Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Đinh Đoàn kể chuyện 27: HỌC CÁCH THA THỨ

Giận con vì yêu sớm, người bố đã chụp ảnh, bêu xấu con khắp nơi. Hận vì xin tiền chơi game không cho, cậu con trai ra tay sát hại người mẹ ruột của mình. Con nghiện ma túy, cai mãi lại tái nghiện, người cha bất lực đã dùng dao chém con trọng thương. Nghi người yêu có bạn trai mới, một thanh niên ra tay tàn độc với bạn gái. Giận đồng nghiệp vì tranh mất chức tổ trưởng của mình, một người đã viết đơn nặc danh, tố cáo người đó gửi khắp nơi... Mọi tội lỗi trên đời do sân hận mà ra. Để hạn chế và đẩy lùi cái ác và những hành động vi phạm pháp luật, cần tu dưỡng nhiều thứ, trong đó có việc học cách tha thứ.
Tha thứ là một việc làm không dễ dàng, nó được ví như một con đường dài, gian nan, không ít người bỏ cuộc. Tuy nhiên, bạn hãy thử bắt đầu những việc làm sau:
Tập thư giãn.
Khi lòng ta đầy hận thù, đầu óc ta chẳng tỉnh táo, nên thường không làm chủ được bản thân. Người xưa cũng bảo “giận quá mất khôn”. Chính vì vậy, công việc đầu tiên bạn cần làm là tập thư giãn. Thư giãn không có nghĩa là nằm ngủ hay nghỉ một cách thụ động, mà là một cách điều chỉnh suy nghĩ, học cách tập trung tư tưởng và điều khiển bản thân.
          Hãy chọn nơi nào đó yên tĩnh, vắng vẻ. Hãy nằm hay ngồi một cách thoải mái nhất. Hãy nhắm mắt, thả lỏng tay chân và cơ bắp và lắng nghe tiếng nhạc dịu dàng phát ra từ chiếc cát xét. Bạn cố giữ cho đầu óc tỉnh táo, đừng ngủ thiếp đi, mà hãy tưởng tượng đến những điều tốt đẹp. Chẳng hạn bạn hãy nhớ lại buổi hai bạn gặp nhau lần đầu tiên, nhớ những lời tốt đẹp người ấy từng nói với mình, nhớ lại những kỉ niệm hai người đã có với nhau, nhớ những lúc gặp khó khăn, hai người đã cùng nhau vượt qua như thế nào. Mỗi lần tập 15 phút, sau tăng thời gian lên. Bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ nhõm, mềm lại sau khi bài tập kết thúc. Đó là cách “cài đặt lại” đầu óc của bạn, giống như người ta cài đặt lại máy tính khi nó bị nhiễm virus nặng ấy mà!
Hãy thay đổi nếp sống thường nhật.
Bạn có thể đi du lịch một mình, về quê chơi ít ngày, đến thành phố khác thăm bạn bè, người thân. Nếu không có điều kiện như vậy, bạn hãy thay đổi nếp sống thường nhật. Thay vì mỗi sáng bạn dậy nấu mì tôm cho cả nhà, nay bạn cho phép mình ngủ dậy muộn và “tuỳ nghi di tản”, ai ăn sáng cái gì cũng được. Thay vì cô giúp việc lau dọn nhà cửa, bạn hãy tự làm việc ấy. Nếu bạn vốn có thói quen giặt quần áo ở tiệm, hay giặt máy, nay bạn tự làm việc ấy bằng tay. Nếu bạn vốn dị ứng với người uốn tóc, ép tóc, nay bạn thử làm điều ấy để thay đổi diện mạo của mình. Bạn chưa bao giờ mặc váy, sao không thử mua một hai chiếc váy để diện, để thấy mình mới mẻ hơn.
          Nếu sự nhàm chán, tù túng khiến bạn khó chịu thì sự mới mẻ giúp bạn mở lòng, thay đổi suy nghĩ cứng nhắc. Làm được điều này, bạn đang “đổi mới” hay “refresh” bản thân, giống như người ta refresh máy tính mỗi lần thấy máy bị “đơ” hay chạy chậm, treo máy.
Đặt mình vào hoàn cảnh của “kẻ phạm tội”.
          Nhiều người chỉ biết lên án người khác, nhưng nếu có dịp suy nghĩ kĩ, đặt mình vào hoàn cảnh người ấy, chưa chắc bản thân mình không mắc lỗi. Người xưa thật công bằng và nhân hậu khi nói “lòng vả cũng như lòng sung”, ai cũng có thể mắc sai lầm, đừng lớn tiếng mạt sát, phê phán người khác nếu chưa thật sự hiểu hoàn cảnh “phạm lỗi” của người ta.
          Người ta nói đằng sau mỗi kẻ phạm tội là cả một câu chuyện bi ai. Hãy vén bức màn bí ẩn che lấp những số phận, đừng chỉ nhìn vào lỗi lầm. Sau những lần thử đặt mình vào hoàn cảnh của “kẻ mất nết”, có thể bạn sẽ nhẹ nhõm hơn, vị tha hơn.
Nhìn lại bản thân.
Bạn hãy tự trả lời câu hỏi bạn đã là người hoàn hảo chưa? Có bao giờ bạn cũng mắc lỗi lầm không? Có bao giờ bạn làm đau lòng người khác không? Người ta đã tha thứ cho bạn thế nào? Con người không có ai hoàn hảo, kể cả vĩ nhân. Vì vậy nếu anh ấy, cô ấy, cậu ấy ( hay bất cứ ai khác) có phạm lỗi lầm cũng là điều không quá khó  hiểu.
          Bạn cũng tự vấn mình xem trong lỗi lầm của “kẻ kia”, có phần nào trách nhiệm của bạn? Bạn có vô tâm tới mức con nghiện nặng mới phát hiện ra? Bạn có sơ ý không khi cho con tiền mà không giám sát, kiểm tra việc ăn tiêu của nó? Bạn có "bình thường" không để cho sự ganh ghét, đó kỵ ngày càng lớn lên trong cô bạn, anh bạn đồng nghiệp?
          Đằng sau lỗi lầm của người này có một phần trách nhiệm của người kia. Điều này rất đúng trong cuộc sống gia đình và ngoài xã hội. "Bụt ở trên tòa, gà nào mổ mắt" là vậy.
Làm một vài việc có tính chất “lễ nghi”.
Con người rất coi trọng lễ nghi. Tại sao phút giao thừa người ta phải bắn đại bác? Vì sao phải có “thủ thuật” cắt băng khánh thành? Tại sao chia tay người quá cố, người ta đi vòng quanh mộ, ném lên đó một nắm đất? Tại sao khi giận nhau, người ta lại lôi thư hay kỉ vật ra đốt? Con người tin rằng sau những công việc có tính lễ nghi như vậy, mọi việc sẽ rõ ràng hơn, linh thiêng hơn. Lời thề chung sống trọn đời ở nhà thờ, trước mặt đức cha, hay trước bàn thờ phật, bàn thờ tổ tiên … thiêng liêng hơn việc cùng nhau “kí xoẹt một cái” vào tờ hôn thú ở phòng đăng kí kết hôn.
          Vậy tại sao bạn không thử bắt kẻ có lỗi viết “bản kiểm điểm”, rồi nói lời hứa hẹn “hoàn lương”, rồi cùng nhau đốt tờ kiểm điểm đó đi, coi như lễ nghi “khép lại quá khứ”? Sao bạn không thử mắng mỏ anh ấy lần cuối, dặn dò rằng “đây là lần cuối cùng em tha thứ”, rồi ném một hòn đá xuống nước… coi như hoá giải hận thù? Đây là một vấn đề tâm lý mà không phải ai cũng nhận ra.
          Tha thứ và quên hẳn là hai việc khác nhau. Có thể bạn chẳng bao giờ quên được nỗi đau ấy, nhưng tha thứ cho kẻ đã gây ra nỗi đau, không bao giờ nhắc lại nữa. Còn nếu bạn nói “tôi tha thứ”, song bạn vẫn đay nghiến, vẫn hậm hực, vẫn nhắc lại... là bạn vẫn ôm  trong lòng quả bom nổ chậm của lòng thù hận.
Đinh Đoàn





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét