tinh!
      Thứ ba, tôi muốn nhắc các bác, các anh chị 3 điều cần làm thường xuyên với con:
1/ Bớt nhắc "học đi" hoặc lên lớp, giảng giải đạo đức, kể chuyện "hồi xưa". Tăng cường hỏi han con về chuyện trường, lớp, học hành, bạn bè và tâm trạng của con khi đi học.
2/ Thay vì ra lệnh, hãy nêu mong muốn của mình (thật ra mẹ chỉ mong muốn con tập trung vào hoàn thành bài vở ở trường ở lớp, sau đó dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể thao, giao lưu với các bạn để mở mang tầm nhìn, hiểu biết...)
3/ Đừng coi trẻ còn bé, không biết gì. Hãy coi chúng như người lớn trong gia đình, vì vậy mọi vấn đề to lớn của gia đình, cứ hỏi ý kiến, cứ bàn bạc hay cho các em dự. (Bố mẹ định ...., ý con thế nào?)
         Cuối cùng, đừng quên làm 3 điều giúp con định hướng tương lai.
+ Một: Quan trọng là sau này con có cuộc sống tự lập, tự chủ, thoải mái và hạnh phúc, làm gì, ở đâu không quan trọng. Một thợ may nổi tiếng, danh giá, kiếm tiền khá còn hơn một anh học xong đại học rồi thất nghiệp rồi chán đời, lang thang, bất mãn...
+ Hai: Thành công không chỉ từ "thông minh, học giỏi", mà còn từ sự khôn ngoan, khéo léo trong giao tiếp, ứng xử, khát vọng lớn và sự tự tin. Vì thế, cho con được đi đây đi đó, tham gia CLB nọ kia, học các lớp kỹ năng sống, tham gia hoạt động văn nghệ - thể thao của trường để trở thành người tự tin, có bản lính, khéo léo.
+ Ba: Hãy định hướng cho con học để "Tạo việc làm" chứ không "Xin việc". Gợi ý những lĩnh vực có thể khởi nghiệp...Định hướng làm việc trong môi trường đa quốc gia, quốc tế, liên doanh, cạnh tranh với nhiều đối tượng, chứ không chỉ nhằm vào "có công ăn việc làm ổn định!".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét