Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Đinh Đoàn kể chuyện 28: DÙ KHÔNG MUỐN, CUỘC SỐNG BUỘC TA PHẢI LÀM ĐIỀU NÀY

??? Hôm trước tôi có được mời đi dự hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con cái, hướng dẫn cha mẹ dạy con tự bảo vệ mình. Diễn giả là một nhà tâm lý – giáo dục có nói rằng chúng tôi cần dạy con mình cảnh giác với người lạ, phải biết từ chối mọi lời đề nghị giúp đỡ, tặng quà hay những cử chỉ thân thiện, yêu quý của người lạ. Dù con còn nhỏ, chúng tôi phải dạy con nhớ số điện thoại 113 của công an, 114 của cứu hỏa, 115 của cứu thương và số điện thoại của cha mẹ, người thân. Diễn giả nhắc chúng tôi không nên nhờ người lạ trông con, không để con rời tay cha mẹ khi đi siêu thị hay khu vui chơi, không gửi con cho hàng xóm trông giúp, nhất là hàng xóm có những thanh niên mới lớn, có người nghiện ma túy, nghiện rượu. Đặc biệt, diễn giả còn nhắc chúng tôi không thuê gia sư là người khác giới để dạy con mình và dù là gia sư cùng giới, khi con học cũng phải mở cửa để cha mẹ giám sát hoạt động dạy và học của con. Càng nghe, tôi càng thấy ù cả tai, không hiểu diễn giả có nâng cao quan điểm, quan trọng hóa vấn đề quá không? Trẻ nhỏ, chúng tôi mong muốn con nhanh nhẹn, tự tin, cởi mở, thân tình với mọi người, nhưng giờ lại phải dạy những điều nêu trên, quả thật có điều gì đó trái ngược với chủ trương giáo dục? Không biết những điều nêu trên, nhà trường, thầy cô giáo có dạy các con không mà lại yêu cầu chúng tôi là phụ huynh phải dạy con mình? Nếu phải dạy, nên dạy con từ lứa tuổi nào? Trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học làm sao hiểu được những điều chúng tôi dạy dỗ trẻ? Rất mong nhận được sự chia sẻ, giải thích về điều băn khoăn của tôi từ phía các chuyên gia tư vấn!
***  Đọc xong thư tâm sự của bạn, tôi chợt nhớ đến lời của một bài hát, trong đó có câu: "Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng". Dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, muốn có cuộc sống bình yên, làm ăn, cấy cày, không muốn phải cầm súng chiến đấu, thậm chí phải hy sinh, nhưng chúng ta buộc lòng phải tự vệ, bởi kẻ thù đâu có để ta yên.
          Ai cũng mong cuộc sống bình yên, an toàn khi ở nhà cũng như ra ngoài xã hội. Mọi người mong muốn sống với nhau bằng tình yêu thương, sự tin cậy, gặp hoạn nạn có người dang tay cứu giúp, ra  đường ai cũng muốn "thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà đi". Nhưng xã hội chúng ta đang trong giai đoạn phát triển, kinh tế ngày càng khá giả hơn, song bên cạnh đó cũng xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực. Trẻ em đang đối mặt với những nguy cơ mà trước đây không có hoặc rất hiếm gặp như nạn xâm hại tình dục, bắt cóc, bị đánh đập. Dù các cơ quan thực thi pháp luật cũng ra sức làm việc để ngăn ngừa, phát hiện, đẩy lùi và trấn áp những tội phạm kể trên, song hơn ai hết, mỗi người phải học cách tự bảo vệ bản thân trước khi có sự trợ giúp của người khác. Đó là lý do đây đó, ngoài đời cũng như trên mạng xã hội đang "dấy lên phong trào" hướng dẫn cha mẹ dạy con kỹ năng tự bảo vệ bản thân, mà hội thảo mà bạn được mời tham dự đã nêu cũng là một trong những hoạt động của "phong trào" ấy!
          Kẻ bắt cóc trẻ con, thủ phạm xâm hại tình dục, đánh đập trẻ em... thường mang bộ mặt thân thiện, giả vờ tốt bụng để tiếp cận trẻ, làm trẻ không nghi ngờ gì, rồi lợi dụng sơ hở chúng ra tay. Tránh xa, lường trước, không để rơi vào cạm bẫy kẻ gian là tốt nhất, song nếu chẳng may bị kẻ gian bắt cóc hay nhờ người khác trợ giúp, thì việc khai báo tên tuổi, địa chỉ, tên và số điện thoại của bố mẹ là cần thiết. Với trẻ đã lớn, biết số điện thoại của công an, cứu hỏa, cứu thương và của người thân không bao giờ là thừa. Dù không vơ đũa cả nắm, song đây đó có những vụ xâm hại tình dục trẻ em do chính những "gia sư", nhiều khi chỉ là những sinh viên năm thứ nhất, thứ hai.. thực hiện. Có thể người gia sư không có ý định xấu từ trước, nhưng trong hoàn cảnh nhất định, cái ác, tính gian có cơ hội lộ ra. Chẳng hạn, một cô học trò lớp 5, lớp 6, ngồi gần với "thầy gia sư" còn trẻ, đang tuổi ăn, tuổi ngủ, "tự nhiên" tính xấu trong "ông thầy" trỗi dậy, nên dễ làm liều. Hiện tượng ấu dâm đồng giới cũng đã và đang manh nha xuất hiện, nên ngay cả gia sư cùng giới tính với học sinh cũng cần giữ khoảng cách. Đó là lý do diễn giả nhắc phụ huynh yêu cầu mở cửa khi học và "để mắt" đến con...
          Tất cả những điều diễn giả trao đổi với các bậc phụ huynh hôm đó không thừa, không sai, không phản giáo dục, tuy rằng nó khiến chúng ta buồn lòng. Như trên tôi đã trao đổi, biết là việc chẳng muốn làm, nhưng cuộc sống buộc ta phải học, phải thích nghi.
          Bạn có hỏi dạy con ở tuổi nào là vừa? Tôi nói ngay, tuổi nào cũng có thể dạy trẻ, tuy nhiên, tùy theo lứa tuổi của con mà cha mẹ có cách dạy khác nhau. Với trẻ nhỏ, chỉ nhắc và yêu cầu làm, tạo thành thói quen, không cần giải thích sâu là tại sao phải làm thế. Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể giải thích rằng con làm điều đó là vì lý do nào. Dạy con không chỉ là "nói miệng", mà cần tạo cơ hội để con cái thực hành, tập dượt cách xử lý tình huống. Đây là những kỹ năng sống cần thiết, chứ không chỉ là kiến thức, hiểu biết.
          Nhà trường, các thầy cô giáo cũng dạy các con hàng ngày, tuy không nhất thiết phải có tiết, có giờ cụ thể. Tuy nhiên, cha mẹ là người gần gũi con mình nhiều nhất, hãy là "những người thầy tích cực" của con. Đây cũng là chủ trương phối hợp gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ em mà chúng ta thường ngày vẫn nói, vẫn nhắc.

Đinh Đoàn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét