Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Đinh Đoàn kể chuyện 21: TÁI HÔN VỚI NGƯỜI GIÀ - XIN ĐỪNG GIÀU TRÍ TƯỞNG BỞ


Có nhiều cuộc hôn nhân muộn mằn giữa những người cao tuổi kết thúc có hậu, khiến người ta phải thốt lên rằng, “đúng là tình yêu không có tuổi”. Tuy nhiên, cũng không ít những cuộc hôn nhân với những “cụ ông” gần đất xa trời để lại cho chị em phụ nữ những cay đắng tưởng chừng như không thể nào chịu đựng nổi, khiến cho những năm tháng còn lại cuối đời trở nên nặng nề, u ám…
NGÔI NHÀ LUÔN ĐÓNG CỬA
          Ngôi nhà nhỏ ấy ở cạnh nhà tôi, đã đóng cửa gần 7 năm nay, bỗng nhiên lại sáng đèn vào ban đêm. Chủ nhân của ngôi nhà ấy là một góa phụ ngoài 50 tuổi, đã “xuất giá tòng phu” gần bẩy năm, tại sao giờ lại có người đến ở? Hay chị chủ nhà đã bán cho người khác? Hay chị cho thuê mà không cho tôi – một hàng xóm thân thiết của chị biết. Những câu hỏi ấy khiến tôi tò mò, len lén gõ cửa, nhưng không có ai mở cửa. Tôi nghe thấy tiếng bước chân người đi nhè nhẹ, nhưng tại sao tôi gọi lại không có ai thưa? Lẽ nào đây là kẻ gian, tự ý đột nhập vào căn nhà bỏ không để “ở tạm”? Tôi leo lên gác hai, đứng ở ban công, cố gắng “tia mắt” qua kẽ tường nứt, phát hiện ra người ở trong nhà chính là chị chủ nhà. Thấy có điều lạ, tôi kiên quyết gõ cửa, gọi to tên chủ nhà, hồi lâu chị đành mở cửa. Cửa vừa mở, chị kéo tôi vào nhà, ôm chầm lấy tôi, òa khóc và nói: “Chị khổ quá em ơi, chị xấu hổ  quá, ai ngờ đời chị nó lại nên cơ sự này? Ngày trước em can chị, chị không nghe, nên chị về cả tuần nay mà xấu hổ không dám gặp em…”.
          Trước đây chị Hòa là dân “thanh niên xung phong”, xuất ngũ, chuyển ngành, được nhận về làm nhân viên văn phòng. Hình thức trung bình, cha mẹ mất sớm, ít anh ít em, chị Hòa sống lắng lẽ như cái bóng cho đến một ngày có một anh thương binh cho chị niềm vui “lên xe hoa”. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, hạnh phúc chưa được bao lâu, anh chồng ốm nặng rồi mất, chị trở thành góa phụ khi chưa kịp có đứa con nào. Trước chị lặng lẽ, sau ngày chồng mất, chị còn âm thầm, lặng lẽ hơn. Ban ngày đi làm, tối về một mình một mâm cơm, một cái đài con con, một chiếc ti vi đen trắng cơ quan thanh lý cho. Cùng là phụ nữ, chị hơn tôi không nhiều tuổi, nên tôi là người duy nhất trong khu tập thể được chị cho “làm bạn”. Tôi cũng là người đích thân kéo chị tham gia câu lạc bộ phụ nữ đơn thân, câu lạc bộ “một mình vẫn vui”. Có dạo tôi còn đưa chị đi vũ trường để chị có cơ hội “cọ sát” với mấy anh lớn tuổi cho vui. Tôi cũng là người tư vấn cho chị nhận nuôi một đứa con cậu em trai của chị, nhà cậu ấy đông con, kinh tế khó khăn, lợi cả đôi đường, vừa đỡ cho gia đình cậu em một miệng ăn, vừa cho chị bớt cô quạnh, nhưng chị bảo “ở một mình quen rồi, có thêm người khác, khó chiụ lắm”.

 Bẵng đi một thời gian, chị khoe đồng thời hỏi ý kiến tôi về vụ chị có nên đi bước nữa không. Ban trai mới của chị mới hơn 70, con cái đầy đàn đầy đống, kinh tế khá giả. Anh ấy bị biến chứng tiểu đường, lại hai lần đột quỵ, bây giờ chỉ ăn nằm một chỗ, có người cơm bưng nước rót, nhưng đầu óc anh ấy còn minh mẫn, tính tình xởi lởi, ăn nói hóm hỉnh. Cái hay chính là mấy đứa con của anh rất ủng hộ anh ấy việc tái hôn. Đích thân hai cậu con trai và một cô con dâu đến nhà chị bàn bạc công việc. Chúng bảo nếu chị thương bố họ, thì về làm bạn với ông ấy, sớm chiều có người ở bên cho ông ấy đỡ buồn, “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Chúng còn bảo chúng là những người “tiên tiến hiện đại”, không có phân biệt dì ghẻ con chồng, chúng sẽ yêu thương chị như mẹ của chúng. Nếu chẳng may “anh ấy” mất sớm, chúng cũng sẽ chăm sóc, lo toan mọi chuyện cho chị đến cuối đời. Căn phòng của “ông ấy” sẽ là căn phòng riêng của chị, chị sẽ ở đó để hàng ngày hương khói cho chồng…. Tôi nghe chị kể về hoàn cảnh của “người chồng tương lai” của chị mà thấy “sao sao” trong lòng, nhưng giọng kể của chị đầy hào hứng, đầy hy vọng. Tôi khuyên chị nghĩ kỹ, bởi chị sẽ được gì từ cuộc hôn nhân ấy? Chị cũng có nhà để ở cơ mà? Tại sao đang sống quen một mình, chị lại có ý chấp nhận sống chung với đại gia đình của anh chồng bại liệt như thế? Họ cần gì ở chị? Ông cụ có thực sự cần người vợ? các con, các cháu của ông có cần người mẹ kế, người bà nội hay không? Liệu có phải họ đang muốn có một người giúp việc mà không muốn trả tiền công? Phân tích điều hơn, lẽ thiệt với “người đang yêu”  quả là quá khó. Chị vẫn có vẻ muốn “lên xe hoa” lần nữa với anh chồng ăn nằm một chỗ, với niềm hy vọng được lên chức “bà nội” của đàn cháu của ông cụ. May mắn, tôi chị khuyên chị được một điều là không bán căn nhà nhỏ để “góp vốn” với gia đình chồng, mà cứ để đấy, cho thuê hoặc bỏ không cũng được, để phòng rủi ro…

Họ làm vài mâm cơm liên hoan và đón chị về với chồng. Chăm chồng ròng rã gần ba năm, rồi anh cũng bỏ chị mà đi. Ba năm làm vợ, không một ngày ngủ cùng nhau, không một cử chỉ vợ chồng, công việc của chị chỉ là lật mông chồng lên thay bỉm cho anh, giặt những chiếc quần anh “ị đùn” ra, kiên nhẫn xúc cho anh từng thìa cháo, mất điện thì ngồi cạnh anh quạt cho anh ấy ngủ, vậy mà khi anh mất, chị cũng được “các con” cho lên chức “bà quả phụ”, là trưởng ban tang lễ. Chồng chị mất được nửa tháng thì cô con gái út của chồng sinh con thứ hai, họ mời chị vào Đắc Lắc trông cháu vài tháng, vừa là giúp “con gái”, vừa là để chị nguôi ngoai nỗi buồn nhớ ông (ấy là chúng bảo thế). Khi “cháu ngoại” của chồng cứng cáp, chị lại lên xe về Hà Nội để chuẩn bị đón đứa cháu nội thứ tư của cậu con trai thứ hai. Chị lại nhập vai bà nội trông cháu hết sức hoàn hảo. Đến khi đứa cháu tròn hai tuổi, chuẩn bị đi nhà trẻ, gia đình chị có một cuộc họp “nhiều thành phần”. Cậu con trai trưởng nói ngay:

- Thôi, chúng tôi “nói thế này cho vuông” nhé, cảm ơn cô đã thương bố chúng tôi, hết lòng lo cho ông những năm cuối đời, lại vất vả vì các cháu. Chúng tôi bàn bạc với nhau kỹ rồi, chúng tôi sẽ “giải phóng” cho cô, bởi cũng chẳng có lý do gì chúng tôi để cô ở lại ngôi nhà này. Chúng tôi cho cô ba ngày để thu dọn đồ đạc, thắp hương cho bố chúng tôi, rồi cô hãy về cái nơi cô đã đến đây ấy, đó mới là chỗ của cô..
      Cậu con trai thứ hai rút ở túi ra cái nhẫn hai chỉ, nói: “Thật ra cô cũng vất vả, nhưng dù sao chúng ta cũng là người nhà. Chúng tôi biếu cô cái nhẫn hai chỉ, cái nhẫn chúng tôi mua hôm đón cô về, định để bố tôi trao cho cô coi như nhẫn cưới, nhưng luống cuống thế nào lại quên. Thôi bây giờ ông tôi đã mất, cô giữ lấy làm kỉ niệm…”.
          Chị Hòa nghẹn ứ cổ, không thể nói câu gì, thậm chí chị không thể khóc được nữa. Chị không ngờ có ngày hôm nay. Nhưng họ đã nói thế, chị còn ở đây làm gì. Chị nói với “những đứa con chồng” rằng ngay ngày mai chị sẽ đi, không cần ba ngày. Chị chỉ xin chúng cho chị mâm cơm để chị cúng chồng, mong ông ấy phù hộ cho chị mạnh khỏe, sống nột quãng đời còn lại trong bình yên. Chị không dám trở lại nhà mình vào ban ngày, sợ gặp hàng xóm, phải trả lời những câu hỏi không đáng hỏi, nên chị lẻn về nhà mình vào ban đêm. Chị đóng kín cửa, sống một mình trong đó mấy ngày, cho đến khi tôi phát hiện ra và có cuộc gặp gỡ kể trên.
       Rất thương chị, nhưng tôi vẫn phải nói bô lô, ba la cho chị đỡ ngượng rằng: “thôi, nó là cái nợ kiếp trước, chị phải gặp anh ấy để trả. Giờ nợ đã trả xong, chị cứ bình tĩnh, giữ gìn sức khỏe, rồi em lại đưa chị đi các câu lạc bộ, tham gia công tác xã hội ở khu dân cư…”. Chị cười mà như mếu…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét