Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Đinh Đoàn kể chuyện 42: CHÁN CHỒNG VÌ NHỮNG LÝ DO NHƯ ĐÙA

Khi người chồng ích kỷ, gia trưởng, ngoại tình, ngược đãi vợ con, lười làm, ham chơi, vướng vào tệ nạn xã hội, thì những người vợ muốn "vứt đi cho rảnh nợ" là điều dễ hiểu và nhiều người nói, người viết rồi. Tuy nhiên, cuộc sống muôn màu, còn có cả nghìn lý do để phụ nữ chán chồng.
CHÁN CHỒNG – NHỮNG LÝ DO THẬT NHƯ ĐÙA
          Chị Nguyễn Thị Huyền Nga, chuyên viên tư vấn tâm lý cho biết, mới nghe, ai cũng nghĩ mấy chị vợ có bồ, bịa chuyện kiếm cớ để chán chồng. Nhưng khi được ngồi trực tiếp tâm sự với những khách hàng nữ hàng giờ, để hiểu hơn về chân dung những anh chồng mà họ đang chung sống, chúng tôi mới thấm thía câu noi: "có ở trong chăn mới biết chăn có rận".
          Một phụ nữ kết hôn hơn chục năm, có hai con rồi, nhưng đã cảm thấy phát ngán người chồng "quá lịch sự". Chị kể, chồng chị chưa bao giờ to tiếng với vợ con nửa lời, chị nói điều gì anh cũng nghe, kể cả nói sai. Có khách của anh đứng ở cửa rồi mà anh còn chưa mở cửa, còn quay vào nhà xin phép vợ để được mời bạn vào nhà, khiến chị đỏ mặt với khách vì họ nghĩ chị ghê gớm lắm. Khách về, chị nhắc thì anh bảo: "Anh nhớ câu kính vợ đắc thọ, cứ hỏi ý kiến em một câu cho lịch sự, có sao đâu". Chỉ năm đầu, khi chưa có con, vợ chồng còn ngủ với nhau. Nhưng từ khi chị sinh đứa con đầu lòng, anh ngủ riêng, với lý do "vì con". Con ba tuổi, anh vẫn duy trì nếp sinh hoạt ấy. Mỗi khi có ý định "yêu vợ", anh xin phép chị từ chiều, lần nào cũng vẫn mấy câu: "Nếu em không mệt, anh xin phép tối nay sang nằm với em một lúc, xong việc anh về phòng anh luôn". Chị điên tiết với cách "xin phép ngủ với vợ" của anh, không thèm nói, thì anh lại sợ, tối đó không dám sang. Thật ra, là phụ nữ, không quá ham hố chuyện tình dục, nhưng là vợ chồng thì "làm chuyện đó với nhau" là bình thường, là nhu cầu của cả hai. Thế là những lần sau, khi anh xin phép chị phải nói "vâng". Đã vậy, trong khi vợ chồng mặn nồng, chị đang cố gắng tập trung tư tưởng để hưởng thụ những phút giây ngọt ngào nhưng hiếm hoi của tình vợ chồng, anh còn xin phép chị vài lần nữa. Nào là "anh xin phép làm thế này...", "em có ngại không nếu anh làm thế kia". Chị bảo thật là khó chịu với cái kiểu "lịch sự" như vậy. Có hôm, chị muốn anh ngủ lại, chỉ là ôm chị cho chị cảm thấy ấm áp tình chồng vợ, nhưng anh nguây nguẩy nói: "Thôi, xong rồi, anh xin phép về bên phòng nghỉ, mai đi làm". Có hôm chị ứa nước mắt, quát chồng: "thôi, anh đi đi, không phải xin phép nữa". Khi chuyên viên tư vấn hỏi hay tại vì anh ấy không yêu vợ, chỉ duy trì quan hệ kiểu "túc tắc" như người trả bài cho qua chuyện, chị khẳng định không phải vậy, chị hiểu chồng chị rất yêu chị, nhưng vẫn yêu cái kiểu "dở hơi" ấy. Chị còn nói, nhiều lúc thèm có người vào ôm chầm lấy mình, ngấu nghiến yêu mình đến nghẹt thở mà không cần hỏi, hay nói câu gì...
          Rất nhiều phụ nữ ca cẩm về tính ở dơ, ở bẩn của chồng, thì chị Hoàng Nguyên lại chết khiếp vì cái tính sạch sẽ đến mức bệnh hoạn của chồng. Tám năm làm vợ, chị chưa phải giặt đồ cho chồng vì anh không tin tưởng ai. Anh ấy thích giặt đồ của anh ấy thì mặc, không sao cả. Nhưng cái tính kỹ lưỡng của anh ấy không khác của một bà già trái nết. Đi làm về, anh lấy tay sờ khắp mặt bàn kính, cánh cửa sổ, mặt bàn ghế sa lông. Thấy có chút bụi mờ là anh vội vàng lấy xô, lấy nước, lấy khăn hì hục lau chùi. Anh làm những việc ấy với niềm say mê vô bờ bến, nhưng không cằn nhằn, chẳng mắng chửi ai. Tuy nhiên, điều khó chịu là cả nhà ăn cơm cùng, riêng anh lấy cái bát của mình đi rửa lại và tráng nước sôi. Con đến gần, anh ấy đẩy ra, bảo phải vào rửa tay chân sạch sẽ, thơm tho mới cho lại gần. Anh không bao giờ ăn cơm, ăn đồ ăn ở ngoài đường, bởi anh nghĩ ra đủ các loại vi trùng, vi khuẩn, mặc dù anh không phải là bác sĩ. Sợ bị nhiễm mùi khó chịu, nên mỗi khi đi vệ sinh, anh trút hết quần áo để ở phòng ngủ, mặc mỗi cái quần nhỏ đi vào. Xong việc, anh dội ào ào, xịt nước ầm ầm, bật quạt tung tóe cho bay mùi, rồi cũng thay luôn cái quần nhỏ ấy mới ra. Chị nhắc nhở anh sống thoang thoáng một chút thì bị anh cho một bài giảng rằng: "Sức khỏe của con người là vốn quý, mình phải tự lo cho mình chứ đừng trông chờ ai. Bệnh tật là do không biết giữ gìn sạch sẽ trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày". Anh còn trích dẫn lời người xưa dạy rằng: "bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra", nên ăn uống, nói năng phải giữ gìn. Cơ quan liên hoan, bao giờ anh cũng giả vờ đau bụng, không ăn được, rồi xin phép về sớm. Ngay cả đến chuyện vợ chồng gần gũi, anh cũng chưa bao giờ đụng tay đến người chị. Có hôm chị cảm thấy nhục nhã khi anh bắt chị vào tắm lại vì cảm thấy có mùi mồ hôi chua chua, hay đầu khét vì có mùi khói bún chả. Chị nhận xét anh không xấu, không tệ bạc, nhưng kiểu sống của anh khiến chị ức chế, nhiều lúc phát điên, muốn phá tung, vỡ toang cho hả.
          Không ai ca ngợi cái sự bất hiếu, ăn nói thiếu lễ độ với cha mẹ, người thân, nhưng chị Hương Trà thì bảo chồng chị mắc bệnh "ngoan quá hóa nhu nhược". Gần 40 tuổi rồi mà anh chưa quyết định được điều gì, cái gì cũng "xem mẹ bảo thế nào đã". Bố mẹ chồng, vợ chồng anh chị với hai đứa con và cô em chồng là "mẹ đơn thân" ở chung căn hộ tập thể cũ, xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đùng một cái cô em đòi bán nhà để chia ra, mỗi người thêm một ít, mua chỗ khác ở rộng rãi hơn, độc lập hơn. Bố mẹ chồng đồng ý, tất nhiên chồng chị chẳng dám có ý kiến nào khác. Bán nhà, bố mẹ chia ba phần, cô em gái một phần, còn hai phần ông bà và vợ chồng anh chị lại ở chung trong một căn hộ mua ở chỗ khác. Cô em cầm phần tiền của mình, đi thuê nhà để ở chứ không mua. Ở nhà thuê được 5 tháng, một hôm cô ấy dọn về ở cùng ông bà và vợ chồng anh chị, với lý do thuê nhà "tốn tiền ra phết". Khi chị đi vắng, chắc ông bà bàn với anh, cho cô em gái vào ở căn phòng của anh chị vẫn nằm, còn chiếc giường của anh chị được lôi sang phòng khác, kê sát giường ông bà. Chị bảo: "Hãy tưởng tượng, căn phòng bé tí tẹo, hai chiếc giường đôi sáng hàng, buổi tối hai đôi vợ chồng nằm nhìn nhau à? Chỉ thương hai đứa con, mỗi đứa một tấm đệm, tối mới trải ra nền nhà, ngủ ngay dưới chân ông bà và bố mẹ". Chuyện nhà chật, khó khăn thì đành chấp nhận, nhưng chị nói rằng không phải vợ chồng anh chị không có tiền. Anh chị có tiền, nhưng chồng chị bảo sổ tiết kiệm gửi mẹ chồng cầm, mà mẹ anh thì không cho rút ra để mua nhà          . Mẹ chồng chị luôn luôn nói rằng: "Ăn hết lắm chứ ở hết bao nhiêu. Cứ ở chung với bố mẹ, sau này bố mẹ già, chết đi thì chúng mày tha hồ rộng rãi". Chị ngán ngẩm nói rằng, không lẽ lại mong ông mà mất sớm để rộng nhà, mà sống thế này cơ cực quá, đợi các cụ già thì mình cũng sắp hết đời. Chị kết luận, tất cả là do cái tính ngoan ngoãn quá tới mức nhu nhược của chồng chị, chị ao ước có người đàn ông dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, chứ chồng như thế này "có cũng như không"!

          Hiền lành quá, thật thà quá, cả tin quá, ngờ nghệch quá, nói khoác, nói nổ nhiều quá, chiều chuộng con quá, khỏe quá, yếu quá... cũng là những lý do khiến nhiều người phụ nữ muốn "thanh lý" chồng mình, nhưng không phải lúc nào cũng muốn là được. Hóa ra ở đời, được là người bình thường cũng rất hạnh phúc, mọi thứ "quá mức" đều là bất hạnh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét